Giáo viên vùng cao Sơn La mong mỏi chính sách mới để thu hút nhân lực

GD&TĐ - Trong hành trình đổi mới, nhiều thầy cô, các cấp quản lý ở Sơn La mong mỏi có chính sách mới để thu hút người tài và phát triển giáo dục.

Nhiều giáo viên mong mỏi Luật Nhà giáo sớm hoàn thiện và đi vào thực tiễn.
Nhiều giáo viên mong mỏi Luật Nhà giáo sớm hoàn thiện và đi vào thực tiễn.

Mong muốn được tăng lương

Ngành GD&ĐT Sơn La xác định, đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố có tính quyết định đến việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác GD&ĐT. Vì lẽ đó, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đội ngũ nhà giáo từng bước bảo đảm chất lượng và cơ cấu, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhiều giáo viên cũng như các cấp quản lý, lãnh đạo ngành giáo dục ở Sơn La luôn mong mỏi Đảng và Nhà nước có chính sách phù hợp để nâng cao mức lương, thu hút nguồn nhân lực, người tài cho ngành giáo dục.

Năm học 2023 - 2024, huyện Sông Mã có 53 trường với 1.412 lớp, tổng số hơn 44.370 học sinh. Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp mong muốn có chế độ ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo trong ngành giáo dục, đặc biệt là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa để thu hút nguồn nhân lực”.

Theo ông Viên, mức lương hiện tại của giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống: “Gánh nặng đè lên vai của các thầy cô nhiều, có thể gây ảnh hưởng đến việc cống hiến và lòng nhiệt huyết trong giảng dạy”, ông Viên nhấn mạnh.

Ông Viên lý giải: So với quy định của Bộ GD&ĐT, huyện Sông Mã đang thiếu 705 biên chế giáo viên, chủ yếu ở cấp mầm non (chiếm 60%). Ngoài ra, quá trình triển khai Chương trình GDPT mới, Sông Mã có 15 trường Tiểu học, 7 trường liên cấp Tiểu học – THCS song mới có 22 biên chế môn Tin học và tiếng Anh. So với nhu cầu thực tế thì vẫn còn thiếu 38 giáo viên.

Nhiều trường vùng khó ở Sơn La chưa thể tuyển dụng được giáo viên ở các môn đặc thù.

Nhiều trường vùng khó ở Sơn La chưa thể tuyển dụng được giáo viên ở các môn đặc thù.

Đối với môn nghệ thuật ở bậc THPT, vấn đề thiếu giáo viên lại càng là thách thức lớn hơn với các trường khi vừa không có giáo viên, vừa không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để học tập. Hầu hết các trường THPT đều không có giáo viên cho môn học này, hoặc có bố trí giáo viên dạy thì lại không có học sinh đăng ký lựa chọn.

Ông Viên cho rằng, do mức lương thấp, cơ chế chính sách đặc thù dành cho giáo viên chưa bảo đảm nên việc tuyển dụng và thu hút nhân tài về giảng dạy gặp khó khăn. Bởi vậy, rất cần chính sách mới về phát triển đội ngũ nhà giáo tại các trường học.

Cô Lê Thị Diệu Linh - giáo viên trường Tiểu học – THCS xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn mong muốn sớm Luật Nhà giáo sớm đi vào thực tiễn. Cô Linh giãi bày: “Mỗi giáo viên như chúng tôi đều có lửa yêu nghề và tận tâm với công việc. Khó khăn đến mấy, chúng tôi luôn cố gắng vượt qua. Tuy nhiên, với mức lương thấp như hiện nay, chúngg tôi không đủ trang trải cuộc sống. Một số người bạn của tôi cũng đi học sư phạm ra trường nhưng lại không tham gia thi tuyển viên chức với lý do thấy lương thấp. Họ đã chuyển hướng sang kinh doanh”.

Từ thực tế trên, cô Linh mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách đãi ngộ phù hợp về thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện Luật Nhà giáo để trình Chính Phủ, Quốc hội xem xét. Qua đó, bảo đảm mức lương cao dành cho giáo viên, thu hút được nhiều người tài để cống hiến cho ngành giáo dục.

Bảo vệ quyền lợi giáo viên

Cô Hoàng Thị My - giáo viên trường Mầm non Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, cô My cho rằng mức lương của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra.

“Tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với thời gian và công việc của giáo viên, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Thời gian làm việc của giáo viên mầm non rất nhiều, từ sáng cho đến chiều tối. Trong khi giá cả hàng hoá, xăng dầu thì tăng lên theo thị trường nhưng lương lại không tăng nên tôi rất mong có cơ chế chính sách đặc thù dành cho nghề giáo, nhất là giáo viên mầm non”.

Nhiều thầy cô mong muốn Luật Nhà giáo sớm ra đời để quyền lợi của nhà giáo được bảo vệ.

Nhiều thầy cô mong muốn Luật Nhà giáo sớm ra đời để quyền lợi của nhà giáo được bảo vệ.

Cùng quan điểm trên, cô Đinh Thị Sen, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, tham mưu Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non giống như các trường chuyên biệt. Theo cô Sen, có như vậy mới thu hút được giáo viên mầm non và giúp các cô yên tâm công tác.

“Do mức lương thấp, thời gian giảng dạy trên lớp nhiều, giáo viên không có cơ hội làm thêm việc khác để nâng cao thu nhập. Vì thế, đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi làm công tác quản lý nhiều năm nay nên hiểu rõ và nắm được tâm tư tình cảm của giáo viên gặp phải. Mong mỏi lớn nhất của giáo viên là được tháo gỡ bất cập về chế độ chính sách như: Tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế mới thu hút giáo viên vào nghề”, cô Sen cho biết.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, chính sách cho đội ngũ nhà giáo đang được vận dụng bởi Luật Viên chức; Luật Giáo dục... Tuy nhiên, những luật này chưa giải quyết được tính chất đặc thù trong lao động của nhà giáo. Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục.

Vì thế, cần một luật dành riêng cho nhà giáo để các thầy, cô được bảo vệ, bảo đảm mức lương tối thiểu để trang trải cuộc sống, từ đó yên tâm công tác giảng dạy.

“Luật Nhà giáo ra đời sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Tôi cho rằng cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung”, ông Lâm bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ