Những giếng cổ kỳ lạ ở Hà Nội

Những giếng cổ kỳ lạ ở Hà Nội

Hà Nội có bao nhiêu cái giếng? Chưa có một thống kê nào. Vậy Hà Nội còn bao nhiêu giếng cổ? Cũng chẳng ai hay.

Giếng bao nhiêu năm tuổi thì được gọi là cổ, 100 hay 200 năm? Chẳng có định lượng nào để đánh giá. Nhưng có một điều chắc chắn để tôn vinh giếng cổ chính là niềm tự hào của những người gần gũi, lớn lên bằng mạch nguồn ấy.

Nhiều giếng cổ vẫn còn được 
sử dụng.

Giếng làng Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) được dân tôn là “giếng thần bản thổ” - cả ba mươi ngày trong tháng đều có hương hoa. Thế miệng giếng theo lối chân quỳ dạ cá với những đường chạm cách điệu hoa sen rất ngọt và gọn.

Ở gờ giếng có đường soi nắn nót. Gờ soi này hằn sâu 72 vết rãnh do những dây gầu kéo nước tạo ra.

Cụ Nguyễn Viết Liên, người cao tuổi nhất làng Phú Diễn đoán rằng “giếng làng mình khoảng 500 năm tuổi”. Người Phú Diễn coi giếng cổ là chứng tích khai lập thổ cư và tôn giếng thành “ngôi” thể hiện giá trị không thể cân đo đong đếm.

Cách Phú Diễn không xa là làng Xuân Tảo với bốn cái giếng mà tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng. Hàng năm, địa phương tổ chức lễ kỳ an cầu mát với nghi thức “thau giếng”. Chỉ những trai làng mạnh khỏe, chưa vợ mới được tuyển chọn.

Sau khi các cụ cao niên làm lễ xin nước, hai thanh niên được chọn sẽ mặc áo đỏ, gánh nước bằng tay đòn sơn son chạy khắp làng, đi vào nhà ai tùy hứng. Người dân tin rằng nhà nào được gánh nước ghé thăm sẽ có lộc cả năm.

Xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) lại có đến 3 cái giếng cổ do nghệ nhân Chăm Pa tạo tác. Giếng xếp bằng đá ong chạy dài xuống đáy. Ở mặt trong trên miệng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau để tránh việc nứt vỡ cổ giếng. Ngày nay nước giếng vẫn rất trong, có thể dùng pha trà hoặc đồ xôi.

Ở nước ta, không có quy ước chung định dạng cho giếng. To như ao, có hình vuông, bầu dục, tròn rồi bát giác, lục lăng. Còn giếng xóm Mát xã Tốt Động (Chương Mỹ) thì mang hình bàn chân người khổng lồ. Xóm Mát hoàn toàn là vùng đất thịt, nhưng riêng khu giếng cổ lại là một khối đá ong. Một khối đá ong cỡ chừng hai gian nhà vuông vức được tạo hóa xếp đặt như một cái hộp vuông.

Ở giữa cái khối đá ong ấy là cái giếng hình bàn chân người, nhưng ở dưới đáy lại là hình chảo. Đo từ gờ miệng giếng xuống tận đáy, sâu vào khoảng gần 10m. Người làng suy đoán, thời xưa cha ông họ đã tìm thấy khối đá lạ lùng ấy và đào cho đến khi gặp được mạch nước phun.

Có những giếng cổ rất độc đáo với hệ thống thành giếng bằng cối đá xếp tròn.
 Có những giếng cổ rất độc đáo với hệ thống thành giếng bằng cối đá xếp tròn.

Cách xóm Mát khoảng chục cây số là hệ thống giếng cổ khu vực chùa Trăm Gian ở xã Tiên Phương. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, giếng và chùa Trăm Gian là cùng tuổi. Nghĩa là khi có chùa thì cũng có giếng. Chùa Trăm Gian vốn tên chùa Sở xây thời Lý Cao Tông (1185). Chùa ngự trên đồi cao 50m thuộc dãy Tiên Lữ núi Mã.

Giếng có lối đi xuống ở đền Voi Phục.

Từ trên cao nhìn xuống, giếng có hình tròn nhưng nhìn kỹ thì giếng hình quả cà. Miệng giếng không bằng nhau, một nửa cao, một nửa thấp.

Cách xây miệng giếng xem qua thì lạ. Nhưng thực ra, đó là kiểu thiết kế ứng dụng ở vùng đồi núi. Phần đất cao thì miệng giếng phải cao để tránh bùn đất xung quanh tràn vào. Phần thấp hơn, thường là ở phía để đứng lấy nước.

Quanh Hà Nội còn rất nhiều giếng cổ, mỗi giếng có một câu chuyện và một số phận khác nhau. Có giếng vẫn được dùng, nhưng số nhiều đều đã bị “bịt miệng”.

Cũng có những cổ giếng nước đã cạn hoặc nhiễm độc nhưng địa phương vẫn giữ lại như giữ một ký ức, để hoài niệm về một thời đã xa. Nhưng sâu xa hơn, đó là cái lẽ của đời, là điều kiêng kỵ: Lấp giếng là “đoạn long mạch”, là phủ nhận hoặc san lấp những giá trị của cha ông.

Giếng làng Trung Kính nổi tiếng với tục xin sữa.
 Giếng làng Trung Kính nổi tiếng với tục xin sữa.
 
Giếng có lối đi xuống ở đền Voi Phục.
 Giếng có lối đi xuống ở đền Voi Phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ