Cần Thơ: Bù đắp kiến thức cho học sinh không học trực tuyến

Cần Thơ: Bù đắp kiến thức cho học sinh không học trực tuyến

Do vậy, khi các em trở lại trường ngành GD thành phố yêu cầu các trường bù đắp kiến thức để không có sự chênh lệch trình độ trong lớp học.

Quan tâm HS vùng khó

Theo thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), do điều kiện và hoàn cảnh riêng, học sinh thiếu thiết bị học tập, không có mạng Internet nên số lượng tham gia học trực tuyến khoảng 70%.

Tương tự, Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tuy nằm khu vực nội thành nhưng tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến chưa cao, chỉ đạt hơn 80%. “Các em có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhiều lần giáo viên chủ nhiệm liên hệ, vận động phụ huynh hỗ trợ con em tham gia học. Thế nhưng do hoàn cảnh riêng nên học sinh không thể tham gia đầy đủ các buổi”, thầy Trương Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh chia sẻ.

Em Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, học sinh lớp 7, Trường THCS An Khánh cho biết: Trong những ngày nghỉ dịch em không thể tham gia đầy đủ các buổi học, bởi cha mẹ làm kinh doanh mua bán, nên việc sử dụng điện thoại để tham gia học trực tuyến gặp khó khăn, lúc mượn được điện thoại cha mẹ thì học, những lúc cha mẹ có việc đành thôi.

Căn cứ vào tình hình học sinh tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, cũng như đánh giá kiến thức sau khi trở lại lớp, tỷ lệ học sinh tham gia các buổi học chỉ đạt 85%, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường trực thuộc xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh. Đặc biệt quan tâm đến những em không tham gia các buổi học trực tuyến và không tiếp thu tốt qua hình thức dạy học này.

Cần Thơ: Bù đắp kiến thức cho học sinh không học trực tuyến ảnh 1
Một buổi ôn tập kiến thức cho HS Trường THCS An Khánh, quận Ninh Kiều (Cần Thơ).

Vừa học, vừa ôn tập

Thời gian qua, thầy cô giáo tại Trường THCS An Khánh (quận Ninh Kiều) phải linh động tổ chức học cho các em trong 15 phút đầu giờ, triển khai hình thức giảng dạy “1 kèm 1” đối với học sinh gặp khó khăn trong việc tham gia học chéo buổi. Cùng với đó, nhà trường còn bù đắp kiến thức cũ bằng cách cho các em chép lại bài sau đó các thầy cô kiểm tra bài vở trong những giờ ra chơi.

Theo thầy Trương Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, không chỉ bù đắp lại kiến thức bị mất trong thời gian nghỉ học, trường đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức cho các em theo kịp chương trình hiện tại.

Cô Hoàng Thị Hồng Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trà An (quận Bình Thủy) chia sẻ: Để thực hiện nhiệm vụ này, trường chủ động lên thời khóa biểu 2 tiết dạy thứ 5 và thứ 6 để dạy bù cho các em. Song song đó, thầy cô giáo chịu trách nhiệm dạy “1 kèm 1” giúp các em hiểu bài và theo kịp nội dung chương trình học. Dù tiến độ thực hiện bổ sung kiến thức kéo dài so với việc học chéo buổi, nhưng học sinh tham gia đầy đủ buổi học, đồng thời giúp các em hiểu bài và đủ chuẩn cho lớp sau.

Tại Trường THPT Bình Thuỷ (quận Bình Thủy) đối với những nội dung tinh giản nhà trường khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều nội dung được nhà trường dạy tích hợp nhưng đáp ứng yêu cầu các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh. Dù các em đã đến trường, nhà trường vẫn duy trì tổ chức học online, nhất là tập trung củng cố kiến thức cho học sinh khối lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác giảng dạy theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT và bổ sung kiến thức cho học sinh không tham gia hay không tiếp thu tốt qua hình thức dạy học trực tuyến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.