Dạy ăn, dạy nói...
Hàng ngày, cô Trần Thị Bích Ngọc (giáo viên trường Mầm non Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đến trường từ rất sớm. Mỗi ngày, cô đều chủ động đứng chờ ở cổng trường để đón trẻ. Những ngày dịch, công việc này càng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Các cô phải hỗ trợ phụ huynh kiểm tra y tế, sát khuẩn cho trẻ trước khi vào lớp.
Vừa thấy cô Ngọc từ xa, bé Hà Thu (lớp mẫu giáo lớn) đã chuẩn bị khoanh tay, cúi đầu chào tạm biệt bố, mẹ. Em quay lại chào cô Ngọc rồi vào lớp. Không phải tự dưng các em có được thói quen này, mà đó là cả quá trình rèn luyện ở trường.
“Lời chào cao hơn mâm cỗ, nên lời chào rất quan trọng. Vì thế, ngay từ lớp mẫu giáo bé, các con đã được giáo viên rèn cho kĩ năng chào hỏi. Thấy trẻ có hành động khoanh tay, cúi đầu chào bố, mẹ, cô giáo, phụ huynh nào mà chẳng vui vì con họ đang dần trưởng thành. Có lúc trẻ quên, tôi sẽ nhắc. Cứ như vậy, các cháu sẽ hình thành thói quen tốt”, cô Ngọc tâm sự.
Ở trường mầm non Chiềng Ban, trẻ còn được rèn nhiều kỹ năng sống, biết cám ơn và xin lỗi. Các bé cũng biết kính trọng ông bà, thầy cô.
“Chúng tôi lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ qua tranh ảnh hoặc các hoạt động thực tế. Ví dụ như khi cô chia đồ chơi, các con sẽ nhận bằng hai tay và nói cảm ơn. Nếu chẳng may mắc lỗi với bạn, trẻ sẽ phải chân thành xin lỗi. Hay như trẻ tranh giành đồ chơi, cô sẽ phân tích để trẻ hiểu được nên chia sẻ với bạn. Có những lúc cô nói nhầm, mình hoàn toàn chủ động xin lỗi để trẻ biết và làm theo”, cô Ngọc nói thêm.
“Trong giờ ăn, chúng tôi vẫn phải luôn quan sát, nhắc nhở. Ví dụ như nhắc trẻ mời cô, mời các bạn trước khi ăn. Khi ăn xong, dạy trẻ biết vứt rác đúng nơi quy định. Trẻ lấy đồ chơi ở chỗ nào thì khi cất cũng phải đúng vị trí đó. Hay như khi ho và hắt hơi thì phải che miệng,… Tất cả những hành động đó, giáo viên đều phải làm mẫu”, cô Ngọc bộc bạch.
Học mà chơi...
Tại trường Mầm non Ánh Dương (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã) việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ được thực hiện thông qua các hoạt động trải nghiệm, như: “Trang trí góc chủ đề lớp học ngày Tết”, “Tri ân thầy cô 20/11”, “Lễ hội trung thu, “Tặng hoa và quà cho bà, mẹ ngày 8/3”... Từ đó, giúp trẻ biết yêu thương gia đình, kính trọng thầy cô.
Theo Ban giám hiệu nhà trường chia sẻ: Ngày Tết Nguyên Đán, trẻ sẽ được tham gia trang trí góc chủ đề ngày Tết. “Các con không chỉ biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết, mà còn hiểu thêm các món ăn, loài cây, hoa, đồ trang trí xuất hiện ở nhà mình trong những ngày đầu xuân năm mới. Trẻ sẽ biết được giá trị lịch sử và văn hoá của từng món ăn, như bánh chưng, bánh dày. Từ đó, giúp các con biết trân trọng, lưu giữ những truyền thống văn hoá”, cô Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cũng theo cô Hòa, dịp lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh trường Mầm non Ánh Dương sẽ được cùng nhau làm những bông hoa, bức tranh, tấm thiệp để tặng cô. Đó xem như lời cảm ơn, lời chúc đến những người có công dạy dỗ, giúp trẻ khôn lớn. Qua đó, trẻ sẽ dần hình thành thói quen biết ơn.
“Những ngày lễ, hội truyền thống ở nước ta đều có ý nghĩa riêng. Vì vậy, mỗi khi đến những ngày đặc biệt ấy, nhà trường đều có các tiết học liên quan đến chủ đề đó. Chúng tôi quan niệm rằng, “mưa dầm thấm lâu”, cứ mỗi lần như vậy dần dần trẻ sẽ tích lũy được vốn sống và thói quen tốt”, cô Hòa nói thêm.