Giáo viên trực tuyến trên phòng học trực tiếp

GD&TĐ - Khi giáo viên là F0, các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức giảng dạy trực tuyến trên phòng học trực tiếp. Thầy cô đã nỗ lực không để học sinh bị trễ bài, bảo đảm kiến thức cho các em.

Việc học và tương tác giữa thầy và trò cũng như lớp học bình thường, chỉ khác biệt qua màn hình. Ảnh: TG
Việc học và tương tác giữa thầy và trò cũng như lớp học bình thường, chỉ khác biệt qua màn hình. Ảnh: TG

Thầy dạy trực tuyến, trò học trực tiếp

Sau khi học sinh trở lại trường học tập, thành phố Cần Thơ ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên bị F0, thậm chí một số tổ bộ môn quá tải không thể linh hoạt công tác phân công dạy bù, dạy thay. Để bảo đảm kế hoạch giảng dạy năm học, các trường đã tận dụng mọi nguồn lực, linh động tổ chức cho giáo viên giảng dạy trực tuyến trên phòng học trực tiếp.

Thầy Trần Quang Nhựt - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã bố trí 4 phòng học 2 chức năng tại mỗi khối lớp học giúp học trò F0, F1 không đến trường cũng có thể học tập cùng bạn bè qua phòng học ảo. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học, nhà trường đã linh hoạt tận dụng hội trường và thư viện mở thêm 6 phòng học để các giáo viên F0 có thể giảng dạy trực tuyến tại nhà cho học sinh tham gia học tập tại trường.

Dạy trực tuyến trên phòng học trực tiếp là giải pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện dạy và học đúng theo kế hoạch chương trình. Theo đó, thay vì học sinh phải học trực tuyến tại nhà thì nay thầy cô diện F0 thực hiện giảng dạy trực tuyến tại nhà còn các em vẫn đến lớp và tham gia hoạt động bình thường. Giáo viên, học sinh tương tác nhau thông qua màn hình.

“Để quản lý công tác giảng dạy các lớp học trực tuyến, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch và thành lập tổ công nghệ thông tin, đầu tư thêm thiết bị phục vụ giảng dạy như camera, micro, hệ thống âm thanh... Đồng thời, tổ chức phân công từng thành viên trong tổ hỗ trợ quản lý, lên lịch học, hướng dẫn chuyển tiếp học sinh tham gia các lớp học. Qua đó giúp thầy trò tương tác tốt hơn”, thầy Nhựt chia sẻ thêm.

Tương tự Trường THCS thị trấn Thới Lai, một số trường học trên địa bàn TP Cần Thơ cũng gặp tình trạng học sinh, giáo viên F0, F1… phải thực hiện cách ly và điều trị tại nhà. Cô Phạm Thị Thu Hằng - Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) chia sẻ: Sau khi học trực tiếp đã ghi nhận nhiều học sinh và giáo viên bị mắc Covid-19. Tổ bộ môn đã chủ động xây dựng lại kế hoạch dạy học ứng phó giúp giáo viên có thể vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến để học sinh không bị trễ bài.

“Tuy nhiên, có thời điểm hơn 9/12 thầy cô trong tổ là F0, không thể bố trí giáo viên dạy thay một lượt. Nhờ phát huy thế mạnh của đội ngũ trong giảng dạy trực tuyến, đồng thời với ý thức trách nhiệm cao, dù bị bệnh, thầy cô vẫn cố gắng dạy để học sinh không bị mất bài. Qua đó, đã khắc phục được khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”, cô Hằng chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) tham gia lớp học trực tiếp còn giáo viên giảng dạy tại nhà. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) tham gia lớp học trực tiếp còn giáo viên giảng dạy tại nhà. Ảnh: TG

Giúp học trò vững kiến thức

Theo thầy Lâm Đức Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), thời gian qua, nhà trường cũng ghi nhận nhiều trường hợp thầy cô giáo, học sinh là F0, phải theo dõi điều trị tại nhà. Ban lãnh đạo nhà trường cũng vận động khuyến khích tất cả thầy cô phối hợp cùng trường thực hiện dạy và học trực tuyến đối với các lớp có nhiều học sinh hay giáo viên F0.

Theo quy định, trường hợp giáo viên F0 sẽ được nghỉ và điều trị tại nhà, nhà trường đã chỉ đạo các tổ trưởng chuyên môn phân công bố trí đội ngũ dạy thay. Tuy nhiên, một số bộ môn có giáo viên nghỉ nhiều, trường cũng động viên ai đủ điều kiện sức khoẻ thì tham gia giảng dạy trực tuyến. Đến nay có 6/9 tổ chuyên môn tham gia tổ chức giảng dạy trực tuyến tại nhà, được hơn 120 tiết học. Nhà trường ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng và tinh thần chịu khó của thầy cô. Mặc dù đang bệnh nhưng vẫn không bỏ học trò, đặc biệt là học sinh 12 chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Chia sẻ về việc học, em Trần Ngọc Bội Bội, học sinh lớp 8A2, Trường THCS thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) cho hay: So với lớp học trực tuyến tại nhà như học kỳ I, học trực tiếp tại trường em thấy thích hơn. Em và các bạn dễ dàng tương tác, xây dựng bài và thảo luận, qua đó tiếp thu kiến thức bài học tốt hơn. Trong quá trình học, lượng kiến thức thầy cô dạy như nhau, chỉ khác nhau là chúng em không thể gặp trực tiếp mà chỉ thấy thầy cô qua màn hình.

Em Trần Gia Bảo, lớp trưởng 12A8, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) thấy việc học và tương tác với thầy cô không thay đổi nhiều, chỉ khác biệt là tương tác qua màn hình. “Tại lớp, các bạn cũng cảm thông và hỗ trợ em rất nhiều trong công tác quản lý lớp. Đôi khi đường truyền gặp một số trục trặc, gián đoạn, chép bài cũng nhanh hơn bình thường nên em và các bạn hỗ trợ cô giáo trong việc nắm thông tin lớp học, nhất là bạn chưa hiểu bài cần giảng lại”, Gia Bảo cho biết.

Vừa trở lại trường sau khi khỏi bệnh, cô Trần Thị Thiều, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS thị trấn Thới Lai vui vẻ cho biết: “Là F0, sức khỏe đã trở lại bình thường và không bị ảnh hưởng nhiều nên tôi tham gia giảng dạy trực tuyến. Trong quá trình dạy nhà trường đã hỗ trợ rất nhiều, nhất là các giám thị. Không những thực hiện kế hoạch theo chương trình năm học mà còn bảo đảm giờ giấc cho học sinh, không bị trống tiết gây ảnh hưởng đến các lớp học xung quanh”.

Thầy Trần Quang Nhựt - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) chia sẻ: Sau hơn 2 tháng thực hiện hình thức giảng dạy trực tuyến trên phòng học trực tiếp đã bước đầu đạt hiệu quả, bảo đảm tốt việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Thời gian tới, nhà trường sẽ mạnh dạn xã hội hoá để lắp đặt thêm các thiết bị, xây dựng các phòng học chức năng phục vụ tốt hơn việc dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ