Bước 1: Tự đánh giá
Mục tiêu của bước này là học sinh làm quen với cấu trúc đề thi; tự đánh giá năng lực bản thân xem nắm được kiến thức, dạng bài mình làm tốt như thế nào. Đồng thời ở bước này cũng nhằm phát hiện những dạng bài, kiến thức, kỹ năng cần bổ sung hoặc rèn luyện thêm và học sinh thiết lập mức điểm mục tiêu cần đạt của bản thân.
Học sinh có thể tự đánh giá năng lực, mức điểm hiện tại của bản thân bằng cách làm thử đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của các năm trước. Sau đó, các em lập bảng số liệu tổng hợp lại kết quả của các bài sau khi làm thử (có giới hạn thời gian theo quy định). Từ đó tự phân tích, nhìn nhận lại các vấn đề bản thân còn gặp khó để xây dựng lộ trình học tập phù hợp cho bản thân, ưu tiên nhiều thời gian hơn cho phần kiến thức cần bổ sung.
Bước 2: Chạy đà
Ở bước này, với mục tiêu tối thiểu là 5 điểm, học sinh cần nắm vững:
Các chủ điểm ngữ pháp cơ bản, không sa đà vào học các phần kiến thức liên quan tới trường hợp đặc biệt.
Các chủ điểm ngữ pháp cơ bản bao gồm: Các thì cơ bản (hiện tại đơn, quá khứ đơn, hiện tại hoàn thành, quá khứ đơn, tương lai đơn); các chuyên đề liên quan tới thì như câu bị động, câu điều kiện/ câu ước, câu hỏi đuôi, câu gián tiếp, mạo từ, từ định lượng, so sánh, đại từ quan hệ, các cấu trúc thường gặp đi kèm với trạng từ.
Ngoài ra, đối với phần ngữ âm, các học sinh cần luyện tập thêm các bài tập liên quan tới phát âm phụ âm, nguyên âm đơn, trọng âm của từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết (có dấu hiệu)
Từ vựng: Nên tập trung vào các từ vựng ở trình độ A2 về các chủ đề quen thuộc (Health, Environment, Technology, Tourism…) thông qua các bài tập đọc hiểu ngắn (độ dài 120-150 từ).
Cùng với đó là luyện tập các bài tập theo từng chuyên đề để tăng độ chính xác, chắc chắn khi làm bài thi. Sưu tầm ngân hàng đề thi thử của các trường hoặc các đề dễ tìm kiếm được trên mạng xã hội, qua bạn bè…
Sau mỗi chuyên đề ôn, học sinh sử dụng kiến thức áp dụng vào làm các câu sử dụng kiến thức của chuyên đề đó trong ngân hàng đề sưu tầm để luyện tập.
Cô Phan Kim Phượng. |
Bước 3: Tăng tốc
Sau khi luyện tập các chuyên đề riêng lẻ, đây là giai đoạn học sinh cần tập trung vào thực hiện luyện đề tổng hợp các kiến thức.
Các nguồn đề tham khảo bám sát đề tham khảo tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT có thể sử dụng bao gồm:
Các đề luyện tập trên trang https://dgnl.olm.vn/ được biên soạn theo cấu trúc đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT. Bộ 10 đề thi thử tốt nghiệp THPT biên soạn bởi 130 giáo viên trên toàn quốc của Dự án Giáo viên Tiếng Anh được chia sẻ miễn phí. Kho đề trên Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12 online https://k12online.vn/
Học sinh sau khi làm xong mỗi đề, cần tự đánh giá lại câu hỏi đã làm dựa trên kết quả đạt được. Theo đó, tự phân tích, giải nghĩa các câu sai hoặc nhờ sự hỗ trợ từ những nguồn uy tín để giải đáp các câu đã làm sai, kết hợp ghi chú (nếu cần). Lưu lại các kiến thức bổ sung mới nếu có (thường liên quan tới từ vựng, đặc biệt là phrasal verbs và idioms) và thiết lập thời gian để luyện tập thêm các câu hỏi tương tự.
Bước 4: Về đích
Để đạt được các mức điểm cao hơn, bên cạnh việc có kiến thức chắc chắn trong các mảng ngữ pháp thường gặp, học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài (loại trừ phương án sai) và nâng cao vốn từ vựng là vô cùng quan trọng để xử lý được các câu hỏi kiểm tra về cụm động từ, cụm từ cố định, thành ngữ, từ đồng nghĩa – trái nghĩa hay hỗ trợ trực tiếp cho các bài đọc hiểu trong đề thi.
Vốn không có quy tắc nhất định nào nên học sinh cần tích lũy và trau dồi vốn từ qua quá trình học và luyện đề. Học sinh có thể học từ vựng qua các hình thức khác nhau như sử dụng các app Quizlet, Vocabulary.com, hoặc sử dụng Flashcards, sổ tay từ vựng, sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống từ theo chủ đề…
Ngoài ra, học sinh cũng cần lưu ý một số ‘bí kíp’ liên quan tới mảng từ vựng như sau:
Với các câu hỏi về từ đồng nghĩa – trái nghĩa, học sinh cần đọc kỹ ngữ cảnh để đoán được chính xác nghĩa của từ, bởi một từ có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Thêm vào đó, học sinh cũng cần đọc kĩ đề bài, tránh chủ quan dễ dẫn tới việc nhầm lẫn trong việc lựa chọn tất cả 4 câu hỏi đều là từ đồng nghĩa.
Bên cạnh yếu tố về kiến thức, thì yếu tố tâm lý và chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt điểm số cao.