Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC
Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Những giờ học bên ngoài giảng đường giúp sinh viên hình dung được môi trường, điều kiện làm việc sau khi ra trường, xây dựng được động cơ học tập tốt nhằm tích lũy kiến thức, hình thành kỹ năng nghề nghiệp.

Những giờ học không tường vách

Sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, khóa tuyển sinh năm 2024, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đã có buổi học nhập môn đáng nhớ tại Làng Sinh thái Thái Lai (xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang) và Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (TP Đà Nẵng).

Tại làng sinh thái Thái Lai, các tân sinh viên được tham quan mô hình điện năng lượng mặt trời, xưởng ép dầu lạc tự động hoá sử dụng năng lượng mặt trời, tiếp cận mô hình quản lý du lịch sinh thái bền vững theo hướng thân thiện với môi trường, Net Zero,… Ở trạm xử lý nước thải Phú Lộc, sinh viên được tìm hiểu công nghệ và quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, qua đó các bạn trẻ có thể hình dung được cơ cấu tổ chức và vận hành của một trạm xử lý nước thải tập trung.

PGS.TS Lê Phước Cường - Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Đây là dịp để các tân sinh viên tiếp cận thực tế ngành nghề, và là cơ hội để hiểu thêm về tầm quan trọng của ngành nghề mình sẽ theo đuổi trong 4 năm tới.

Tôi cho rằng, qua những trải nghiệm thực tế, các bạn sẽ ngày càng yêu thích và gắn bó hơn với ngành học đã chọn. Bài thu hoạch sau chuyến đi cho thấy, sinh viên có nhiều định hướng hơn trong khi trước đó họ còn khá mơ hồ về ngành nghề. Đây chính là khởi đầu cho một hành trình thử thách nhưng cũng tràn đầy cảm hứng và cơ hội”.

Trong khuôn khổ tuần lễ định hướng cho năm học mới, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK - Đại học Đà Nẵng) tổ chức cho các tân sinh viên làm quen với môi trường thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với ngành học. Sinh viên ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế có thể làm quen và học hỏi mô hình kinh doanh thực tế tại Khách sạn Novotel Đà Nẵng.

Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ hỗ trợ, sinh viên được tìm hiểu về quy trình hoạt động, cơ sở vật chất và các dịch vụ mà Novotel đang có như buồng phòng, nhà hàng, spa và cách thức phục vụ theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được ban quản lý Novotel chia sẻ nhiều hơn về tình hình dịch vụ ngành trong thời gian qua cũng một số thông tin về những cơ hội và thách thức đối với từng vị trí công việc nếu các bạn quan tâm và muốn theo đuổi lĩnh vực này trong tương lai.

Tại VNUK, ngành Khoa học Y Sinh đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về sinh học hiện đại cũng như y học lâm sàng và cận lâm sàng để thực hiện phát triển những kỹ thuật y tế mới, đồng thời tạo ra những nhà khoa học ưu tú trong lĩnh vực khoa học sức khỏe với mong muốn tìm ra được những khám phá mới trong phòng ngừa, bảo vệ và chữa trị bệnh cho cộng đồng.

Vì vậy, sinh viên sẽ luôn được tạo điều kiện tối đa để phát triển khả năng làm việc thực tế qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và những chuyến thực tập thực tế ngay từ năm đầu, từ đó tự phát hiện và xây dựng được cho mình một định hướng mình đam mê và theo đuổi.

Theo kế hoạch, sinh viên năm thứ nhất ngành Khoa học y sinh của VNUK sẽ có đợt Field trip tại một số bệnh viện lớn ở Đà Nẵng. Các buổi tham quan thực tế tại những bệnh viện lớn là một trong những hoạt động nổi bật mà VNUK chuẩn bị cho các tân sinh viên.

Sinh viên có cơ hội lắng nghe chia sẻ về đơn vị đối tác; vị trí công việc và mô hình tổ chức phòng ban; cơ hội nghề nghiệp; kinh nghiệm làm việc; các tiêu chí tuyển dụng mà các đơn vị đối tác nghề nghiệp cần ở ứng viên. Ngoài ra, sinh viên còn tham quan khu vực làm việc, giải trí để hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp; quan sát cách bày trí, không gian làm việc chuyên nghiệp.

giu-sinh-vien-o-lai-voi-nghe-2.jpg
Đưa vào sử dụng Không gian sáng tạo số, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng giúp sinh viên có những trải nghiệm tốt nhất về hoạt động ngân hàng, chuyển đổi số. Ảnh: NTCC

Học trong môi trường nghề nghiệp

Sinh viên khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã vận dụng những kiến thức học được trổ tài tại cuộc thi thương hiệu - Branding Contest. Cuộc thi này là chương trình ngoại khóa lồng ghép vào chương trình chí́nh khóa của học phần Quản trị thương hiệu thông qua các dự án mang tính thực tiễn cao.

Nó được triển khai từ ý tưởng ban đầu của PGS.TS Phạm Thị Lan Hương (nguyên Trưởng khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) về một show trình diễn đầy tính cạnh tranh, gắn với các dự án nơi sinh viên có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tự mình xây dựng và phát triển các thương hiệu thời trang thực tế.

Để tham gia Branding Contest, 18 nhóm sinh viên khoa Marketing phải bắt đầu từ công việc nghiên cứu thị trường để nhận diện cơ hội và nắm bắt nhu cầu khách hàng, sau đó xây dựng bộ nhận diện thương hiệu phù hợp.

Nhờ kinh nghiệm hợp tác doanh nghiệp, TS Trương Thị Vân Anh - Trưởng bộ môn Marketing, khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đã kế thừa và làm mới Fashion & Branding nguyên bản thành đường đua giữa các thương hiệu với sự tài trợ từ các đơn vị thực tế cả về tài chính lẫn nhân lực, vật lực.

Kết hợp phương pháp học tập dựa trên nghệ thuật (art-based learning), Branding Contest đặt ra thách thức mới cho người học thông qua việc vận dụng các hình thức nghệ thuật trình diễn như nhạc kịch, thời trang… hình ảnh hóa các giá trị gửi gắm để kích thích tối đa thị giác của khán, thính giả.

Những học phần vận dụng kiến thức vào thực tiễn được sinh viên hào hứng tiếp nhận. Phan Thị Hồng Hương - sinh viên năm thứ 4 khoa Marketing cho biết, với các học phần mang tính trải nghiệm mà khoa tổ chức giúp sinh viên có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước.

Chẳng hạn tại Branding Contest, Hương cùng các bạn trong nhóm đã được học hỏi nhiều kỹ năng về marketing với các chuyên gia từ Công ty AIDIN Robotics (Hàn Quốc). Chỉ khi thường xuyên làm việc và tiếp xúc với các doanh nghiệp mới giúp sinh viên dần dần có được sự nhạy bén, tinh tế trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Đây là yếu tố cần thiết của sinh viên ngành marketing khi ra trường đi làm.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng Không gian sáng tạo số (DUE-MB Digital Hub) do Ngân hàng TMCP Quân đội khánh thành và bàn giao theo chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác của hai bên trước đó.

DUE-MB Digital Hub được thiết kế mô phỏng một ngân hàng số, được trang bị các màn hình hiện đại và các tablet được cài đặt những phần mềm và nền tảng giáo dục Bee Class với những module mô phỏng, trải nghiệm thực tế hấp dẫn như: Quản lý tài chính cá nhân, Công nghệ tài chính, Đấu trường tài chính…

PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho biết, khu vực pitching (thuyết trình về một ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ) sẽ có những buổi OpenTalk của chuyên gia ngân hàng về các chủ đề như AI, Machine Learning, BigData, tập trung vào ngân hàng số, sản phẩm số.

Hai bên sẽ cùng phối hợp tổ chức những cuộc thi về ý tưởng sáng tạo, chương trình trải nghiệm sản phẩm số và tham quan không gian sáng tạo số. Tại Digital Hub có màn hình giảng dạy được bố trí tại khu vực giảng đường với các thiết bị hiện đại để các thầy cô sử dụng vào các môn học chuyên ngành.

Cùng với đó, các chuyên gia tại Trung tâm học tập và sáng tạo của Ngân hàng TMCP Quân đội sẽ cùng tham gia xây dựng, chia sẻ và chuyển giao tri thức liên quan các môn học để các bạn sinh viên có những trải nghiệm tốt nhất về hoạt động ngân hàng, chuyển đổi số.

Giữ lửa cho sinh viên năm đầu

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) vừa có thông báo buộc thôi học gần 80 sinh viên các khóa từ 2020 đến 2023 vì không đăng ký tín chỉ tại học kỳ I năm học 2024 - 2025.

Trong số này, có 40 sinh viên thuộc khoa Khoa học máy tính, 18 sinh viên khoa Kinh tế số và thương mại điện từ, 19 sinh viên khoa Kỹ thuật máy tính và điện tử. Đáng chú ý, trong đó nhiều sinh viên không trở lại học sau khi đã hết thời hạn nghỉ học tạm thời.

GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong một hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục đại học đã nêu vấn đề rằng, tại sao với đầu vào là những học sinh đã được sàng lọc qua kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng lại có thể “mất đà” ngay từ năm thứ nhất?

Có thể tính đến phương án đổi một số môn đại cương như Toán - Lý - Hóa, vốn đã được học rất kỹ ở phổ thông, sang những năm sau để cho các em học ngay một số môn chuyên ngành, tạo hứng thú học tập cho sinh viên. Các trường đại học cũng tính đến việc bố trí những giảng viên tận tâm, có phương pháp truyền thụ tốt đảm nhận việc giảng dạy đối tượng là sinh viên năm nhất.

Giảng viên cần tạo ra môi trường cho sinh viên học tập chủ động, tự giác; tăng cường làm việc trước, trong và sau giờ giảng bằng cách tổ chức làm việc nhóm, giao bài tập hoặc các vấn đề cần thảo luận…

Ths Đoàn Minh Thu - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh chia sẻ: “Những đợt tham quan, trải nghiệm tại các đơn vị, doanh nghiệp giúp sinh viên năm thứ nhất nắm được tiêu chí tuyển chọn nhân sự của các doanh nghiệp để phần nào tự đánh giá được khả năng của bản thân và chủ động cải thiện năng lực.

Sinh viên sẽ định hình được thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp trong học tập cũng như công việc để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế”.

Học tập dựa trên công việc thực tế sẽ gắn sinh viên với môi trường làm việc thực tế tại các đơn vị sản xuất, trường học, doanh nghiệp… Đó có thể đơn giản là đưa sinh viên đi quan sát quy trình vận hành dây chuyền sản xuất để các em có thể ghi chép, phỏng vấn những gì liên quan đến các kiến thức đã học khi vận dụng vào thực tiễn. Những điều này rất quan trọng cho kỳ kiến tập, thực tập sau này của sinh viên.

Các em sẽ hình dung được để làm được những công việc đó thì cần những kỹ năng, kiến thức gì. Đây được xem là những bước chuẩn bị kinh nghiệm cho các đợt kiến tập, thực tập sau đó. - PGS.TS Võ Trung Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.