Công tác xã hội trong trường học: Gỡ “nút thắt” cho học trò

GD&TĐ - Bên cạnh việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, mô hình công tác xã hội (CTXH) trường học hỗ trợ giảm thiểu vấn đề bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện.

Công tác xã hội trong trường học được nhiều nhà trường quan tâm trong thời gian gần đây.
Công tác xã hội trong trường học được nhiều nhà trường quan tâm trong thời gian gần đây.

Huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh

Trường THCS Phương Trung (huyện Thanh Oai) là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình CTXH trường học của thành phố Hà Nội. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa, diễn đàn trẻ em... nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên về vai trò, tầm quan trọng của CTXH trong trường học. Các thầy cô thường nắm bắt tình hình học sinh qua bạn học. Nhờ các đầu mối này, giáo viên dễ dàng phát hiện khi học sinh trong lớp có vấn đề bất thường.

Ngoài ra, kinh nghiệm của Trường THCS Phương Trung cho thấy một kênh rất hiệu quả để có thể phát hiện sớm các vấn đề của học sinh là qua Confession – học sinh được đăng tải ẩn danh nên các em có thể thoải mái và thẳng thắn hơn trong việc chia sẻ. Nhờ đó, hoạt động phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm có thể triển khai hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Chính - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Trung - cho biết: Vẫn còn khoảng trống về các hoạt động can thiệp, trợ giúp trong trường học. Điều này rất cần có các tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để hỗ trợ học sinh, giúp các em được hòa nhập trong môi trường giáo dục một cách tốt nhất.

Trong nhiều trường hợp, khả năng phát hiện, phòng ngừa, can thiệp và phát triển của trường học nói chung và giáo viên nói riêng sẽ tốt hơn gia đình, bởi không phải gia đình nào cũng có đủ hiểu biết, năng lực và nguồn lực để hiểu và hỗ trợ con em mình khi gặp vướng mắc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, do truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, các trường học với uy tín của mình cũng khá thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh.

Có thể kể đến trường hợp em N.V.D do hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn bỏ học, các thầy cô đã hỗ trợ, tư vấn và cùng em tìm cách tháo gỡ. Còn em L.A.M có tâm lý sợ đi học vì bị bạn bắt nạt, các thầy cô đã tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết.

N.V.D, cựu học sinh Trường THCS Phương Trung, chia sẻ: “Thời gian học tại trường, các thầy cô giáo đã hỗ trợ em rất nhiều. Đặc biệt là trong thời gian gia đình em có sự cố, em muốn nghỉ học, nhưng nhờ các thầy cô hỗ trợ tư vấn tâm lý, chỉ bảo những đường đi, lối bước, em đã vững vàng hơn trong cuộc sống. Sau khi ra trường, em theo học trường nghề và hiện có thu nhập ổn định. Em biết ơn các thầy cô rất nhiều”.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, xã hội càng phát triển, đời sống xã hội cũng càng trở nên phức tạp và trong nhiều tình huống, các vấn đề xã hội này sẽ được học sinh mang theo vào trường học, trở thành rào cản khiến các em khó có thể tiếp thu được lợi ích của tiến trình giáo dục.

Khảo sát việc triển khai hoạt động CTXH tại trường học rất hữu ích trong việc hỗ trợ các học sinh gặp khó khăn, giúp các em có thể vượt qua các rào cản để có thể tiếp thu được các lợi ích của tiến trình giáo dục. Như nhận xét của thầy cô, để học sinh có thể theo học trên lớp, giáo dục có thể đạt được hiệu quả mong muốn thì việc dạy học là không đủ.

Tìm đúng người, được hỗ trợ đúng phương pháp

Học sinh hiện nay gặp nhiều vấn đề, thách thức trong cuộc sống khiến việc học tập của các em bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp cần hỗ trợ vật chất, tinh thần để có thể theo học trên lớp. Với trường hợp đặc biệt khó khăn, hoặc là con em của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhà trường còn phải giúp phòng ngừa, ngăn chặn học sinh không bỏ học đi lao động sớm, sa vào tệ nạn xã hội.

Cô Nguyễn Thanh Nga, giáo viên trường THCS tại TPHCM, chia sẻ: Thông tư 33 hướng dẫn CTXH trong trường học đã có sức lan tỏa rộng rãi đến các trường học. Học sinh biết tìm đến đúng người và được hỗ trợ đúng phương pháp.

Nếu như trước kia, các hoạt động được thực hiện tự phát và “bản năng”, do đó khi các em gặp khó khăn thì không biết nên tìm đến đầu mối hỗ trợ ở đâu, và ngược lại, khi các em tìm đến thầy cô được hỗ trợ một cách có hệ thống chứ không phải rời rạc và theo kinh nghiệm như trước kia.

Khẳng định vai trò của CTXH trong trường học, ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - thông tin: Thời gian qua, các đơn vị trường học đã phối hợp tốt với Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm lớp, nhân viên y tế làm đầu mối tham mưu triển khai CTXH tại nhà trường.

Bên cạnh đó, các nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm làm CTXH với nòng cốt là các đoàn viên, đội viên trong trường, lớp để trợ giúp các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia một cách bình đẳng hoạt động giáo dục tại trường học và cộng đồng; hướng dẫn các đoàn viên, đội viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tích cực tham gia hoạt động CTXH trong trường học.

Ngoài ra, các sở GD&ĐT còn phối hợp với cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và nhà trường cũng như gia đình học sinh để tổ chức tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng cho học sinh sau can thiệp hoặc học sinh, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng và kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn thúc đẩy hoạt động CTXH trong trường học.

Ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai - chia sẻ: Mô hình công tác xã hội giúp địa phương nắm rõ nhu cầu hỗ trợ của các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để trợ giúp kịp thời. Đưa mô hình công tác xã hội vào trường học đã góp phần nâng cao nhận thức của học sinh và giáo viên trong các vấn đề xã hội, tác động tích cực tới chất lượng giáo dục toàn diện. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.