Hà Nội: Nhiều giáo viên F0, F1 vẫn "đứng lớp" dạy học

GD&TĐ - Trong hoàn cảnh số ca nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng, nhiều thầy cô dù là F0, F1 vẫn cố gắng lên lớp dạy theo đúng thời khóa biểu, thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học.

Nhiều giáo viên dù đang là F0, F1 vẫn tiếp tục dạy học cho học sinh
Nhiều giáo viên dù đang là F0, F1 vẫn tiếp tục dạy học cho học sinh

Giáo viên F0 vẫn dạy online

Nhận kết quả dương tính với Covid-19, cô Nguyễn Phương Thảo, giáo viên Trường THCS tại quận Hoàng Mai đã thông báo cho Ban giám hiệu nhà trường để bố trí giáo viên dạy thay. Tuy nhiên, các giáo viên cùng tổ chuyên môn cũng đã "kín lịch" nên nhà trường quyết định cho học sinh học trực tuyến trong giờ học đó với người giảng bài chính là cô Phương.

Dù mắc Covid-19 nhưng sức khỏe của cô Phương vẫn ổn định, không có triệu chứng nặng. Vì vậy, cô vẫn dạy học bình thường cho học sinh các khối lớp theo thời khoá biểu của nhà trường. Khác với những giờ học trực tuyến trước đó, lần dạy này có điều khác biệt là học sinh đến trường để học trực tiếp, còn cô giáo thì dạy trực tuyến tại nhà.

Một tiết học diễn ra với 3 điểm cầu. Điểm cầu thứ nhất là tại nhà cô giáo với máy tính kết nối phần mềm Zoom. Điểm cầu thứ 2 ở trường với sự tham dự của phần lớn học sinh đang học trực tiếp với sự hỗ trợ của các thầy cô trong tổ công nghệ. Điểm cầu thứ 3 là những học sinh F0, F1 đang tự cách ly ở nhà.

Còn cô Mai Thị Khánh Ly - giáo viên Trường THCS Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) dù bị nhiễm Covid-19 từ nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa bỏ một giờ dạy nào. Kể lại quá trình giảng dạy khi là F0, cô Ly cho hay, mình phát hiện dương tính với Covid-19 vào cuối tuần, được nghỉ ngơi 2 ngày cộng việc đã tiêm 3 mũi vaccine nên cơ thể cô bình thường.

Trường chỉ có 2 giáo viên dạy Lịch sử, do vậy cô đề xuất với Ban Giám hiệu sẽ tiếp tục giảng dạy. Với lớp 6 (học trực tuyến), cô giảng dạy như cách thức triển khai từ đầu năm học. Còn với lớp được đi học trực tiếp (khối 7, 8), nhà trường bố trí phòng học có đủ phương tiện để với học sinh đến trường thì kết nối cô trò tương tác còn với học sinh không đến lớp vẫn sẽ vào lớp học qua phần mềm Teams.

Dù đang là trường hợp F0 đang điều trị tại nhà nhưng cô Bùi Thị Sinh- Hiệu trưởng Tiểu học Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn ngồi máy tính xử lý công việc, dù đang là F0 điều trị tại nhà. Đối diện với "áp lực chưa từng có" vì số lượng cán bộ, giáo viên mắc Covid-19 không ngừng tăng nhưng nhà trường vẫn cố gắng thu xếp, đảm bảo việc dạy học diễn ra thuận lợi.

Cô Sinh cho biết, trường Tiểu học Kim Nỗ có 21 giáo viên và nhân viên F0 trong tổng số 70 người. Trong 1.934 học sinh, có gần 200 em F0, trên 400 F1, rải rác khắp các khối lớp. Do đó, nhà trường đã thực hiện phương án, lớp nào có giáo viên là F0 và tỷ lệ học sinh F0, F1 trên 60% sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.

Đang là F0 điều trị tại nhà, nhưng cô hiệu trưởng không nghỉ ngơi công việc. Hàng ngày, ngoài dạy và học, trường phải thống kê số lượng học sinh, giáo viên F0, F1, liên tục điều chỉnh hình thức học cho những lớp có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dù được hai hiệu phó hỗ trợ, nhưng phần lớn phần việc hiệu trưởng vẫn phải trực tiếp chỉ đạo.

Nỗ lực của các cô giáo đến lớp để dạy trực tuyến cho phần lớn học trò vẫn đang học trực tuyến
Nỗ lực của các cô giáo đến lớp để dạy trực tuyến cho phần lớn học trò vẫn đang học trực tuyến

Giải tỏa nỗi lo thiếu giáo viên dạy học

Với những ca mắc Covid-19 tăng vọt trong thời gian gần đây tại Hà Nội, chắc chắc sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên dạy học. Thầy Đặng Việt Hà - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho hay, những ngày qua, số giáo viên và học sinh là F0, F1 tăng nhanh.

Do đó, nhà trường đã phải chuyển phương án tổ chức các lớp học "2 trong 1", vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến theo từng lớp, vì nếu lớp trực tiếp riêng, lớp trực tuyến riêng sẽ thiếu giáo viên trầm trọng. Những ngày qua, nhiều thầy cô bộ môn dù là F1, F0 nhưng vẫn tham gia đầy đủ các giờ dạy trên lớp với các học sinh đang học trực tiếp vì không đủ người để thay thế.

Còn thầy Nguyễn Cao Cường- Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ, giáo viên dạy học thời điểm này rất áp lực và vất vả. Nhà trường không ngại về giải pháp công nghệ khi phải dạy hỗn hợp nhiều hình thức nhưng nỗi lo lắng nhất lúc này là học sinh và giáo viên bị F0 tăng theo các ngày, cũng dẫn đến việc không có giáo viên dạy thay cho đồng nghiệp.

Với những giáo viên F0, nhà trường sẽ giảm số tiết dạy để họ có thời gian được nghỉ ngơi, điều trị. Tuy nhiên, các giáo viên khác sẽ bị tăng số tiết dạy học. Việc này được sắp xếp trên tinh thần tự nguyện giúp đỡ giữa các giáo viên. Trường cố gắng không để việc học của học sinh bị gián đoạn khi các giáo viên không may mắc Covid-19 và hy vọng phụ huynh, học sinh đồng lòng và sớm có phương án tốt hơn, chấp nhận sống chung với dịch bệnh trong thời gian tới.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) bộc bạch, các thầy cô trong ban giám hiệu cũng sẵn sàng đứng lớp thay theo đúng chuyên môn của mình khi có giáo viên là F0, F1. Bản thân cô cũng đã dạy văn thay cho một giáo viên là F1 phải cách ly, ngoài ra thầy cô khác trong trường đều sẵn sàng tương trợ nhau vào các tiết trống.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, tuy tỷ lệ học trực tiếp tại các trường trên địa bàn thành phố tuần qua có giảm so với trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao (trên 70%). Điều này cho thấy mong muốn đến trường rất lớn của thầy cô và học sinh. Chủ trương mở cửa trường học được khẳng định là đúng đắn. Ở giai đoạn khó khăn hiện tại, Bộ GD&ĐT nói chung và ngành GD&ĐT Thủ đô nói riêng vẫn tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình, đưa ra những phương án, giải pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về vấn đề trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.