Chuyện làng “đá ong” và giếng cổ kỳ lạ ở Vĩnh Phúc

Làng Thích Chung là một trong 6 ngôi làng cổ của Tổng Bá Hạ xưa. Nay địa danh này là xã Bá Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). 

Chuyện làng “đá ong” và giếng cổ kỳ lạ ở Vĩnh Phúc
Người lạ vào làng cũng dễ nhận ra nét khác biệt của Thích Chung so với các ngôi làng Việt khác bởi giữa thời xi măng hóa nhà cửa thì trong làng vẫn hiện diện những ngôi nhà đá ong cũ kỹ, rêu phong.

Có thể khẳng định đó là ngôi làng cổ độc đáo nhất Vĩnh Phúc. Không gỗ lạt, không màu mè, chỉ với những viên đá ong sậm như sáp mật...

"Ấy vậy mà làng tôi đã 5 thế kỷ làm nhà bằng đá ong rồi đấy. Loại đá này rất hay, hè mát đông ấm. Nhà phơi nắng phơi mưa cả trăm năm, đá bị rỗ hết lớp da còn lại lớp cốt mà vẫn không xiêu vẹo. Người làng tôi coi loại đá này là báu vật trời cho" - Cụ Đoàn Văn Lãng, nghệ nhân cuối cùng của làng Thích Chung cho hay.

Nghệ nhân cuối cùng của làng đá

Anh Đoàn Văn Sáu - Trưởng thôn Thích Chung - cho biết: "Trước đây, tất cả những ngôi nhà ở đây đều làm bằng đá ong hết. Nhà giàu có thì xây tường dày đến cả nửa mét, nhà bình thường thì tường cũng dày hai chục phân. Tường rào và cổng cũng đều được làm bằng đá ong nguyên khối".

Theo anh Sáu, ở Thích Chung bây giờ vẫn còn bảo tồn được những ngôi nhà đá ong hàng trăm năm tuổi, tính ra cũng đã vài ba thế hệ sống dưới căn nhà đó. 

Đặc điểm của nhà đá ong là rất mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Giữa cái nắng gắt gao của tháng 8, dù trong nhà không bật quạt nhưng chúng tôi vẫn không cảm thấy cái nóng.

Một ngôi nhà đá ong cổ hàng trăm năm tuổi.
Cụ Đoàn Văn Lãng, 82 tuổi cũng là nghệ nhân làm đá ong cuối cùng của làng Thích Chung cho biết: "Cái anh đá ong là không có tính truyền nhiệt, nên dù có đốt lửa dưới đá thì vẫn không thấy nóng. Cha ông chúng tôi ở vùng này đã biết tận dụng lợi ích ấy để xây dựng nhà cửa".
Ở Vĩnh Phúc, có lẽ chỉ riêng Thích Chung mới làm nhà bằng đá ong. Vì thế, ở đây từ xưa đã hình thành một nghề kiếm sống gọi là nghề xẻ đá. Chỉ những ai thông minh, mạnh khỏe, khéo tay lại có người trong nhà làm nghề thì mới được đi theo để học hỏi.
Cụ Lãng là một trong số đó. Từ nhỏ cụ đã theo cha đi đánh đá, xẻ đá, mài đá và xây dựng nhà cửa. 82 tuổi thì cũng ngần ấy thời gian cụ gắn bó với đá ong. Đến nỗi bây giờ, chỉ cần nhắm mắt ngửi mùi là cụ Lãng có thể đoán chắc loại đá ong này ở đâu ra? Phơi nắng được bao nhiêu ngày?

Đến đời cụ Lãng cũng là tròn 5 thế hệ dòng họ Đoàn theo nghề làm đá. Theo gia phả làng Thích Chung, khoảng 500 năm trước, những ngôi nhà đá ong đã bắt đầu được xây dựng tại mảnh đất này. Các dòng họ trong làng, không sớm thì muộn cũng thay nhau làm thứ nghề vất vả của thợ xẻ đá.

Hệ thống đình đền cổ của Thích Chung đã bị xuống cấp.
Đồi "xương rồng"
Sở dĩ ở Thích Chung, người ta sử dụng và ưa thích nhà đá ong bởi ngoài lợi ích thì còn nguồn nguyên liệu có sẵn. "500 năm trước ở làng tôi xuất hiện một quả đồi gọi là đồi "xương rồng". Theo truyền thuyết thì đó là lưng con rồng nổi trên mặt đất. Đem xương con rồng xây nhà thì phong thủy rất tốt", cụ Lãng cho biết.

Thực chất đồi "xương rồng" chính là đồi đá ong ở xã Bá Hiến ngày nay. Lạ lùng là giữa vùng đất bằng phẳng lại xuất hiện một khu đồi cao. 

Khi người ta đào xuống thì phát hiện những khối đá ong vàng óng ánh. Làng cổ Thích Chung có từ thời đó và tồn tại cho đến ngày nay với những ngôi nhà đặc biệt bằng đá.

Anh Đoàn Văn Sáu nói: "Những năm 1980, tất cả những ngôi nhà ở làng đều bằng đá ong. Đến năm 2000, một số hộ đã phá đi làm nhà bằng gạch đốt. Tôi đã thống kê đầy đủ, hiện nay cả làng còn khoảng trên 20 ngôi nhà bằng đá ong có tuổi đời khoảng 100 năm".

Anh Sáu cho biết thêm, sở dĩ người dân phá nhà đá ong làm nhà kiểu hiện đại có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính là nguồn đá ong ở đồi "xương rồng" đã cạn kiệt. Để có được số lượng đá ong đủ để làm nhà, họ phải thuê thợ với số tiền khá lớn để đào sâu xuống lòng đất.

Đó cũng là nguyên nhân mà làng Thích Chung chỉ còn một nghệ nhân duy nhất là cụ Lãng. Những người thợ đá ong trong cánh xây dựng của làng đã chuyển sang nghề khác, hoặc vẫn theo nghề xây dựng nhưng không còn mặn mà với công việc đào và xẻ đá như trước đây nữa.

Anh Sáu cho biết, đá ong lâu năm chỉ bị trôi mất phần da, phần cốt đá vẫn rất chắc.
Giếng nước 500 năm chưa cạn
Liên quan đến báu vật đá ong, ở làng Thích Chung hiện còn giữ được 2 giếng nước cổ khoảng 500 năm tuổi mà theo như người dân là chưa bao giờ cạn. Suốt 500 năm qua, 2 chiếc giếng này đã cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cả xã Bá Hiến.
Theo chân ông Đỗ Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bá Hiến - chúng tôi tìm đến giếng Đông. Đó là chiếc giếng hình vuông, xung quanh được ghép những tảng đá xanh mỏng. Dưới thành giếng có ghi những hàng chữ Nho dù đã mờ nét nhưng vẫn đọc được.

"Giếng Đông và giếng Chùa đều có hàng chữ Nho như vậy. Chúng tôi đã mời chuyên gia lược dịch và biết được đây là hai chiếc giếng cổ thời vua Lê Thánh Tông. Lịch sử địa phương còn ghi chép khá tỉ mỉ về hai chiếc giếng này" - Ông Thảo cho biết.

Giếng cổ Bá Hiến.

Theo như lời của ông Thảo, địa phương đã từng cho khảo sát về hai chiếc giếng. Các chuyên gia đều nhận định vị trí hai chiếc giếng được xây dựng trúng mạch nước ngầm của đồi "xương rồng". Sở dĩ, nước của hai chiếc giếng này rất trong, ngọt và mát là bởi phải lọc qua một lớp đá ong dày hàng trăm mét.

"Từ thời xưa, hai chiếc giếng này đã cung cấp nước cho cả 6 làng. Đến thời bao cấp, có năm hạn hán chúng tôi dùng máy bơm để hút nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Dù có bơm cả tháng trời nhưng mực nước trong giếng không cạn đi chút nào" - Ông Thảo cho biết thêm.

Được biết, ngoài hệ thống di tích cổ là nhà đá ong, hai chiếc giếng cổ Thích Chung còn có hệ thống đình chùa cổ kính đã được xếp hạng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên hệ thống di tích đang ngày một xuống cấp. Cả chính quyền địa phương lẫn người dân đều rất lo lắng về ngôi làng cổ này sẽ biến mất trong thời gian không xa.

******

"Rất nhiều đoàn khảo sát đã về Thích Chung để nghiên cứu về hệ thống kiến trúc đá ong cổ. Ở miền Bắc, ngoài các làng ở Thạch Thất và Ba Vì (Hà Nội) chuyên về đá ong, thì còn lại duy chỉ có Thích Chung mà thôi. Đáng tiếc là hiện nay, nguồn đá ong đã cạn kiệt nên chúng tôi khó khăn trong công tác bảo tồn nhà cổ".
Ông Đỗ Văn Thảo (Phó Chủ tịch UBND xã Bá Hiến)
"Ngày trước ở làng tôi, thợ làm đá ong chia ra làm 3 cấp bậc. Những người mới vào nghề thì chỉ được đào và xẻ đá ong. Cấp bậc hai có kinh nghiệm hơn thì làm phần kỹ thuật. Cấp ba là nghệ nhân thì chuyên đi thăm dò nguồn đá và chỉ đạo việc hoàn thiện nhà ở sao cho chắc chắn, đẹp mắt".
Nghệ nhân Đoàn Văn Lãng
Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ