Bên cạnh việc truyền tải những nội dung, thông điệp ý nghĩa, nhiều trào lưu mang tính tiêu cực đã được lan truyền tràn lan trên mạng xã hội, nhưng trái với thái độ cần phải lên án thì một bộ phận không nhỏ giới trẻ lại hùa theo, a dua với những trào lưu phản cảm này.
Trào lưu "Naked challenge”
Thời gian qua, “naked challenge” đã trở thành một trào lưu phổ biến trên mạng xã hội TikTok. Theo đó, trong trào lưu này nhiều cô gái đã quay lại cảnh mình lột đồ, khỏa thân trước mặt người yêu, bạn bè hoặc người thân để ghi lại phản ứng của họ.
Trong các video được đăng tải, đa số các đối tượng được thử thách rơi vào trạng thái ngạc nhiên, choáng váng khi nhìn thấy bạn gái, người thân của mình khỏa thân.
Sau một thời gian, trào lưu “naked challenge” đã thu hút được một lượng lớn người quan tâm, theo dõi và bắt chước làm theo.
Bên cạnh đó, không riêng gì các Tiktoker người nước ngoài, các bạn trẻ người Việt cũng học theo trend này, dẫn đến một trào lưu đang thịnh trong cộng đồng Tik Tok Việt. Tuy nhiên, trào lưu này được xem là dung tục, phản cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
"Vạch áo khoe vòng 1"
Gần đây, một trào lưu mới được cộng đồng TikToker liên tục truyền tay nhau, đó là trào lưu ghi lại các đoạn video clip "nhảy vạch áo khoe vòng 1". Các cô gái trong clip khiêu khích người xem tập trung vào vòng 1 của mình, rồi vạch áo trước camera mà không mặc nội y.
Trào lưu này đang được cả các nam và nữ TikTokers thể hiện, tuy nhiên số clip đăng tải trên TikTok cho thấy đa số thuộc về phái nữ từ tuổi teen cho đến các bà mẹ 1 con, 2 con.
Nhiều người không đồng tình với trào lưu này và cho rằng các cô gái chia sẻ những clip vạch áo khoe ngực chỉ với mục đích duy nhất là câu like, kiếm view. Bởi vậy, ngay sau khi xuất hiện, trào lưu "vạch áo khoe ngực" đã nhận sự phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng.
3. Trào lưu "tự tẩy nốt ruồi"
Trên TikTok, đã và đang chia sẻ nhiều cách chăm sóc sức khỏe vô cùng phong phú. Đáng nói, một số xu hướng tự làm đẹp đáng lo ngại đã xuất hiện, ví dụ như tự tẩy nốt ruồi, làm trắng răng..
Một số biện pháp tự tẩy nốt ruồi được người dùng chia sẻ bao gồm cạo, đốt hoặc là sử dụng hóa chất... Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tự tẩy nốt ruồi tại nhà và khuyến cáo mọi người nên tới các cơ sở y tế có uy tín để thực hiện việc này.
Giám đốc y tế của Phòng khám da liễu Cosmedics, Tiến sĩ Ross Perry, đã giải thích rằng tẩy nốt ruồi tại nhà là việc không đảm bảo an toàn và có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn.
Ngoài tự tẩy nốt ruồi còn có các trào lưu đáng lo ngại khác được nhiều người dùng TikTok chia sẻ như sử dụng thuốc tẩy để làm trắng răng và bôi keo dán mi lên môi để làm cho chúng trông to hơn...
4. Trào lưu khoe mình là "Tuesday"
Một mối quan hệ vốn chỉ đủ chỗ cho 2 người, người thứ ba bước vào dù cố tình hay được một bên ngầm cho phép cũng là điều không nên.
Do đó, việc ngoại tình, cặp bồ là hành vi đáng lên án, tuy nhiên gần đây trên mạng xã hội TikTok bắt đầu xuất hiện trào lưu công khai khoe khoang, phơi bày chuyện hẹn hò lén lút với người đã có gia đình.
Những đoạn clip ghi lại buổi hẹn hò, gặp gỡ nam nữ khá bình thường. Nhiều cô gái ngang nhiên khoe khoang việc mình hẹn hò lén lút với người đã có gia đình.
Thậm chí, những dòng trạng thái còn mang giọng điệu công kích, thách thức như: "Anh ấy trốn vợ cùng mình đi du lịch, chờ 4 tiếng đồng hồ cuối cùng anh cùng tới. Yêu lén lút thật đau khổ, có ai hiểu cho tui không"...
5. Trào lưu "lấy dao lam rạch tay"
Vài năm trước đây, để khẳng định mình là dân chơi thứ thiệt, giới trẻ đã rộ lên phong trào châm thuốc lá vào tay. Ngoài ra, có một trào lưu hành xác kinh dị khác đó là lấy dao lam rạch tay.
Việc cắt tay mình ngồi nhìn máu chảy được lý giải như một hành động dũng cảm của các chiến binh, một hiệp sỹ cổ đại hoặc tự cho mình mang sự mạnh mẽ kiểu "tinh thần võ sỹ đạo" của Nhật Bản.
Nguy hại hơn, nhiều bạn trẻ còn tập trung thi nhau rạch tay xem ai rạch được nhiều hơn, chảy nhiều máu hơn. Có một cách kinh dị để các bạn trẻ đọ nhau xem ai rạch rỉ nhiều máu hơn là họ dùng giấy lau để thấm, máu của ai thấm qua nhiều lớp giấy hơn thì người đó thắng.
Việc lấy dao lam rạch tay không phải một hành động chứng tỏ bản thân dũng cảm hay có thể giúp bản thân giải quyết những bế tắc, đau khổ trong cuộc sống. Nó chỉ mang lại cho cơ thể một cảm xúc dễ chịu nhất thời nhưng sau đó sẽ là cảm giác đau đớn, thậm chí có người tử vong vì choáng ngất do mất nhiều máu mà không được cứu chữa kịp thời.
Từ những trào lưu trên chúng ta thấy rằng, mạng xã hội không xấu, những trào lưu cũng chỉ là một công cụ giải trí đơn thuần nếu bạn sử dụng nó đúng mục đích.
Nhưng khi những trào lưu mang tính tiêu cực, không được kiểm soát thì nó không chỉ gây ra những tác động xấu đến bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng và xã hội.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội.
Trước đó, các cơ quan báo chí đã phản ánh việc trên mạng xã hội đang lan tràn những video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền.
Đáng ngại là những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe-xem của xã hội đi xuống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát.