Giúp học sinh nhận biết, sử dụng hiệu quả phép tu từ nhân hóa

GD&TĐ - Vì là nội dung mới nên việc nhận biết và sử dụng hiệu quả phép tu từ nhân hóa là mội nội dung khó với học sinh lớp 3.

Giúp học sinh nhận biết, sử dụng hiệu quả phép tu từ nhân hóa

Chỉ ra hạn chế trong việc dạy học nội dung này, cô Phạm Thị Thu Hương - Giáo viên Trường tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định) – cho biết: 

Nhiều học sinh lúng túng trong việc nhận biết biện pháp tu từ nhân hóa. Mặt khác, do khả năng nhận thức mới ở mức độ đơn giản nên các em cảm nhận biện pháp tu từ này chưa tốt. Bản thân giáo viên, cũng lúng túng khi dạy học nội dung này.

Để khắc phục tình trạng trên, cô Phạm Thị Thu Hương cho rằng, trước hết, giáo viên cần giúp học sinh hiểu rõ khái niệm về nhân hóa, cũng như tác dụng của biện pháp tu từ này. 

Sau khi khái quát và củng cố cũng như khắc sâu kiến thức về biện pháp tu từ nhân hóa, giáo viên cần cho học sinh nắm vững và vận dụng ở các dạng phù hợp.

Giúp học sinh hiểu rõ khái niệm về nhân hóa

Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người. Nhân hoá có tác dụng làm cho các sự vật trở nên sống động gần gũi với con người.

Ngoài nội dung cơ bản trên, theo cô Hương, giao viêncó thể nói thêm: Nhân hoá hay nhân cách hoá là một biến thế của ẩn dụ, ở đó người ta chuyển đổi ý nghĩa của các từ ngữ chỉ thuộc tính của con người sang đối tượng không phải con người. Có người cho nhân hoá thực ra là nhân vật hóa, tức là cách biến mọi vật thành nhân vật đối thoại hay như là một nhân vật của mình

Nhân hóa là gọi hoặc tả về tính nết, hoạt động con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn dùng để gọi và tả người.

Về các cách nhân hóa, với nội dung dùng những từ vốn gọi người để gọi sự vật, trước hết giáo viên cho học sinh tập hợp những danh từ (sự vật) chỉ quan hệ thân thuộc của con người như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác, thím, cậu, mợ, …

Sau đó, hướng dẫn học sinh nhận biết những danh từ (sự vật) chỉ quan hệ thân thuộc của con người trong nhóm trên khi đi với một danh từ chỉ con vật, đồ vật, sự vật tự nhiên thì con vật, đồ vật, sự vật tự nhiên đó đã được nhân hóa.

Vơi cách dùng những từ vốn chỉ hoạt động, đặc điểm của người để chỉ hoạt động,đặc điểm của vật, giáo viên cho học sinh tập hợp những động từ chỉ hoạt động của con người, tập hợp những tính từ chỉ tính chất, trạng thái của con người; hướng dẫn học sinh những từ chỉ hoạt động, đặc điểm của con người được gán cho đối tượng không phải là người thì đối tượng đó đã được nhân hóa.

Ngoài ra, còn có cách nhận hóa: Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người; các nhân vật, sự vật tự xưng.

Khắc sâu lý thuyết bằng các dạng bài tập phù hợp

Sau khi khái quát và củng cố cũng như khắc sâu kiến thức về biện pháp tu từ nhân hóa, cô Hương cho rằng, giáo viên cần giúp học sinh nắm vững và vận dụng ở các dạng bài tập sau:

Bài tập nhận biết biện pháp tu từ nhân hóa: Hình thức của dạng bài tập này thường là nêu ngữ liệu qua đoạn văn, câu thơ, câu văn... trong đó có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, từ đó hiểu được nhân hóa là gì.

Dạng bài tập này có thể chia thành các bài tập nhỏ: Nhận diện (tìm) sự vật nhân hóa; tìm từ ngữ thể hiện biện pháp nhân hóa.

Dạng bài tập suy luận, phân tích: Đây là loại bài tập kích thích sự tưởng tượng, luôn sáng tạo cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của biện pháp nhân hóa.

Dạng bài tập tạo lời: Với nội dung này, tạo lời không chỉ yêu cầu đúng mà còn yêu cầu hay. Để làm được điều đó ngoài việc nắm được thế nào là nhân hóa, các cách nhân hóa, học sing còn phải hiểu tác dụng của biện pháp nhân hóa, đòi hỏi người thực hiện phải hiểu biết rất nhiều về sự vật trong thế giới xung quanh.

Do đó có thể hiểu “tạo lời” là một hoạt động thể hiện rõ nhất tính tích cực trong nhận thức của học sinh. Bởi tính phức tạp của nó nên bài tập “tạo lời” về nội dung nhân hóa được cấu tạo đơn giản, dể hiểu và có số lượng không nhiều.

Loại này phân thành các dạng nhỏ sau: Tìm những từ ngữ chỉ người, chỉ đặc điểm, dấu hiệu của con người, điền vào chỗ trống cho thích hợp nhằm diễn tả sự vật bằng cách nhân hóa; Sử dụng biện pháp nhân hóa để diễn đạt lại những câu văn cho sinh động, gợi cảm; tập viết đoạn văn có sử dụng biện pháp nhân hóa.

3 bước tổ chức dạy học các dạng bài tập về tu từ nhân hóa.

Cô Hương cho biết, tổ chức dạy học các dạng bài tập về biện pháp tu từ nhân hóa ở lớp 3 thông thường được thực hiện theo các trình tự:

Bước 1: Nhận diện bài tập. Một học sinh đọc thành tiếng toàn bộ bài tập, cả lớp vừa nghe vừa theo dõi bài tập trong sách giáo khoa để nhận diện ra hình ảnh nhân hóa, sự vật nhân hóa có trong câu văn, câu thơ.

Bước 2: Phân tích bài tập. Sau khi đã nhận ra hiện tượng hình ảnh nhân hóa có chứa trong câu văn câu thơ, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích một trường hợp để tìm ra các yêu cầu của bài tập.

Bước 3: Hướng dẫn bài làm. Học sinh sau khi đã tìm ra được dạng bài thì tự phân tích để hiểu bài tập rồi trình bày bài làm theo ý hiểu của mỗi học sinh.

Bước 4: Tổ chức cho học sinh nhận xét đánh giá kết quả của bài tập để các em nhớ lại một lần nữa kiến thức đã học. Để học sinh có thể tự đánh giá, giáo viên cần nêu các tiêu chuẩn để yêu cầu từng học sinh đánh giá bài mình hoặc bài của bạn theo chuẩn đã nêu…

Một số lưu ý quan trọng

Biện pháp tu từ nhân hóa không chỉ được dạy ở các bài trong phân môn Luyện từ và câu mà phải dạy khi học các môn khác có nội dung nhân hóa, trong cả giao tiếp thông thường. Phân môn thích hơp để tích hợp nội dung này là Tập đọc, Tập làm văn…

Tuy nhiên, cô Phạm Thị Thu Hương lưu ý, để việc rèn kĩ năng sử dụng biện pháp nhân hóa cho học ính đạt kết quả cao, giáo viên cần thường xuyên hướng dẫn học sinh sử dụng biện pháp nhân hóa trong đặt câu, viết đoạn văn để dần dần nâng cao thành sử dụng một cách linh hoạt biện pháp này trong các bài văn miêu tả.

Khi chấm bài , giáo viên nên đọc và chữa lỗi một cách tỉ mỉ, cần gợi ý, hướng dẫn, gợi mở nhiều cách viết để học sinh lựa chọn cách viết phù hợp; hoặc lựa chọn những hình ảnh phù hợp trong câu văn, đoạn văn để học sinh khắc sâu hơn về cách sử dụng biện pháp này trong phân môn Luyện từ và câu.

Để học sinh hứng thú với việc học luyện từ và câu, bên cạnh đưa ra các dạng bài tập phong phú, phù hợp với trình độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên cũng cần tạo ra một môi trường học tập thân thiện, hấp dẫn, lôi cuốn để phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.