Rau cứu đói trên vùng giếng cổ Chăm Pa

GD&TĐ - Nằm ở phía Tây huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), xã Gio An được mệnh danh là vùng đất của những giếng cổ độc đáo trên ngàn năm tuổi. Ở đây có loại rau đặc sản nức tiếng gần xa cho giá trị kinh tế cao.

Loại rau thoát nghèo

Cứ bắt đầu vào đầu tháng 10 âm lịch đến hết tháng 1 âm lịch năm sau, khi những cơn mưa đầu đông và cái rét chớm về thì cũng là thời điểm người dân xã Gio An lại bước vào mùa canh tác cây rau liệt (còn gọi là rau xà lách xoong).

Đây là giống rau kỳ lạ, trồng ở trên đá và được xem là nét đặc trưng riêng và duy nhất chỉ có ở vùng đất Gio An mà không địa phương nào trong tỉnh Quảng Trị có thể trồng được.

Càng đặc biệt hơn, khi loài rau này chỉ sống nhờ vào nguồn nước trong vắt từ mạch giếng cổ đổ ra, mà không chịu sống chung với đất bùn, nước bẩn, cũng như sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học.

Hệ thống giếng cổ này được hình thành vào khoảng từ thế kỉ IX – XI thuộc Vương quốc Chăm Pa với chất liệu là đá mồ côi sắp xếp cạnh mạch nước ngầm chảy ra, rồi theo các máng dẫn đổ xuống tưới tắm cho các khu ruộng rau liệt.

Toàn xã hiện có 14 giếng cổ, được đặt bằng những cái tên rất ngắn gọn và hết sức mộc mạc, chân quê như: Pheo, Máng, Gái 1, Gái 2, Nậy, Tép, Ông, Bà, Gai, Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào. Vào tháng 3/2001, hệ thống giếng cổ Gio An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nguồn nước ở các giếng cổ bao đời nay chẳng khi nào khô cạn và luôn chảy quanh năm. Về mùa hè thì dòng nước rất mát, còn mùa đông thì lại rất ấm. Cũng chính từ những giếng cổ này, dòng nước mát lạnh đã hình thành nên vùng rau liệt nức tiếng miền Trung. Chính vì vậy mà người Quảng Trị luôn rỉ tai nhau câu: “Muốn ăn cá, tôm thì về Gio Mai, Gio Việt. Muốn ăn rau liệt thì về miết Gio An”.

Để canh tác được cây rau này hoàn toàn nhờ trời. Trời cho mưa lâm thâm với chút rét se se là rau cứ thế phát triển mơn mởn. Cách trồng rau liệt cũng rất dễ dàng và không tốn quá nhiều công sức, cũng như thời gian chăm sóc.

Chỉ cần lấy gốc cây rau liệt đặt xuống ruộng đá có làn nước chảy trong veo rồi lấy hòn đá đè lên cho cây rau khỏi trôi thì đến hôm sau từ chỗ thân cây đã bắn ra các rễ trắng. Và sau 1 tháng là có thể cắt thu hoạch, với giá bán từ 5.000 – 10.000 đồng/bó.

Cũng bởi sinh trưởng trong môi trường sống đặc thù như vậy mà cây rau liệt ở Gio An được mệnh danh là cây rau siêu sạch, có thể ăn sống trực tiếp ngay tại ruộng mà không cần rửa qua nước.

Theo người dân ở đây, xưa kia, cây rau liệt ở Gio An từng được đưa vào kinh thành Huế dâng vua Nguyễn và các quan triều thần và được nhà vua dành rất nhiều lời khen ngợi cùng sự khuyến khích người dân canh tác, bảo tồn giống rau quý ấy.

Vào thời kháng chiến chống Mỹ, bom đạn của kẻ thù tưởng chừng đã san phẳng cả vùng đất Gio An và phá diệt loài rau này. Nhưng may sao, sức mạnh đạn bom vẫn không giết chết được sự sống kỳ diệu của cây rau này. Để từ vài cọng rau còn sót lại trên các mỏm đá, bà con đã gây dựng lại thành những cánh đồng rau xanh mướt như giờ đây.

Cũng nhờ trồng rau liệt mà nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát nghèo, có thu nhập khấm khá hơn, xây được nhà cửa khang trang và có điều kiện cho con cái ăn học đầy đủ.

Cánh đồng rau liệt ở thôn Hảo Sơn.

Cánh đồng rau liệt ở thôn Hảo Sơn. 

Thị trường bị bó hẹp vì dịch Covid-19

Ông Lê Phước Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Gio An - cho biết, hiện xã có khoảng 220 hộ dân đang canh tác rau liệt, với tổng diện tích khoảng 8ha, phân bổ ở các thôn có giếng cổ, trong đó riêng thôn Hảo Sơn chiếm chủ lực đến 6ha.

Trung bình mỗi mét vuông trồng rau liệt có thể thu tầm 40 bó/vụ. Mỗi mùa người dân sẽ thu hoạch rau khoảng 8 đợt, mỗi lần thu hoạch cách nhau 10 -15 ngày. Tính ra mỗi vụ, một sào rau sẽ mang lại nguồn thu từ hai đến ba chục triệu đồng, lại không tốn công chăm sóc và tiền đầu tư.

Vì sinh trưởng trong một môi trường đặc biệt nên cây rau liệt ở Gio An thường có màu xanh bóng láng, lá to còn cành và thân nhỏ, mùi thơm và vị đậm đà hơn so với rau liệt trồng ở các tỉnh, thành khác. Chính vì những ưu điểm ấy nên rau liệt ở đây rất được ưa chuộng và được xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, và vào đến TP Hồ Chí Minh, rồi qua Lào. Nhờ cây rau liệt, đã giúp bà con ở đây có được những cái Tết ấm no, sung túc và điều kiện kinh tế quê hương cũng ngày một phát triển.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết thay đổi, mưa lũ kéo dài nên những vụ liên tiếp vừa qua rau liệt đã bị mất mùa, năng suất giảm sút. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường bị thu hẹp, lượng rau tiêu thụ chậm hơn và giá thành cũng bị giảm sút.

Trước tình hình này, Hội Phụ nữ xã và Hội Phụ nữ huyện Gio Linh đã tổ chức 2 đợt giải cứu, hỗ trợ thu mua rau giúp bà con với số lượng khoảng 3.000 bó rau.

“Bên cạnh việc quảng bá thương hiệu và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, địa phương cũng mong muốn với hệ thống giếng cổ Chăm Pa đặc trưng và rau liệt đặc sản sẽ sớm hình thành được hình thái du lịch cộng đồng để giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân”, ông Hiếu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ