Thầy Trần Phạm Duy Quang- Tổ phó tổ Sinh học- Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha – Tây Ninh cho biết: "Qua phân tích đề tham khảo năm 2021 môn Sinh học do Bộ GD&ĐT đã công bố, tôi đã rút ra ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và phương thức ra đề tốt nghiệp THPT ".
Tóm lại nội dung thi môn Sinh học gồm các phần chính như sau:
- Phần sinh học 11: 4 câu.
-Phần Sinh học 12 gồm:
1. Cơ chế di truyền và biến dị: 7 câu; 6 câu cho mức 1, 2; 1 câu mức 3
2. Phần các qui luật di truyền: 11 câu; 7 câu mức 1 và mức 2 (viết các giao tử và các phép lai đơn giản, trải đều các qui luật di truyền); 4 câu mức 3 và 4 tổng hợp các qui luật di truyền.
3. Phần di truyền quần thể - di truyền người – chọn giống: 5 câu
4. Phần tiến hóa: 6 câu; Có 4 câu mức 1 và 2 ( 3 câu phần nguyên nhân và cơ chế tiến hóa và 1 câu sự phát sinh sự sống); Có 2 câu mức 3 (nguyên nhân cơ chế tiến hóa
5. Phần sinh thái học: 7 câu; Cá thể ( 1 câu mức 1); Quần thể (2 câu mức 1 và 2); Quần xã (1 câu mức 1); Hệ sinh thái (2 câu mức 1 và mức 3); Bảo vệ tài nguyên (mức 2)
Kiến thức trọng tâm vẫn là nội dung Sinh Học 12 (chiếm 90%) nên toàn bộ kiến thức 11 HS có thể ôn tập tổng quát dưới dạng sơ đồ tóm tắt đơn giản các mục như: khái niệm, vai trò, ứng dụng,.... mà không đi sâu vào cơ chế hay phân tích các nội dung khó.
Thầy Quang cho biết, có thể minh họa nội dung ôn tập một phần kiến thức như sau:
Nội dung kiến thức Sinh Học 12, gồm các nội dung sau:
1. Cơ chế di truyền và biến dị
Chương này có 7 câu trong đề thi (6 câu lý thuyết và 1 câu bài tập) nội dung từ bài 1 đến bài 6. Đây là chương lý thuyết và bài tập tương đối khó, lượng kiến thức nhiều nên các em chỉ tập trung những phần sau:
+ Lý thuyết bài 1 và 2 học chắc SGK. Bài 4,5,6 tập trung phần các loại, nguyên nhân, cơ chế, hậu quả, ví dụ của các loại đột biến gen, đột biến từng loại cấu trúc NST, đột biến lệch bội (di bội) và đột biến đa bội.
+ Bài tập chỉ tập trung bài ADN, nhân đôi, phiên mã, dịch mã, nguyên phân, giảm phân, đột biến trong giảm phân 1 và giảm phân 2; Cách viết giao tử của thể tam bội và tứ bội.
2.Tính quy luận của hiện tượng di truyền
Đây là chương tập trung nhiều bài tập khó. Nội dung này gồm 11 câu nên cần chú ý những phần sau.
Lý thuyết : học kỹ bài 12,13 (kết hợp đọc kỹ SGK các bài còn lại của chương)
Bài tập: Chỉ làm bài tập phân ly độc lập và hoán vị gen dạng đơn giản đối với mục tiêu kiếm điểm 8. Mục tiêu 9, 10 cần giải các bài tập nâng cao, tích hợp các quy luật di truyền thật nhiều nhằm giúp tăng nhanh phản xạ tính toán và nhìn ra quy luật di truyền trong thời gian ngắn nhất. Lưu ý không dừng lại ở các câu hỏi này quá lâu trong phạm vi thời gian của đề.
3. Di truyền học quần thể - di truyền người – chọn giống
Đây là chương di truyền quần thể (bài 16, 17), chương này có 2 câu trong đề thi (1 câu mức 1 và 1 câu bài tập mức 4). Bài tập của chương này rất đa dạng và khó nên các em mục tiêu tốt nghiệp chỉ tập trung vào câu bài tập dễ về tìm tần số alen và thành phần kiểu gen trong quần thể tự phối và ngẫu phối - phải ghi nhớ công thức tính cấu trúc di truyền của quần thể tự phối qua n thế hệ).
- Chọn giống nên tóm tắt lại học theo từng công nghệ: gen, tế bào. Tránh nhầm lẫn quy trình và các bước thực hiện.
- Di truyền người: duy nhất 1 câu mức độ khó dạng bài tập phả hệ. Mục tiêu 9,10 nên học kĩ toán xác suất để giải quyết nhanh và chính xác phần này.
4. Tiến hóa
Phần này có 6 câu trong đề thi. Các em cần đọc chi tiết từng bài trong sách giáo khoa, dùng bút đánh dấu những kiến thức được cho là khám phá mới so với hiểu biết của bản thân.
Trọng tâm của phần này là cơ chế tiến hóa (đặc biệt bài 26). Các em phải so sánh được tốc độ; tính có hướng; giàu (nghèo) của vốn gen; khả năng thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen, vai trò ... của 5 nhân tố tiến hóa (đột biến, di nhập gen, chọn lọc tự nhiên, yếu tố ngẫu nhiên và giao phối không ngẫu nhiên).
Nếu muốn lấy trọn điểm phần này một cách dễ dàng thì thí sinh phải làm đề cao đẳng và đại học phần tiến hóa các năm trước (đây là một kho tàng lý thuyết rất hữu dụng mà không bao giờ lỗi thời vì kiến thức phần này không có sự thay đổi nhiều qua mọi năm)
5. Sinh thái học: Phần này có 7 câu trong đề thi. Học sinh có thể lấy trọn điểm phần này bằng cách học theo đơn vị từng bài.
Chú ý phân biệt các đặc trưng cơ bản của quần thể (cùng loài) (bài 37,38) và các đặc trưng cơ bản của quần xã (khác loài) (bài 40); phân biệt mối quan hệ giữa các sinh vật trong quần thể (cùng loài) (bài 36) và mối quan hệ giữa các sinh vật trong quần xã (khác loài) (bài 40).
Với mỗi đặc trưng cơ bản của quần thể (tỉ lệ giới tính; nhóm tuổi; mật độ cá thể; cách phân bố: đều, nhóm , ngẫu nhiên) ..,hay cách phân bố của sinh vật trong quần xã thì học sinh đều phải rút ra được ý nghĩa của chúng, từ đó rút ra được các kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi để có thể trả lời những câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế trong đời sống .
Lưu ý những bài cuối (43,44,45) của phần này vì những bài này thường có câu hỏi tổng hợp cho cả 3 bài, đòi hỏi sự suy luận và có thể có bài tập tính toán về hiệu suất chuyển hóa năng lượng hay bài tập về độ nhiễm độc của sinh vật.
Bài 46 (bài thực hành) sẽ cho học sinh biết cách bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên - thuộc về loại câu hỏi bảo vệ môi trường.
Với phần kiến thức về Sinh thái học, học sinh tuyệt đối không bỏ qua những kênh hình trong sách giáo khoa, những ví dụ trong sách giáo khoa và những ghi chú bên cạnh kênh hình.