Rèn phương pháp tự học
Giảng viên cần xác lập kế hoạch dạy học để định hướng và hướng dẫn sinh viên phát triển các năng lực cần thiết. Qua các hoạt động học tập, sinh viên được đặt trong các tình huống có vấn đề, tham gia thảo luận, trao đổi, được khuyến khích đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề theo cách của mình.
Trong dạy học tích cực, điều cần thiết là chú trọng rèn luyện cho sinh viên phương pháp tự học, từ đó giúp họ có phương pháp, thói quen tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Đồng thời trong quá trình đó, giảng viên cần có sự hướng dẫn kịp thời giúp cho hoạt động của sinh viên đạt kết tốt.
Kết hợp đánh giá và tự đánh giá
Trong dạy học tích cực, đánh giá không chỉ nhằm mục đích nhận thức thực trạng và điều chỉnh hoạt động học tập của sinh viên mà còn nhận định thực trạng và điều chỉnh hoạt động dạy của giảng viên.
Tự đánh giá là hình thức đánh giá mà sinh viên tự liên hệ phần nhiệm vụ thực hiện với các mục tiêu của quá trình học tập.Từ đó sinh viên có thể tự điều chỉnh cách học, xác định động cơ học tập và lập kế hoạch để tự nâng cao kết quả học tập của mình.
Kết hợp đánh giá của giảng viên và tự đánh giá của sinh viên, không những giúp sinh viên nhìn nhận mình mà điều chỉnh cách học, giảng viên có điều kiện nhìn nhận chính mình để điều chỉnh cách dạy.
Ứng dụng CNTT
Hiện nay, có rất nhiều phần mềm ứng dụng trong dạy học các bộ môn nói chung và các phần mềm chuyên biệt sử dụng trong giảng dạy môn toán.
Các phần mềm này rất hữu ích cho hỗ trợ giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực như : MS PowerPoint, Exe learning, Violet, Flash.
Tuy nhiên, việc giảng viên nắm được các ưu điểm và nhược điểm của từng phần mềm và ứng dụng vào từng môn học, tiết học cụ thể, còn tùy thuộc vào khả năng thiết kế của mình, mới mong mang lại kết quả tốt hơn. Nếu không, dễ dẫn đến quá tải về thông tin, về thời gian, làm cho người học trở nên thụ động trong các hoạt động học tập.
Chẳng hạn, một trong những ưu điểm của MS PowerPoint là hỗ trợ người dạy trình bày ý tưởng của mình, còn người học có được thông tin bằng hình ảnh qua đó dễ dàng cho việc lĩnh hội kiến thức. Song, nó vẫn có những nhược điểm, hạn chế. Chẳng hạn đôi khi phần trình chiếu lại có vẻ quan trọng hơn cả nội dung và các hoạt động học tập của người học.
Riêng với môn Toán bậc CĐ ngành Giáo dục Tiểu học, đa số giảng viên, chỉ sử dụng một số phần mềm trình chiếu, để thiết kế bài giảng và các hoạt động dạy học, chưa có sự liên kết đa dạng các phần mềm chuyên dụng.
Thậm chí, trình chiếu các trang word thay cho việc ghi bảng. Điều này ít có hiệu quả trong phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực chủ động của sinh viên.
Đối với sinh viên: đa số sinh viên còn thói quen học tập như ở trường phổ thông, thói quen “thầy đọc - trò chép”, thụ động trong học tập, thiếu tính tích cực. Trình độ, kĩ năng sử dụng CNTT của sinh viên còn nhiều hạn chế, thậm chí có sinh viên còn chưa biết sử dụng máy tính.
Mặt khác, một tác động không nhỏ đến việc ứng dụng CNTT trong dạy học là trang thiết bị CNTT vẫn còn thiếu, việc dạy học sử dụng các phương tiện hiện đại không được thường xuyên, liên tục dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Các học phần được cấu trúc thành các môđun giúp cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực đạt kết quả tốt hơn. Việc ứng dụng CNTT vào dạy học tích cực sẽ phát huy tốt lợi thế, làm cho quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học đạt kết quả khả quan hơn so với khi không sử dụng CNTT.
Tuy nhiên, do đặc thù của các kiến thức toán, mà các công cụ CNTT cần phải được lựa chọn một cách phù hợp, sử dụng đúng lúc, đúng thời điểm, mới phát huy tốt nhất các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của các phần mềm.
Một số công cụ CNTT thường sử dụng
Có thể kể đến công cụ CNTT thường được sử dụng trong dạy học Toán như trình chiếu. Trong đó, các phần mềm thường được sử dụng như: MS PowerPoint, Violet. Đây là các phần mềm cho phép trình chiếu và giải thích nội dung, chủ đề nào đó cho khán giả hay người học.
Nó có thể hỗ trợ hoặc thay thế việc sử dụng các đồ dùng trực quan quen thuộc trong dạy học. Hiện nay MS PowerPoint, Violet là các phần mềm được sử dụng rộng rãi trong các môn học.
Trong môn Toán, thường được sử dụng trong các phần khác nhau của bài giảng, như kiểm tra kiến thức cũ, trình bày các khái niệm, định nghĩa hay minh họa bằng các hình hình học, củng cố hay khái quát hóa kiến thức. Để đạt hiệu quả hơn cần kết hợp trình chiếu với sử dụng tài liệu hỗ trợ người học, giúp người học theo dõi bài trình chiếu tốt hơn.
Hỗ trợ thực hành luyện tập
Mục đích của thực hành luyện tập là giúp người học ghi nhớ thông tin. Trong hoạt động thực hành luyện tập, các câu hỏi được đưa ra, người học trả lời và phần mềm cung cấp đáp án.
Các phần mềm thường được sử dụng nhiều như: MS PowerPoint, Violet hay các phần mềm chuyên biệt: Exe learning, Hot Potatoes để tạo ra các bài tập khác nhau.
Một biện pháp nhanh chóng và dễ sử dụng, để đánh giá người học có đạt được mục tiêu của bài học hay không là soạn các bài trắc nghiệm trên các phần mềm để sử dụng giữa tiết hay sau tiết học.
Cũng có thể sử dụng bản đồ tư duy. Bản đồ tư duy có thể được tạo ra từ các phần mềm ứng dụng trong môn Toán, sử dụng để tổng kết kiến thức của một chương hay học phần, phân tích các trường hợp xảy ra khi lập kế hoạch giải bài toán hay xây dựng công thức toán học.
Ngoài ra, Toán học còn sử dụng các phần mềm để tạo câu chuyện hình ảnh hay các phần mềm chuyên biệt trong toán học như MS Excel, graph, Sketchpad hay Maple.