Giếng Ngọc quê tôi

GD&TĐ - Chiều hôm trước, tôi ngồi uống trà với Thịnh, nhà ở ngõ Chùa, đồng môn cấp 1 những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ trước.

Giếng Ngọc, công trình văn hóa lịch sử một thời bị lãng quên, mai một cần sớm được trùng tu. Ảnh: TG.
Giếng Ngọc, công trình văn hóa lịch sử một thời bị lãng quên, mai một cần sớm được trùng tu. Ảnh: TG.

Hai U70 chuyện nọ, chuyện kia thế nào dẫn đến vấn đề văn hóa làng.

Đêm đó tôi mơ ngủ thấy đang đi xách nước giếng Chợ về dùng. Giấc mơ chập chờn, hình như lúc đó chỉ trên dưới 10 tuổi, vừa vào cấp 2. Được sinh ra ở phố nên tôi không biết gánh mà phải xách hai tay hai lưng thùng nước. Có khi đi một mạch khoảng trăm mét về thẳng nhà, có khi phải nghỉ giữa đường.

Hình ảnh xách hai thùng nước sóng sánh thì chập chờn nhưng hình ảnh cái miệng giếng tròn vành vạnh, được ghép bằng những phiến đá xanh đẽo gọt cẩn thận, cao hơn nền giếng khoảng 30cm với chi chít vết lõm thì rõ mồn một, rất đẹp. Tỉnh dậy cứ thấy man mác, bâng khuâng nhớ về cái giếng “tuổi thơ tôi”.

Làng tôi xưa trải dài gần 3km với thế “ngô công”, có 3 cái giếng cổ, đẹp ở đầu làng, giữa làng, cuối làng. Giếng Chợ ở giữa làng, đẹp nhất và “có tuổi” nhất. Nhà tôi ở ngõ Chợ nên ngày ngày vẫn ra lấy nước giếng về dùng.

Còn nhớ nước giếng xưa trong lắm, trưa Hè nhìn xuống thấy cả bầu trời xanh, mây trắng như một bức tranh. Nghe nói, giếng có mạch dọc nên đến lấy nước liên tục cũng được, không bao giờ cạn. Trời nắng, tan học ở chùa ra vốc ngụm nước giếng uống mát tỉnh người.

Mùa Đông, “khói” nghi ngút từ miệng giếng bốc lên, buổi sáng múc nước rửa mặt ấm áp, rất dễ chịu. Giếng được ngự trên một khoảng sân không rộng, lát bằng những tấm đá xanh tuy không thật phẳng nhưng sạch sẽ, với khung cảnh phong quang, sát đường trục của làng, rất thuận lợi cho cả thôn lấy nước dùng hàng ngày.

Những đêm trăng, mấy bà, mấy cô ra múc những gàu nước sóng sánh vàng cho nồi ngâm giá “ăn nước”. Dịp Tết đến, mấy nhà gần giếng chờ đêm tối vắng người lấy nước mới đem ít lá dong nhỏ nhoi ra rửa dưới ánh đèn hắt vào từ cột đèn đường đỏ quạch, chuyện trò râm ran về cái Tết còn khó khăn mà không kém phần háo hức…

Nhớ lại một phát hiện thú vị gần đây về thủ phạm của những vết lõm ở miệng giếng. Lúc bé cứ nghĩ đi lấy nước giếng toàn trẻ con như mình thì phải. Bởi lẽ trẻ con tay yếu, chưa kéo thẳng gàu nước lên được, thành thử cứ phải ném xuống cái gàu bằng tôn hoặc bằng cao su có dây thừng buộc vào dóng ngang miệng. Chờ gàu “uống” đầy nước, đứa nào đứa nấy hì hục kéo sợi dây thừng đã tỳ vào miệng giếng lên, đổ nước vào thùng.

Gần đây ngồi hầu chuyện với một cụ già trong xóm, được cụ giải thích rằng thủ phạm của các vết lõm quanh miệng giếng thuộc về cái váy đụp?! Chuyện là thế này: Việc đi lấy nước xưa chủ yếu thuộc về phụ nữ (trong Chí Phèo, Nam Cao cũng tả Thị Nở đi “kín nước” mà gặp anh Chí, rồi nên chuyện đó thôi!).

Phụ nữ Bắc Bộ xưa thường mặc váy đụp. Đặc biệt khi “tháng Tám có chiếu vua ra…” thì việc này được thực hiện khá nghiêm (bà nội tôi sinh 1896 luôn chỉ mặc váy đụp chứ không mặc quần bao giờ).

Vì mặc váy mà miệng giếng lại thấp nên rất chi là không tiện nếu đứng sát. Thành thử có sức kéo thẳng được gàu nước thì các bà, các cô cũng vẫn đứng xa xa một chút, ném gàu xuống, tỳ thừng vào mà kéo gàu lên như đứa trẻ con vậy.

Sáng ra chạy thẳng đến ngó giếng Chợ của một thời. Trời hỡi, hình ảnh bao cảm xúc về cái giếng “tuổi thơ tôi” là thế này ư? Tuy chưa bị lấp nhưng đã bị chụp bởi một khung sắt hoen gỉ.

Sân giếng đã tôn cao (hay miệng giếng bị đẽo đi?!) mà cái miệng giếng đá thần thánh của tôi chỉ còn lấp ló, nham nhở, loét lở thật thảm thương. Bên cạnh giếng vẫn còn tấm bia cổ, nay được quây bởi một ô miếu nhỏ, có dấu vết hương hoa mới nhưng xung quanh đủ thứ “tả pí lù” do những người đi chợ tuỳ tiện quẳng vào, bẩn thỉu, nhếch nhác rất khó coi.

Mấy chị bán hàng cạnh đấy cho biết gần chục năm trước có người đã đổ đất lấp giếng để chiếm đất rồi không biết thế nào lại phải moi lên để giếng như hiện nay. Bần thần trở về nhà, giở lại mấy tài liệu đã đọc đâu đó về cái “hương tỉnh” này, cảm xúc buồn vui lẫn lộn.

Cũng như bao làng quê Đồng bằng Bắc Bộ xưa, cây đa - giếng nước - mái đình làng tôi cũng là hình ảnh đặc trưng, đậm đà bản sắc “quê mình”. Giếng làng không chỉ chứng kiến bao kỷ niệm thăng trầm của bao thế hệ dân làng, mà còn là biểu tượng kết nối mạch nguồn văn hóa cộng đồng, có sức lan tỏa rộng rãi, nhiều khi vượt ra cả biên giới quốc gia.

Làng Cổ Nhuế quê tôi là một làng cổ được chính vua Lý Thái Tổ đặt tên chữ cho từ năm Thuận Thiên thứ 9 (1028). Cùng với việc vua cha đặt tên làng, công chúa Minh Hiến (con vua Lý Thái Tổ) cũng đứng lên xây dựng chùa Sùng Quang ở giữa làng và ngôi đình thờ Đông Chinh Vương (con thứ 3 của Lý Thái Tổ) làm thành hoàng làng.

Hai công trình này cùng nhiều công trình khác đã được công nhận là Di tích lịch sử, trùng tu nhiều lần; là những di sản quý hiếm, một phần hồn cốt của làng, đánh dấu quá trình phát triển nghìn năm của mảnh đất ven đô. Chính tại chùa Sùng Quang này, sáng 19/8/1945, đông đảo bà con bốn thôn Cổ Nhuế đã tập hợp mít tinh tham gia khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng xã.

Theo lịch sử ghi lại, cùng với việc trùng tu chùa, cụ Phạm Thị Độ đã cúng tiến 6 mẫu ruộng để làm chợ, làm giếng từ thời chúa Trịnh Giang. Chợ Chùa liền với vườn Chùa, ao Chùa và đặc biệt là giếng Ngọc (mà tôi gọi nôm na là giếng Chợ ở trên).

Trong cuốn “Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long” xuất bản năm 1995 của Đỗ Thỉnh có nói về các câu đối trong chùa Sùng Quang. Tôi chú ý đến đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của chùa như sau: “Điện tiền, ngọc tỉnh ngô công, bảo ấn chứng nhi Sùng Quang cảnh thắng/ Bối hậu, kim quy hoàng sắc, minh thủy lâm nhi Cổ Nhuế dân an” (Dịch nghĩa: Phía trước có giếng ngọc Ngô công, dấu ấn quý nên chùa Sùng Quang thành nơi danh thắng/ Phía sau là rùa vàng, mang sắc vàng, dòng nước trong nhìn xuống nên dân Cổ Nhuế được yên).

Sách này cũng nói giếng Ngọc được làm năm Cảnh Hưng thứ 5 (1745) cùng với chợ Chùa. Như vậy, giếng Ngọc là một phần trong quần thể chùa Sùng Quang với gần 300 năm tuổi, là một trong những giếng “có tuổi” cao trong khu vực.

Tuy tôi không sinh ra ở Cổ Nhuế nhưng gốc nhiều đời ở Cổ Nhuế và nay nghỉ hưu cũng về ở Cổ Nhuế. Theo cuốn Nguyễn tộc phả ký xuất bản năm 2017 (của họ Nguyễn, thôn Đống) thì cụ thủy tổ nhà tôi về lập nghiệp tại Cổ Nhuế từ đầu thế kỷ 16, đến nay được 19 đời.

Năm 1965, tôi sơ tán về quê ở ngôi nhà cổ, đầu ngõ Chợ. Ngôi nhà do cụ Nguyễn Hữu Đức, đời thứ chín dựng lên, sắm sanh bàn thờ, hoành phi, câu đối và các vật dụng kèm theo.

Cụ Hữu Đức sinh 1737, sinh thời học vấn tinh thông, đỗ Tam trường, có hai con đều đỗ Tam trường và đều giữ chức Tướng sĩ lang. Gia đình tôi hiện còn giữ được đôi câu đối mỗi vế 14 chữ với nội dung: “Cổ dĩ lai thế xuất thân hào Nguyễn phái phong thanh cương tỉnh thụ/ Nhuế chi tức ấm diên qua điệt Ất chi miên duệ tuế thời hoa”.

Tôi không thạo chữ Nho nên tra từ điển thì biết chữ “tỉnh” nghĩa là “giếng”. Trong câu đối ở chùa Sùng Quang và câu đối ở nhà tôi đều dành cho giếng vị trí trang trọng. Giếng trong câu đối ở chùa được gọi là “Giếng Ngọc”.

Giếng trong câu đối ở nhà tôi cũng là nói về giếng Ngọc vì nhà tôi không có giếng riêng, lại may mắn ở ngay ngõ Chợ, gần giếng Ngọc. Cụ Tổ xây dựng nhà tôi thọ 73 tuổi, giếng Ngọc có trước khi cụ được sinh ra 8 năm, bản thân cụ chắc chắn được “tỉnh thụ” nước trong của giếng Ngọc và hẳn cụ cũng rất yêu giếng Ngọc.

Chùa Sùng Quang (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG.

Chùa Sùng Quang (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG.

Xưa làng có nhiều ao, sông nên tắm giặt chủ yếu ở ao, còn nguồn nước ăn chủ yếu ở giếng làng. Mọi người ra giếng lấy nước hàng ngày, nhà thì chứa vào bể, nhà thì chứa vào chum dùng dần. Nhiều thế hệ dân làng Cổ Nhuế, nhiều thế hệ gia đình tôi ở đất này, uống nước “Ngọc tỉnh”, lớn lên, khôn lên nhờ “Ngọc tỉnh”.

Các cụ già xưa thường nói giếng nước không chỉ có ý nghĩa đối với việc ăn uống mà nó có giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc. Chọn được mạch nước tốt, có được giếng tốt là được hưởng tinh khí đất trời. Nước giếng trong mát, dồi dào tượng trưng cho sự sung túc, vững vàng của làng quê. Dân làng xúm xít xung quanh giếng làng tăng mối đoàn kết gắn bó “tối lửa, tắt đèn”.

Tôi còn nghe kể giếng Ngọc làng tôi còn là nơi lưu giấu một số vật thiêng của làng tránh thất thoát bởi giặc giã. Nay tuy mọi nhà đều dùng nước máy, nước giếng khoan cả rồi nên giếng làng không còn giá trị đối với sinh hoạt vật chất nữa. Vậy nhưng chẳng nhẽ giá trị văn hóa, tâm linh không cần quan tâm? Lên phường rồi thì giá trị làng quê truyền thống tất yếu bị rẻ rúng?!

Chỉ còn gần 5 năm nữa là kỷ niệm chẵn 1.000 năm làng mang tên Cổ Nhuế mà những dấu tích văn hóa - lịch sử quý hiếm không gì thay thế được cứ mai một dần: Đình làng 5 gian bề thế vốn tọa lạc trên mảnh đất hơn 3 nghìn mét vuông nay chỉ còn toen hoẻn 3 gian với 500 mét vuông.

Cây đa đồng Cáo mấy trăm năm sau chùa Sùng Quang đã “biến mất” mấy năm nay. Cây đề cổ mấy trăm năm (vốn ở khuôn viên đình làng) đang thoi thóp. Chùa Sùng Quang thì luôn kín cổng cao tường không hiểu để hạn chế đối tượng vào chùa hay tránh những xe hàng, xe rác đỗ vô tội vạ trước cửa.

Và giếng Ngọc một thời thì vậy đó… Phải chăng đó cũng là việc “bắn súng lục vào quá khứ” của người hôm nay?! Gần đây, VTV1 có một chương trình văn hóa nói về giếng làng rất hay.

Tôi rất tâm đắc thấy nhiều nơi quan tâm giữ gìn, tôn tạo giếng làng, coi giếng làng như một báu vật, nét đẹp làng quê đổi mới không thể thay thế, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo riêng bên những công trình mới, hiện đại.

Khi biết tôi có ý định viết về giếng Ngọc của làng, Thịnh rất ủng hộ. Mấy hôm sau, Thịnh alo mời tôi “về uống trà”. Thịnh cho biết, chi bộ khu dân cư đã bàn lập đề nghị chính quyền trùng tu lại giếng Ngọc và chủ tịch phường đã đến “thực mục sở thị” giếng làng.

Cũng lấy làm mừng vì sự quan tâm ban đầu khá nhanh nhưng vẫn băn khoăn vì thiếu gì việc chính quyền “quan tâm để đấy” dù việc không quá lớn về công sức và kinh tế lúc này.

Có việc giờ bất tòng tâm rồi nhưng mơ thì chả ai cấm. Tôi mơ được thấy chính quyền địa phương sớm quan tâm quy hoạch cụm di tích văn hóa - tâm linh chùa Sùng Quang, trả lại quần thể này sự phong quang, trả lại “Ngọc tỉnh” dáng hình yêu kiều vốn có, bên cạnh cây đề to còn giữ được, với ngôi chùa cổ kính rộng mở cùng tiếng chuông chùa ngân nga.

Khi đó, chùa Sùng Quang mãi là danh thắng, dân Cổ Nhuế thêm yên vui, nhất là khi cái thế “phong thủy đại lợi, thế đất âm dương đáng quý, đất này tả đưa hữu đón, có thế long chầu hổ phục, có hậu đầu, có phong án, sông nước thuận tiện” của Cổ Nhuế không còn được như xưa.

Mong lắm và cũng sẵn sàng chung tay trùng tu giếng Ngọc của làng Noi - Cổ Nhuế (nay thuộc phường Cổ Nhuế 2). Dẫu muộn còn hơn không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ