Định hướng nâng cao chất lượng từ kết quả đối sánh điểm thi

GD&TĐ - Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng được rút ra từ kết quả tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với điểm học bạ THPT.

Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên).
Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên).

Tăng cường đánh giá thực chất

Ông Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Lam Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Nghiên cứu kết quả tương quan điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình các môn học trong 3 năm THPT của học sinh, nhà trường đã rút ra một số điều chỉnh và định hướng cho thời gian tới.

Theo đó, cần tăng cường đánh giá thực chất trong quá trình học. Đặc biệt, các bài kiểm tra định kỳ cần được xây dựng theo hướng tiệm cận đề thi tốt nghiệp THPT chuẩn, để học sinh quen với áp lực và cách tư duy khi thi cử.

Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng làm bài thi theo dạng đề của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là ở các môn trắc nghiệm như Lịch sử, Sinh học, Giáo dục công dân, tránh tình trạng học sinh có kiến thức nhưng không thành thạo kỹ năng làm bài.

Phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm trong việc theo dõi tiến độ học tập; từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho những học sinh có nguy cơ bị “mất điểm” do chênh lệch giữa năng lực thực tế và khả năng thể hiện trong thi cử.

Việc tăng cường rèn luyện tư duy phản biện, lập luận logic ở các môn xã hội, và khả năng vận dụng kiến thức ở các môn tự nhiên cũng vô cùng quan trọng. Đây là yếu tố then chốt giúp học sinh nâng cao chất lượng làm bài.

“Nhà trường sẽ tập trung hơn nữa cho nhóm học sinh trung bình - khá, bởi đây là nhóm có nguy cơ chênh lệch lớn nhất giữa điểm học bạ và điểm thi, trong khi học sinh giỏi thường đã có ý thức rèn luyện rõ ràng”, ông Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.

Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên) cũng nghiên cứu tương quan điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và điểm học bạ của học sinh; từ đó, có giải pháp tích cực và đổi mới trong tổ chức dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tổ chức dạy học theo hướng hình thành, phát triển năng lực toàn diện

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Ngoại ngữ, Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên) thông tin, Chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình và đưa ra nghị quyết, xây dựng kế hoạch chuyên môn cụ thể.

Giáo viên từng bộ môn tổ chức họp, nghiên cứu đề thi tốt nghiệp THPT một cách nghiêm túc để lên kế hoạch giáo dục bộ môn. Bên cạnh việc xây dựng ngân hàng đề thi thường xuyên và định kỳ, cần bổ sung thêm ngân hàng đề bám sát nội dung đề thi theo dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT.

Đổi mới kiểm tra đánh giá tiếp tục được nhà trường đẩy mạnh. Khâu quản lý đề thi, tổ chức thi, coi thi và chấm thi thật sự nghiêm túc nhằm đảm bảo học thật, thi thật.

Nhà trường cũng sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm tăng hứng thú và chủ động cho học sinh, giúp học sinh cải thiện khả năng tiếp thu, ghi nhớ kiến thức, khuyến khích học sinh học qua trải nghiệm thực tế, thực hành thường xuyên và tương tác nhiều hơn.

Đặc biệt, giáo viên nên tối ưu thời gian giảng dạy nhờ các công cụ hiện đại như Google Classroom, Quizizz, Kahoot, AI. Nhờ đó, thầy cô có thể tập trung vào việc cá nhân hóa bài giảng, hỗ trợ học sinh tốt hơn. Việc kết hợp thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI), lớp học trực tuyến không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận kiến thức mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, giúp học sinh học tập mọi lúc mọi nơi.

“Từ kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp năm 2025, có thể khẳng định rằng, để nâng cao chất lượng thật sự, nhà trường cần tổ chức dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực toàn diện. Không chỉ luyện đề, mà phải dạy đúng - dạy đủ - dạy sát với năng lực cần đạt của chương trình mới”, cô Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ