Giữ vững chất lượng

GD&TĐ - Năm 2025 là dấu mốc trong lộ trình đổi mới khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 được tổ chức.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Yêu cầu của chương trình mới và thay đổi về đề thi (thêm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai, trả lời ngắn; đề Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa…) kéo theo những thay đổi trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Điều này được các nhà trường triển khai mạnh mẽ sau khi cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT công bố và đặc biệt thực hiện triệt để trong năm học này.

Với nhiệm vụ chuẩn bị cho học sinh làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT đổi mới, các nhà trường đều có chung cách làm. Đó là cho giáo viên nghiên cứu đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025; từ đó xây dựng các câu hỏi, đề kiểm tra theo cấu trúc định dạng đề minh họa.

Những câu hỏi chất lượng được lựa chọn cho vào ngân hàng đề, phục vụ quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá cả thường xuyên, định kỳ và sử dụng trong các kỳ thi thử do nhà trường tổ chức… Đây là giải pháp quan trọng trong nhiều giải pháp được nhà trường triển khai để nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Hoạt động này càng quan trọng khi từ năm học 2024 - 2025, việc xây dựng câu hỏi, đề kiểm tra không còn là công việc chuyên môn phục vụ bó hẹp trong phạm vi một cơ sở giáo dục. Với định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi có hướng mở, phát huy trí tuệ toàn ngành, mỗi câu hỏi của giáo viên bảo đảm chất lượng sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa trên quy mô quốc gia.

Khác nhau giữa các nhà trường có lẽ là chất lượng câu hỏi, đề kiểm tra được xây dựng theo yêu cầu mới. Điều này phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ. Trên thực tế, dù có nhiều giải pháp (tập huấn về xây dựng câu hỏi, đề thi cho giáo viên; hỗ trợ giáo viên về chuyên môn; tăng cường nội dung xây dựng câu hỏi, đề kiểm tra trong sinh hoạt chuyên môn; chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi…), nhưng đây vẫn là công việc khó khăn với đa số thầy cô; đặc biệt với các môn lần đầu tiên có tên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT như Tin học, Công nghệ. Bởi vậy, nâng cao năng lực ra đề cho giáo viên là công việc phải tiếp tục làm.

Có thể nói, đổi mới trong kiểm tra, đánh giá là giải pháp quan trọng, không thể thiếu nhằm nâng cao kết quả, chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sẽ là vấn đề nếu hoạt động này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho kỳ thi.

Cần quán triệt chủ trương của Bộ GD&ĐT thể hiện trong Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT: Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình GDPT; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực học sinh sẽ nâng cao chất lượng dạy học, cũng là nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.