Giáo viên kỳ vọng hưởng phụ cấp nghề

GD&TĐ - Khi không còn phụ cấp thâm niên, giáo viên mong muốn được hưởng phụ cấp theo nghề mới tương xứng tính chất, đặc thù từng cấp học.

Giáo viên Hà Nội tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: ITN
Giáo viên Hà Nội tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: ITN

Tín hiệu vui

Từ ngày 1/7, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách tiền lương và áp dụng chính sách tiền lương mới. Cơ cấu tiền lương mới của giáo viên gồm: Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp – tương đương 30% tổng quỹ lương và tiền thưởng (nếu có). Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên.

Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, sau khi biết thông tin về chuẩn bị áp dụng chính sách tiền lương mới, nhiều giáo viên bày tỏ niềm vui vì sắp tới thu nhập được cải thiện. Trong đó, giáo viên có khoản phụ cấp đặc thù nghề nghiệp. Điều này góp phần giúp giáo viên trẻ có thêm động lực vượt khó để gắn bó với nghề.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có nhiều điểm mới tích cực. Theo đó, giáo viên có khoản phụ cấp mới theo nghề được hình thành từ việc gộp ba khoản phụ cấp: Ưu đãi theo nghề; trách nhiệm theo nghề; độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề giáo.

Nằm ở vùng đặc biệt khó khăn huyện Yên Châu (Sơn La), cô Lê Thị Toan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai cho hay, tháng 7/2023, lương cơ bản của cán bộ công chức, viên chức, người lao động tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng đã đem lại niềm vui, phấn khởi không nhỏ với giáo viên. Từ 1/7 tới khi thực hiện chính sách tiền lương mới là điều thầy cô chờ mong, nhất là giáo viên mầm non.

“Ở miền xuôi hay ngược, công việc giáo viên mầm non vô cùng vất vả. Các cô phải lên lớp từ 6 giờ 30 phút sáng đến 17 giờ 30 phút chiều hoặc lúc nào hết việc mới về. Lứa tuổi này, trẻ nhỏ chưa thể tự phục vụ bản thân nên các cô phải dạy dỗ, lẫn chăm sóc với tấm lòng yêu thương, tận tụy và tâm huyết. Nếu được Chính phủ quan tâm và có chế độ tiền lương mới tương xứng với đặc thù của mầm non sẽ giúp các cô yên tâm công tác”, cô Lê Thị Toan nhấn mạnh.

Cô Toan cũng cho rằng, Nhà nước nên quan tâm, xem xét đến việc trả lương theo vị trí việc làm vì đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, dự kiến cải cách tiền lương vẫn có phụ cấp đặc biệt đối với giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn là phù hợp để tiếp tục thu hút thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, xa.

Công việc của giáo viên mầm non vất vả hơn các cấp học khác. Ảnh minh họa: TG

Công việc của giáo viên mầm non vất vả hơn các cấp học khác. Ảnh minh họa: TG

Còn những tâm tư

Cô Nguyễn Thị Hải Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, các thầy cô mong muốn khi áp dụng chính sách tiền lương mới sẽ theo vị trí việc làm. Nhà nước cần tính toán làm sao để lương mới của giáo viên ít nhất tương đương tổng thu nhập hiện hưởng chứ không bị giảm. Đặc biệt, giáo viên kiêm nhiệm, đảm nhận công việc khó được trả lương thỏa đáng.

Gắn bó với nghề hơn 20 năm, cô Trần Tuyết Nhung - Trường Mầm non Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) hiểu hơn ai hết những vất vả của cô giáo mầm non. Không chỉ chăm sóc, giáo dục trẻ, các cô phải làm nhiều việc “không tên”. Do chưa áp dụng chính sách thu tiền trả muộn của phụ huynh nên nhiều hôm, cô phải ở lại lớp tới 19 giờ để chờ phụ huynh đón trẻ. Vì thế, cô Nhung cho rằng, giáo viên mầm non cần được đưa vào ngành nghề nặng nhọc và có mức ưu đãi cao hơn các cấp học khác.

Bên cạnh ý kiến đồng tình, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề giáo theo chính sách tiền lương mới cũng là điều khiến một số giáo viên tâm tư. Theo cô Nguyễn Thị Đào – giáo viên tiểu học tại Hà Nội, với giáo viên có thời gian đứng lớp từ 5 năm trở lên thì khoản phụ cấp thâm niên là sự động viên, khích lệ và ghi nhận về thời gian cống hiến cho ngành Giáo dục. Nếu bãi bỏ khoản này sẽ khiến nhiều thầy cô không khỏi tiếc nuối, tâm tư. Cô Đào mong chính sách tiền lương mới theo hướng tăng lên cho giáo viên.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp cho rằng, chính sách tiền lương mới áp dụng từ tháng 7/2024 có nhiều điểm mới và tạo thuận lợi cho giáo viên mới vào nghề. Thực tế cho thấy, không ít thầy cô có thời gian giảng dạy lâu năm bày tỏ tâm tư khi phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ. Các thầy cô mong muốn giữ nguyên phụ cấp thâm niên để khẳng định sự cống hiến với nghề.

Nữ chuyên gia khẳng định, dù nhiều tuổi nhưng có không ít thầy cô tâm huyết và bắt kịp với thời đại công nghệ số để nâng cao chuyên môn. Do đó, việc giữ nguyên phụ cấp thâm niên nghề giáo sẽ giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, để tránh tư tưởng “sống lâu lên lão làng” mà không đổi mới, cần có thêm điều kiện đi kèm tương xứng cống hiến của nhà giáo thì mới nhận được phụ cấp thâm niên.

Cô Vương Mỹ Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) hy vọng, chính sách tiền lương mới giúp giáo viên sống được bằng lương, không phải quá lo toan cơm áo, gạo tiền để tập trung thời gian, tâm trí với nghề.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Trung ương, từ 1/7/2024 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên và phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, dù bỏ những khoản phụ cấp này vẫn phải đảm bảo quỹ phụ cấp chiếm 30% so với tổng quỹ lương của công chức nên lương sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phương pháp chạy deadline hiệu quảTìm hiểu exp là gì