Ôn thi theo “chiến lược”
Cô Đào Thị Thu Trang - Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THPT Hoàng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Trường THPT Hoàng Long xây dựng “chiến lược” dạy và ôn thi cho học sinh ngay từ khi bắt đầu học kỳ 2 của lớp 12. Trường phân hoá học sinh theo trình độ của từng bộ môn thi tốt nghiệp THPT: Toán, Văn, ngoại ngữ và Tổ hợp tự nhiên và xã hội.
Với bộ môn ngoại ngữ là định hướng chiến lược của trường thì việc phân hoá diễn ra ngay từ lớp 10. Và cũng từ học kỳ 2 lớp 12, tất cả học sinh khối 12 được học theo các chuyên đề như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… theo đúng cấu trúc bài thi tốt nghiệp THPT. Sau khi ôn tập theo chuyên đề học sinh được rèn kỹ năng làm bài thi và phân biệt được cấp độ khó dễ của những câu hỏi trong đề thi, để từ đó biết cách phân bổ thời gian hợp lý và hiệu quả.
Theo cô Trang, thời điểm hiện tại đã là giai đoạn nước rút cho việc ôn tập thi tốt nghiệp THPT nên nhiều học sinh tâm lý rất hoang mang, muốn nhanh chóng dồn ép lượng kiến thức trong suốt 3 năm học.
Tuy nhiên học là cả một quá trình nên cũng không thể trong một thời gian ngắn tiếp thu cả một lượng kiến thức lớn, hơn nữa các em còn phải ôn thi các môn khác chứ không chỉ riêng ngoại ngữ.
“Nếu các em đã có một quá trình học tập nghiêm túc trong suốt 3 năm THPT thì các em không cần phải đi học thêm. Các thầy cô giáo ở trường là người hiểu năng lực của các em nhất, sẽ đưa ra cho các em chiến lược ôn tập phù hợp nhất. Còn việc tự luyện thêm đề thì chắc chắn phải có, đặc biệt với những học sinh đặt mục tiêu cao đạt điểm 9+ tiếng Anh. Để tự ôn tập, học sinh có thể tham khảo các trang mạng, các tài liệu giấy, tuy nhiên vì nguồn tài liệu rất đa dạng nên các em có thể nhờ các thầy cô tiếng Anh tư vấn thêm để lựa chọn cho chính xác”- cô Trang chia sẻ.
Tìm từ khóa “hóa giải” bài thi
Cô Đào Thị Thu Trang nhận định: Đề thi năm 2021 về cấu trúc đề thi không có gì thay đổi so với năm 2020, sẽ có các phần như sau: Phát âm; Trọng âm; Chọn đáp án đúng; Đồng nghĩa; Trái nghĩa; Giao tiếp; Đọc và điền từ; Đọc hiểu 2 bài; Tìm lỗi sai; Câu đồng nghĩa; Nối câu.
Dựa trên cấu trúc đề thi, học sinh cần ôn tập tập thật kỹ từ vựng trong chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là lớp 11 và 12. Trong quá trình ôn tập, cần chú ý đến sự kết hợp từ, từ đồng nghĩa – trái nghĩa, sự lựa chọn từ, các từ dễ gây nhầm lẫn.
Về ngữ pháp, ôn tập các chủ điểm ngữ pháp được học trong chương trình phổ thông, từ lớp 10 đến lớp 12. Chú trọng ôn những chủ điểm cơ bản, dễ lấy điểm, như: câu hỏi đuôi, câu điều kiện, mệnh đề thời gian, đại từ quan hệ, lượng từ, câu so sánh, câu tường thuật, mạo từ, sự hòa hợp chủ - vị, động từ khuyết thiếu,…
Trong phần đọc hiểu, luyện kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh để có thể làm tốt dạng câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu. Học sinh cũng cần nâng cao vốn từ vựng để có thể đọc hiểu bài tốt hơn, đặc biệt là bài đọc hiểu số 2. Ngoài ra, các em cần làm thật nhiều bài đọc hiểu để rèn luyện khả năng nắm bắt ý chính của bài và khả năng tư duy, suy luận tìm ra đáp án đúng.
Khi làm bài thi, thí sinh nên lựa chọn dạng bài dễ lấy điểm làm trước, dạng khó làm sau để tạo điểm tựa tâm lý vững chắc ngay từ khi bắt đầu làm bài.
Cô Trang lưu ý: Hai bài của phần đọc hiểu có độ dài từ 250-300 từ và 350-400 từ với tổng số là 15 câu. Trong đó có 2 câu hỏi dễ, 8 câu hỏi trung bình và 5 câu hỏi khó. Đây là dạng bài khó nhất trong đề thi do có nhiều từ mới và tốn nhiều thời gian để hoàn thành vì nó chiếm số lượng câu hỏi khá nhiều. Nếu phân bổ thời gian không hợp lí, học sinh sẽ thiếu thời gian làm các phần còn lại.
Để có thể làm tốt dạng bài này, học sinh cần trang bị đa dạng vốn từ theo chủ điểm và nắm vững kĩ năng đọc lướt, thâu tóm nội dung, cũng như kĩ năng đọc chi tiết, tìm nội dung cụ thể. Ngoài ra, việc dựa theo ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ cũng rất quan trọng vì chúng ta khó có thể biết hết được nghĩa của các từ trong bài đọc đó.
Trên thực tế, học sinh chỉ cần hiểu được 60% nghĩa của bài đọc và nắm vững các kĩ năng là đã có thể trả lời đúng hết các câu hỏi trong bài thi. Tuy nhiên, nhiều học sinh chỉ chú trọng học ngữ pháp mà không chú trọng học từ vựng, nên khi làm bài đọc hiểu thường phải suy đoán quá nhiều, dẫn đến trả lời sai.
Do đó, để đạt điểm cao thì phần quan trọng nhất là kĩ thuật làm bài, sau đó đến từ vựng, khả năng đoán từ, đặc biệt phải có phải có kiến thức về gốc từ, tư duy phân tích thông tin, lựa chọn từ khóa tốt.
Học sinh nên làm 4 bài đọc hiểu mỗi ngày, học kỹ các bài trong sách giáo khoa và làm đề thi thử để mở rộng vốn từ, tập phân bố thời gian và tăng sự tự tin. Khi làm bài đọc hiểu ở nhà, trước hết phải coi đó như bài thi thực sự để rèn luyện tinh thần, khả năng phán đoán và chỉ được dùng từ điển để dịch bài khi đã kiểm tra kết quả.
“Một số dạng bài các em nên làm ngay thi nhận được đề, gồm: các câu hỏi ngữ pháp cơ bản, dễ lấy điểm, 2 câu tình huống giao tiếp, 2 câu tìm lỗi sai (để lại câu từ vựng), 2 câu tìm từ đồng nghĩa, 2 câu phát âm, 2 câu trọng âm, các câu hỏi về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa (để lại câu thành ngữ), 5 câu bài đọc điền từ. Sau đó, 2 bài đọc hiểu và các câu hỏi về từ vựng, cụm động từ, thành ngữ, sự kết hợp từ và bài nối câu nên làm cuối vì đây là những dạng bài khó, cần nhiều thời gian tư duy mới ra đáp án”- cô Đào Thị Thu Trang hướng dẫn.