Giáo sư trẻ nhất khối ngành sức khỏe: Nuôi giấc mơ chống bệnh ung thư

GD&TĐ - GS Thái Khắc Minh, giảng viên Trường ĐH Y Dược TPHCM là người đầu tiên xây dựng thành công nhóm nghiên cứu về Thiết kế thuốc và ứng dụng trong lĩnh vực khám phá, tìm kiếm thuốc mới tại Việt Nam.

Thái Khắc Minh là GS trẻ nhất khối ngành sức khỏe năm 2020. Ảnh: NVCC
Thái Khắc Minh là GS trẻ nhất khối ngành sức khỏe năm 2020. Ảnh: NVCC

Tiên phong 

Tốt nghiệp Dược sĩ tại Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2000, Thái Khắc Minh (sinh năm 1977) bắt đầu con đường nghiên cứu là tổng hợp hóa dược và khảo sát hoạt tính sinh học. Tiếp đến, anh quan tâm, tiếp cận và ứng dụng các phương pháp hóa dược hiện đại là dược tin học và thiết kế thuốc hợp lý trong nghiên cứu và khám phá thuốc mới. Hơn 20 năm nghiên cứu, anh hình thành cho bản thân hướng đi chính là ứng dụng dược tin học và thiết kế thuốc, tổng hợp các dẫn chất có hoạt tính sinh học và giải thích cơ chế tác động của chúng ở mức độ phân tử.

Sau khi học xong Tiến sĩ, Thái Khắc Minh là người đầu tiên xây dựng thành công nhóm nghiên cứu về Thiết kế thuốc và ứng dụng trong lĩnh vực khám phá, tìm kiếm thuốc mới tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của anh đã công bố hơn 140 bài báo trong các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 31 bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Các kết quả công bố thể hiện qua chỉ số Google scholar H-index = 16; i10-index =20. Các hướng nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với hóa dược hiện đại nhằm tìm kiếm ra những ứng viên thuốc có khả năng tác dụng mạnh, chọn lọc. 

Hiện nhóm của GS Minh tập trung nghiên cứu về bệnh nhiễm trùng và ung thư, hai trong ba nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã thu được một số thành công trong tìm kiếm các chất có khả năng chống lại sự đề kháng của vi trùng và tế bào ung thư kháng thuốc theo cơ chế ức chế bơm ngược.

Theo GS Minh, nghiên cứu phát triển thuốc mới là con đường khó khăn. Phải tốn kém nhiều chi phí mới có thể đưa được một loại thuốc ra thị trường dùng trong điều trị. Ở các nước phát triển, các phòng thí nghiệm trường đại học và các công ty dược đa quốc gia trang bị nhiều phương tiện. Trong khi đó nghiên cứu ở Việt Nam, nhà khoa học vẫn gặp phải khó khăn về phương tiện cũng như tài chính. Nhân lực thực hiện nghiên cứu ở nước ta cũng khá mỏng và chưa nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu. Các nghiên cứu ở Việt Nam trong lĩnh vực phát triển thuốc mới vẫn còn mang tính cá nhân và sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu vẫn còn thiếu.

“Nhóm nghiên cứu của mình tồn tại được là nhờ vào kinh phí tài trợ từ Quỹ Phát triển KHCN quốc gia Nafosted. Nếu không có sự tài trợ này, các giảng viên trẻ, tiến sĩ trẻ sẽ trở thành những thợ giảng không hơn không kém. Do đó, nghiên cứu phát triển thuốc mới cần sự đầu tư dài hạn của các quỹ nghiên cứu cũng như Chính phủ” - GS Thái Khắc Minh cho biết. 

GS Thái Khắc Minh cùng các sinh viên tại hội nghị khoa học sinh viên do trường tổ chức. Ảnh: NVCC
GS Thái Khắc Minh cùng các sinh viên tại hội nghị khoa học sinh viên do trường tổ chức. Ảnh: NVCC

Thuốc điều trị ung thư “Made in Viet Nam” 

GS Thái Khắc Minh chia sẻ: Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, nhiều thế hệ các chất ức chế phân tử nhỏ của bơm ngược được khám phá và phát triển, nhưng vẫn chưa có thuốc nào sẵn có cho mục đích ức chế bơm ngược để sử dụng trong lâm sàng. Những lý do hợp lý được đưa ra để giải thích cho sự thất bại của các chất này là tính tan kém, tính đặc hiệu kém, tác dụng phụ, độc tính và tương tác dược động. 

Trong số các chất có tác dụng ức chế bơm ngược ở tế bào ung thư, các thành phần chiết xuất từ thực vật tự nhiên nhận được nhiều sự quan tâm bởi tính an toàn, không gây độc. Một số nghiên cứu cho thấy, chất ức chế bơm ngược dùng đường uống và kết quả lâm sàng ban đầu đầy hứa hẹn của chất này khi phối hợp với doxorubicin và paclitaxel đã khuyến khích các nỗ lực nghiên cứu tiếp theo để tìm kiếm chất ức chế bơm ngược mới, an toàn và hiệu quả. 

Nhóm nghiên cứu của GS Minh cho thấy, khung cấu trúc flavonoid cũng được xem xét cho hoạt tính ức chế bơm ngược ở tế bào ung thư cũng như tế bào vi trùng. Dẫn chất này đã được tổng hợp tại Trường ĐH Y Dược TPHCM và chứng minh tác dụng sinh học. Nhóm nghiên cứu hiện đang đăng ký bằng sáng chế và bảo hộ kết quả nghiên cứu này để có thể triển khai tiếp theo. 

“Việt Nam có thế mạnh là các bài thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên từ bài thuốc đi đến các dạng thuốc sử dụng trong điều trị là một bước rất dài, mất nhiều thời gian, tài chính và công sức. Phát triển các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu là định hướng đúng đắn trong chiến lược bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với định hướng này, tôi nghĩ thuốc điều trị ung thư “Made in Viet Nam” sẽ có trong thời gian sớm cũng như vắc-xin Covid-19 được nghiên cứu và sản xuất thành công ở Việt Nam vậy” - GS Minh cho biết. 

Tôi biết Minh từ những ngày còn là sinh viên của Khoa Dược. Nhận thấy Minh có tố chất của người làm nghiên cứu tốt nên năm cuối khóa tôi đã nhận hướng dẫn Minh làm đề tài tốt nghiệp tổng hợp một số dẫn chất có tác dụng kháng nấm kháng khuẩn. Đề tài được đánh giá xuất sắc, nhà trường giới thiệu tham dự Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT và đoạt giải 3. Các công trình nghiên cứu của GS Minh với cộng sự được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển thuốc mới. - GS.TS Trần Thành Đạo (Trưởng khoa Dược - Trường ĐH Y Dược TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.