Hướng tới hợp tác trường đại học bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp

GD&TĐ - Giáo viên các trường đang được tập huấn dạy tích hợp, để đáp ứng yêu cầu của chương trình sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021 – 2022.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Cùng với sách giáo khoa lớp 2, sách giáo khoa lớp 6 nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được đưa vào giảng dạy ở các nhà trường. Điều đáng nói, năm nay các đơn môn sẽ được tích hợp thành 2 tổ hợp KHTN và KHXH.

Theo thầy Đặng Bá Văn – Hiệu trưởng Trường THCS Dốc Tín (Mỹ Đức – Hà Nội), trường đã cử giáo viên tập huấn, đào tạo theo lịch của Phòng GD&ĐT. Để dạy được môn tích hợp, đòi hỏi nhà trường phải sắp xếp, xây dựng thời khóa biểu thật khoa học.

Hiện nay, đội ngũ giáo viên của nhà trường đủ đáp ứng cho việc giảng dạy chương trình lớp 6 trong năm học 2021 – 2022, bảo đảm yêu cầu chuyên môn.

Đối với việc dạy tổ hợp Khoa học Xã hội, giáo viên có thể đáp ứng được. Nhưng với tổ hợp Khoa học Tự nhiên, căn cứ vào tình thực thực tế và để nâng cao chất lượng thì một người chưa thể đảm nhận vai trò như trên. Do vậy, trường vẫn để giáo viên các chuyên môn kết hợp cùng dạy.

"Theo tôi, nếu bỏ qua yếu tố đội ngũ giáo viên, việc dạy tích hợp vẫn có lợi thế so với cách dạy truyền thống.  Bởi, trong các bài học, nhiều nội dung có sự đan xen, bổ sung kiến thức giữa các chuyên môn với nhau.

Ví dụ, cùng một nội dung, mỗi môn sẽ giải thích chuyên sâu theo chuyên môn riêng, để người học có được cách nhìn tổng quan, đa chiều”- thầy Văn nói.

Thầy Trần Quang Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Đại Áng (Thanh Trì – Hà Nội) cho biết, giáo viên nhà trường đang được tập huấn theo hình thức trực tuyến.

"Dạy tích hợp bước đầu sẽ có khó khăn nhất định, việc sắp xếp được thời khóa biểu sao cho hợp lý cũng là vấn đề đáng bàn. Nhưng phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mới có thể hoàn thiện được.

Ngày 31/8, trường sẽ họp với Phòng GD&ĐT, sau đó họp chuyên môn để đưa ra phương án cho hiệu quả trong năm học mới”- thầy Hạnh nói.

Theo ông Nguyễn Đức Lượng – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai (Hà Nội), nếu giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ mới được phân công một mình dạy kiêm cả 3 môn tích hợp.

Ở bậc THCS, nhiều giáo viên được đào tạo môn ghép. Ví dụ: Giáo viên được đào tạo các môn như: Sinh học, Hóa học, Địa lý, Kỹ thuật Nông nghiệp. Để dạy được chương trình mới ở lớp 6, giáo viên này đã đáp ứng được 2 môn là Sinh học và Hóa học. Như vậy, nhà trường sẽ chỉ cần phân thêm 1 giáo viên dạy môn Vật lý nữa.

Trường hợp, giáo viên chỉ được đào tạo 1 chuyên môn, phải phân công 3 người dạy 3 môn để bảo đảm về chất lượng.

Trường không thể phân công dạy tất cả các môn nếu giáo viên không đáp ứng được. Bắt buộc phải là giáo viên chuyên môn đứng lớp đúng theo chủ đề, kiến thức của môn nào thì giáo viên của bộ môn đó dạy.

Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn khá nghiêm trọng, năm vừa qua huyện có chỉ tiêu tuyển dụng 20 giáo viên THCS, nhưng chỉ tuyển được 5 người.

Tuy nhiên, bằng mọi cách sẽ phải ưu tiên, bảo đảm giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Quy định của giáo viên THCS là 19 tiết dạy/tuần, nhưng nếu thiếu sẽ phải tăng cường lên 24 – 25 tiết dạy/tuần.

"Ngoài ra, Phòng GD&ĐT đang có hướng hợp tác với các trường đại học, tác giả viết sách giáo khoa để bồi dưỡng cho giáo viên. Người học sẽ tham gia giảng dạy thực tế để được phân tích, đánh giá, từ đó đúc rút kinh nghiệm”- ông Lượng thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.