Con số này có thể cần nhiều hơn, vì theo ước tính của một số Hiệp hội Tâm lý học đường thế giới (như Mỹ) thì tỷ lệ học sinh/chuyên viên tâm lý học đường nên ở mức 700/1.
Thực tế đáng suy ngẫm
Xây dựng, phát triển các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ tâm lý học đường cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Các nghiên cứu về tổn thương sức khỏe tâm thần ở trẻ em tuổi học đường cho thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức. Ước tính có khoảng 13% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10 - 19 đang có dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần ở mức đáp ứng chẩn đoán rối loạn tâm thần.
Khoảng 19% người từ 15 - 19 tuổi cảm thấy chán nản, không thích làm gì trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, lo âu, trầm cảm tăng khoảng 40% trong thời gian qua (khi đại dịch Covid bùng phát). Nhiều người mức tổn thương chưa đáp ứng rối loạn nhưng làm gián đoạn cuộc sống và có những ảnh hưởng cụ thể đến sức khỏe nên chưa được ghi nhận.
Có nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái tự cô lập sau khi giãn cách quá lâu, khiến các kỹ năng sống bị cùn mòn và cản trở cá nhân quay trở lại với cuộc sống thực. Trên thực tế, có hơn 80% học sinh đã tìm kiếm các tài liệu tự giúp đỡ trên mạng và muốn được hỗ trợ tâm lý nhưng không có các dịch vụ sẵn sàng.
Trong cộng đồng, các dịch vụ sức khỏe tâm thần tuyến đầu không có hoặc thiếu thốn. Vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần đang bị kỳ thị, hiểu lầm (như những người thiếu ý chí, lười biếng, không có động cơ, không biết vượt qua chính mình)... Việt Nam chưa có tính toán và cũng chưa lường trước được về những tổn thất tài chính do các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần cho trẻ em…
Chúng ta đang hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc để phát triển người học một cách tốt nhất. Chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể được xem như là một quyền cơ bản của trẻ, và là yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Rất cần xây dựng môi trường học tập lành mạnh để trẻ học được các kỹ năng quan trọng, tăng cường sức khỏe của trẻ và phòng chống bắt nạt, bạo lực, căng thẳng.
Cần có một kiến trúc sư thiết kế, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường để phòng ngừa, quản lý rủi ro; triển khai các chương trình giáo dục phòng chống bạo lực, xây dựng các chương trình hòa giải ngang hàng; sơ cứu tâm lý trong trường học khi gặp các sự cố; hỗ trợ giáo viên và cha mẹ trong việc sử dụng kỷ luật tích cực và can thiệp các vấn đề tâm lý, chuyển tuyến với các vấn đề rối loạn tâm thần nặng.
Cần xây dựng chuẩn nghề nghiệp
Thực tế triển khai các hoạt động bồi dưỡng năng lực tham vấn học đường cho giáo viên trong thời gian qua theo Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT cho thấy, chất lượng của người học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong các nhà trường nếu không được các chuyên gia (là nhà tâm lý giám sát quá trình làm việc trong ít nhất là 1 năm).
Hiện tại, giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực tâm lý mới chỉ thực hiện được các nhiệm vụ như: Chốt sàng lọc đầu tiên để nhận diện vấn đề, các nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần ở học sinh và triển khai một số hoạt động giáo dục kỹ năng cho toàn trường hoặc khối lớp. Tất cả mô hình tham vấn học đường thành công tại các trường đều có thêm sự hỗ trợ từ các dự án NGO (Tổ chức phi chính phủ); hoặc có chuyên viên tâm lý được đào tạo chuyên sâu (thạc sĩ tâm lý học lâm sàng hoặc tham vấn học đường) triển khai; hoặc được giám sát liên tục bởi các chuyên gia tâm lý lâm sàng tại trường đại học.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, để đạt được mục tiêu 95% cơ sở giáo dục có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 (đặt ra trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của ngành Giáo dục), nhà trường cần xã hội hóa các dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường, cũng như thực hiện các chính sách để thúc đẩy mã nghề và chứng chỉ cấp phép hành nghề cho các nhà tâm lý học học đường.
Một thuận lợi là, từ 26/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, có xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634), hiệu lực từ 15/1/2021. Nhưng sẽ cần tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho các nhà tâm lý học học đường. Cần xây dựng cơ chế để sớm cấp chứng chỉ hành nghề, tạo ra một con đường nghề nghiệp có triển vọng cho ngành này, bổ sung vào nguồn nhân lực các nhà tham vấn tâm lý trong tương lai.
Còn trong ngắn hạn, để xây dựng dịch vụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho học sinh, nhà trường cần cởi mở với các nguồn lực xã hội hóa. Tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư xây dựng mô hình tham vấn học đường đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học. Các phòng/sở GD&ĐT cần thành lập nhóm gồm các chuyên gia tâm lý có trình độ, kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ cho nhiều cụm trường; từ việc lên kế hoạch hoạt động, giám sát giáo viên đã được bồi dưỡng năng lực và nhận ca tham vấn can thiệp trực tiếp cho những trường hợp nặng.