Mở cửa trường học: Tiết học đặc biệt của giáo viên F0

GD&TĐ - Gần 2 tuần đi học sau Tết, Nghệ An ghi nhận số lượng lớn học sinh, giáo viên thuộc diện F0, F1. Điều này ảnh hưởng đến ổn định tâm lý, tổ chức dạy học của các trường.

Nhiều lớp học của Nghệ An vắng hẳn do học sinh F1 học trực tuyến tại nhà.
Nhiều lớp học của Nghệ An vắng hẳn do học sinh F1 học trực tuyến tại nhà.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhà trường khoanh vùng, dạy học trực tuyến cục bộ, còn lại ưu tiên dạy trực tiếp. Nhiều giáo viên F0, F1 cũng đề nghị được dạy trực tuyến từ nhà để không gián đoạn hoặc xáo trộn việc tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Lên lớp trong mọi hoàn cảnh

Chỉ một ngày làm việc sau Tết, cô Nguyễn Thị Quỳnh Chi, giáo viên Trường THCS Lê Mao – TP Vinh trở thành F0 cùng với chồng và 2 con. Cô Chi là giáo viên Tổng phụ trách Đội, và mỗi tuần có 4 tiết dạy Giáo dục công dân cho khối 6 và khối 8. Qua vài ngày ổn định sức khỏe và tâm lý, cô Chi đề nghị được lên lớp bình thường bằng hình thức dạy

online. “Thỉnh thoảng tôi bị ớn lạnh nhưng không mệt mỏi nên công việc chuyên môn vẫn đảm bảo được. Học sinh cũng đã quen với việc học trực tuyến nhiều tháng, nên hợp tác với cô hiệu quả, đầy đủ”, cô Chi chia sẻ.

Một tuần trở lại trường, Trường THCS Lê Mao phát hiện nhiều học sinh, giáo viên F0, F1. Ban giám hiệu đã thực hiện khoanh vùng, lớp nào có học sinh F0 phát hiện sau khi tập trung thì chuyển sang trực tuyến, còn lại học trực tiếp.

Tiết học “vắng” giáo viên đặc biệt của lớp 9B Trường THCS Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.
Tiết học “vắng” giáo viên đặc biệt của lớp 9B Trường THCS Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.

Tiết học Vật lý của lớp 9B diễn ra rất đặc biệt. Cả lớp vẫn tập trung, trật tự, tiếng cô giảng, trò trả lời hào hứng nhưng không hề có giáo viên. Thay vào đó, trên bàn giáo viên là máy tính xách tay, kết nối với màn hình tivi, còn cô Trần Thị Triền đang dạy học, tổ chức hoạt động cho trò trực tuyến từ nhà. Cô Triền là F1 tiếp xúc gần với F0, trong khi đó lại đang mang thai. Vì vậy, cô tự cách ly tại nhà và chuyển sang dạy học online. Đây là năm cuối cấp, nên cô không muốn để học trò bỏ lỡ tiết học nào.

Lớp 9B Trường THCS Lê Mao những ngày qua thường xuyên học trực tiếp và trực tuyến với giáo viên đan xen như vậy. Nhưng giữa các tiết học không có sự khác biệt nào, cô trò tương tác bình thường với các hoạt động: Kiểm tra bài cũ, đặt câu hỏi, trả lời...

Cô Nguyễn Thị Thanh Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nhà trường xây dựng nhiều kịch bản và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học, bằng cả hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngay cả bây giờ, dù giáo viên không thể đến trường nhưng hoạt động dạy học vẫn diễn ra bình thường qua hệ thống LMS.

Với lớp học có F1, giáo viên vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa mở phần mềm Zoom cho học sinh theo học online.
Với lớp học có F1, giáo viên vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa mở phần mềm Zoom cho học sinh theo học online.

Bảo đảm không gián đoạn, xáo trộn việc học

Tuần đầu tiên trở lại học trực tiếp, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) ghi nhận 33 học sinh F0. Ngay sau đó, nhà trường sắp xếp cho 11 lớp có F0 chuyển sang học trực tuyến. Ngoài ra, có 221 em diện F1 được địa phương khuyến cáo tự cách ly tại nhà cũng học online. Các lớp còn lại vẫn tới trường học trực tiếp.

Tiết học Vật lý của thầy Nguyễn Văn Thọ tại lớp 11D1 vắng 11 học sinh, trong đó có 8 em F1. Lớp học “hao hụt” hơn hẳn so với bình thường, nhiều bàn trống học sinh. Tuy nhiên không khí học tập vẫn diễn ra sôi nổi. Để đảm bảo quyền lợi, cũng như giúp học sinh theo kịp tiến độ chương trình, thầy Thọ vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa đặt máy quay ghi lại bài giảng, livestream cho những bạn F1 học online.

“Việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp cả hai đối với thầy trò trở nên quen thuộc. Bởi trong suốt 2 năm học qua, chúng tôi thực hiện nhiều lần và không còn bỡ ngỡ hay gặp quá nhiều khó khăn nữa. Dù dạy online hay trực tiếp, các em vẫn đảm bảo được kiến thức, kỹ năng cơ bản cốt lõi của bài học”, thầy Nguyễn Văn Thọ cho hay.

Theo thầy Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, học sinh cả 3 khối đều được tiêm 2 mũi vắc-xin. Căn cứ thực tiễn cũng như chỉ đạo của sở GD&ĐT, nhà trường tiếp tục dạy học trực tiếp kết hợp online cho học sinh F0, F1.

Về phía giáo viên F1 cũng chủ động dạy học online tại nhà theo thời khóa biểu đã phân công. Nhờ đó, hoạt động giáo dục của trường cũng như các lớp tuy có sự thay đổi, điều chỉnh nhưng vẫn ổn định, theo đúng kế hoạch năm học. Đến thời điểm này, sức khỏe của hơn 250 học sinh và giáo viên F0, F1 đều ổn định.

Nhà trường cũng dự báo số lượng học sinh F0 có thể gia tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tại TP Vinh phức tạp, xuất hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng. Tuy nhiên, Ban giám hiệu chủ động tăng cường công tác phòng dịch, triển khai các kịch bản, phương án dạy học. Tất cả tình huống đều được tính đến với phương châm “trường học phải an toàn và học sinh an toàn khi đến trường”.

Sau Tết, dịch bệnh tại Nghệ An bùng phát mạnh, cao điểm có ngày xác nhận hơn 2.400 ca F0, trong đó có nhiều học sinh cả bậc mầm non và phổ thông. Sở GD&ĐT Nghệ An đã họp trực tuyến với phòng GD&ĐT, các trường THPT tại 21 huyện, thành, thị để chỉ đạo triển khai dạy học an toàn. Tại đây, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Khó khăn của Nghệ An là số học sinh trong mỗi trường rất đông, việc đảm bảo an toàn trường học rất vất vả. Nhưng nếu kéo dài việc học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tiếp thu kiến thức của học trò.

Để làm tốt công tác tổ chức dạy và học, Giám đốc Sở đề nghị các nhà trường không được chủ quan, thực hiện 5K, giãn cách cục bộ đối với những lớp, những trường có số lượng học sinh F0 nhiều. Làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh yên tâm và tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.

“Nghệ An sẽ dần bỏ khái niệm huyện học trực tuyến và trường học trực tuyến. Các nhà trường, hiệu trưởng không tránh né, thoái thác trách nhiệm. Thay vào đó, ngành Giáo dục thống nhất trường phải đi học trực tiếp, và chỉ khoanh vùng lớp có học sinh F0, chuyển sang học trực tuyến. Những lớp không có học sinh F0 đi học trực tiếp bình thường”, ông Thái Văn Thành chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.