Qua sông nên tin người lái đò

GD&TĐ - Mở đầu cuộc trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về những nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đề cập đến vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm: “Đề thi mở thì chấm có mở”? 

Qua sông nên tin người lái đò
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lắng nghe các ý kiến tại Hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông tổ chức tại Hà Nội (10/4/2014)
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lắng nghe các ý kiến tại Hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông tổ chức tại Hà Nội (10/4/2014)

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tâm huyết chia sẻ:

- Đổi mới kiểm tra, đánh giá với đề thi mở, người chấm sẽ khó khăn và có phụ thuộc vào chủ quan của người thầy. Nhưng cái khó đó, người thầy phải vượt qua để yêu cầu đánh giá được năng lực học sinh tốt hơn. Dù có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng hướng được tới mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà không hướng tới mục tiêu. Qua sông nên tin tưởng người lái đò.

Chúng ta đang tiến hành đổi mới kiểm tra, đánh giá, coi đây như giải pháp đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục. Việc kiểm tra đánh giá đầu tiên phải hướng tới đánh giá năng lực nguời học, trong đó có những năng lực chung và những năng lực, yêu cầu riêng của từng môn học, từng lĩnh vực giáo dục. Môn Ngữ văn cũng đổi mới theo hướng chung đó.

Bộ GD&ĐT lâu nay không có cấu trúc đề thi mà nói đến ma trận đề thi. Năm nay, Bộ có nói về hình thức ra đề môn Ngữ văn: Đề thi có thể có một phần đọc hiểu, theo cách đưa ra một văn bản, sau đó dựa vào văn bản đó để hỏi, hỏi như thế nào thì vận dụng cách đánh giá của PISA; cùng đó là một bài viết.

Trước hết, phải xác định năng lực chung mà học sinh phổ thông phải đạt tới. Trong đó môn Ngữ văn đóng góp được gì, có những gì riêng đòi hỏi phải đánh giá đối với học sinh. 

Việc đánh giá thực hiện trong cả quá trình dạy học cũng như kết thúc từng giai đoạn, trong đó quan trọng là kết thúc từng cấp học như kết thúc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, và cũng có liên quan đến việc xét, thi tuyển vào đại học, cao đẳng.

Môn Ngữ văn có nhiều năng lực nhưng chúng ta tùy từng hình thức khác nhau mà đánh giá năng lực phù hợp nhất. Ví dụ, hình thức thi viết nhằm đánh giá năng lực tiếp nhận văn bản, chủ yếu hướng tới đọc hiểu văn bản như thế nào; có hiểu văn bản hay không? Rồi cả năng lực sản sinh ra văn bản mà chủ yếu là năng lực viết văn…

Khi đổi mới ta sẽ có nhìn nhận, đánh giá lại những công việc đã làm. Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về cách ra đề thi môn Ngữ văn những năm gần đây?

- Những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn đã hướng tới kiểm tra năng lực, có tiến bộ bước đầu. Nhưng nhìn tổng quát lại, đề thi môn Ngữ văn vẫn nặng về đếm ý cho điểm. Học sinh vẫn có thể học bài văn mẫu để viết văn khi làm bài thi, bài kiểm tra. Bởi trong chương trình dạy tác phẩm nào thì thi, kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dùng tác phẩm đó. Như vậy thì kiểm tra học vẹt nhiều hơn là kỉểm tra năng lực học. Do đó, chúng ta phải thay đổi.

Có thể hình dung cụ thể những thay đổi này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Trước hết phải cố gắng đánh giá được toàn diện nhất những năng lực cần đánh giá. Thứ hai, trong năng lực đọc hiểu, không phải kiểm tra chỉ vào những tác phẩm đã học mà có thể sử dụng tác phẩm khác, có kết cấu nội dung, có mức độ khó - dễ tương đương với những tác phẩm đã học.

Cùng đó, thiết kế những đề thi Ngữ văn để học sinh có thể chủ động vận dụng những hiểu biết, tình cảm, năng lực của các em để thể hiện. Như vậy, có lẽ cách xác định trong bài làm có bao nhiêu ý cũng phải được thay đổi. Quan trọng là xác định những yêu cầu, kỹ năng học sinh đạt được ở mức độ nào; cách thức giải quyết vấn đề của học sinh khi làm bài văn để cho điểm.

Như vậy, chúng ta thay đổi cách hiểu đơn giản rằng ma trận đề thi môn Ngữ văn giống như các môn khác, sang ma trận đặc trưng riêng của môn Ngữ văn; đề mở và đáp án cũng phải mở. Điều này yêu cầu phải thay đổi cả quá trình dạy học cũng như cách thức kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình dạy học.

Đón nhận những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn có không ít băn khoăn từ cơ sở: Sợ bị gây xáo trộn, không đúng mục tiêu dạy học, gây khó khăn cho thầy và trò… Thứ trưởng sẽ trả lời như thế nào khi nhận những phản hồi này?

Hiện tại cần xác định hướng đi cho đúng, năm nay bước ngắn, năm sau bước đi dài hơn, quan trọng là không bước chệch ra chỗ khác.  Phải có cách làm, phải đổi mới, phải kiên quyết. 

- Tôi nói rõ, băn khoăn trên có hai điều không đúng. Thứ nhất, việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo mục tiêu chúng ta đã nói nhiều lần, có hướng dẫn cụ thể trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học, với tất cả các môn, không riêng  môn Ngữ văn. Tuy nhiên, với các môn khoa học xã hội - trong đó có môn Ngữ văn - được chú trọng hơn.

Đây là yêu cầu đã được nói trước, nhắc đến nhiều – đúng hơn là nhắc nhiều năm rồi. Trong năm học này lại nhắc thêm một lần nữa. Và chúng ta đã có nhiều hội thảo trao đổi về việc này. Vậy  nên nói gây xáo trộn bất ngờ với học sinh, giáo viên là không đúng.

Thứ hai, khi ta đã coi kiểm tra đánh giá là khâu đột phá tác động trở lại quá trình dạy và học, thì chúng ta không thể chạy theo quá trình dạy học được. Có nghĩa là kiểm tra đánh giá phải đi trước một bước để quay trở lại, nếu thầy cô dạy chưa đúng với thực tiễn kiểm tra đánh giá thì cần điều chỉnh cho đúng với mục tiêu, đáp ứng được yêu cầu của kiểm tra đánh giá.

Tôi khẳng định kiểm tra đánh giá phải đi trước, không thể chiều theo thầy cô nào, học sinh nào cố tình học theo kiểu cũ, đòi hỏi kiểm tra theo kiểu cũ để hợp với quá trình dạy – học.

Tuy nhiên, nếu đòi hỏi cao quá, không ai với tới được, làm mạnh mẽ quá không ai theo được thì cũng không có tác dụng, cho dù yêu cầu đặt ra như vậy. Theo đó, căn cứ vào thực tế dạy – học hiện nay nhưng vẫn cần đặt yêu cầu cao hơn và làm dần qua từng năm, năm sau yêu cầu cao hơn năm trước, năm sau sẽ yêu cầu cao hơn năm nay.

Nhưng hiện tại cần xác định hướng đi cho đúng, năm nay bước ngắn, năm sau bước đi dài hơn, quan trọng là không bước chệch ra chỗ khác.  Phải có cách làm, phải đổi mới, phải kiên quyết.

 Những thay đổi này sẽ được áp dụng như thế nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, đặc biệt là năm nay đề thi Ngữ văn đã rút xuống còn 120 phút, thưa Thứ trưởng?

- Thật ra không có thay đổi gì lớn mà là quán triệt đúng hơn với mục tiêu dạy học và quán triệt sát sao hơn với những điều Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn lâu nay. Kiểm tra đọc hiểu là một yêu cầu bắt buộc của môn Ngữ văn và điều này được thực hiện từ tiểu học, đến trung học, việc dạy năng lực đọc hiểu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian cũng như kết cấu nội dung của bộ môn Ngữ văn.

Ma trận đề thi sẽ yêu cầu vận dụng kiến thức nhiều hơn. Dung lượng cho học sinh làm bài cũng phải phù hợp với thời gian, không chỉ với môn Ngữ văn mà môn khác khi có sự thay đổi về thời gian cũng phải đảm bảo yêu cầu đó.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.