Linh hoạt vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trường học tại Gia Lai và Kon Tum linh hoạt các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Qua đó, đảm bảo tất cả học sinh có thể tiếp thu, nắm vững kiến thức.

Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo học trực tiếp.
Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo học trực tiếp.

Bảo đảm học sinh có thể nắm bắt chương trình

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tại Gia Lai và Kon Tum diễn biến phức tạp. Do đó, ngành Giáo dục 2 địa phương này linh hoạt hình thức dạy học đan xen trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo kiến thức cho học sinh.

Thầy Ngô Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết, toàn trường có hơn 1.300 học sinh, trong đó có gần 200 em là người dân tộc thiểu số. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhà trường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên và học sinh bảo vệ sức khoẻ. Bên cạnh đó, tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, tránh để dịch bệnh lây lan trong nhà trường.

Theo thầy Hà, hiện tại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nhà trường chủ động xây dựng nhiều phương án để linh hoạt ứng phó. Nếu tại địa phương, nhà trường xuất hiện nhiều ca F0 thì sẽ chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.

“Trong học kì I năm học 2021-2022, nhà trường đã tổ chức cho học sinh học trực tuyến 6 tuần. Chính vì vậy, giáo viên và học sinh đã làm quen và bắt nhịp được với hình thức dạy học này. Do đó, nếu dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp thì giáo viên và học sinh dễ dàng thích nghi và thay đổi hình thức học tập phù hợp”, thầy Hà nói.

Cũng theo thầy Hà, trong trường có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình các em chủ yếu làm nương rẫy nên chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy không đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị cho con em học trực tuyến. Do đó, giáo viên đã linh hoạt trong dạy học trực tuyến để tất cả các em đều có thể nắm bắt chương trình và tiếp thu kiến thức.

“Toàn trường có 141 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Do đó, giáo viên hướng dẫn và tạo mọi điều kiện để không em nào bị bỏ lại phía sau. Theo đó, nếu học sinh cùng lớp, hoặc cùng khối nhưng ở gần nhà, gần làng nhau có thể học chung một thiết bị. Khi đó, nhà trường và giáo viên không cứng nhắc dạy theo lớp mà chỉ cần đảm bảo chương trình, kiến thức cho học sinh. Từ đó, đảm bảo 100% học sinh được kết nối trực tuyến”, thầy Hà chia sẻ.

Theo thầy Hà, hiện nay học sinh của trường vẫn đang học trực tiếp nên trong quá trình giảng dạy thầy cô nắm bắt năng lực của học sinh để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao vốn kiến thức. Bên cạnh đó, thầy cô tình nguyện tham gia dạy phụ đạo, bổ túc miễn phí cho các em có học lực yếu. Đặc biệt đối với học sinh lớp 12, nhà trường đã lên kế hoạch ngay từ đầu năm học. Theo đó, các thầy cô đặc biệt chú trọng dạy học, đan xen với việc ôn tập cho các em 3 buổi/tuần.

Đan xen dạy học trực tuyến và trực tiếp

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh tách những trường hợp có yếu tố dịch tễ để học trực tuyến, còn lại các em học trực tiếp.

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh tách những trường hợp có yếu tố dịch tễ để học trực tuyến, còn lại các em học trực tiếp.

Thầy Lê Hải Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) cho biết, hiện tại ngành Giáo dục địa phương còn 113 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 15 giáo viên, nhân viên và 98 học sinh.

Theo thầy Lâm, hiện nay những địa bàn thuộc vùng nguy cơ dịch bệnh cao và nguy cơ rất cao tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Còn những khu vực đảm bảo an toàn thì vẫn tổ chức cho các em học trực tiếp.

“Các trường và giáo viên linh hoạt hình thức dạy học để đảm bảo an toàn cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh. Đối với những trường học trực tiếp thì thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn cho các em tại nhà và cộng đồng”, thầy Lâm nói.

Còn tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hiện tại vừa dạy trực tiếp đan xen với hình thức trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh lây lan.

Cô Bạch Thị Mận, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cho biết, toàn trường có 950 học sinh với 24 lớp. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên có 14 lớp học trực tuyến và 10 lớp đang học trực tiếp.

Theo cô Mận, đối với học sinh học trực tiếp, nhà trường tổ chức đo thân nhiệt và sát khuẩn cho các em trước khi vào lớp. Bên cạnh đó, ngồi giãn cách, phòng cách phòng để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các em học tập và ra chơi ngay tại lớp, tránh tụ tập đông người.

Còn đối với những lớp học trực tuyến, giáo viên dạy theo thời khoá biểu như khi học trực tiếp. Mặc dù trường ở vùng thuận lợi nhưng vẫn còn một số học sinh không có thiết bị để học trực tuyến.

Do đó, nhà trường bố trí cho các em cùng khối ở gần nhà nhau học chung một thiết bị. Chính vì vậy, đảm bảo tất cả các em đều được tiếp cận kiến thức. Riêng với học sinh lớp 1 và 2, giáo viên thống nhất thời gian học tập với phụ huynh để đảm bảo an toàn cho các em khi học trực tuyến.

“Đối với những lớp có yếu tố dịch tễ thì nhà trường sắp xếp, phân công giáo viên dạy học dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, tách những trường hợp có yếu tố dịch tễ học trực tuyến, còn những em khác vẫn học trực tiếp. Qua đó, đảm bảo cho tất cả học sinh được học tập, tiếp thu kiến thức”, cô Mận cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.