Đồng hành cùng học sinh
Học sinh Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nhiều em lựa chọn môn Lịch sử là cứu cánh để thi tốt nghiệp. Chỉ có một số ít học sinh mong muốn sử dụng kết quả thi của môn Lịch sử để xét vào các trường đại học cao đẳng. Mục tiêu để đạt điểm cao môn Lịch sử đối với các em là hầu như không có. Đây là thách thức lớn đối với giáo viên bộ môn Lịch sử trong nhà trường. Vậy làm thế nào để học sinh dự thi có kết quả đạt được mục đích mong đợi.
NGƯT Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Lộc cho biết: Trước tình hình đó, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu tổ chuyên môn nghiên cứu phân loại đối tượng học sinh (theo mục đích lựa chọn môn Lịch sử và theo mức độ nhận thức của học sinh). Xác định rõ đâu là yếu tố quan trọng hàng đầu để có phương pháp dạy học phù hợp; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động học trên lớp khi học bài mới và ôn tập cho phù hợp đồng thời động viên khích lệ học sinh nỗ lực trong quá trình học tập.
Từ thực tế đánh giá, tổ chuyên môn giao cho các giáo viên bộ môn lên kế hoạch dạy học, ôn tập, hệ thống hóa môn Lịch sử. Với mỗi bài học mới, trong nhóm bộ môn lịch sử ở Trường THPT Mỹ Lộc đều xác định dạy học theo sơ đồ cành cây, chú ý các từ khóa trong mỗi nội dung kiến thức. Đặc biệt việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp, các giáo viên đều bám sát sách giáo khoa và hướng dẫn thực hiện chương trình hàng năm của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, đặc biệt bám sát đề thi minh họa được công bố.
Các thầy cô giáo dạy môn Lịch sử trao đổi chuyên môn ôn tập thi tốt nghiệp THPT. |
Hiểu và động viên, tận tình hướng dẫn học sinh trong quá trình ôn thi, các giáo viên luôn đồng hành cùng với học sinh trong cuộc sống và trong quá trình ôn tập. Giáo viên kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, thấy được khó khăn của học sinh trong quá trình ôn tập, động viên khích lệ học sinh đồng thời hướng dẫn các em trong quá trình lựa chọn tổ hợp môn để xét đại học phù hợp với năng lực của bản thân. Mỗi giáo viên trong nhóm bộ môn vừa là thầy, vừa là người bạn đồng hành giúp các em vượt qua các khó khăn trong quá trình học tập
Chuẩn kiến thức, kỹ năng
Chia sẻ kinh nghiệm dạy Lịch sử, thầy giáo Trần Đức Hiệp cho rằng: Sau mỗi bài học mới, giáo viên xây dựng hệ thống câu hỏi ngắn (trả lời theo từng đáp án đề phù hợp với cách thức thi trắc nghiệm) về nội dung có liên quan, yêu cầu học sinh hoàn thành sau mỗi bài học. Sau một chủ đề, đối với học sinh trung bình giáo viên lại yêu cầu học sinh tự minh hệ thống hóa các kiến thức cơ bản bằng sơ đồ tư duy hoặc bảng thống kê. Đối với học sinh khá giỏi và học sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét đại học, giáo viên hướng dẫn học sinh so sánh, nhận xét về chủ đề Lịch sử đã học.
Trên cơ sở đánh giá hiểu biết của học sinh, giáo viên không chỉ giúp các em có thể tái hiện kiến thức lịch sử đã được học, hiểu sâu sắc hơn về vấn đề Lịch sử để vận dụng làm bài tập mà đây cũng là căn cứ để nhóm chuyên môn thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm ôn thi, phân tích ma trận đề thi chính thức của năm học trước và đề thi tham khảo của năm học hiện hành. Từ đó rút kinh nghiệm cho từng bài học và cùng trao đổi đưa ra cách thức dạy – học ôn sao cho hiệu quả nhất đối với cả giáo viên và học sinh.
Giúp học sinh chuẩn kiến thức, kỹ năng bước vào kỳ thi tốt nghiệp. |
Với mỗi câu hỏi trong mỗi đề thi, trước hết để lựa chọn được phương án đúng học sinh cần phải xác định từ khóa trong câu hỏi; đọc kỹ cả 4 phương án, xác định các phương án nhiễu (giải thích được vì sao sai, hoặc phương án nhiễu đó có thể trả lời cho các câu hỏi nào, nội dung kiến thức nào). Đối với phương án đúng, học sinh cần giải thích được vì sao đúng, phương án đó thuộc về nội dung kiến thức nào đã được học; và có thể trả lời cho các câu hỏi nào khác. – Thầy Trần Đức Hiệp nhấn mạnh.
Cách thức làm luyện đề ôn tập có thể tốn thời gian nhưng buộc mỗi học sinh đều phải có sự động não tư duy ở các mức đô khác nhau; không thể lựa chọn đáp án theo cảm tính hoặc may mắn đồng thời các em có thể từ 1 đề ôn tập phát triển thành 4 đề khác nhau theo sự gợi mở và hướng dẫn của giáo viên. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên không tốn quá nhiều công sức trong việc làm đề trắc nghiệm mà học sinh có thể chủ động xây dựng câu hỏi ôn tập từ chính đề gốc của giáo viên đưa ra. GV cũng kiểm tra được ý thức học tập của từng em học sinh qua quá trình làm đề, trả lời, lý giải phương án đúng và phương án nhiễu trong câu hỏi.
Ôn tập theo chuẩn kiến thức, chuẩn mức độ và kỹ thuật ra đề, đảm bảo đúng ma trận của đề thi tốt nghiệp năm học trước và đề thi tham khảo của năm học hiện hành để học sinh làm quen. Đưa ra phương án trong đề ôn tập đều rõ nghĩa và học sinh có thể học tập, ôn tập kiến thức trong mỗi câu hỏi. Các giáo viên Lịch sử của Trường THPT Mỹ Lộc đã cùng xác định hướng ôn tập cho học sinh, đồng thời xây dựng hệ thống đề ôn tập phù hợp, cách làm này cho thấy tính hiệu quả cao. - NGƯT Trần Thị Mai