Hội Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc vừa bổ nhiệm 4 giám đốc nghiên cứu (Research Chair) và 2 nghiên cứu viên cao cấp (Senior Research Fellows) tại các trường đại học trên khắp Vương Quốc Anh.
Đây là những nhà khoa học sẽ dành 5 năm tới làm việc cùng một số công ty lớn nhất thế giới để giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu như đề kháng kháng sinh, giảm việc sử dụng năng lượng và khí thải, nâng cao độ tin cậy của thiết bị di động và phát triển hệ thống giao tiếp do AI hỗ trợ.
GS Dương Quang Trung – nhà khoa học người Việt vừa được phong giáo sư thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast – được bổ nhiệm vào vị trí Research Chair để nghiên cứu về các vấn đề của mạng viễn thông 6G.
GS. Dương Quang Trung là người Hội An, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An, sau đó trở thành sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Viễn thông, sau đó nhận bằng Thạc sĩ tại Hàn Quốc và Tiến Sĩ tại Thụy Điển theo các học bổng toàn phần.
Đầu năm 2013, GS. Dương Quang Trung được nhận vào ngạch Giáo sư của Trường ĐH Queen’s Belfast, không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ. Vừa mới đây, vào tháng 8 năm 2020, GS Trung được phong Giáo sư thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast.
GS Trung cũng đã từng là người đoạt giải thưởng danh giá Nghiên cứu viên của Hội Khoa học Hoàng Gia Anh Quốc cách đây 5 năm cho các nhà nghiên cứu trẻ 2015-2020 (cả nước Anh năm đó chỉ có 8 người được trao giải cho tất cả các ngành khoa học kỹ thuật), và được nhận giải thưởng danh giá Newton Prize 2017 của Chính phủ Anh Quốc.
Nghiên cứu của Giáo sư Trung sẽ mang lại cơ hội vượt ra ngoài mạng 5G và hướng tới công nghệ 6G ở một số khía cạnh quan trọng để hài hòa và tích hợp truyền thông không dây, truyền dữ liệu, radar và hình ảnh, trong đó băng thông cao và độ trễ gần bằng 0 là rất quan trọng.
Phát biểu về giải thưởng, Giáo sư Trung cho biết: “Truyền thông không dây và các công nghệ kỹ thuật số liên quan đã và đang định hình cuộc sống của chúng ta theo một cách chưa từng có - đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại Covid-19 hiện nay.
“Thế giới đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta hiện đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện đang được thúc đẩy bởi hệ thống truyền thông và vật lý mạng 5G”.
“Những nghiên cứu về mạng 6G sẽ tạo ra một tương lai mới và mang lại lợi ích cho tất cả xã hội - ví dụ: chẩn đoán và phẫu thuật y tế từ xa, xe tự lái, thực tế ảo và tăng cường cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giải trí và tất cả trong các thành phố thông minh, an toàn và quản lý thảm họa”, GS Trung cho hay.