Chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ -Nằm trong lộ trình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục

Trên tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên. Sẵn sàng đáp ứng mục tiêu đổi mới, tăng cường năng lực dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn”.

Đổi mới phương pháp dạy học

Trên thế giới và tại Việt Nam, dạy học tích hợp đã trở thành một

trào lưu sư phạm hiện đại. Thực tế dạy, học cho thấy dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.

Tại Hội thảo Giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cho biết, chủ trương dạy tích hợp trong chương trình mới có một số điểm khác biệt so với chương trình hiện hành như tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; Yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục.

Định hướng tích hợp được thể hiện ngay trong nội bộ mỗi môn học, chẳng hạn trong chương trình môn Ngữ văn sẽ có sự tích hợp giữa các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; tích hợp giữa kiến thức văn học và kiến thức Tiếng Việt trong quá trình dạy học các kỹ năng này. Các môn học khác cũng tùy vào đặc điểm và tính chất môn học mà thực hiện yêu cầu tích hợp giữa các phân môn, các phần của mỗi môn học. Việc tích hợp các chương trình trong môn học cũng không chỉ thể hiện ở nội dung dạy học mà còn ở cả yêu cầu cần đạt (chuẩn đầu ra).

Ngoài yêu cầu tích hợp nội môn, chương trình mới còn thực hiện ở các môn học tích hợp. Trong chương trình cấp tiểu học hiện hành, các môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3; môn Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5 vốn đã tích hợp. Trong Chương trình GDPT mới, tính tích hợp trong những môn học này sẽ thể hiện đậm nét hơn thông qua các chủ đề chung giữa các phân môn.

Chương trình THCS lần này khác chương trình hiện hành có môn Lịch sử, Địa lý và môn Khoa học Tự nhiên. Việc thực hiện tích hợp được thiết kế ở mức thấp. Cụ thể các phân môn trong Khoa học Tự nhiên cũng như trong Lịch sử, Địa lý không phải là sự lắp ghép cơ học. Trong chương trình của mỗi môn, các mạch nội dung có sự kết nối ở mức có thể để tránh trùng lặp; kiến thức và kỹ năng của phân môn này giúp làm sáng tỏ hơn kiến thức và kỹ năng của các môn kia; giúp học sinh vận dụng các kiến thức và kỹ năng của từng phân môn để giải quyết các vấn đề đòi hỏi cách tiếp cận liên môn.

Việc tích hợp Chương trình GDPT mới thể hiện ở yêu cầu tất cả các môn học đều phải lồng ghép một số nội dung (chủ đề xuyên môn) giáo dục mang tính cấp thiết, có ý nghĩa dân tộc và toàn cầu như GD bình đẳng giới, GD tài chính, kinh doanh, chủ quyền biển đảo, môi trường và phát triển bền vững....

Phát triển năng lực sáng tạo của người học

Cô giáo Trần Thị Khánh Thu, Trường ĐH Khánh Hòa cho rằng, sư phạm tích hợp là phương pháp giảng dạy ưu việt, phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng được nhu cầu của người học. Để đạt được những thành tích đỉnh cao như các ngành KHTN thì ngành KHXH rất cần đổi mới chính mình từ nhận thức đến hành động.

Đặc biệt, đối với GV dạy Văn khi được (tự) trang bị kiến thức đa ngành sẽ có vốn sống, vốn hiểu biết xã hội phong phú, vững vàng để cảm thụ văn học sâu sắc. Nếu vận dụng tốt phương pháp tích hợp, người thầy sẽ dẫn dắt học trò khai thác bài giảng được sâu sắc, đa diện, đa chiều, người học được khôn lớn, trưởng thành, giàu vốn sống hơn, biết cách ứng xử tình huống tốt hơn.

Cô giáo Trần Thị Khánh Thu cũng cho rằng, dạy Văn không chỉ dạy cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, của hình tượng nhân vật có trong tác phẩm mà cần thông qua đó, giáo dục người học phát triển phẩm chất, năng lực và rèn kỹ năng sống.

Trước yêu cầu dạy tích hợp, phân hóa, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có kiến thức sâu rộng - liên môn, xuyên môn thì mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực chuyên biệt nhưng cũng đa dạng của người học.

TS Trần Thị Bích Liễu (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: “Ngoài tích hợp phát triển năng lực theo lĩnh vực môn học ở trong giờ học, cần tích hợp giờ học với các hoạt động ngoài giờ học (được gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo) thành một chuỗi xuyên suốt, thống nhất.

Ví dụ như trong môn Toán, GV hỏi học sinh những kinh nghiệm của các em về đi siêu thị, đi cửa hàng thì khi trả tiền, các em đã thực hiện như thế nào? Trong môn Giáo nghệ khai phá kinh nghiệm trồng cây, rau ở gia đình của HS và yêu cầu các em giải thích vì sao bố mẹ các em phải trồng rau trong thùng xốp, chai, lọ... GV môn Lịch sử cho học sinh liên hệ kinh nghiệm đi thăm di tích lịch sử: Những gì các em nhìn thấy khi đi thăm Hoàng thành Thăng Long?... Trong tiết Toán, HS tìm các đồ vật xung quanh lớp học, trong dụng cụ học tập của các em và trong đời sống để thấy các ứng dụng của đường thẳng vuông góc và  song song”.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hồ Chí Minh, dạy học tích hợp là dạy cho HS cách sử dụng kiến thức và kĩ năng của mình để giải quyết và ứng dụng trong những tình huống cụ thể, và với mục đích phát triển năng lực người học. Ngoài ra, dạy học tích hợp còn tạo nên mối liên hệ giữa kiến thức và kĩ năng của các chuyên ngành hoặc các môn học khác nhau để bảo đảm cho HS phát huy có hiệu quả những kiến thức và năng lực của mình trong việc giải quyết các tình huống tích hợp cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.