Giáo viên biệt phái như 'sứ giả' lan tỏa bài học hay

GD&TĐ - Giáo viên biệt phái được coi như “sứ giả” lan tỏa những kinh nghiệm hay, bài học quý cho ngôi trường mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô và trò Trường Mầm non Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường Mầm non Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, làm thế nào để giáo viên đón nhận quyết định trong tâm thế được làm “sứ giả”, chứ không phải bị đi biệt phái.

Đúng, đủ chế độ chính sách

Năm học vừa qua, 19 giáo viên tiểu học của quận Tây Hồ (Hà Nội) được biệt phái đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, 100% số lớp giáo viên biệt phái được giao chủ nhiệm có tỉ lệ học sinh xuất sắc trên 30%.

Các lớp do giáo viên biệt phái chủ nhiệm đều có học sinh đoạt giải cấp quận, thành phố, quốc gia. Trong đó, có 39 giải cấp quận ở Cuộc thi Đấu trường Toán học; 31 huy chương cấp quốc gia, 3 huy chương cấp quốc tế ở Cuộc thi ViOlympic Toán TiMo; 10 giải cấp thành phố Cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt và 5 giải về thể dục thể thao, nghệ thuật cấp thành phố.

Cũng theo bà Lan Phương, 17/17 giáo viên biệt phái được đánh giá xếp loại tốt theo Chuẩn nghề nghiệp; 14/17 giáo viên có kết quả xếp loại giảng dạy tốt và 7 giáo viên tiêu biểu, có nhiều cố gắng trong thời gian biệt phái được khen thưởng. Từ thành công của công tác biệt phái giáo viên năm học vừa qua, năm học 2023 - 2024, UBND quận Tây Hồ tiếp tục biệt phái 27 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Thời gian biệt phái là 2 năm (đủ 24 tháng).

Nhấn mạnh, giáo viên biệt phái được ví như những “sứ giả”, bà Lan Phương cho biết, chủ trương của quận là chọn các giáo viên trẻ, có năng lực chuyên môn tốt để cử biệt phái. Trong đó, đa số giáo viên biệt phái là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, thuộc diện quy hoạch lãnh đạo, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc; từ đó phát huy tốt năng lực chuyên môn nghiệp vụ, lan toả nhiệt huyết, đổi mới, sáng tạo, tình yêu nghề… tới đồng nghiệp ở trường tiếp nhận.

UBND quận giao cho Phòng Nội vụ thường xuyên phối hợp để kiểm tra nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ban giám hiệu các nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên tham gia biệt phái. Kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo việc thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên trong thời gian được cử đi biệt phái như: Lương, phụ cấp, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật…

“Sau thời gian biệt phái, Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT có trách nhiệm làm việc trực tiếp với ban giám hiệu cũng như từng giáo viên để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

Song để giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong tâm thế chủ động, tự tin; UBND quận Tây Hồ thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách và quyền lợi cho các thầy, cô giáo biệt phái. Bà Lê Thị Thu Hằng – Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ cho biết, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách; quận cũng có chủ trương bồi dưỡng các giáo viên sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ biệt phái.

Theo đó, quận sẽ xem xét, quy hoạch những giáo viên này vào các vị trí lãnh đạo. Với giáo viên đảm bảo các điều kiện cần và đủ, có thể tiến hành quy trình các bước theo quy định để xem xét bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Bà Hằng nhấn mạnh, đây là giải pháp nhằm động viên, khích lệ giáo viên đi biệt phái, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ “sứ giả” thân thiện để lan tỏa những kinh nghiệm hay, bài học quý trong môi trường mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô - trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG

Cô - trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG

Ưu tiên xem xét vào diện quy hoạch

Giải pháp trên cũng nằm trong tính toán của Sở GD&ĐT Cao Bằng. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo tỉnh về việc ưu tiên xem xét những giáo viên hoàn thành nhiệm vụ biệt phái được bổ sung vào quy hoạch ở vị trí quản lý nếu đủ điều kiện. Đây sẽ là một trong những tiêu chí nhằm động viên, khích lệ giáo viên biệt phái, để họ nhận thức được vai trò, nhiệm vụ “sứ giả” của mình”, ông Vũ Văn Dương – Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng chia sẻ.

Sở cũng đề nghị với các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng, đủ kịp thời các chế độ, chính sách với giáo viên biệt phái như: Phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu… với những giáo viên được biệt phái về vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. “Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện chi trả tiền thừa giờ với những giáo viên biệt phái. Đây cũng là giải pháp nhằm động viên, khích lệ thầy, cô nhận nhiệm vụ biệt phái, để họ không cảm thấy bị đi biệt phái”, ông Dương nhấn mạnh.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Cao Bằng biệt phái hơn 20 giáo viên đến một số vùng đặc biệt khó khăn để dạy học. Từ kinh nghiệm năm học trước, ông Dương cho hay, năm học này, Sở tiếp tục có chủ trương tổ chức biệt phái giáo viên, nhằm giải quyết tình thế thiếu giáo viên ở một số cơ sở giáo dục, nhất là với những vùng đặc biệt khó khăn. “Trên cơ sở báo cáo thực trạng của các địa phương, chúng tôi mới quyết định về số lượng. Dự kiến đầu năm học, hoặc muộn nhất hết kỳ I, chủ trương biệt phái giáo viên sẽ được triển khai”, ông Dương thông tin.

Từ năm 2020 - 2022, tỉnh Thanh Hóa thực hiện biệt phái 187 giáo viên. Dự kiến, năm học này Sở GD&ĐT tiếp tục biệt phái 60 giáo viên. Thời gian biệt phái được thống nhất trong toàn tỉnh ở tất cả các cấp học. Cụ thể, biệt phái trong huyện là 3 năm, biệt phái ra ngoài huyện là 2 năm. Theo ông Nguyễn Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT (đại biểu Quốc hội), biệt phái giáo viên góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong điều kiện biên chế còn thiếu so với định mức.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, ông Thức cho rằng, biệt phái giáo viên là giải pháp tình thế nhưng cần đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho các thầy, cô. Các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên hết chỉ tiêu biên chế được giao để bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu. Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND, HĐND tỉnh quyết định số lượng chỉ tiêu hợp đồng lao động để các địa phương chủ động trong việc hợp đồng lao động làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục.

“Trong thời gian tới, cần bổ sung thêm biên chế giáo viên cho tỉnh để phân bổ về các địa phương, giúp các địa phương có điều kiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tỉnh”, ông Thức đề xuất.

Cần ưu tiên, cân nhắc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo với những giáo viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái. Ảnh: Đại Dương

Cần ưu tiên, cân nhắc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo với những giáo viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái. Ảnh: Đại Dương

Cần chính sách riêng cho giáo viên biệt phái

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Tiền Giang không thực hiện biệt phái giáo viên nhưng đây cũng là phương án được Sở GD&ĐT nhắc đến trong kịch bản ứng phó tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở địa phương.

Theo ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT, ngoài giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Sở muốn hướng đến nâng cao chất lượng nhân lực. Theo đó, nếu có chủ trương thì sẽ lựa chọn những giáo viên có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt để biệt phái đến các cơ sở giáo dục khác để lan tỏa phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho rằng, để thực hiện biệt phái giáo viên, cần có chế độ, chính sách ưu đãi dành riêng cho đội ngũ này. Đó không chỉ là vấn đề đãi ngộ về lương bổng mà còn là cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp, thăng tiến trong công việc và quan trọng nhất là môi trường làm việc thuận lợi để giáo viên được cống hiến.

Cho rằng, biệt phái là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, bà Hồ Thị Minh (Đại biểu Quốc hội) cho hay, những năm qua tỉnh Quảng Trị vẫn thực hiện công tác biệt phái giáo viên. Tuy nhiên, việc này còn gặp nhiều khó khăn; nhất là biệt phái giáo viên ở đồng bằng lên miền núi.

Từ thực tế trên, bà Minh nhấn mạnh, cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên biệt phái. Theo đó, phải điều chỉnh chính sách đối với giáo viên biệt phái; trên hết là tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, tạo được động lực để giáo viên xung phong, tình nguyện tham gia biệt phái. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái, trở về cơ sở giáo dục (nơi trước khi đi biệt phái), cũng cần có quy định ưu tiên, có thể được cân nhắc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Qua đó, tạo cơ chế thu hút, khuyến khích giáo viên thực hiện nhiệm vụ biệt phái.

Hiện nay, có thực trạng là giáo viên không “mặn mà” khi được biệt phái về phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Nguyên nhân chính là thu nhập giảm trong khi công việc lại nhiều. “Chúng ta cần “bắt mạch” nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn. Làm sao để khi biệt phái, giáo viên vẫn được hưởng các khoản phụ cấp đứng lớp, thâm niên nhà giáo…”, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...