Cô Lê Thanh Hương - Giáo viên Trường THPT Tống Duy Tân (Thanh Hóa) - cho rằng: Các chi tiết trong mỗi tác phẩm mới thực sự là tế bào, là mạch máu tạo nên sức sống và vẻ đẹp của từng thiên truyện.
Những bài viết biết khai thác chi tiết thường tạo nên những nét riêng, nét mới mẻ và cá tính vì trong mỗi chi tiết luôn chứa đựng những lớp trầm tích càng khai thác càng thấy giá trị.
Chia sẻ về cách khai thác chi tiết trong truyện ngắn tự sự cô Nguyễn Thanh Hương cho biết: Chi tiết rất phong phú và đa dạng nên khi phân tích tác phẩm văn học, tác phẩm tự sự, đặc biệt là truyện ngắn, cần phải cân nhắc cẩn thận trong việc lựa chọn chi tiết phù hợp.
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, diễn tả một cái khoảnh khắc, chốc lát của cuộc sống vì vậy chi tiết phải cô đúc, ngôn ngữ mang nhiều ẩn ý, tạo ra cho tác phẩm những chiều sâu về nội dung và nghệ thuật cần phải tìm hiểu.
Như vậy, khác với truyện dài, truyện ngắn tuy nhỏ bé hơn nhiều về số lượng trang, chữ, về đối tượng phản ánh (cái chốc lát, cái khoảnh khắc của cuộc sống, một ý tưởng...) nhưng lại đòi hỏi, yêu cầu rất cao về nghệ thuật diễn đạt.
Ở truyện ngắn dĩ nhiên là truyện ngắn hay - không có những yếu tố thừa. Nên khi phân tích truyện ngắn, chúng ta cần phải lựa chọn các chi tiết biểu hiện, là những chi tiết tiêu biểu quan trong để thể hiện đúng và đầy đủ giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm.
Bỏ qua hoặc quên đi một số chi tiết dù chỉ nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa quan trọng và sẽ làm hạn chế giá trị biểu hiện của tác phẩm.
Cô Lê Thanh Hương nhận định: Những tác phẩm được tuyển chọn để dạy ở chương trình Ngữ văn 12 có thể coi là tiêu biểu cho truyện ngắn, thể hiện đầy đủ các đặc điểm của truyện ngắn đã nói ở trên.
Đó là những truyện như: Vợ nhặt (Kim Lân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).
Mỗi tác phẩm đã phản ánh hiện thực cuộc sống, đặt ra những vấn đề của từng giai đoạn một cách sâu sắc bằng những hình thức nghệ thuật đặc sắc.
Chính vì vậy, nên khi phân tích những truyện ngắn này để giảng dạy và phục vụ cho việc dạy và học của thầy và trò, các giáo viên, cán bộ giảng dạy cũng như các nhà nghiên cứu... đã hết sức cố gắng để làm rõ được giá trị độc đáo, cái hay cái đẹp của chúng, giúp cho học sinh nhất là các em học sinh khá giỏi, cảm thụ hết vẻ đẹp của văn học.
Với vai trò của một giáo viên đứng lớp, ngoài việc giảng dạy theo yêu cầu bộ môn, theo đặc trưng thể loại, cô Hương cho biết mình luôn quan tâm hướng dẫn học sinh đi sâu vào tìm hiểu chi tiết của tác phẩm để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, cũng là nhằm giúp các em nâng cao năng lực phân tích, thẩm bình tác phẩm văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng.
Đi vào một ví dụ cụ thể như truyện “Vợ nhặt” (Kim Lân), cô Hương hướng dẫn khai thác các chi tiết tình huống truyện như sau:
Bước một, cho học sinh xác định tình huống, gọi tên tình huống của truyện. (Đó là tình huống nhặt được vợ, lại nhặt nơi đầu đường xó chợ. Đây là một tình huống lạ, một tình huống có vấn đề).
Bước hai cho học sinh tìm hiểu các chi tiết quan trọng tạo nên tình huống trên. Bước này học sinh chỉ cần căn cứ vào sách giáo khoa để tìm hiểu.
Có thể chỉ ra những cụm từ, những câu, những đoạn cụ thể, hoặc có thể trả lời một cách khái quát nội dung chi tiết của vấn đề (Tên nhân vật chính (Tràng), bối cảnh trước khi Tràng nhặt vợ, câu hò của Tràng, thái độ của người đàn bà nhặt thóc rụng, bốn bát bánh đúc, cái nhíu mày của người vợ nhặt,…).
Bước ba học sinh căn cứ vào các chi tiết đã tìm để đi sâu vào phân ý nghĩa và giá trị của các chi tiết ấy.
Hướng dẫn khai thác các chi tiết về nhân vật:
Tương tự như trên, cô Hương cho học sinh tìm hiểu theo các bước: Xác định và gọi tên nhân vật, tìm các chi tiết quan trọng biểu hiện nổi bật nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuât của vấn đề rồi đi sâu vào phân tích các chi tiết đó.
Chẳng hạn về nhân vật Tràng, từ chi tiết ngoại hình (thô nháp, vập vạp), đến tính cách chậm chạp (tư duy bằng miệng) rồi hoàn cảnh éo le: dân ngụ cư, cha chết sớm, nhà nghèo (chỉ có một túp lều dúm dó mọc trên một mảnh đất lổn nhổn những cỏ), mẹ già cả… đều tập trung nhấn mạnh đến khả năng rất khó lấy vợ của Tràng.
Việc anh có vợ nhà văn miêu tả bằng một loạt chi tiết hết sức tình tế. Hạnh phúc đến thật bất ngờ tưởng không bao giờ có được ở một thân phận thấp hèn xấu xí, cho nên Tràng từ ngỡ ngàng thành niềm vui cụ thể, Tràng cảm nhận và tận hưởng “Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn mang khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”.
Vì vậy đến khi đã về đến nhà, đã có thị ở nhà rồi, mà “Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà rồi, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư”. Chi tiết Tràng đi ra đi vào phấp phỏng, sốt ruột chờ mẹ về và cái thở phào “ngực nhẹ hẳn đi” là chi tiết thể hiện sự quan sát và trải nghiệm sâu sắc của nhà văn...
Về chi tiết cuối hình ảnh “đoàn người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” có người chú ý đến có người không, nhưng đây vẫn là một chi tiết rất đáng trân trọng về chủ đề tác phẩm và quan điểm nghệ thuật của tác giả.
Bởi cùng với chi tiết mở đầu tác phẩm: một buổi chiều “chạng vạng mặt người” và kết thúc là một buổi sáng “mặt trời lên bằng con sào” chi tiết này đã làm cho “Vợ nhặt” không còn là tác phẩm của dòng Văn học Hiện thực phê phán trước 1945.