Tập trung phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở huyện Thuận Châu, Sơn La

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm qua, huyện Thuận Châu (Sơn La) đã tập trung nguồn lực thúc đẩy phổ cập giáo dục và xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Các học viên tham gia lớp học xoá mù chữ tại xã Muổi Nọi.
Các học viên tham gia lớp học xoá mù chữ tại xã Muổi Nọi.

Phát triển trường lớp...

Huyện Thuận Châu có 29 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 15 trường THCS, 16 trường TH - THCS, 4 trường trung học phổ thông, 1 trường PTDT nội trú THCS và THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Với hệ thống trường lớp được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao đã và đang củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC) ở các xã vùng cao.

Ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho hay: Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp. Nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục.

"Huyện luôn thực hiện tốt chương trình đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nghề. Hiện nay, huyện đang tiếp tục tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phổ cập giáo dục và XMC trên địa bàn", ông Dũng nói.

Học sinh Trường THCS Liệp Tè, huyện Thuận Châu trong buổi chào cờ.

Học sinh Trường THCS Liệp Tè, huyện Thuận Châu trong buổi chào cờ.

Để nâng cao hiệu quả công tác phổ cập giáo dục và XMC, những năm qua Phòng GD&ĐT huyện Thuận Châu đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... tại các trung tâm học tập cộng đồng. Mục đích nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ.

Tiếp đó, phòng GD&ĐT còn tập trung đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Triển khai sâu, rộng các mô hình học tập “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập” để thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, 2021 - 2030.

Nâng cao chất lượng phổ cập...

Lớp học XMC ở xã Muổi Nọi có 42 học viên, người cao tuổi nhất là 54, trẻ nhất là 29. 100% học viên là lao động phổ thông, nhiều người đang là bố mẹ, ông bà nhưng họ đã khắc phục khó khăn, thu xếp việc gia đình đến đây để học chữ.

Bà Quàng Thị Muôn, 54 tuổi, bản Thán Sàng cho hay: “Hồi nhỏ, do tôi không đi học nên chưa biết chữ. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi gặp nhiều khó khăn về viết chữ. Bất tiện lắm, muốn viết hoặc muốn ký tên vào danh sách họp bản cũng không biết. Vì vậy, tôi đã sắp xếp thời gian tham gia lớp học này”.

Thầy giáo Nguyễn Viết Quân, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Muổi Nọi, cho hay: "Mỗi năm chúng tôi đều phối hợp với UBND xã, tổ chức lớp học XMC. Tuy một số học viên gia đình ở xa trung tâm xã, bản, nhưng đều đến lớp đúng giờ, chăm chỉ học chữ. Các lớp đều thực hiện đúng kế hoạch giảng dạy, số lượng học viên tham gia dao động từ 40 - 50 người, luôn tham gia đầy đủ. Ai nấy đều hăng say học tập để biết đọc và viết”.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Co Mạ đang ăn trưa tại căng tin.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Co Mạ đang ăn trưa tại căng tin.

Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Châu chia sẻ: Với hệ thống trường lớp mở rộng ở các cấp học, cùng với những chính sách hỗ trợ học sinh bán trú đã thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường. Đến nay việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,63%. Trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Trẻ em hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 97,7%. Học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,3%; thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 90,03%.

Theo ông Tôn, đến thời điểm này, 29 xã, thị trấn của huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có 22 xã đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 7 xã đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 29 xã, thị trấn đạt XMC mức độ 2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học từng bước được đầu tư đồng bộ.

Hiện nay, bậc tiểu học toàn huyện có 681 phòng học, trong đó, 410 phòng kiên cố, 245 phòng bán kiên cố, chỉ còn 26 phòng tạm. Đối với bậc học THCS, có 414 phòng học, 363 lớp; trong đó, 366 phòng kiên cố, 39 phòng bán kiên cố, 9 phòng tạm. Các phòng học đều đạt tiêu chuẩn quy định, đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT; thiết bị dạy học được sử dụng thường xuyên, thuận tiện.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên được quan tâm, đáp ứng về số lượng và chất lượng chuyên môn. Huyện đã thực hiện việc điều động, luân chuyển, sắp xếp hợp lý, chú trọng đến những xã vùng 3. Hiện nay, huyện Thuận Châu có 974 cán bộ, giáo viên, nhân viên tiểu học (giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn 95,5%). Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bậc THCS có 839 người (giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt 87,2%, giáo viên đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên THCS đạt 100%).

Ông Quàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về công tác phổ cập giáo dục và công tác XMC. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, bổ sung trang thiết bị dạy học; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng. Huyện tiếp tục quy hoạch thực hiện chương trình kiên cố hóa phát triển mạng lưới trường lớp, củng cố tăng cường cơ sở vật chất cho các trường... góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục và XMC trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ