Ôn thi tốt nghiệp THPT Ngữ Văn: Giáo viên bật mí các dạng “đề mở”

GD&TĐ - Muốn làm bài thi Ngữ văn tốt, thí sinh cần có kiến thức đầy đủ, chắc chắn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm trong chương trình và phải thành thạo cách làm bài đọc hiểu và viết văn nghị luận.

Ôn tập Ngữ văn theo "Góc trải nghiệm" của học sinh Trường THPT Quang Hà
Ôn tập Ngữ văn theo "Góc trải nghiệm" của học sinh Trường THPT Quang Hà

Không “học tủ”

Thầy giáo Dương Khánh Toàn, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Quang Hà (Vĩnh Phúc) là người thường xuyên có những bài viết, tư vấn về ôn tập môn Ngữ văn cho học sinh tại Vĩnh Phúc. Nhằm giúp thí sinh có thể đạt điểm cao trong bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT sắp tới, Báo GD&TĐ đăng tải nội dung tư vấn của thầy Dương Khánh Toàn để thí sinh tham khảo.

Thầy giáo dạy Ngữ văn Dương Khánh Toàn chia sẻ kinh nghiệm on thi cho học sinh
Thầy giáo dạy Ngữ văn Dương Khánh Toàn chia sẻ kinh nghiệm on thi cho học sinh

Theo thầy Dương Khánh Toàn, đề minh họa Ngữ văn THPT quốc gia năm 2021 khá cơ bản. Trong đó, câu hỏi đọc hiểu gồm 2 câu nhận biết có thể dễ dàng trả lời đúng; câu nghị luận xã hội rõ ràng, phù hợp với kiến thức và hiểu biết xã hội của học sinh; câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích có định hướng chứ không cảm nhận chung chung. Đề có sự phân hóa yêu cầu học sinh nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà văn cho học sinh khá giỏi phát huy vốn hiểu biết về tác giả, tác phẩm.

Tuy nhiên, cần hiểu đúng về đề minh họa của Bộ GD&ĐT chỉ có tính chất minh họa cho cấu trúc đề, ma trận các mức độ kiến thức và kĩ năng giúp các thí sinh ôn thi đúng hướng để làm bài thi đạt kết quả cao. Hoàn toàn không thể dựa vào đề minh họa để “học tủ”, đặc biệt là với câu nghị luận văn học. Bên cạnh dạng đề có “phom” như đề minh họa, học sinh cần luyện tập thành thạo các dạng đề khác.

Ôn thi tốt nghiệp THPT Ngữ Văn: Giáo viên bật mí các dạng “đề mở”  ảnh 2
Click vào ảnh để xem nội dung.

3 dạng đề “mở” cần lưu ý

Theo thầy Dương Khánh Toàn các dạng đề văn cần luyện tập cũng rất đa dạng. Bỏ qua những dạng đề văn theo kiểu “cũ”, các dạng “đề mở” có khả năng xuất hiện trong trong đề thi tốt nghiệp những năm gần đây cũng khá nhiều, sơ bộ tổng hợp như sau:

Dạng đề 1: Cảm nhận về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi. Ví dụ: Cảm nhận về âm thanh tiếng sáo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài; Cảm nhận về hình ảnh hai bàn tay Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành; Cảm nhận về chi tiết nồi chè cám trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân…

Dạng đề này có các biến thể là cảm nhận về 2 chi tiết trong một tác phẩm, hoặc cảm nhận về hai chi tiết trong hai tác phẩm cùng chủ đề, đề tài. Ví dụ 1: Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt. Chiều hôm trước, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì.” và sáng hôm sau, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng.” Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này. (đề minh họa 2019).

Ví dụ 2: Cảm nhận về hành động nhân vật Mị chạy theo A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và hành động theo Tràng của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) từ đó nhận xét về khát vọng sống mãnh liệt của người lao động.

Buổi ôn tập Ngữ văn của học sinh Trường THPT Quang Hà
Buổi ôn tập Ngữ văn của học sinh Trường THPT Quang Hà

Dạng đề 2: Cảm nhận về một đoạn trích để làm sáng tỏ nhận định về tác giả, tác phẩm. Ví dụ: Có ý kiến cho rằng: sông Đà nói chung và Người lái đò Sông Đà nói riêng tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Tuân không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề, nhằm tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động người đọc nhiều nhất. Anh/chị hãy làm sáng tỏ qua đoạn trích dưới đây:

“... Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo… Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền.”

Giờ học Ngữ văn "rất mở" của Trường THPT Quang Hà
Giờ học Ngữ văn "rất mở" của Trường THPT Quang Hà

Dạng đề 3: Phân tích hình tượng nghệ thuật trong một đoạn trích, từ đó nhận xét về một đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả. Ví dụ đề minh họa Ngữ văn 2021:...Phải nhiều thế kỷ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, Sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, Sông Hương theo hướng nam - bắc qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển sang hướng tây - bắc vòng qua thềm đất bài Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông – bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột khởi như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, là niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “bốn bề núi phủ mây phong – mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lý, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng bát ngát tiếng gà…

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 198-199). Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

“Những đề trên có thể xem là trọng tâm ôn tập môn Ngữ Văn 2021. Đề minh họa của Bộ chỉ có ý nghĩa giúp thí sinh và giáo viên hình dung mức độ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng trong đề thi. Muốn làm bài thi thật tốt, thí sinh cần có kiến thức đầy đủ, chắc chắn về các tất cả các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm trong chương trình và phải thành thạo cách làm cả 3 dạng đề nói trên”- Thầy Dương Khánh Toàn lưu ý thí sinh.
Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.