Đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên
Trường THPT Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) trong những năm gần đây đã có nhiều hoạt động tập trung cho yêu cầu đổi mới PPDH, một trong số đó phải kể đến là tổ chức các tiết dạy thể nghiệm.
Để triển khai các tiết dạy thể nghiệm, trường đã tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi về đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên. Theo đó, báo cáo viên là các giáo viên đã được tham gia và được cấp chứng chỉ đã hoàn thành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên phổ thông cốt cán trong khuôn khổ Chương trình ETEP năm 2020.
Hoạt động tổ chức dạy học của giáo viên cần phải đảm bảo hình thành và phát triển các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực cốt lõi: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo và các năng lực chuyên môn như năng lực Ngôn ngữ, Tính toán, Tin học, Thể chất, Thẩm mĩ, Công nghệ…
Cùng với đó, giáo viên phải nắm vững các yêu cầu, biết và sử dụng thành thạo các PPDH; biết kết hợp các PPDH truyền thồng và các kĩ thuật dạy học hiện đại; Kết hợp đa dạng các hình thức dạy học (dạy học cá nhân, cặp đôi, nhóm, toàn lớp) phù hợp với đặc thù bộ môn, phù hợp với mục tiêu, nội dung, đối tượng, điều kiện dạy học.
Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm dạy học hỗ trợ nhằm tăng tính trực quan của thí nghiệm, thực hành, tăng khả năng chủ động tương tác của học sinh.
Sau khi được trang bị những hiểu biết cốt yếu về đổi mới PPDH, các tổ, nhóm chuyên môn là giáo viên trong trường phải tiến hành lựa chọn chủ đề, bài học, xây dựng kế hoạch bài học, cắt cử giáo viên dạy thử nghiệm.
Giáo viên phải luôn sáng tạo
Ở môn Vật lí, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Trường THPT Nghèn đã thể nghiệm dạy học STEM: Thiết kế đèn ngủ từ rau, củ, quả, thuộc chủ đề “Dòng điện không đổi; Nguồn điện”. Ở bài học này, giáo viên đặt ra tình huống “Giả sử, nhà mất điện, chúng ta có thể tạo ta nguồn điện từ rau, củ, quả, để thắp sáng như các nguồn điện một chiều của pin, ắc quy?”.
Vận dụng kiến thức đã học về nguồn điện, giáo viên hướng dẫn học sinh dùng điện kế đo hiệu điện thế giữa hai cực bằng kim loại khi cắm vào các loại rau, củ, quả, kiểm tra nguồn điện. Sau đó học sinh tự thiết kế mạch, gồm nguồn điện là rau, củ, quả; dây dẫn; các tấm kim loại; bóng đèn led… để thiết kế mạch điện. Sản phẩm sau khi hoàn thành, bóng đèn led sáng.
Ở môn Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, trong bài dạy về chủ đề: Ca dao, ngoài việc sử dụng phương pháp nêu vấn đề và kĩ thuật khăn trải bàn để tổ chức chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh, trong phần vận dụng, giáo viên đã cho học sinh chuyển thể bài ca dao hài hước về lễ dẫn cưới và thách cưới của chàng trai - cô gái thành một kịch bản sân khấu, học sinh trải nghiệm vào vai.
Trên cơ sở quá trình tiếp cận, triển khai và rút kinh nghiệm của các tiết dạy thể nghiệm đổi mới PPDH, mỗi giáo viên của Trường THPT Nghèn đều nhận thức rõ yêu cần cần thiết của đổi mới phương pháp trong dạy học hiện nay, từ đó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để sử dụng hiệu quả các PPDH hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Dạy học cũng là một quá trình sáng tạo. Giáo viên trong mỗi giờ dạy ngoài việc phải tuân thủ những yêu cầu về mục tiêu, nội dung dạy học cần phải luôn có ý thức đổi mới cách thức tổ chức dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, tạo được hứng thú cho các em trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Trăn trở với nghề, mỗi giáo viên sẽ luôn tìm cho mình những lối đi sáng tạo để nâng cao hiệu quả dạy học.