Tác hại của việc hút thuốc lá
Mặc dù ai cũng nhận thức được việc hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của những người xung quanh, nhưng thực tế, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng, nhất là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, trong đó quy định nghiêm cấm việc sử dụng thuốc lá tại các cơ sở giáo dục, không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, và trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT…
Tuy nhiên, nhiều quán nước, cửa hàng ăn vặt ở khu vực cổng trường vẫn cố tình bán thuốc lá cho học sinh. Là người bán nước gần 10 năm ở cổng trường học, bà P.T.P thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “5 năm trở lại đây, số học sinh THCS vào quán uống nước và sử dụng thuốc lá khá nhiều. Theo bà, nhiều em học sinh nam mới chỉ học lớp 7 nhưng cũng đã hút thuốc lá khá thành thạo, có những em ngày nào cũng 2-3 lần vào hỏi mua thuốc lá…”.
Từ những thói quen và suy nghĩ hút thuốc lá tưởng chừng vô hại, song lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật, nhất là khi các em đang ở tuổi vị thành niên. Việc hút thuốc đã được nhiều bác sĩ chuyên ngành về sức khỏe khuyến cáo, nhất là ở lứa tuổi học sinh, càng hút sớm, các loại bệnh xuất hiện sớm hơn và hậu quả cũng nặng nề hơn.
Khi người trẻ hút thuốc, nhẹ thì ảnh hưởng trực tiếp đến học tập và dễ gặp một số bệnh như hô hấp mãn tính, viêm tai giữa và phải cắt amidan do viêm, hen, ảnh hưởng đến phổi. Người hút thuốc lá với thời gian lâu, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính, phình động mạch chủ, ung thư phổi, ung thư thực quản, thanh quản...
Học sinh nói không với thuốc lá
Thấy được tác hại nguy hiểm của thuốc lá đến sức khỏe, thời gian qua tại các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tuyên tuyền “Nói không với thuốc lá” đến học sinh. Trường học triển khai nhiều chương trình lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá.
Thầy Nguyễn Kỳ Quyết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: Nhà trường đã xây dựng nội quy không sử dụng thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền tác hại thuốc lá vào các buổi sinh hoạt chào cờ ngày thứ 2 đầu tuần. Đồng thời đặt các biển cấm hút thuốc tại nhiều địa điểm trong sân trường. Đoàn trường duy trì các đội sao đỏ đi kiểm tra tại các lớp, khi phát hiện học sinh hút thuốc sẽ kịp thời nhắc nhở, báo cáo với nhà trường để có phương án xử lý kỷ luật.
Trường THPT Nghi Xuân, THPT Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân) cũng có nhiều chương trình thiết thực trong việc phòng, chống thuốc lá nơi học đường. Thầy Nguyễn Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nghi Xuân cho biết: Nhằm xây dựng, duy trì nhà trường không khói thuốc, Đoàn Thanh niên chủ động phối hợp với nhà trường, cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các buổi sinh hoạt lớp; lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các chương trình mà đoàn trường tổ chức; từ đó nâng cao ý thức đối với học sinh trong việc nói không với thuốc lá.
“Qua công tác tuyên truyền, phần lớn học sinh đã chuyển biến tích cực về ý thức, đa số các bạn trong trường đều nói không với thuốc lá. Từ năm 2017 đến nay, qua các buổi kiểm tra đột xuất của Đoàn trường tại các lớp học cho thấy, tỷ lệ nam sinh hút thuốc lá rất ít và đặc biệt cam kết 100% các nam học sinh ở các lớp không hút thuốc lá” – thấy Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh. Từ việc triển khai trong các chương trình học chính khóa đến các hoạt động ngoại khóa cho học sinh các cấp đều nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các em học sinh và thầy cô giáo.
Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đại diện lãnh đạo các trường học trên địa bàn, phát động cuộc thi “Tìm hiểu tác hại thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trong học sinh THPT” trong toàn tỉnh. Mặc dù cuộc thi diễn ra trong thời gian ngắn, đối tượng dự thi là học sinh THPT nhưng thu hút số lượng lớn học sinh tham gia. Có nhiều bài viết về sự trải nghiệm của bản thân các em đã từng hút thuốc lá, nhận ra sai lầm và ý chí, nghị lực để cai thuốc lá và chia sẻ kinh nghiệm trong cai thuốc lá.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Ngọc, để khắc phục tình trạng hút thuốc lá trong học đường và nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin truyền thông, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của nhà trường và sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con em mình.
Tuy nhiên để công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học đạt kết quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngành Y tế, ngành Giáo dục, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình học sinh. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống tác hại thuốc lá cho mỗi học sinh, để bản thân các em tránh xa khói thuốc, đồng thời cũng là những tuyên truyền viên phòng chống tác hại thuốc lá tại chính gia đình, người thân của mình.