Sẻ chia cùng giáo viên
Chúng tôi ngược núi về huyện vùng sâu, vùng xa Kon Plông vào một chiều tháng 9 mưa rả rích. Con đường vào xã Đăk Ring, Đăk Nên với chi chít những ổ voi, ổ gà. Không những thế, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm nên mỗi khi mưa xuống có nguy cơ sạt lở. Thế nhưng đây là con đường mà nhiều giáo viên nơi đây vẫn đi - về mỗi tuần.
Thầy Bùi Hữu Duy, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Đăk Ring (xã Đăk Ring) cho biết, năm học này toàn trường có 220 học sinh với 23 cán bộ, giáo viên giảng dạy.
Theo thầy Duy, đa số giáo viên của trường đều ở huyện khác đến đây giảng dạy. Để đảm bảo công tác dạy học, nhà trường bố trí khu bán trú cho giáo viên ở lại. Tuy nhiên, như thường lệ cứ chiều thứ 7 giáo viên chạy về thăm nhà đến chiều chủ nhật trở về trường. Có những giáo viên nhà cách trường hơn 100 km vẫn đi – về đều đặn vì nhớ nhà, thương con nhỏ.
Cũng theo thầy Duy, biết được nỗi khó khăn, vất vả của giáo viên giảng dạy ở vùng khó nên nhà trường thường xuyên quan tâm, sẻ chia cùng các thầy cô. Bên cạnh đó, đảm bảo các quyền lợi của giáo viên, giúp thầy cô giảm bớt gánh nặng thì giáo viên sẽ thoải mái sáng tạo, hạnh phúc khi giảng dạy cho các em.
Hạnh phúc giản đơn
Cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên) tâm sự, quãng đường từ trường về nhà cô ở TP Kon Tum dài hơn 100km. Đều đặn hàng tuần cô lại vượt núi để về thăm gia đình.
Nhưng đó là vào mừa nắng, còn khi mưa xuống thì thời gian về nhà của cô không còn đều đặn nữa. Bởi mùa mưa ở đây thường kéo dài khoảng 4 tháng, mưa triền miên từ ngày này qua tháng khác. Vào mùa mưa năm ngoái cô Hà phải ở lại điểm trường cả tháng vì đường sạt lở, chắn lối đi.
“Hiện tại tôi cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc với những gì bản thân đã và đang có. Chỉ cần các em tích cực, chăm chỉ đến lớp và có hứng thú học tập là mình hạnh phúc lắm rồi. Với mong muốn truyền năng lượng tích cực, lạc quan đến học sinh, mình luôn vui vẻ, tươi cười khi đến lớp.
Giờ đây tôi hy vọng rằng các em sẽ thay đổi, ý thức được tầm quan trọng của việc học. Sau này, khi biết con chữ các em sẽ có thể tìm được nghề nghiệp ổn định, thoát khỏi đói nghèo”, cô Hà tâm sự.
Em Y Vy (lớp 2A), điểm trường Đăk Púk chia sẻ: “Em rất biết ơn thầy cô khi đã vượt chặng đường xa xôi, hiểm trở đến đây dạy con chữ cho chúng em. Mỗi ngày được đến trường học con chữ, gặp bạn bè, thầy cô là điều hạnh phúc nhất. Sau này em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng gia đình, thầy cô. Em sẽ trở thành một nữ bác sĩ để về chữa bệnh cho những gia đình khó khăn”.
Thầy Lê Văn Đồng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Đăk Nên cho biết, năm học này toàn trường có 198 học sinh, tất cả các em đều là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong. Trước khi bước vào năm học mới, thầy cô đều lên trường sớm để dọn dẹp, vệ sinh phòng học và vào tận làng vận động học sinh ra lớp.
Theo thầy Đồng, mặc dù trường bán trú, nhưng tổ chức cho học sinh ăn, ở lại như trường nội trú. Đặc biệt, một số em nhà xa, cách trường khoảng 20km nên có khi cả tháng mới về nhà. Chính vì vậy, giáo viên trong trường túc trực thường xuyên để lo việc ăn ở và hướng dẫn các em học tập.
Tuy giáo viên khó khăn, vất vả về đường sá đi lại và điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng ai nấy đều lạc quan, hạnh phúc với những gì đang có.