Giao lưu trực tuyến "Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer"

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” diễn ra tại Báo Giáo dục và Thời đại từ 14h đến 15h ngày 20/8.

Giao lưu trực tuyến "Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer"

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Ông Trần Khánh - Trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc, Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng;

Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các ban ngành ở mỗi địa phương đã rất chú trọng phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc. Trong đó, việc phát triển Giáo dục và Đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc được đặc biệt quan tâm.

Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của địa phương.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động GD&ĐT đóng vai trò quan trọng. Các trường học đã đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động của các trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Tại chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức (chiều 20/8), trao đổi giữa khách mời và bạn đọc sẽ xoay quanh công tác Giáo dục và Đào tạo với đồng bào dân tộc; Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong nhà trường…

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai

Giao lưu trực tuyến "Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer" ảnh 1
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng

Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc, Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng

Bạn đọc

Bạn Phụ huynh Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng:

Tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, không biết có ảnh hưởng đến thời điểm tựu trường và việc nội trú cho học sinh không thưa thầy?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp thì sẽ ảnh hưởng đến thời điểm tựu trường và việc nội trú cho học sinh.

Tuy dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, nhưng đã có các cấp lãnh đạo và toàn thể xã hội chung tay ngăn chặn quyết liệt, do đó dịch bệnh sẽ sớm được khống chế.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, phụ huynh và học cần thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ y tế. Không đi lại những nơi khác khi không cần thiết, không đến những nơi có dịch, hạn chế ra khỏi địa phương…

Bạn đọc

Bạn Mỹ Hạnh, HS huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng:

Những điều kiện thế nào thì được vào học trường Dân tộc nội trú, thưa thầy?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Trường THPT DTNT Huỳnh Cương là trường dành cho 95% cho con em đồng dân tộc thiểu số và 5% dân tộc Kinh sinh sống trên đại bàn tỉnh (trừ các huyện, thị: Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Thạnh Trị và Ngã Năm). Hàng năm, những học sinh muốn học tại trường thì các em phải thỏa các điều kiện sau:

- Thuộc đối tượng trường tuyển.

- Tham dự kỳ thi tuyển do Sở GD&ĐT tổ chức và đạt trong 210 học sinh có số điểm cao nhất từ trên xuống.

Bạn đọc

Bạn …ngocanh@gmail.com:

Em đam mê nghệ thuật, văn hóa Khmer. Nếu được vào học trường Dân tộc nội trú, em có được học thêm năng khiếu không?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Trang bị dàn nhạc ngũ âm cho các trường dân tộc nội trú ở Sóc Trăng.
Trang bị dàn nhạc ngũ âm cho các trường dân tộc nội trú ở Sóc Trăng.

Trong trường, đều có thành lập nhiều Câu lạc bộ như: Thể thao, học thuật (các môn văn hóa) và trong đó có Câu lạc bộ Văn nghệ. Câu lạc bộ Văn nghệ được chia ra nhiều nhóm:

- Nhóm múa.

- Nhóm hát.

- Nhóm nhạc Ngũ âm...

Cho nên em có thể được bổ sung thêm nhiều năng khiếu khi em chọn nhóm hoạt động để em bổ sung vào đam mê của mình.

Bạn đọc

Bạn Kim Minh Anh, HS huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng:

Xin thầy giới thiệu sơ lược việc học tập, rèn luyện trong trường Dân tộc nội trú?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Quá trình học tập, rèn luyện tại trường luôn được đề cao và giúp học sinh hướng tới hoàn thiện bản thân. Vì vậy, nhà trường cũng như những trường khác, học sinh được học tập chính khóa/ngày và rèn luyện các môn văn hóa theo quy định. Hoạt động học tập, rèn luyện tại trường cụ thể 1 ngày như sau:

- 5h00: Tất cả HS tập thể dục buổi sáng.

- 5h15 đến 6h45: HS tự học tại ký túc xá và vệ sinh cá nhân.

- 6h45 đến 7h00: HS thực hiện 15 phút đầu giờ trên lớp.

- 7h00 đến 11h20: HS thực hiện học trên lớp (Buổi chính khóa). Mỗi tiết 45 phút và khoản cách giữa 2 tiết là 5 phút, trong đó khi hết tiết 1 HS được ra chơi 20 phút để ăn sáng.

- 11h20 đến 13h15: HS ăn trưa, nghỉ trưa.

- 13h15 đến 13h30: HS thực hiện 15 phút đầu giờ trên lớp.

- 13h30 đến 16h45: HS thực hiện các hoạt động như: học (nếu có tiết với các môn như: Thể dục, Quốc phòng, Tin học…. Hay các tiết phụ đạo, ôn HS giỏi…), tự học (nếu không có tiết).

- 16h45 đến 18h45: HS hoạt động tự do (Thể thao, Văn nghệ…), ăn chiều và vệ sinh cá nhân.

- 18h45 đến 21h30: HS tự học để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

- 21h30 đến 22h15: HS hoạt động tự do.

- 22h15: Hs thực hiện việc ngủ.

Giờ học của thầy, trò Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, Sóc Trăng.

Giờ học của thầy, trò Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, Sóc Trăng.
Bạn đọc

Bạn …minhluan@gmail.com:

Xin thầy cho biết chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2021 - 2022 của Trường THPT DTNT Huỳnh Cương?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Năm học 2021 - 2022 Trường THPT DTNT Huỳnh Cương được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho chỉ tiêu tuyển sinh là 210 học sinh.

Ký túc xá - Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, Sóc Trăng.

Ký túc xá - Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, Sóc Trăng.

 

Bạn đọc

Bạn Kim Ngọc Thái, phụ huynh:

Việc giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc hiện nay rất quan trọng. Ở góc độ trường Phổ thông dân tộc nội trú, nhà trường có những giải pháp nào, thưa thầy?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc rất qua trọng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nói riêng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung cần được cộng đồng, xã hội giữ gìn và phát huy. Trong đó, góp sức cho việc giữ gìn này là hệ thống trường học mà nhất là các trường Phổ thông dân tộc nội trú. Hiểu được điều này, ở góc độ trường Phổ thông Dân tộc nội trú, nhà trường có một số giải pháp sau:

Về phía lãnh đạo nhà trường:

+ Xây dự kế hoạch nhà trường có lồng ghép các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

+ Chỉ đạo bộ phận chuyên môn, hàng năm xây dựng kế hoạch nhằm phát triển chuyên môn năng cao chất lượng giáo dục và song song đó phải phát huy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

+ Chỉ đạo Đoàn Thanh niên thành lập các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phía các đoàn thể và giáo viên:

+ Xây dựng kế hoạch phù hợp cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

+ Giáo viên các môn văn hóa, nhất là Ngữ văn, Khmer, GDCD, Địa lý, Lịch sử… phải lồng ghép vào việc giáo dục nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phía học sinh:

+ Thực hiện tốt các hoạt động giáo dục và rèn luyện tại trường.

+ Tham gia tốt các hoạt động của các Câu lạc bộ, hội thi.

+ Duy trì các câu lạc bộ...

Bạn đọc

Bạn …myly@gmail.com:

Văn hóa dân tộc Khmer rất đặc sắc và đa dạng, trong trường Dân tộc nội trú có lồng ghép các hoạt động ngoại khóa hay giáo dục học sinh về vấn đề trên?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Để phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nhằm ngày càng đặc sắc và đa dạng hơn, nhà trường đã lồng ghép các hoạt động ngoại khóa và giáo dục như:

- Tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống như: Lễ cúng trăng, Hội trại Chol-Chnam-Thmay, các trò chơi dân gian...

- Lồng ghép vào giáo án các môn Ngữ văn, Khmer, GDCD, Địa lý, Lịch sử… để duy trì các phong tục, lễ hội, văn hóa….

Một tiết mục tại Hội thi Văn nghệ các trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: X. Lương.

Một tiết mục tại Hội thi Văn nghệ các trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: X. Lương.
Bạn đọc

Bạn Danh Khôi, HS TP Sóc Trăng:

Nhà em hoàn cảnh khó khăn, vào học trường Dân tộc nội trú em có được hỗ trợ gì không ạ?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Nhà trường có Hội Phụ huynh học sinh và thành lập Quỹ khuyến học nhà trường, Đoàn thanh niên có Quỹ hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn nên thường xuyên theo dõi các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, định kỳ hàng tháng xét hỗ trợ kịp thời. Em yên tâm học tập và rèn luyện!

Bạn đọc

Bạn Sơn Kha, học sinh:

Năm nay em được vào học trường Dân tộc nội trú, xin thầy cho em lời khuyên em cần chuẩn bị như thế nào?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Nhà trường thực hiện tốt việc cung cấp các trang hiện vật theo quy định như:

- Vật dụng học:

+ 1 bộ đồ đi học (Sà-rong và áo sơ-mi đối với nữ; quần tây và và áo sơ-mi đối với nam);

+ 1 bộ đồ thể dục thể thao;

+ Cho mượn 1 bộ sách giáo khoa;

+ Tập (40 quyển), viết xanh (20 cây), thước, viết chì….

+ Và các vật dụng cho việc học tập.

- Vật dụng ở ký túc xá: Mùng, mền,…

Ngoài các trang hiện vật trên, bản thân cần có những vật dụng nào thì em chuẩn bị thêm.

Bạn đọc

Bạn Lâm Thanh Tài, học sinh:

Em muốn học tăng cường tiếng Khmer và nghiên cứu về văn hóa Khmer. Xin thầy cho lời khuyên việc học và tìm tài liệu?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Đây là vấn đề rất hay và nhà trường luôn đề cao trong việc dạy và học. Em sẽ được cung cấp nhiều tài liệu và giáo viên dạy tại trường.

Thầy, trò Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.

Thầy, trò Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.

Trong trường đều có thành lập nhiều Câu lạc bộ như: Thể thao, học thuật (Các môn văn hóa) và trong đó có Câu lạc bộ Văn nghệ. Câu lạc bộ này được chia ra nhiều nhóm:

- Nhóm múa.

- Nhóm hát.

- Nhóm nhạc Ngũ âm...

Cho nên em có thể được bổ sung thêm nhiều năng khiếu khi em chọn nhóm hoạt động để em bổ sung vào đam mê của mình.

Bạn đọc

Bạn Kiên Ngọc Hải, học sinh:

Thầy cho em hỏi, học trường Dân tộc nội trú, sau khi tốt nghiệp có được cấp văn bằng, chứng chỉ tiếng Khmer không?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

 

Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng trả lời câu hỏi của độc giả.

Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng trả lời câu hỏi của độc giả.

Hàng năm, trước khi thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT có tổ chức kỳ thi nhiệm ý Khmer cho học sinh hoàn thành lớp 12 cho học sinh khối 12 (thường thì vào tháng 3).

Song song đó, nhà trường luôn cập nhật thông báo các đợt thi cấp chứng chỉ quốc gia của Hội khuyến học tỉnh tổ chức để học sinh có nhu cầu đăng ký dự thi. 

Đối với việc học tiếng dân tộc (tiếng Khmer) tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, theo Nghị định 82/ND-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên học sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học (nếu học hết chương trình tiểu học môn tiếng Khmer), hoàn thành chương trình lớp 9 (nếu học hết chương trình tiếng Khmer cấp THCS), hoàn thành chương trình lớp 12 (nếu học hết chương trình tiềng Khmer cấp THPT).

Bạn đọc

Bạn Thanhbinh35@...:

Em là sinh viên Sư phạm, mong muốn được dạy trong trường Dân tộc nội trú. Xin thầy cho biết các điều kiện và thủ tục?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Hiện tại việc tuyển giáo viên do Sở GD&ĐT tổ chức và phân bổ về các trường (nếu có thiếu) trong đó cũng có các trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Cho nên điều kiện và thủ tục em tham khảo thông tin tại Sở GD&ĐT, có thể thông qua website Sở Giáo dục và Đào tạo để nắm cụ thể.

Bạn đọc

Bạn thackimso@...:

Đối với đồng bào dân tộc, tiếng nói và chữ viết rất quan trọng. Trong trường Dân tộc nội trú việc dạy nói và chữ viết thế nào, thưa thầy?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Trong trường Dân tộc nội trú, việc dạy nói và chữ viết luôn được nhà trường nói chung và giáo viên giảng dạy nói riêng chú trọng, giúp học sinh giữ gìn tiếng nói, chữ viết hiện nay và phục vụ cho công việc và sự nghiệp sau này.

Giờ học của thầy, trò Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.

Giờ học của thầy, trò Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.
Bạn đọc

Bạn Danh Tài, HS Sóc Trăng:

Chương trình học trong trường Dân tộc nội trú khác gì với chương trình phổ thông, thưa thầy?
Thầy Kim Văn Ngói

Thầy Kim Văn Ngói

Chào em, chương trình học trong trường Dân tộc nội trú cũng như các trường khác. Tuy nhiên, học sinh học tại trường DTNT khác hơn các trường ngoài là có học thêm 1 môn (Khmer).

Bạn đọc

Bạn Ong Nòi Sên, Phụ huynh:

Tôi là người gốc Hoa, vợ dân tộc Khmer, xin thầy cho tôi lời khuyên là nên cho con theo học tiếng dân tộc nào?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Việc học tiếng nói và chữ viết của dân tộc nào cũng rất cần thiết và hữu ích (dù là tiếng Hoa hay Khmer). Vì, ngoài việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình còn giúp cho chúng ta biết thêm một ngôn ngữ để giáo tiếp với mọi người trong cộng đồng.

Tuy nhiên, việc khuyên con bạn học tiếng dân tộc nào (Hoa hay Khmer) còn tùy thuộc vào điều kiện của từng vùng miền, điều kiện, nơi bạn sinh sống và sự yêu thích của con bạn. Ví dụ, nếu bạn sống ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer thì nên khuyến khích con bạn học tiếng Khmer để dễ dàng giao tiếp với mọi người hoặc ngược lại.

Hiện nay ở Sóc Trăng, hầu hết các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc Khmer đều có dạy tiếng Khmer theo Nghị định 82/ND-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ngoài ra, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều có tổ chức dạy chữ Khmer vào dịp hè cho tất cả học sinh và phật tử khmer muốn học, do các vị sư hoặc Achar dạy. Riêng tiếng Hoa chỉ có các trường ngoài công lập do Hội người Hoa tổ chức dạy tiếng Hoa và chỉ tập trung một số trường tiểu học, THCS ở thị xã Vĩnh Châu, TP Sóc Trăng.

Bạn đọc

Bạn nhatlinhphu@...:

Sau khi học tiếng dân tộc tại các trường phổ thông, các em học sinh có được cấp văn bằng hay chứng gì không thưa thầy?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Đối với việc học tiếng dân tộc (tiếng Khmer) tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, theo Nghị định 82/ND-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên học sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học (nếu học hết chương trình tiểu học môn tiếng Khmer), hoàn thành chương trình lớp 9 (nếu học hết chương trình tiếng Khmer cấp THCS), hoàn thành chương trình lớp 12 (nếu học hết chương trình tiềng Khmer cấp THPT).

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có tổ chức thi cho cả 3 cấp học này để kiểm tra đạt trình độ theo quy định thì được cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học và hoàn thành chương trình lớp 9 do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố cấp; Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12 do Giám đốc Sở ký.

Bạn đọc

Bạn ….vantet@gmail.com:

Hiện nay ngành Giáo dục thực hiện Chương trình GDPT mới, vậy Chương trình Giáo dục dân tộc có thay đổi không?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Chương trình Giáo dục phổ thông mới triển khai thực hiện thì Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc cũng thay đổi theo thông tư 34/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình trình Giáo dục phổ thông môn học Bahnar, tiếng Chăm, Tiếng Êđê, Tiếng Jrai, Tiếng Khmer, Tiếng Mông, Tiếng Mnông, Tiếng Thái (trong đó có tiếng Khmer) với thời lượng sẽ giảm hơn so với chương trình cũ (Thông tư 24/2014/TT-BGDĐT về ban hành chương trình tiếng Khmer cấp TH và THCS) đối với cấp tiểu học chỉ còn 2 tiết/tuần (trước là 4 tiết/tuần); THCS còn 3 tiết/tuần (trước là 4 tiết/tuần); THPT 2 tiết/tuần (trước vẫn 2 tiết/tuần).

Tuy nhiên, trong năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa in sách giáo khoa mới kịp nên vẫn học theo chương trình và sách giáo khoa cũ. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới trong năm học 2021 - 2022.

Bạn đọc

Bạn Băng Tâm, học sinh:

Nhà em gốc Hoa, nhưng gia đình mong muốn em học Tiếng Anh hơn là đi học Tiếng Hoa. Xin thầy tư vấn tầm quan trọng của việc học tiếng dân tộc để em có thể thuyết phục gia đình.
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Theo thầy,  việc gia đình em mong muốn em học tiếng Anh hơn là tiếng Hoa cũng tốt và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Vì hiện nay hầu hết các trường phổ thông đều có dạy tiếng Anh và tiếng Anh là ngoại ngữ được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực. Tiếng Anh còn là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế.

Tuy nhiên, tiếng Hoa ở Việt Nam là tiếng dân tộc thiểu số (không phải ngoại ngữ), việc học tiếng dân tộc chủ yếu là nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc mà Đảng Nhà nước rất quan tâm luôn tạo điều kiện để các dân tộc đều học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.

Do đó, em có thể vừa cố gắng học tốt mông tiếng Anh theo mong muốn của gia đình và vừa học thêm tiếng Hoa (nếu em yêu thích). Tuy nhiên, hiện nay đối với tỉnh Sóc Trăng thì việc dạy và  học tiếng Hoa ở các trường phổ thông công lập chưa đưa vào giảng dạy mà chỉ có một vài trường ngoài công lập của Hội người Hoa thì mới có dạy.

Bạn đọc

Bạn hoangvu...@gmail.com:

Xin thầy cho biết, để được tham gia giảng dạy tiếng dân tộc thì yêu cầu đối với giáo viên là gì? Đặc biệt là tiêu chuẩn về trình độ cũng như chứng chỉ, văn bằng?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Đề được tham gia giảng dạy tiếng dân tộc ở các trường phổ thông (giáo viên) ở các cấp học thì phải có bằng Đại học Sư phạm tiếng Khmer hoặc Cao đẳng Sư phạm tiếng Khmer.

Như vậy, em muốn làm giáo viên dạy tiếng Khmer ở các trường phổ thông thì phải có bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng Sư phạm tiếng Khmer và chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ theo quy định thì mới đủ tiêu chuẩn để tham gia tuyển dụng vào giảng dạy tiếng Khmer ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Bạn đọc

Bạn Thanh Nhàn, phụ huynh HS:

Xin thầy cho biết, hiện nay ngành Giáo dục địa phương có những chính sách nào hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Đối với học sinh dân tộc thì không phải tất cả học sinh dân tộc đều được thụ hưởng các chính sách dân tộc như nhau mà còn tùy thuộc vào hộ khẩu thường trú của từng vùng, miền.

Ví dụ như học sinh dân tộc có hộ khẩu thường trú ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được thụ hưởng những chính sách khác với học sinh dân tộc mà không sinh sống vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Do đó, chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số còn phải căn cứ vào vùng, miền theo quy định hiện hành, không phải tất cả học sinh người dân tộc đều được thụ hưởng các chính sách như nhau. Những chính sách mà học sinh dân tộc được thụ hưởng như: Cộng thêm điểm ưu tiên khi tham gia các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào ĐH, CĐ; được miễm, giảm học phí khi đi học; được tham gia xét tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường ĐH dự bị TPHCM, xét cử tuyển...

Các em học sinh dân tộc tùy theo nơi sinh sống mà được hưởng những chính sách dân tộc khác nhau do Nhà nước quy định.

Bạn đọc

Bạn Thạch Sol, phụ huynh:

Gia đình tôi là dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, hiện tôi cùng vợ đang làm công nhân ở Bình Dương. Trước tình hình dịch bệnh, tỉnh Sóc Trăng có hỗ trợ gì cho con em chúng ở quê nhà? Điều kiện để được hỗ trợ thế nào ?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Hàng năm, vào đầu năm học tất cả các nhà trường đều có rà soát danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ các em, không để học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học. Do đó, đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường lập danh sách và tùy vào đối tượng cụ thể để hỗ trợ như: Hỗ trợ sách vở; miễm, giảm học phí; chính sách 116 - hỗ trợ gạo, tiền ăn theo quy định...

Do đó, nếu con anh đi học gặp khó khăn sẽ được nhà trường hỗ trợ một trong những chính sách trên. Riêng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, thì địa phương nào cũng được Nhà nước, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân quan tâm, đóng góp hỗ trợ cho những những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, con anh ở quê thì cũng được chính quyền địa phương, nhà trường quan tâm hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn …thaygiaolang@gmail.com:

Hiện nay nguồn nhân lực giáo viên đang thiếu, đặc biệt các trường khó tiếp cận được nguồn giáo viên có trình độ giảng dạy tiếng dân tộc. Ngành giáo dục tỉnh có những chính sách đãi ngộ gì để thu hút đội ngũ giáo viên?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Giờ học chữ Khmer của thầy, trò.

Giờ học chữ Khmer của thầy, trò.

Những chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên dạy tiếng dân tộc như, đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nếu dạy ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn thì giáo viên đó được hưởng 70% phụ cấp thu hút và 50% phụ cấp dạy tiếng dân tộc.

Nếu giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các trường không thuộc ấp, xã đặc biệt khó khăn thì chỉ được hưởng thêm phụ cấp bằng 0.3 so với mức lương tối thiểu.

Ngoài chính sách đãi ngộ trên, giáo viên dạy tiếng Khmer được hưởng các chế độ khác theo quy định.

Bạn đọc

Bạn Trương Tấn Tài, phụ huynh:

Tôi đang sống tại tỉnh Sóc Trăng, hiện tôi có biết một số trường tư thục giảng dạy song ngữ Hoa. Vậy ngoài các trường tư thục thì trường công lập nào trên địa bàn tỉnh có đào tạo tiếng Hoa và học phí như thế nào?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Tiếng Hoa là tiếng dân tộc thiểu số, hiện nay các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chưa có trường nào tổ chức dạy tiếng Hoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng chưa ban hành Chương trình và sách giáo khoa tiếng Hoa để thống nhất đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông công lập trong toàn quốc như tiếng Khmer hiện nay. Do đó, việc triển khai dạy tiếng Hoa ở các trường phổ thông công lập chưa đươc triển khai thực hiện.

Bạn đọc

Bạn Kim Li (Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng):

Học sinh học trong các trường Dân tộc nội trú có được học Văn hóa dân tộc và nghệ thuật truyền thống không thưa thầy?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, do đó học sinh học ở các Trường Phổ thông dân tộc nội trú vẫn được học văn hóa dân tộc và các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nhưng chủ yếu là lồng ghép vào các môn học như: Môn Khmer ngữ, môn Lịch sử địa phương...

Ngoài ra, trong sinh hoạt nội trú ở các trường dân tộc nội trú đều có trang bị và dạy nhạc cụ Ngũ âm, trống Sa-dăm và các điệu múa, tiếng hát, các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer.

Bạn đọc

Bạn ….vanhung@gmail.com:

Xin thầy cho biết, ngân sách đầu tư cho giáo dục dân tộc là do đặc điểm của từng địa phương, địa phương phân bố hay do Bộ Giáo dục&Đào tạo phân bố?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Ngân sách đầu tư công cho tác giáo dục dân tộc vừa sử dụng nguồn kinh phí của địa phương vừa kinh phí của Trung ương, như: Kinh phí cấp học bổng 80% phụ cấp mức lương tối thiểu hàng tháng cho tất cả học sinh học ở các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, kinh phí đào tạo sinh viên hệ cử tuyển do kinh phí của địa phương (tỉnh) thực hiện.

Riêng Trung ương cũng hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, kinh phí học đại học dự bị TP Hồ Chí Minh là do Trung ương cấp...

Bạn đọc

Bạn Sơn Pha, học sinh huyện Châu Thành, Sóc Trăng:

Thầy cho biết chế độ dành cho học sinh dân tộc học trong các trường Dân tộc nội trú hiện nay thế nào?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

 

Ông Trần Khánh - Trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc, Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng trả lời câu hỏi của độc giả.

Ông Trần Khánh - Trưởng Phòng Giáo dục Dân tộc, Giáo dục Chuyên nghiệp và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng trả lời câu hỏi của độc giả.

Tất cả học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc đối tượng miễn học phí và được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước trong 12 tháng/năm.

Ngoài ra, học sinh nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) được nhà trường thưởng một lần/năm như sau:

- 400.000 đồng nếu đạt khá;

- 600.000 đồng nếu đạt giỏi;

- 800.000 đồng nếu đạt xuất sắc.

- Được cấp đồ dùng cá nhân, bảo hiểm y tế

Học sinh khi nhập trường được Nhà trường trang cấp bằng hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân gồm có:

- Chăn bông cá nhân;

- Màn cá nhân;

- Áo bông;

- Chiếu cá nhân;

- Nilon đi mưa;

- Quần, áo dài tay (đồng phục).

Ngoài ra, nhà trường sẽ chi mua sổ khám sức khỏe và tổ chức khám sức khoẻ hàng năm cho học sinh. Đồng thời, chi mua bảo hiểm y tế, mua thuốc thông thường cho học sinh đặt tại tủ thuốc của trường.

Được cấp tiền tàu xe về quê hoặc tổ chức cho ở lại ăn Tết...

Bạn đọc

Bạn Lâm Minh Thành, SV Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia TPHCM:

Em là dân tộc Khmer, từng học trường Dân tộc nội trú. Hiện em sắp tốt nghiệp đại học, em muốn về cống hiến cho địa phương, xin thầy hướng dẫn?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Nếu em là sinh viên hệ cử tuyển do tỉnh cử đi học thì sau khi tốt nghiệp ra trường thì em phải báo cáo và nộp hồ sơ tại Sở Nội vụ để được phân công công tác theo lĩnh vực chuyên môn em đã học.

Trường hợp em là sinh viên học tự túc thì em phải tham gia thi tuyển khi tỉnh có thông báo tuyển dụng và sau khi trúng tuyển thì mới được phân công vào làm tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Chúc em tìm được công việc như nguyện vọng! 

Bạn đọc

Bạn Thạch Minh, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng:

Em muốn nghiên cứu sâu, học nâng cao trình độ tiếng Khmer thì phải đi học trường nào, ở đâu thưa thầy?
Ông Trần Khánh

Ông Trần Khánh

Những lớp học tiếng dân tộc Khmer trong nhà trường và cộng đồng giúp học sinh hiểu được giá trị phong tục tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Những lớp học tiếng dân tộc Khmer trong nhà trường và cộng đồng giúp học sinh hiểu được giá trị phong tục tập quán và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Hiện nay các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có dạy tiếng Khmer từ Tiểu học đến THPT. Như vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, em muốn nghiên cứu sâu, học nâng cao trình độ tiếng Khmer thì em có thể đi học Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer tại Trường ĐH Trà Vinh hoặc học Cao đẳng Sư phạm tiếng Khmer tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng.

Hoặc em tham gia học tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ đặt tại tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, Trường này chủ yếu là dành cho các vị tăng sinh đang theo tu học ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.