Bồi dưỡng giáo viên: Linh hoạt ứng phó dịch bệnh

GD&TĐ - Cuối tháng 7 là thời điểm các địa phương hoàn thành bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới.

Tập huấn GV theo CT, SGK mới tại điểm cầu Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang). Ảnh: NTCC
Tập huấn GV theo CT, SGK mới tại điểm cầu Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng bồi dưỡng. Trong bối cảnh đó nhà xuất bản, nhà trường, giáo viên (GV) đều ứng phó linh hoạt để về “đích” đúng yêu cầu. 

Vượt lên khó khăn

Ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang nên hoạt động bồi dưỡng GV lớp 2 theo CT, SGK mới diễn ra vào tháng 7 (kế hoạch cũ tháng 6) và theo hình thức trực tuyến.

Tới nay, Bắc Giang đã hoàn thành bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý (CBQL), GV dạy các môn văn hóa lớp 2 năm học 2021 - 2022; 100% GV dạy các môn: Tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất ở tiểu học (trừ trường hợp đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quyết định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương).

Theo ông Hà Huy Giáp, với các đơn vị thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc cách ly y tế, Sở GD&ĐT yêu cầu bố trí CBQL, GV chủ động chuẩn bị thiết bị máy tính xách tay, điện thoại thông minh… để bồi dưỡng trực tuyến theo lịch.

Tại các đơn vị thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, bố trí CBQL, GV tham gia lớp bồi dưỡng theo cụm trường, mỗi cụm trường không quá 20 học viên/cụm và không quá 1 môn/buổi; phân công CBQL của trường đặt điểm cầu phụ trách lớp học.

Đối với các đơn vị còn lại, CBQL, GV tham gia lớp bồi dưỡng theo cụm trường, mỗi cụm trường không quá 30 học viên/cụm và không quá 1 môn/buổi…, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế…

Ông Hoàng Hải Nam – Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cũng cho biết: Dù dịch Covid-19 tại Ninh Bình không “nóng” như một số địa phương khác, song để bảo đảm an toàn cho CBQL, GV trong quá trình bồi dưỡng, Sở GD&ĐT đã tổ chức mỗi trường THCS thành một điểm cầu, mỗi điểm cầu tiếp tục chia nhỏ GV theo phòng, môn tập huấn.

Sau đợt bồi dưỡng đầu tiên, Ninh Bình có 143 điểm cầu bồi dưỡng cho 3.546 CBQL, GV cấp THCS. Trường hợp bất khả kháng, CBQL, GV không thể tham gia bồi dưỡng đợt 1, hoặc GV sau bồi dưỡng không đạt yêu cầu bài kiểm tra, phòng GD&ĐT sẽ báo cáo số liệu về Sở GD&ĐT để phối hợp với các nhà xuát bản (NXB) tổ chức bồi dưỡng vào thời điểm phù hợp…

Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang) cho hay: Bắc Giang bồi dưỡng GV theo CT, SGK mới vào thời điểm dịch vừa lắng xuống. Tuy vậy sở, phòng vẫn đặt ra yêu cầu cao trong phòng chống dịch nên công tác tổ chức, sắp xếp để bảo đảm mục tiêu an toàn, hiệu quả trong bồi dưỡng cho GV phải hết sức linh hoạt, hợp lý.

Theo cô Phạm Thị Huệ, bồi dưỡng GV trong bối cảnh dịch có khó khăn nhất định. Cụ thể, gần giữa tháng 7 nhưng SGK bản cứng chưa có. GV phải lấy tài liệu trên trang điện tử để theo dõi trong quá trình tập huấn. Mặt khác, khi kết thúc tập huấn, GV phải kết hợp cả tài liệu trên mạng lẫn ghi chép cá nhân để hoàn thành bài kiểm tra.

Mặt khác, năm nay do trường được trưng tập làm khu cách ly tập trung và “nhiệm vụ” này vừa hoàn thành trường phải nhanh chóng bắt tay tu sửa cơ sở vật chất (điện nước, bàn ghế), đường truyền tốc độ cao, phun khử khuẩn, sẵn sàng trang thiết bị y tế… để việc tập huấn GV an toàn, hiệu quả. 

Tập huấn cho GV dạy lớp 2 tại điểm cầu Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình). Ảnh: NTCC
Tập huấn cho GV dạy lớp 2 tại điểm cầu Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình). Ảnh:  NTCC        

Nâng chất cho bồi dưỡng trực tuyến

Do tập huấn GV theo CT, SGK mới diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến, hiệu quả không thể đạt yêu cầu như trực tiếp nên hầu hết địa phương, nhà trường phải nỗ lực và sát sao vào khâu tổ chức, kiểm duyệt hậu bồi dưỡng.

Theo ông Hà Huy Giáp, sở yêu cầu các điểm cầu phải chuẩn bị hội trường đủ chỗ cho học viên tham gia bồi dưỡng. Máy tính được kết nối Internet (bảo đảm đường truyền và băng thông). Kết nối máy tính với máy chiếu, hệ thống âm thanh, micro để học viên tương tác trong quá trình bồi dưỡng.

Đặc biệt, trong thời gian tập huấn các điểm cầu không được tắt camera và đặt camera sao cho bao quát hết số người tham gia bồi dưỡng để phòng chức năng nắm bắt, điều chỉnh từ xa (nếu có vấn đề).

Với CBQL, GV không thể tham gia đợt này sẽ phải dự bồi dưỡng tại trường trong hội nghị tập huấn cho GV toàn trường về dạy học SGK lớp 2 do GV đã tham gia cấp tỉnh báo cáo.

Sau bồi dưỡng, mỗi CBQL, GV thực hiện 1 bài kiểm tra trên Google Drive. Trường hợp CBQL, GV có bài kiểm tra dưới 5 điểm (theo thang điểm 10) sẽ làm lại bài kiểm tra. Không đạt điểm 5 trở lên thì không bố trí dạy lớp 2 năm học 2021 - 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Lào Cai (Lào Cai), dù tỉnh có lợi thế nhất định khi bước vào bồi dưỡng trực tuyến CT, SGK lớp 2 và 6, song sở vẫn yêu cầu GV phải nghiên cứu trước CT, SGK mới trước khi thực hiện bồi dưỡng. Suốt quá trình tập huấn, GV cần chủ động nêu vấn đề còn vướng mắc để được hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời từ chuyên gia trong quá trình tập huấn…

Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng tập huấn trực tuyến, sở phân quyền cho phòng chuyên môn, thành lập các tổ cốt cán từng môn học (có CBQL và GV cốt cán) cùng giám sát các điểm cầu. Sau tập huấn, GV làm báo cáo sử dụng SGK nghiêm túc để đánh giá thực lực.

Cô Nguyễn Hoa Lê – GV lớp 2 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) cho biết: Bồi dưỡng trong bối cảnh dịch bệnh và trực tuyến đòi hỏi GV khắc phục khó khăn chung để bảo đảm yêu cầu dạy học. Tuy nhiên, việc tập huấn GV lớp 2 cũng có thuận lợi nhất định như: GV đã xác định tâm thế, nhiều GV đã bồi dưỡng CT, SGK cùng GV lớp 1 từ năm trước nên không bỡ ngỡ. GV sau bồi dưỡng vẫn được nghiên cứu lại video hướng dẫn để nâng cao chất lượng trước khi  thực dạy. 

Theo thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN): Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đến nay NXBGDVN đã hoàn thành công tác tập huấn GV sử dụng SGK mới cho 58/63 tỉnh, thành phố. Hiện, NXBGDVN triển khai hoàn thành nốt ở các địa phương còn lại trước ngày 31/7 dù Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.