Giáo viên biệt phái thậm chí phải sống xa gia đình nếu đơn vị công tác mới nằm ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vượt qua nhiều thách thức, rào cản, các thầy cô dần hòa đồng và trở thành những “mảnh ghép” quan trọng trong ngôi trường mới.
Gác lo toan sau cửa lớp
Bắt đầu tuần dạy học mới, bất luận thời tiết thế nào, thầy giáo Võ Văn Tuấn đều ra khỏi nhà từ 4 giờ 30 phút sáng. Thầy di chuyển bằng xe gắn máy từ huyện Triệu Phong lên đến xã A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) với quãng đường hơn 100km. Nếu đi xe ô tô khách, thầy Tuấn phải trả thêm 200 nghìn đồng tiền xe ôm cho khoảng 22km từ đường tỉnh lộ vào đến Trường THPT A Túc.
Năm học 2023 – 2024, thầy Võ Văn Tuấn dạy học theo diện biệt phái tại Trường THPT A Túc. Trước đó, thầy có một năm biệt phái từ Trường THPT Vĩnh Định lên làm giáo viên dạy Vật lý tại trường này. Kết thúc năm học đầu tiên, thầy Tuấn làm đơn tình nguyện tiếp tục biệt phái tại Trường THPT A Túc khi biết thông tin trường vẫn thiếu giáo viên môn Vật lý.
“Nếu mình không tiếp tục tình nguyện biệt phái thêm năm nữa, quay trở về trường cũ thì sẽ đến lượt các thầy cô khác. Mình đã dạy học ở vùng khó khăn nên hiểu được đồng nghiệp nữ luân chuyển sẽ rất vất vả nên cố gắng ở lại. Vả lại, dù tiếp tục dạy học theo diện biệt phái thì cũng chỉ một vài năm, trong khi các thầy, cô giáo sở tại mới thực sự là những tấm gương vượt khó neo lại với nghề. So với họ, những khó khăn của giáo viên biệt phái chỉ là rất nhỏ”, thầy Tuấn chia sẻ.
“Chỉ cần thủng săm xe một lần là phải thay luôn chứ không dám vá vì phải di chuyển quãng đường xa, nhà dân thưa thớt. Từ đường lộ vào đến Trường THPT A Túc đầy đá dăm, nên xe càng hay thủng lốp” – thầy Tuấn kể.
Vào mùa khô, những thầy cô ở nhà công vụ đều phải mua nước sạch để nấu nướng. Không chỉ khan hiếm mà nước sinh hoạt ở vùng A Túc còn bị nhiễm kim loại nặng nên không thể dùng để uống. Không chỉ vượt qua khó khăn về điều kiện sống, thầy Tuấn cũng không nhớ hết chi phí thay săm, lốp, dầu nhớt cho chiếc xe máy trong năm học qua.
Từ Trường THPT Vĩnh Định, thầy giáo Đỗ Văn Kiệm, giáo viên môn Toán được biệt phái lên dạy học ở Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) từ năm học 2022 – 2023. Năm học này, thầy Kiệm được phân công đứng lớp 12.
“Năm học trước, thầy Kiệm dạy môn Toán khối 11 nên khi thầy có đơn xin tình nguyện tiếp tục ở lại biệt phái năm nữa, trên cơ sở tham khảo nguyện vọng của thầy, nhà trường phân công thầy dạy ở khối 12 để có sự nối tiếp. Đây cũng là điều thuận lợi để nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp cho khóa cuối cùng của chương trình cũ bởi thầy Kiệm đã nắm được mức độ tiếp thu kiến thức của từng học sinh để có phương pháp dạy học phù hợp” – thầy Nguyễn Hữu Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Không ở lại nhà công vụ, thầy giáo Lê Văn Tuấn mỗi ngày vượt quãng đường gần 50km từ huyện Cam Lộ lên dạy học ở Trường THPT Đăkrông (Hướng Hóa, Quảng Trị). Thầy Tuấn là giáo viên môn Toán, được biệt phái từ Trường THPT Lê Thế Hiếu.
“Mưa gió gì mình cũng phải chủ động di chuyển sớm để kịp giờ vào lớp. Giày, giáo án thì đựng vào túi nilon rồi cho vào cốp xe máy. Hôm nào trời mưa to mà đem theo máy tính thì xác định áo quần sẽ ướt và có đồ dự phòng để thay thế, còn áo mưa sẽ để dành bảo quản cho máy tính”, thầy Tuấn kể.
Thầy giáo Võ Văn Tuấn kết nối quà tặng hỗ trợ cho học sinh Trường THPT A Túc máy tính cầm tay. |
Gỡ áp lực tâm lý
Những giáo viên biệt phái như thầy Võ Văn Tuấn, Đỗ Văn Kiệm đều ở nhà công vụ, cũng “cơm niêu, nước lọ”, đến cuối tuần mới đoàn tụ gia đình. Thầy Tuấn chia sẻ, mọi chi phí sinh hoạt gần như gấp đôi vì nồi cơm xẻ làm hai nửa, vợ ở nhà có con nhỏ mà không giúp gì được.
Thế nên, thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho biết, trong phân công công tác, ban giám hiệu thường linh động bố trí thời khóa biểu để giáo viên được nghỉ vào sát ngày cuối tuần. Như thầy Lê Văn Tuấn, mỗi tuần chỉ đến trường 4 ngày chứ không phải ngày nào cũng có tiết.
Thầy Nguyễn Tửu - Hiệu trưởng Trường THPT A Túc - cho biết: “Với những giáo viên diện biệt phái, đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường, công đoàn đều gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng.
Những đặc thù riêng của học sinh, nhà trường cũng được chia sẻ giúp thầy cô nhanh chóng nắm bắt để điều chỉnh phương pháp dạy – học phù hợp”. Với những trường vùng khó như THPT A Túc, Hướng Phùng… do đầu vào thấp, thầy cô diện biệt phái cũng được động viên tham gia dạy phụ đạo để củng cố kiến thức cho học sinh.
Thầy Lê Văn Tuấn kể, mất khoảng 2 tuần đầu mới nắm bắt được mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh để điều chỉnh phương pháp dạy. “Học sinh đa số là người dân tộc nên khi giảng, giáo viên phải điều chỉnh tốc độ, không nói quá nhanh; mặt khác cũng không nên quá ôm đồm kiến thức, chỉ tập trung vào chuẩn kiến thức – kỹ năng cần đạt để các em không bị “ngợp”” – thầy Tuấn chia sẻ. Dạy học Chương trình GDPT 2018, gần như các hoạt động khởi động nhiều nhưng theo kinh nghiệm của thầy Tuấn vẫn cần tổ chức những khởi động cơ bản để tập trung vào nội dung kiến thức mới.
Trước ngày khai giảng, thầy Võ Văn Tuấn đã tập hợp danh sách học sinh chưa có sách giáo khoa môn Vật lý để photo rồi mang lên Trường THPT A Túc. Dù có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn còn thiếu thốn, mặt khác thư viện nhà trường chưa trang bị đủ sách giáo khoa chương trình mới cho học sinh mượn. Năm học vừa qua, thầy Tuấn đã kết nối thành công để trao tặng 75 máy tính cầm tay, sách giáo khoa và vở… để hỗ trợ học sinh.
Năm đầu tiên dạy học Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10, lại ở trường mới, thầy Lê Văn Tuấn chia sẻ rằng, mình học được nhiều điều ở giáo viên trẻ Trường THPT Đăkrông.
“Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, thầy cô trao đổi nhiều về phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với chương trình mới như STEM, mô hình mô phỏng, phương pháp khăn trải bàn… Những tình huống dạy học thực tế cũng được đưa ra phân tích, rút kinh nghiệm. Đây là những điều bổ ích để tôi khi quay trở lại trường cũ sẽ sớm hòa nhịp nhanh với dạy học chương trình mới” - thầy Tuấn cho biết.