Theo dõi, phân loại
Sau một thời gian dài học online, thầy Chu Văn Phương, giáo viên Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên nhận thấy HS thiếu hụt kiến thức tùy từng đối tượng. Theo đó, HS lực học trung bình chỉ nắm được khoảng 80% kiến thức cơ bản; HS mức khá trở lên về cơ bản kiến thức trọng tâm, cốt lõi đều tiếp thu tốt.
Việc bù đắp kiến thức cho HS, theo thầy Phương, không chỉ thực hiện khi đi học trực tiếp trở lại. Ngay trong quá trình dạy trực tuyến, giáo viên đã theo dõi khá sát và thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ trò. Khi HS đi học trở lại, việc đầu tiên nhà trường có giải pháp nhận diện được những vấn đề tâm lý của HS để tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, phân loại các nhóm HS khá - giỏi, trung bình - yếu, báo cáo với ban chuyên môn để lên kế hoạch dạy phụ đạo, bổ sung kiến thức thiếu hụt. Công tác phối hợp với gia đình cũng được chú ý để cùng giúp HS vượt qua giai đoạn khó khăn.
Từ thực tế học trực tuyến một thời gian dài, cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Đắk Lắk, nhận thấy: Học online chưa phát huy hết hiệu quả bởi lớp học đông, các thầy cô còn gặp khó khăn khi quản lý lớp nên giải đáp thắc mắc cho từng HS là điều không thể. Học trực tuyến lâu ngày khiến các em dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất tập trung, thiếu động lực học tập, từ đó dẫn đến thiếu hụt kiến thức, kỹ năng.
Nhìn vào máy tính cả ngày cũng như tình hình dịch bệnh kéo dài không thể tiếp xúc trực tiếp được khiến các em khá căng thẳng. Việc thiếu hụt kiến thức là không thể tránh khỏi do nhiều yếu tố tác động như đường truyền, phương tiện, khả năng tiếp thu của từng HS… Đặc biệt là các môn tự nhiên, HS rất khó đạt được kiến thức như mong muốn.
Một số HS yếu, kém chưa tiếp thu trọn vẹn kiến thức; một số HS vào muộn, vắng học do đường truyền Internet không ổn định. HS yếu kém tương tác ít khi được giao bài trực tuyến. Việc kiểm tra, đánh giá cũng chưa bảo đảm khách quan nên tỷ lệ đánh giá chất lượng cao so với năng lực của HS...
Nhận diện rõ những khó khăn này, theo cô Nguyễn Thị Xuân Hương, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó có việc chú trọng thực hiện kế hoạch phụ đạo HS yếu, kém; ôn tập cho HS, nhất là HS cuối cấp để các em có đủ kiến thức, kỹ năng trước khi tham gia các kỳ thi quan trọng của từng cấp học.
Tập trung phụ đạo cho HS yếu kém
Tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành chương trình học kỳ I trước Tết Nguyên đán. Từ ngày 7/2, HS lớp 7 - 12 của tỉnh này học tập trực tiếp tại trường. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND cho HS lớp 1 đến lớp 6 và trẻ mầm non 5 tuổi đến trường học tập trực tiếp từ sau ngày 14/2.
Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Phương Toàn, tỷ lệ HS đến trường trong ngày đầu tiên với khối THCS đạt 97,9%, THPT đạt 98,7%. Khi HS đi học trực tiếp, các trường đều tổ chức khảo sát mức độ tiếp thu kiến thức của HS, đồng thời kết hợp với phân tích chất lượng kiểm tra cuối học kỳ I để xây dựng kế hoạch phụ đạo, bù đắp kiến thức cho HS yếu kém, song song với việc tổ chức dạy học chương trình học kỳ II năm học 2021 - 2022.
“Tại Tiền Giang, các cơ sở giáo dục đã dành 2 tuần (từ ngày 3 - 14/1) để ôn tập, củng cố kiến thức, sau đó tổ chức kiểm tra học kỳ I, hoàn thành trước ngày 28/1. Hiện nay, các cơ sở giáo dục sẵn sàng triển khai kế hoạch học kỳ II, chỉ tập trung phụ đạo cho đối tượng HS yếu kém, không theo kịp chương trình. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường sẽ xây dựng kế hoạch phù hợp, kinh phí để tổ chức phụ đạo cho HS sử dụng từ nguồn ngân sách được cấp” – ông Nguyễn Phương Toàn cho biết.
Để định hướng tổ chức công tác dạy học khi HS trở lại trường học tập trực tiếp, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập và tư vấn tâm lý cho HS các khối lớp.
Thông tin cụ thể nội dung này, theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, các cơ sở giáo dục, căn cứ vào điều kiện thực tế (cơ sở vật chất, tiến độ thực hiện chương trình giáo dục…) bố trí từ một đến hai tuần để tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho mỗi khối lớp trước khi dạy tiếp nội dung kiến thức mới.
Lựa chọn hình thức phù hợp để kiểm tra mức độ nắm kiến thức của HS trong thời gian được học không trực tiếp để có biện pháp hỗ trợ hợp lý cho từng đối tượng. Đồng thời tổ chức phân tích phổ điểm của từng môn, từng lớp để có định hướng chỉ đạo phù hợp về chuyên môn.
“Kế hoạch tăng tiết để đảm bảo tiến độ chương trình cũng được lưu ý. Sở GD&ĐT dự kiến thời gian kiểm tra cuối học kỳ II đối với lớp 9 từ 25 - 29/4/; lớp 12 từ 18 - 23/4. Căn cứ vào thời gian dự kiến trên, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tăng tiết với hình thức phù hợp (dạy học trực tiếp, kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến) để đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch dạy học năm học. Khi tăng tiết, cần bố trí thời khóa biểu phù hợp (không quá 5 tiết/buổi, nếu dạy trực tuyến thì không quá 3 tiết/buổi; không quá 8 tiết/ngày); không bố trí tiết học ngày Chủ nhật” – ông Trịnh Văn Ngoãn thông tin thêm.