Nhận diện sản phẩm của trí tuệ nhân tạo
Từ thực tiễn giảng dạy, cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết một số biểu hiện để nhận diện bài tập được giải bởi ChatGPT. Theo đó, về hình thức, ChatGPT hay có những đề mục, chia câu trả lời thành các ý tương đối khoa học, rõ ràng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ sẽ thấy các đề mục đó không tương đương về nội dung ý nghĩa, hoặc sai lệch so với các bước làm bài theo quy định. Về nội dung, ChatGPT không thể triển khai sâu sắc nội dung; các câu văn thường bị trùng lặp về ý do chỉ tổng hợp được thông tin dựa trên từ khóa. Vì vậy, bài làm của học sinh dài nhưng lại nông về ý nghĩa, các nội dung lặp đi lặp lại.
Thầy Nguyễn Trọng Trường - giáo viên Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ, hiện tượng học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài tập, đề cương ôn tập… có xảy ra ở lớp mình giảng dạy, nhưng không quá thường xuyên. Không khó để nhận ra một bài văn là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, chất lượng bài viết, lối hành văn bỗng trở nên sáng rõ, sử dụng câu từ hoa mĩ, giàu hình ảnh hơn; phong cách viết không nhất quán. Khi đọc kỹ và phân tích tính liên kết của bài viết, giáo viên có thể nhận thấy sự thay đổi đột ngột trong phong cách viết, giống như một sự chắp vá các ý và thiếu mạch lạc. Thêm nữa, học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài tập thường có lỗi sai giống hệt nhau. Khi yêu cầu đứng lên tóm tắt lại nội dung bài làm, những ý chính đã triển khai trong bài, các em ấp úng và không thể đưa ra được câu trả lời nhanh chóng.
“Để phát hiện được bài làm có sự trợ giúp của ChatGPT, trước hết giáo viên phải biết cách sử dụng ChatGPT và dùng chính nó để tra ngược lại thông tin mà học sinh cung cấp. Giáo viên có thể sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn, hoặc tìm kiếm bằng từ khóa để phát hiện bài viết có nội dung giống với các tác phẩm đã xuất bản trực tuyến, vốn là cách ChatGPT có được kiến thức của mình.
Thêm nữa, thầy cô căn cứ vào quá trình đánh giá năng lực học tập của học sinh, qua bài viết trên lớp để đối sánh cách dùng từ, cấu trúc ngữ pháp với bài viết được giao về nhà. ChatGPT không toàn năng. Cho nên, với những câu đòi hỏi tư duy phản biện của học sinh, công cụ này thường trả lời “ngô nghê”, không đi vào trọng tâm yêu cầu mà giáo viên đưa ra”, thầy Nguyễn Trọng Trường cho hay.
Nhận định vấn đề sử dụng AI để hỗ trợ học tập hiện nay khá phổ biến, thầy Trần Minh Giàu - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) cho rằng, với sự phát triển của công nghệ, khuyến khích chuyển đổi số, học sinh hoàn toàn có thể khai thác công cụ công nghệ phục vụ học tập. Tuy vậy, lời văn và cách trả lời của AI hiện nay chưa đạt đến trình độ giống 100% con người, nên nếu học sinh lạm dụng, không coi đó là tham khảo mà sao chép hoàn toàn thì có thể phát hiện dựa vào phần mềm check AI, đạo văn. Hoặc nếu tinh ý hơn, thầy cô có thể xác định dựa vào cách sử dụng câu từ lủng củng, các từ AI hay sử dụng,... qua tìm hiểu giọng văn của AI.
Cần dạy học sinh sử dụng đúng cách
Đề xuất giải pháp để có thể tận dụng được lợi thế từ công nghệ, nhưng không lạm dụng, bị phụ thuộc, thầy Trần Minh Giàu nhấn mạnh đầu tiên đến việc giáo viên cần dạy học sinh cách sử dụng Internet và ChatGPT một cách hiệu quả, trách nhiệm, nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy độc lập. Xây dựng tài liệu số chất lượng, cung cấp các nguồn tài liệu đáng tin cậy, phù hợp để học sinh tham khảo. Đặc biệt, thầy cô nên tổ chức các hoạt động giúp học sinh phát triển khả năng tự suy nghĩ, thay vì dựa dẫm vào bài mẫu. Bản thân giáo viên cũng có thể sử dụng ChatGPT và các công cụ số trong lớp học để tạo sự hứng thú, nhưng vẫn đảm bảo học sinh hiểu sâu nội dung.
Cô Nguyễn Bích Hoa - giáo viên Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) thì cho rằng, chỉ nên sử dụng chatbot, ChatGPT khi xây dựng đề án giả tưởng, học sinh tranh luận; phát hiện lỗi sai trong cách hành văn của chatbot và sửa lại sao cho “người” hơn. Chỉ coi đây là công cụ hỗ trợ để tham khảo, không nên chép toàn bộ kiến thức theo gợi ý từ công cụ này; học sinh phải chủ động trong quá trình đưa ra định hướng chung, những quan điểm chủ đạo của bài và tiếp nhận thông tin có chọn lọc.
Thầy Nguyễn Trọng Trường gợi ý, giáo viên nên đưa ra hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng công nghệ AI, nêu rõ những trường hợp nào được coi là gian lận và sẽ bị xử lý ra sao. Giáo viên thiết kế bài tập yêu cầu sự sáng tạo và kiến thức chuyên sâu, yêu cầu học sinh phải áp dụng kiến thức, kỹ năng của mình vào những tình huống thực tế, phức tạp. Điều này khiến việc sử dụng ChatGPT để hoàn thành bài tập trở nên khó khăn hơn. Thầy cô có thể khuyến khích học sinh tận dụng công nghệ AI như một công cụ hỗ trợ trong quá trình học tập; đồng thời đặt ra kỳ vọng về tính trung thực và đạo đức học thuật của học sinh.
Ở một góc nhìn khác, cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông tin, với môn Ngữ văn, việc học sinh sử dụng ChatGPT không đáng lo ngại. Lý do, thầy cô có thể phát hiện và định hướng học sinh sử dụng đúng cách. Thêm nữa, các ngữ liệu trong bài đọc hiểu Ngữ văn rất phong phú, cô đọng, súc tích do yêu cầu về dung lượng đề thi. Vậy nên, nếu giáo viên chủ động làm đề, soạn câu hỏi, không sử dụng sẵn các ngữ liệu có trên mạng, ChatGPT không thể giải quyết được các câu hỏi đó. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng tính năng rất mạnh của ChatGPT để tìm kiếm dẫn chứng sử dụng trong bài nghị luận xã hội.
“Tôi cũng hướng dẫn học sinh sử dụng một số lệnh để yêu cầu ChatGPT hỗ trợ tìm số liệu, thông tin, dẫn chứng cho dạng bài nghị luận này, hay các ý kiến đánh giá, hoặc để sử dụng cho phần mở rộng trong bài nghị luận văn học. Tôi tin là khi học sinh phân biệt được chất lượng sản phẩm của ChatGPT làm ra không thể bằng sản phẩm do mình tự viết, cùng với việc được hướng dẫn khai thác đúng tính năng, đây sẽ là công cụ hỗ trợ khá ổn cho cả thầy và trò”, cô Nguyễn Thu Hằng cho hay.
Để sử dụng ChatGPT hiệu quả, nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm soát để học sinh có thể tận dụng được lợi thế của công cụ này, cũng như những công cụ hữu ích khác mà không bị phụ thuộc, đánh mất đi sự chủ động, sáng tạo. - Thầy Nguyễn Phương Bắc - giáo viên Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh)