Dành thời gian giúp học sinh bù đắp kiến thức
Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Xuân Hương, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Đắk Lắk: Trong thời gian dài học online, học sinh chịu nhiều thiệt thòi so với học trực tiếp. Đơn cử, nhiều môn học ở trường trung học phổ thông đòi hỏi tư duy trừu tượng, có sự tương tác cũng như quan sát, sự mô tả trực tiếp từ thầy cô giáo, một số môn cần có thực hành mới hiểu sâu; điều này là khó khăn khi học trực tuyến.
Bên cạnh đó, học online khiến học sinh giảm cơ hội làm việc nhóm, nếu có cũng khó tương tác được nhiều, dẫn đến kĩ năng làm việc nhóm bị yếu đi.
“Lượng kiến thức mà các em tiếp thu được ở nhiều môn học khi học online chỉ ở mức 70-80% so với học trực tiếp”. Đưa nhận định này, cô Nguyễn Thị Xuân Hương cho biết, nhà trường đã họp bàn và lên phương án kĩ lưỡng để bù đắp cho học sinh khi các quay quay trở lại trường.
Trước hết là động viên cán bộ, giáo viên, để thầy cô tận tâm và tận lực hơn trong việc dạy học. Nhà trường xây dựng kho tài liệu gồm các bài giảng là video của những phần kiến thức trọng tâm. Tài liệu được soạn kĩ, chi tiết, được tải lên trang web của nhà trường để học sinh vào học thêm, khuyến khích học theo nhóm và có kênh giải đáp thắc mắc về các vấn đề bài học.
Nhà trường đồng thời triển khai các hoạt động nhằm hướng dẫn cho học sinh tự học và nâng cao năng lực tự học; để các em khai thác tốt hơn các bài giảng, cũng như những tài liệu mà cán bộ nhà trường cung cấp trên trang web của trường.
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết: Trên cơ sở tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, căn cứ vào kế hoạch năm học của trường và việc đánh giá, phân tích kết quả giáo dục học kỳ I, nhà trường điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giáo dục năm học của học kỳ II năm học 2021-2022 để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2/2022.
Nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học/giáo dục phù hợp với từng lớp học, từng đối tượng học sinh; căn cứ vào kết quả phân loại học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp và có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, khuyến khích học sinh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ học tập; có kế hoạch phụ đạo bổ sung kiến thức cho những học sinh yếu, kém, đặc biệt là những học sinh cuối cấp học.
Bù đắp thiếu hụt kĩ năng xã hội, hoạt động phát triển thể lực
Sau Tết Nguyên Đán, học sinh lớp 7 - 12 của Hà Nội đã quay trở lại trường học sau gần một năm học trực tuyến. Song song với việc đảm bảo các biện pháp an toàn dịch tễ, trường Liên cấp Tây Hà Nội đã triển khai kế hoạch bù đắp kiến thức và kĩ năng thiếu hụt cho học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Chắp, Hiệu trưởng Trường Liên cấp Tây Hà Nội, thông tin: Trong thời gian học trực tuyến ứng phó với tình hình dịch bệnh, nhà trường vẫn giữ nguyên tiến độ chương trình dạy và học, học sinh được học đầy đủ các môn học chính và tham gia kiểm tra đánh giá thường xuyên.
Quay trở lại trường, bên cạnh việc rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để bù đắp kiến thức, trường Tây Hà Nội nhận thấy thiếu hụt lớn nhất chính là kĩ năng xã hội và các hoạt động phát triển thể lực, năng khiếu. Cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà và coi thiết bị điện tử như một người “bạn thân”, toàn bộ hoạt động thể chất và tinh thần của học sinh gần như bị bỏ bẵng.
“Với mục tiêu mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường Liên cấp Tây Hà Nội triển khai chuỗi câu lạc bộ năng khiếu Happy Day. Thay vì các môn văn thể mĩ vẫn được coi là “phụ”, trường Tây Hà Nội đã dành nguyên buổi chiều kế tuần để triển khai các câu lạc bộ Happy Day mà học sinh được quyền lựa chọn để tham gia từng tháng.
Có thể kể đến như: câu lạc bộ Múa, Nhạc cụ, Nấu ăn (tiểu học); câu lạc bộ Hòa tấu - Hợp xướng, Debate (trung học cơ sở); câu lạc bộ phát triển nghề nghiệp (trung học phổ thông)…
Happy Day với rất nhiều hoạt động thú vị, đa ngôn ngữ, đa lĩnh vực giúp các em phát huy tối đa năng khiếu và sở trường của mình. Tham gia Happy Day, học sinh vừa được vui chơi giải trí, kết nối bạn bè, lại vừa “lượm” về được rất nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích. Nhà trường hi vọng rằng, đây là sẽ “cú hích” giúp học sinh bù đắp kiến thức và các kỹ năng xã hội, hướng tới giáo dục toàn diện cho toàn bộ học sinh” - thầy Nguyễn Văn Chắp chia sẻ.