Tăng phụ cấp ưu đãi giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề

GD&TĐ - Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên là mong mỏi của các nhà giáo.

Cô trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: NTCC
Cô trò Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, trước mắt cần tăng phụ cấp đối với giáo viên tiểu học và mầm non.

Mong sớm thành hiện thực

Mới đây, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ. Trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Phương án trên đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến. “Mong rằng các đại biểu sẽ ủng hộ việc tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, để đảm bảo số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.

Trước thông tin này, cô Lê Thị Thu Hằng, Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bày tỏ vui mừng, bởi nếu tăng phụ cấp nghĩa là thu nhập của giáo viên mầm non sẽ cao hơn và đời sống theo đó được cải thiện. “Quan trọng hơn, chúng tôi thấy được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành. Đó là niềm động viên để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề”, cô Hằng bộc bạch.

“Nếu không có hậu phương vững chắc, nếu không yêu nghề, mến trẻ chắc nhiều giáo viên đã tìm công việc khác”, cô Hằng trần tình và mong muốn đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non sớm thành hiện thực.

Hơn 20 năm trong nghề, hiện tổng thu nhập của cô Hằng được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Với giáo viên trẻ, mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đây là lý do vì sao nhiều giáo viên mầm non phải xoay xở bán hàng online hoặc làm thêm công việc khác để trang trải cuộc sống.

Thông tin về đề xuất tăng thêm 5% phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên tiểu học khiến cô Châu Thanh Tuyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, Trường Tiểu học A An Phú (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) khấp khởi niềm vui và thêm trân quý nghề dạy học. Cô Tuyền cho biết, so với nhiều ngành nghề khác, thu nhập của giáo viên còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

“Tôi mong đề xuất trên không chỉ dành riêng cho giáo viên mầm non, tiểu học mà áp dụng chung cho tất cả giáo viên các cấp học. Bởi, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì số lượng giáo viên bỏ việc những năm tới có thể còn gia tăng”, cô Tuyền trăn trở và tin tưởng, thông tin trên sẽ trở thành hiện thực. Qua đó, phần nào giảm bớt khó khăn; tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo.

Cô Châu Thanh Tuyền trong một giờ lên lớp. Ảnh: NTCC

Cô Châu Thanh Tuyền trong một giờ lên lớp. Ảnh: NTCC

Thu hút và “giữ chân” giáo viên

Từng đứng trên bục giảng nên bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV thấu cảm nỗi vất vả của giáo viên. Với giáo viên mầm non, thời gian làm việc không chỉ là 8 tiếng mà là 12 tiếng/ngày; thậm chí còn hơn thế. Có những giáo viên hơn 15 năm công tác mà lương mới được trên 6 triệu/tháng.

“Thực tế, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo ở bậc học này”, bà Mai trao đổi.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, hiện giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này thực thi hơn 17 năm nay nên ít nhiều “lạc hậu” và gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn như, việc xác định các trường hợp nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, văn bản về danh sách các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao đã không còn hiệu lực. Đó là chưa kể, nhiều đơn vị hành chính đã thay đổi do việc chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập mới. Từ những phân tích trên, bà Mai quả quyết, việc nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học là hợp tình, hợp lý.

Đồng tình với đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học, đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) mong điều này sớm thành hiện thực. Ngoài ra, cần cải thiện chính sách thu hút, ưu đãi đối với giáo viên công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng phụ cấp không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo với đội ngũ nhà giáo, mà còn là giải pháp hữu hiệu để thu hút và “giữ chân” giáo viên, giúp họ yên tâm bám trường, bám lớp, tận tâm, tận hiến với nghề.

Cho rằng, mức lương hiện tại của nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng chưa đảm bảo cho mức sống tối thiểu, đặc biệt là người mới vào nghề, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho hay, thu nhập có tác động trực tiếp đến sự gắn bó với nghề của giáo viên.

Để “giữ chân” đội ngũ, cần có giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Gốc rễ là phải giải quyết vấn đề thu nhập. Họ phải đảm bảo được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Ngoài ra, cần ghi nhận, dành cho giáo viên sự trân quý. Đó cũng là cách để họ có thêm động lực cống hiến.

Từ 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, lương giáo viên mầm non, tiểu học dao động từ 3,8 - 12,2 triệu. Ngoài tiền lương, giáo viên hưởng thêm phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), phụ cấp ưu đãi nghề như đề cập ở trên. Nếu mức tăng phụ cấp ưu đãi được thông qua, lương giáo viên mầm non, tiểu học tăng thêm 360.000 - 440.000 đồng/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.