Có thể học mọi lúc, mọi nơi
Chia sẻ về mô hình bồi dưỡng mới, điều cô Lương Thị Hồng, Trường tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk) tâm đắc làđược chủ động về thời gian tham gia bồi dưỡng. Giáo viên có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, có thể lưu trữ tài liệu dễ dàng, tiết kiệm chi phí đi lại.
“Quá trình tập huấn, từ mô đun 1 cho đến mô đun 4, tôi nhận thấy điểm mới của chương trình này là tính hệ thống. Giáo viên được nghiên cứu tài liệu trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) để nắm nội dung cụ thể; sau đó được hướng dẫn trực tiếp từ các giảng viên sư phạm có năng lực và tâm huyết”. Đưa nhận định này, cô Lương Thị Hồng cũng cho rằng, hệ thống câu hỏi trên LMS đưa ra hợp lý, phù hợp với khả năng nhận thức của đa số giáo viên tham gia, nội dung dành cho giáo viên tự học rõ ràng, dễ học ở mọi lúc mọi nơi. Hơn nữa, việc vận dụng nội dung kiến thức trên LMS vào tập huấn giáo viên cốt cán đều dễ dàng.
Tham gia tập huấn, giáo viên cũng được “trực tiếp hoạt động, trực tiếp thực hành” các nội dung lên lớp của báo cáo viên để đáp ứng mục tiêu, phương pháp trong quá trình giảng dạy; được tạo điều kiện về cơ sở vật chất trong thời gian tập huấn. “Chương trình giúp chúng tôi tiếp cận với nhiều phương pháp dạy học mới. Với hình thức bồi dưỡng qua mạng có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, với cộng đồng kết nối thường xuyên, liên tục giữa giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt thì mọi thắc mắc sẽ được trao đổi, thảo luận và hỗ trợ kịp thời” – cô Lương Thị Hồng cho hay.
Cùng quan điểm, cô Lê Thị Thanh Hà, giáo viên Sinh học, Trường THCS&THPT Cửa Việt, Quảng Trị, cho rằng, hệ thống LMS đề cao tính chủ động, tự học của giáo viên. Nội dung, hệ thống câu hỏi phù hợp với việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Tôi đã được bồi dưỡng được đầy đủ tất cả các năng lực cần có, từ năng lực chung đến các năng lực đặc thù; đặc biệt khả năng ứng dụng CNTT. Hệ thống luôn đề cao tính tự học của giáo viên; cập nhật, nhắc nhở, nếu phần nào thầy/cô chưa kịp hoàn thành” - cô Lê Thị Thanh Hà cho hay.
Giáo viên phát triển năng lực sau bồi dưỡng
Cô Cao Thị Thanh Tuyết, giáo viên Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TP Huế cho biết, giáo viên vẫn tương tác, được giải đáp các thắc mắc, các tài liệu đều được cung cấp một cách đầy đủ trên hệ thống. Nội dung được thiết kế khoa học, phân tích kĩ với nhiều ví dụ rõ ràng giúp quá trình tự học rất thuận lợi.
“Các nội dung được tập huấn thực ra lâu nay đã và đang áp dụng trong thực tế giảng dạy nhưng nhiều khi chưa bài bản, đúng quy trình. Sau khi tham gia tập huấn, tôi nắm chắc hơn các nội dung và mạnh dạn xây dựng các kế hoạch dạy học, giáo dục, hay thiết kế các bài học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tôi cũng tự tin hơn khi trao đổi với đồng nghiệp về các nội dung đã được tập huấn.
Quá trình tham gia bồi dưỡng cũng giúp cô Lương Thị Hồng nâng cao nhiều năng lực. Cụ thể, nâng cao năng lực về tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh; nâng cao năng lực về xây dựng kế hoạch giáo dục và xây dựng kế hoạch bài dạy theo năng lực, phẩm chất.
“Trình độ công nghệ thông tin trong thời gian tự bồi dưỡng 4 modul trên hệ thống LMS cũng tiến bộ rõ rệt. Nếu thời gian đầu còn chưa biết cách làm thế nào để vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên LMS thì nay, tôi đã thao tác trơn tru mà không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học nữa” – cô Lương Thị Hồng cho hay.