Dạy nghề nặng nhọc và độc hại được hưởng phụ cấp

Dạy nghề nặng nhọc và độc hại được hưởng phụ cấp

(GD&TĐ) - Hỏi: Chúng tôi là giáo viên dạy nghề ngành công nghệ ô tô của một cơ sở dạy nghề ở tỉnh Bình Dương. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa được hưởng những chính sách đối với giáo viên dạy nghề mà được Ban giám đốc áp dụng triệt để mà động viên bằng cách: Mỗi tháng trả thêm cho chúng tôi 250.000đ. Chúng tôi thắc mắc thì được trả lời là: chưa có văn bản chính sách hướng dẫn cụ thể. Xin được hỏi quý báo: Đã có văn bản chính sách nào hướng dẫn việc chi trả phụ cấp cho những giáo viên dạy nghề như chúng tôi chưa? Nếu có thì chúng tôi có được hưởng phụ cấp hay không? – Nguyễn Văn Hùng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời:

Ngày 08 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị Định số 43/200/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều 32 và điều 72 của Luật dạy nghề. Theo đó một trong những đối tượng được áp dụng là: Giáo viên giảng dạy trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục khác có đăng ký hoạt động dạy nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề) công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại điều 5 Nghị định này có quy định chi tiết điều kiện được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cụ thể:

Giáo viên dạy nghề (kể cả giáo viên tập sự, thử việc) được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong các trường hợp sau đây:

1. Dạy thực hành tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở dạy nghề với những nghề có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:

a) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;

b) Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

c) Dạy thực hành những nghề phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;

d) Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

2. Dạy thực hành tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các nghề được quy định tại Danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Theo hướng dẫn của Nghị định này thì trường hợp của anh Hùng và đồng nghiệp của anh sẽ được hưởng phụ cấp nặng nhọc và độc hại./.

Báo GD&TĐ

Tin tiêu điểm

Giằng xé giữa Kharkov và Donetsk

Giằng xé giữa Kharkov và Donetsk

Thế giới
GD&TĐ - Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ có thể lựa chọn tăng cường binh lực để phòng thủ 1 trong 2 mặt trận là Donetsk và Kharkov, chứ không thể giữ được cả 2.

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ thường băn khoăn không biết nên làm gì khi con không có động lực học tập. (Ảnh: ITN)

Làm gì giúp con bớt sợ... học?

GD&TĐ - Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết việc bắt con cái làm bài tập về nhà hoặc ôn bài để kiểm tra là khó khăn như thế nào.