Mong sớm đi vào thực tiễn...
Từ vùng cao huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, thầy Hà Văn Nhành, giáo viên trường Tiểu học xã Tà Hộc luôn trăn trở, làm sao sớm thông qua bộ luật dành riêng cho nhà giáo. Từ đó nâng cao vị thế, vai trò của giáo viên, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhà giáo. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành giáo dục.
Nghe tin Chính phủ đã thống nhất với tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, thầy Nhành và đồng nghiệp rất vui mừng. Theo thầy Nhành, Luật nhà giáo ra đời sẽ giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại hiện nay. Có thể kể đến là một số chính sách như: Tuyển dụng, chế độ đãi ngộ với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...
“Tôi tâm đắc với đề xuất về chính sách tiền lương cho giáo viên. Theo đó, đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, tiền lương phải được xếp hệ số cao nhất trong thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức”, thầy Nhành bày tỏ và mong đề xuất này sẽ được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo tới đây.
Giáo viên vùng cao mong muốn sớm ban hành Luật Nhà giáo. |
Ra trường và công tác trong ngành giáo dục đến nay đã gần 10 năm, mức lương hàng tháng (bao gồm cả các loại phụ cấp) của thầy Lò Văn Hồng, giáo viên trường PTDTBT. TH – THCS xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn được khoảng hơn 9 triệu đồng.
Thầy Hồng cho biết, mong muốn được tăng lương là điều mong mỏi không chỉ riêng cá nhân mình, mà đó là nguyện vọng chính đáng của hầu hết nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa như thầy. "Việc cải cách tiền lương sẽ giúp cho giáo viên chúng tôi yên tâm công tác và cống hiến. Hiện, mức lương của 1 giáo viên ở điểm trường lẻ, vùng cao như tôi thì vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế", thầy Hồng chia sẻ.
Sẽ tháo gỡ nhiều "nút thắt"...
“Nếu được tăng lương cao hơn thì tôi tin chắc, giáo viên sẽ tập trung đầu tư sáng tạo, đóng góp chuyên môn trong giảng dạy tốt hơn. Còn mức lương thấp chưa tương xứng với công việc thì bắt buộc giáo viên phải loay hoay, lo toan trang trải cuộc sống, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảng dạy” - thầy Hồng bày tỏ.
Việc thông qua Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của các thầy, cô giáo. |
Từ thực tế công việc của mình, thầy Hồng nhận thấy, lao động của nhà giáo có tính chất đặc biệt, cụ thể như: Từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người. Vì vậy, điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động sư phạm.
“Tôi tin rằng khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề nêu trên, giúp đội ngũ yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người”, thầy Hồng bày tỏ.
Thầy Đặng Văn Hiệu, Hiệu trưởng trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Mai Sơn cho biết: Việc sớm ban hành Luật Nhà giáo sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện đang bất cập liên quan đến quan điểm phân biệt công - tư; tuyển dụng giáo viên, quy định chứng chỉ hành nghề đối với sinh viên ngoài ngành sư phạm.
Bên cạnh đó là chế độ lương, phụ cấp riêng cho nhà giáo; thay đổi việc bổ nhiệm hiệu trưởng, tinh giản biên chế nhà giáo, xã hội hóa giáo dục... Hơn nữa, ngành giáo dục cũng không thể tự chủ động bổ sung biên chế thiếu và khó luân chuyển giáo viên.
“Khi có Luật Nhà giáo sẽ xác định trách nhiệm tuyển dụng, bổ sung biên chế làm sao để ngành giáo dục chủ động trong công tác nhân sự, từng bước chấm dứt tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên. Ngoài ra, việc luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn, xa nhà về vùng thuận lợi có thể đơn giản hơn. Đây là niềm vui lớn của nhiều thầy cô giáo đang dạy học ở các điểm trường lẻ vùng sâu vùng xa” - thầy Hiệu thổ lộ.
Bà Trần Thị Anh Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Sơn nhận định: Luật Nhà giáo được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý thể hiện rõ sự ràng buộc về quyền lợi đi đôi với trách nhiệm của nhà giáo.
"Bấy lâu nay, chế độ, chính sách cho nhà giáo vẫn được đánh đồng chung với viên chức chứ chưa tính đến đặc thù nghề nghiệp. Thêm vào đó, giáo viên trường công và trường tư vẫn có sự phân biệt nhất định, ảnh hưởng ít nhiều đến chế độ của nhà giáo sau này. Nếu Luật Nhà giáo có thể gỡ bỏ được những bất cập này thì đội ngũ nhà giáo rất vui mừng", bà Hoa cho biết.
Các thầy cô giáo mong muốn được tăng lương để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. |
“Luật Nhà giáo cũng nên có quy định về cơ chế luân chuyển công tác cho nhà giáo giữa vùng khó và vùng thuận lợi theo thời hạn. Mục đích nhằm tạo sự nhịp nhàng và công bằng trong đội ngũ. Hơn nữa, cấp nào được giao thẩm quyền tuyển dụng thì trao quyền điều động, luân chuyển đội ngũ cho cấp đó sẽ phù hợp và dễ dàng quản lý hơn”- bà Hoa cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Thông tin cải cách tiền lương, tăng lương như một tin mừng, động lực để giáo viên tiếp tục cống hiến với sự nghiệp giảng dạy. Khi đã có gia đình, nhu cầu cuộc sống, cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên đôi vai của giáo viên. Nếu được tăng lương, giáo viên phần nào bớt được áp lực, yên tâm công tác. Đây sẽ là động lực để giáo viên cố gắng làm tốt chuyên môn, cống hiến cho ngành.
“Đầu xuân, chúng tôi những người làm công tác quản lý, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục mong muốn năm 2024 này, đời sống giáo viên sẽ được cải thiện. Các chủ trương, chính sách tiền lương cùng những đề xuất của Bộ GD&ĐT sẽ được cụ thể hóa vào bảng lương hàng tháng để đội ngũ nhà giáo dành trọn tâm huyết với công việc của mình”, ông Quang chia sẻ.