Để tạo thói quen này là nỗ lực lớn của các nhà trường với nhiều giải pháp. Trong đó phải kể việc linh hoạt hình thức bán trú, giữ chân trò bằng sự quan tâm chăm sóc từng bữa cơm ấm, từng bộ quần áo mặc hay chỗ ngủ ở trường.
Thầy cô ứng tiền túi nuôi trò
Năm học 2020 – 2021, năm đầu tiên Trường Tiểu học Đọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tổ chức bán trú. Có 34 học sinh lớp 4 – 5 ở các bản lẻ Huồi Viêng, Phà Nọi, Nọng Hán được đưa về trường chính. Đóng tại xã biên giới xa xôi, khó khăn, điều kiện cơ cở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn. Hai gian phòng học cũ của trường phổ thông cơ sở cũ (liên cấp 1 – 2) được tận dụng làm nơi ở riêng cho nam và nữ. Phòng GD&ĐT hỗ trợ chuyển một số giường tầng dư thừa của trường PT Dân tộc bán trú THCS cho học sinh tiểu học. Các vật dụng sinh hoạt khác, nhà trường tự sắm thêm cho học sinh.
Thầy Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đọc Mạy cho biết: Chúng tôi cũng kết nối với một số tổ chức, nhóm thiện nguyện tặng đủ chăn đệm, áo ấm cho học sinh trong mùa đông rét. Hiện hơn 10 giáo viên cắm bản ở lại trường dạy học. Khi đưa học sinh từ điểm lẻ về, bếp của thầy cô cũng thành bếp ăn của trò. Vừa lo ăn uống, vừa chăm sóc, quản lý các cháu để tạo sự yên tâm, tin tưởng của phụ huynh.
Học sinh bán trú được hưởng trợ cấp theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo thầy Trần Hữu Trường, hàng năm gạo về kịp thời, nhưng tiền hỗ trợ phải đợi lập danh sách, duyệt và về muộn sau 4 – 5 tháng. Vì thế, từ đầu năm đến nay, nhà trường và các thầy cô giáo bỏ tiền túi ứng ra để nuôi trò.
“Phụ huynh vùng khó khăn, việc học của con cái hầu hết phó mặc cho nhà trường. Nếu thầy cô không ứng tiền túi ra nuôi trò, các cháu dễ bỏ học, bỏ trường chính về bản. Trong khi để đưa học sinh điểm lẻ về trường chính đã rất khó khăn, trải qua quá trình vận động phụ huynh lâu dài”, thầy Trường nói.
Đến nay, 34 trẻ người Khơ Mú, Mông đã quen với việc ở lại trường cùng thầy cô. Bữa ăn có cá thịt, canh rau do thầy cô tự trồng. Bữa cơm không chỉ đủ đầy, mà còn ấm nóng tình cảm, sự quan tâm của các thầy cô vốn cũng đang nhiều vất vả dành cho học sinh vùng biên giới xa xôi này.
Năm học này, 113 học sinh lớp 3 - 4 - 5 thuộc các bản Hồng Thắng, Hồng Điện và Tổng Tiến được đưa về điểm chính Trường Tiểu học Đôn Phục, (huyện Con Cuông, Nghệ An). Đây là nỗ lực lớn của nhà trường, khi tổ chức bán trú cho các em bắt đầu từ con số 0. Trước tiên, hai phòng công vụ giáo viên được chuyển thành nơi ở cho học sinh gái. Nhà đa chức năng được sử dụng thành nơi ở và sinh hoạt cho các bạn nam. Từ ngày có học sinh bán trú, giờ sinh hoạt và làm việc của giáo viên cũng phải điều chỉnh. Theo quy định, trường được hỗ trợ ba nhân viên nấu ăn, phục vụ bán trú. Nhưng buổi tối, 4 giáo viên và lãnh đạo của trường tự nguyện ở lại trực đêm, quản lý và phụ đạo cho các em.
Dù còn nhiều bộn bề, nhưng qua 3 tháng, việc tiếp nhận 113 học sinh về trường chính cơ bản ổn định. Thầy Bành Đức Hoài – Hiệu trưởng cho hay: Nhu cầu của phụ huynh rất lớn nhưng chúng tôi mới chỉ đáp ứng được 53/113 em ăn ở tại trường. Số còn lại, vẫn ăn trưa bán trú nhưng phụ huynh phải đưa đi và đón về nhà buổi tối. Dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng quan điểm của nhà trường là bữa cơm bán trú của trò phải đầy đủ. Em nào ở lại phải được chăm lo tốt nhất.
Duy trì sĩ số trong những ngày giá rét
Na Ngoi là xã cao nhất của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi có đỉnh Pù Xai Lai Leng hùng vĩ, nóc nhà dãy Trường Sơn. Những ngày qua, thời tiết ở vùng biên giới này rét đậm, sương giá, nhiệt độ xuống thấp 10 – 11 độ. Tuy nhiên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS vẫn đi học đầy đủ.
Thầy Phạm Mạnh Hùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đầu năm học, trường đón nhận niềm vui khi được tài trợ xây dựng 5 phòng ở bán trú. Những phòng ở mới này được ưu tiên bố trí cho học sinh nữ lớp 8 – 9. Lứa tuổi này các em đã có những thay đổi tâm sinh lý, cần không gian riêng và tách biệt với khu vực của nam sinh. Số còn lại tiếp tục ở tại khu nhà bán trú cũ cách trường khoảng 500 m. Bên cạnh đó, từ đầu năm học, trường còn được cấp bổ sung giường tầng, hỗ trợ bình nóng lạnh, chăn đệm, tủ ủ ấm thức ăn. Nhờ đó, trong những ngày rét đậm này, sinh hoạt của gần 400 học sinh bán trú không bị xáo trộn, ảnh hưởng nhiều.
Theo ông Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, đầu năm học 2020 - 2021, tất cả trường Phổ thông DTBT THCS trên địa bàn đều được hỗ trợ cấp bổ sung vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Đây là sự hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực cho thầy trò vùng cao. Đặc biệt vào mùa đông, các em đủ chăn đệm để ngủ, nước ấm tắm và thức ăn nóng sốt.
Ngoài 19 trường PT DTBT THCS, huyện Kỳ Sơn có 42 trường tiểu học tổ chức bán trú. Các trường này đã dồn học sinh lớp 3 – 5 từ điểm lẻ về điểm chính. Đồng thời cho các em ăn, ở bán trú tại trường từ thứ 2 - 6. Ngoài ra, huy động sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân tặng quần áo, chăn ấm, đồ dùng sinh hoạt. Dù tỉnh Nghệ An chưa có mô hình trường tiểu học bán trú, nhưng đây là nỗ lực của các cơ sở giáo dục vùng cao, nhằm tập trung học sinh, tập trung nguồn lực đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình phổ thông mới.