Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV - Thấu hiểu và yêu thương”

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV - Thấu hiểu và yêu thương” diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 – 10h30 thứ Tư ngày 15/9.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV - Thấu hiểu và yêu thương”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

  • Nguyễn Thị Việt Hà, giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng;
  • Cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Song song với dạy chữ, các trường học cũng đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, tình cảm nhân đạo, lòng vị tha cho học sinh.

Để duy trì nề nếp và chất lượng giáo dục, trường học nhất thiết phải có những quy định cùng những chế tài đi cùng. Thế nhưng, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm luôn phải thấm nhuần quan điểm đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học và cũng đừng độc đoán quá. Nếu thực sự thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của học sinh thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi…

Khái niệm kỷ luật tích cực đang được nhắc đến nhiều ở các trường học. Thầy cô giáo phải luôn tìm các biện pháp, cách thức xử lý tình huống, các hình thức giáo dục HS mà không la mắng, nạt nộ, cáu giận, đánh đập… khi các em phạm phải sai lầm. Thay vào đó, là sự gần gũi, quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ các em thừa nhận lỗi lầm và biết cách khắc phục. Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, phải thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần của học sinh. Điều này đòi hỏi nhiều hơn ở giáo viên sự nhạy cảm, năng động, xử lý tình huống nhanh nhẹn, tôn trọng học sinh… và trên hết là cần sự tự tin.

Khách mời là các giáo viên trực tiếp đứng lớp sẽ chia sẻ góc nhìn chân thực và sinh động về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

GV Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

GV Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Bạn đọc

Bạn Leminhthu99@...:

Theo cô, việc thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của học sinh có vai trò thế nào trong công tác giáo dục toàn diện học sinh?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Trong một tập thể lớp, điều cần thiết nhất là sự hoà hợp, chung sức. Nhưng với mỗi cá nhân các em lại có những hoàn cảnh khác biệt dẫn đến nhận thức cũng như tính cách cũng khác biệt. Làm sao để kết nối các em thành một tập thể tích cực, lành mạnh để các em có thể phát triển tốt nhất trong môi trường này, đó là điều GV chủ nhiệm luôn trăn trở.

Làm thế nào để các em hổ hởi tham gia vào việc chung của lớp mà không tự ti mặc cảm, làm sao để các em có thể phát triển được những tố chất riêng của mình mà không e ngại trước sau. Chính việc thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của học sinh đã giúp GV định hướng tốt, khích lệ HS của mình .

Ở lứa tuổi này học sinh rất cần đến sự chia sẻ, sự thông hiểu từ người thân: gia đình, bạn bè,… sự trợ giúp kịp thời và đúng đắn từ phía người lớn là một nhu cầu bức thiết đối với trẻ, đặc biệt là khi các em đã rơi vào sự khủng hoảng tâm lý. Học sinh cần được giãi bày, cần được tâm sự, cần được những lời khuyên đúng đắn từ người lớn, mà gần gũi với các em nhất chính là cha mẹ, thầy cô.

Và khi chưa thể có được điều đó từ gia đình thì ảnh hưởng từ môi trường bạn bè, thầy cô là vô cùng lớn. Nhiều em đã xem thầy cô như một chỗ dựa tinh thần. Cho các em những lời khuyên, định hướng đúng đắn cho các em con đường phải đi, giúp các em tìm lại niềm tin, niềm vui trong cuộc sống là điều mà bất kỳ một GVCN nào cũng mong muốn. Và để làm được tất cả điều đó thì thấu hiểu các em về nhiều mặt là điều không thể thiếu.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Trọng Hoàng - Hà Nam:

Cô đánh giá thế nào về Thông tư mới của Bộ GD&ĐT về khen thưởng, kỉ luật học sinh? Nếu không có những biện pháp kỷ luật truyền thống, liệu học sinh có ngoan được không?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Thông tư mới có nhiều điểm tích cực, hướng tới sự tôn trọng học sinh nhiều hơn, tôi nghĩ đây là điều cần thiết vì cũng có một số ít thầy cô vẫn lạm dụng quyền làm thầy mà chưa ứng xử đúng, chưa tôn trọng học sinh.

Tuy nhiên cái gì mới thì cũng còn phải trải nghiệm. Cũng không thể phủ nhận tất cả những cái truyền thống là không tốt, nếu có thể chúng ta hãy tiếp nhận những cái ưu tú của truyền thống kết hợp với những cái mới mẻ của thông tư mới, tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn.

Học sinh THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu
Học sinh THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Đinh Văn Lâm - Ninh Bình:

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng là một trong những ngôi trường đầu tiên có phòng tư vấn tâm lý học đường. Cô có thể chia sẻ thêm về phòng tư vấn tâm lý học đường được không? Bộ phận này có vai trò như thế nào đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Phòng tâm lý học đường trường tôi không chỉ dành cho học sinh mà còn dành cho cả giáo viên, phụ huynh học sinh. Nhiệm vụ của phòng tư vấn tìm cách tiếp cận, hỗ trợ cho những học sinh gặp khó khăn, có hành vi lệch chuẩn, lắng nghe những chia sẻ của học sinh để từ đó tìm cách động viên chia sẻ, tác động, phối hợp với giáo viên phụ huynh cùng giáo dục các con. Ngoài ra, phòng tư vấn còn làm tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu, các chuyên đề giáo dục.

Bạn đọc

Bạn Hà Văn - Hòa Bình:

Mô hình giáo dục "không chọn lọc đầu vào” có nhược điểm gì không? Theo tôi nghĩ nếu "hứng" nhiều học sinh cá biệt sẽ không thể có chất lượng học tập cao, giáo dục đạo đức lối sống cho những em học sinh này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Mô hình không chọn lọc đầu vào đâu phải không tốt. Chúng tôi cũng tuyển được rất nhiều các em học sinh có điểm thi vào 10 THPT cao không may trượt ở các trường tốp đầu. Tôi nghĩ mỗi mô hình đều có ưu và nhược điểm. Không chọn lọc đầu vào không có nghĩa là toàn học sinh kém.

Vừa rồi trường tôi có 7 học sinh đạt điểm 10, có 51 học sinh đạt 9,5 trở lên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; trong đó có điểm 10 môn Tiếng Anh, có 9,5 môn Ngữ văn. Nhà trường còn có học sinh Phan Lê Thế Hoàng đạt giải 3 cuộc thi Olympic tiếng Anh cấp thành phố.

Bạn đọc

Bạn Ánh Hồng, Gia Lai:

Làm sao để có thể trang bị cho HS kỹ năng tự chủ, vượt qua những áp lực từ gia đình, học tập, quan hệ bạn bè, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Kỹ năng tự chủ là một trong những kỹ năng cần thiết được thực hiện trong nội dung giáo dục kns cho học sinh THCS. Để hình thành được kỹ năng này không chỉ ngày một ngày hai hay 1 năm học là đủ, càng không phải chỉ GVCN là có thể làm được mà cần thời gian dài suốt cả cấp học thậm chí là nhiều cấp học và sự tham gia của các yếu tố nhà trường, gia đình và xã hội. 

Đối với vai trò của một GVCN, để trang bị thêm cho học sinh kỹ năng này, trước tiên, người GVCN cần giúp cho học sinh của mình có kỹ năng nhận thức đúng về bản thân, về xã hội và biết sống có trách nhiệm. 

Ngay những năm đầu của thập kỷ 90, các tổ chức Liên Hiệp Quốc như WHO, UNICEF, UNESCO đã chung sức xây dựng và đề cập đến vai trò của kỹ năng sống trong mục đích học tập thế kỷ XXI: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. 

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh đến đến phát triển phẩm chất và năng lực, trong 10 năng lực cốt lõi có 3 năng lực chung. Việc phát triển kĩ năng sống cho học sinh là hướng tới hình thành 3 năng lực chung, đó là: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Thực hiện tốt công tác giáo dục những nhóm kỹ năng sống nói trên sẽ giúp học sinh hình thành được những năng lực chung mang tính cá nhân và xã hội nhằm giúp các em có thể chuyển tải những gì mình biết (nhận thức), những gì mình cảm nhận (thái dộ) và những gì mình quan tâm (giá trị) thành những khả năng giúp học sinh biết phải làm gì và làm như thế nào (hành vi) trong những tình huống khác nhau của cuộc sống, làm chủ bản thân mình để luôn nỗ lực, tự tin vượt qua khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Phạm Đình Dương - Hải Phòng:

Cô có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm công tác giáo dục đạo đức cho học sinh được không?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Tôi có nhiều kỷ niệm với học trò, rất nhỏ thôi nhưng vì tôi luôn tâm niệm chỉ cần thay đổi được ở các em một chút trong suy nghĩ trong hành động thì tôi đã vui lắm rồi. Cho nên tôi xin phép không chia sẻ một kỷ niệm nào cụ thể.

Tôi có một cậu học sinh làm công an giờ thỉnh thoảng gặp cô vẫn nói: "Không có cô con chả biết giờ con ra sao!” Tôi cũng vừa phải nhờ bạn ấy chuyển hộ một suất quà của nhà trường và bộ sách giáo khoa tới cho một học sinh trong vùng dịch bị phong tỏa đang gặp khó khăn, vì bạn ấy làm ở gần khu vực ấy.

Bạn đọc

Bạn hangnganguyen@...:

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm xử lý trong trường hợp phụ huynh không hợp tác trong phối hợp với GV chủ nhiệm và nhà trường trong giáo dục HS chưa ngoan?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Phụ huynh và giáo viên nên chia sẻ những hiểu biết của mình về tính cách của trẻ, nhằm giúp củng cố mối quan hệ giữa đôi bên. Giáo viên nên cho phụ huynh biết về kết quả học tập của con họ ở trường, những thế mạnh, điểm yếu của trẻ và những kỹ năng thiên phú mà giáo viên đã phát hiện thông qua các hoạt động trong lớp học.
Giáo viên có thể thông báo cho phụ huynh về giáo trình học của con, giúp phụ huynh có thể nắm rõ nội dung và củng cố thêm kiến thức cho con ở nhà. Cách tốt nhất để gia đình và nhà trường có thể hợp tác chặt chẽ là giáo viên và phụ huynh nói chuyện trực tiếp với nhau. 
Cuối cùng, một trong những cách quan trọng nhất để phát triển và duy trì mối quan hệ tốt đẹp này, chỉ đơn giản là thể hiện sự đánh giá cao dành cho nhau. Nếu một đứa trẻ thấy cha mẹ và giáo viên cảm ơn lẫn nhau và không ngừng củng cố sự hợp tác, sẽ giúp trẻ hình thành những giá trị tốt đẹp về lời cảm ơn và sự hợp tác với mọi người xung quanh.

Bạn đọc

Bạn thuhatran@...:

Theo cô, làm thế nào để những bài học về đạo đức lối sống thực sự chạm đến tim của mỗi học sinh? Làm thế nào để học sinh cuốn hút vào những bài học đạo đức?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Bài học giáo dục đạo đức lối sống cho các con thành công nhất là bài học từ thực tiễn, chân thật, một câu chuyện được đưa ra đúng lúc, đúng thời điểm sẽ vô cùng hiệu quả. Ví dụ, trong lúc này bộ phim “Ranh giới" của VTV đặc biệt, tôi nghĩ cũng là một chủ đề có thể chạm đến trái tim nếu biết cách.

Để thực sự chạm đến các em hãy làm điều đó với một sự chân thành, bền bỉ, từ những điều nhỏ nhặt nhất sẽ khiến các em cảm nhận được.

Ví dụ trong đợt học online, lớp nào cũng có nhóm Zalo. Thay vì một lời gọi học sinh mỗi buổi như thầy cô thường làm, tôi gửi một hình ảnh là một câu danh ngôn, châm ngôn.

Ban đầu cũng ít học sinh quan tâm nhưng trong một giờ sinh hoạt tôi nói với các em về ý nghĩa việc mình làm:

1. Cô muốn gủi tới các con một thông điệp qua câu danh ngôn đó

2. Cô muốn như một lời đánh thức các con thay vì gọi, vì bạn nào vào xem, thả tim ít nhiều cũng khiến cô yên tâm hơn

3. Cô muốn coi đó là một ký hiệu đánh dấu thông tin diễn ra trong một buổi học để nếu các con cần tìm lại chỉ cần tìm trong khoảng từ ảnh nọ đến ảnh kia...

Giờ các bạn lớp tôi đã như một thói quen chờ “thông điệp” để thả tim, thậm chí muốn được trao đổi về thông điệp... Cho nên tôi nghĩ hãy làm từ những việc nhỏ nhưng có giá trị, để các em cảm nhận được chắc sẽ chạm được ít nhiều đến các em.

Theo cô Nguyễn Lương Thiện, bài học giáo dục đạo đức lối sống cho HS thành công nhất là bài học từ thực tiễn. Ảnh tư liệu
Theo cô Nguyễn Lương Thiện, bài học giáo dục đạo đức lối sống cho HS thành công nhất là bài học từ thực tiễn. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Phạm Phương Thảo - Hưng Yên:

Cô có thể cho biết rõ hơn về bộ phận chuyên trách tư vấn tâm lý cho học sinh. Những thầy cô này có được đào tạo bài bản không? Có được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên không?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Trường tôi có văn phòng tâm lý do thầy Nguyễn Tùng Lâm (Hội tâm lý thành phố Hà Nội) phụ trách, cho nên có thể nói cán bộ và hoạt động của phòng tâm lý chắc chắn được đào tạo chuẩn.

Bạn đọc

Bạn myanhtran@...:

Được biết, trường Đinh Tiên Hoàng sẵn sàng tuyển học sinh cá biệt. Vậy tỷ lệ này khoảng bao nhiêu phần trăm? Sau khi vào trường, các em có tiến bộ nhiều hay không, thưa cô ?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Tôi không nghĩ đây là học sinh cá biệt, một số ít học sinh chưa chấp hành được kỷ luật (mà tôi nghĩ trường nào cũng có) như: trang điểm, hút thuốc, hay chưa có động cơ học tập thì đó cũng đâu phải chuyện gì quá ghê gớm.

Các con đang ở độ tuổi nhạy cảm, cộng với sự phát triển công nghệ như hiện nay, việc các con bắt chước, làm theo, muốn thử những điều chưa đúng cũng là dễ hiểu. Thế mới cần đến chúng ta, khi tất cả chúng ta cùng tập trung các lực lượng hỗ trợ, cùng tìm biện pháp phối hợp giúp đỡ giáo dục các con. Khi đã tập trung mọi nguồn lực thì ít nhiều phải đem lại hiệu quả.

Niềm vui của thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong Lễ tri ân và trưởng thành của HS lớp 12. Ảnh tư liệu
Niềm vui của thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong Lễ tri ân và trưởng thành của HS lớp 12. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn lephuongthao@...:

Cô giáo chủ nhiệm của em thường chỉ đưa ra hình phạt cho những bạn bị ghi sổ đầu bài mà rất ít khi tìm hiểu lý do vì sao HS mắc lỗi, HS cố ý mắc lỗi hay ngoài tầm kiểm soát. Chúng em có nên góp ý với cô giáo không ạ? Theo cô, với trường hợp này, chúng em nên đề xuất với cô giáo chủ nhiệm những nội dung gì?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Vì một trong những mục tiêu giáo dục ý thức HS trong nhà trường là để các em thấy và sửa được lỗi của mình và để sửa được lỗi thì phải biết được nguyên nhân. Theo cô, các em có thể tâm sự với cô giáo của mình về hoàn cảnh, tình huống cụ thể bạn mắc lỗi, những gì là chủ quan và khách quan của sự việc một cách công tâm.

Bạn đọc

Bạn phuonganh9@...:

Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh chưa thể đến trường. Ở nhà, học sinh gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Đặc biệt có em do yếu tố gia đình, môi trường xung quanh đã gặp vấn đề về lối sống. Cô có biện pháp gì để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua mạng?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Trường tôi vẫn tổ chức học online, vẫn dạy giá trị sống, kỹ năng sống, vẫn tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa, vẫn tổ chức các hoạt động.

Trong ngày khai giảng vừa qua, nhà trường chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động như: Biểu diễn văn nghệ, nấu ăn và trình bày bữa cơm gia đình, hùng biện tiếng Anh theo chủ đề qua video các con gửi, rồi tổ chức trình bày, chấm công khai trên phòng Zoom cho cả trường cùng tham dự.

Tôi nghĩ việc giáo dục đạo đức lối sống là nhiệm vụ của thầy cô, của nhà trường và cả xã hội thì dù trong hoàn cảnh nào điều kiện nào chúng ta cũng phải tìm biện pháp khắc phục để thực hiện.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Cường - Khánh Hòa:

Tôi có một đồng nghiệp thường hay “bêu” tên HS vi phạm giữa lớp và hay nhắc đi nhắc lại những lỗi vi phạm của HS. Chúng tôi có góp ý trong tổ chuyên môn nhưng GV này vẫn không điều chỉnh và cho rằng để HS xấu hổ thì các em sẽ không tái phạm nữa. Theo cô, có nên trao đổi trường hợp này với BGH nhà trường không?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Theo quan điểm của tôi thì BGH trước tiên là đồng nghiệp của mình ở vị trí quản lý và do đó cách nhìn nhận và đánh giá của các thầy cô sẽ bằng con mắt tổng quát hơn. Nếu đặt giả thiết tình huống HS bị dồn nén sinh ra phản ứng ngược lại khó kiểm soát thì bất lợi cho chính đồng nghiệp đó của mình. 

Trong trường hợp nếu góp ý ở tổ chuyên môn nhưng GV vẫn không nhìn nhận ra thì cũng cần lời góp ý, động viên có trọng lượng hơn, tổng quát hơn từ phía BGH nhà trường.Việc làm này mong muốn hạn chế bớt rủi ro cho cả đồng nghiệp và học sinh của mình. 

Đối với trường tôi, BGH vẫn thường xuyên đồng hành cùng GV để hỗ trợ và tư vấn trong các vấn đề giáo dục chứ không phải là bắt lỗi và phê bình GV.

Bạn đọc

Bạn Hoabinhtran@...:

Việc giáo dục kỹ năng sống không chỉ thực hiện trong nhà trường, qua các môn học chính khóa, mà còn phải được thực hiện kết hợp với nhiều cách khác nhau qua các hoạt động ngoại khóa. Cô tổ chức những hoạt động này như thế nào?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Việc dạy kỹ năng sống thực ra nhiều người có thể hiểu phải là cái gì đó rất to lớn, hàn lâm, bài bản. Nhưng với cá nhân tôi, tôi nghĩ dạy giá trị sống, kỹ năng sống có thể qua rất nhiều cách.

Đơn giản là thông qua một sự việc, một câu chuyện, một sự việc thành công hay chưa thành công chúng ta đều có thể dạy cho học sinh vài kỹ năng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi trải nghiệm cũng là cách dạy kỹ năng rất tốt.

Với tôi, có lẽ do yếu tố đặc thù bộ môn là Giáo dục Công dân cho nên chỉ cần thông qua một câu chuyện, một việc làm một hành động đúng hoặc chưa chuẩn cũng có thể trở thành một bài học về giá trị sống kỹ năng sống cho các con.

HS trường THTP Đinh Tiên Hoàng tham gia hoạt động thiện nguyện tại Hòa Bình. Ảnh tư liệu
HS trường THTP Đinh Tiên Hoàng tham gia hoạt động thiện nguyện tại Hòa Bình. Ảnh tư liệu 

 

Bạn đọc

Bạn Lenguyenminh@...:

Tôi được biết môi trường giáo dục ở Trường Đinh Tiên Hoàng chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Xin cô cho biết cụ thể những nội dung giáo dục này là gì?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Ở Trường Đinh Tiên  Hoàng luôn chú trọng giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống, có những chương trình giáo dục được phối kết hợp với hội tâm lý của thành phố Hà Nội, có những chương trình giáo dục hướng nghiệp, chương trình xây dựng lớp học hạnh phúc, rèn học sinh theo phong cách “5 tự”: biết tự học sáng tạo, biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng và biết tự chịu trách nhiệm trước mỗi việc mình làm.

Thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng tìm hiểu truyền thống văn hóa tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thầy và trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng tìm hiểu truyền thống văn hóa tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Bạn đọc

Bạn huongthaonguyen@...:

Là một phụ huynh, tôi rất lo lắng khi con mình quá say mê với các thiết bị điện tử. Làm thế nào để con bớt thời gian chơi điện tử và tập trung cho học tập?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Dù là học sinh hay người lớn đều đang có xu hướng sử dụng nhiều hơn các thiết bị điện tử. Điều đó cũng là bình thường và phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội thời đại 4.0.

Nhưng việc chơi điện tử nhiều thực tế đang là nỗi lo, là báo động và cũng là một phần trong nhiệm vụ giáo dục của chúng ta.

Người làm cha mẹ hãy là gương tốt trong việc sử dụng thiết bị điện tử như trò chơi hay mạng xã hội, vì nếu cha mẹ không làm gương, trên tay luôn ôm điện thoại chat, lướt web... thì chắc chắn không thể nhắc con được.

Ngoài ra bạn cần có chia sẻ với các con sử dụng thiết bị điện tử như thế nào, học và giải trí cái gì trên thiết bị điện tử. Thậm chí bạn có thể cùng con tham gia vào các trò chơi để cùng hiểu, cùng ấn nút dừng và hướng việc sau chơi là tham gia các công việc khác như việc nhà, thể dục thể thao... Nhớ đừng cấm, đừng dùng giải pháp tịch thu, nếu không, bạn sẽ thất bại nhanh chóng.

Cô Nguyễn Lương Thiện và các em học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh tư liệu
Cô Nguyễn Lương Thiện và các em học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hồng Hạnh - Hà Nội:

Trước những thay đổi của cuộc sống, nhất là thời kì chuyển đổi số, cách mạng 4.0, phải đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh thế nào cho phù hợp, thưa cô?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Cuộc cách mạng 4.0 hay 5.0 thì cũng cần có những biện pháp giáo dục nhân văn và phù hợp, giáo dục đạo đức lối sống là một quá trình chứ không phải trong chốc lát, đương nhiên là cần chuyển đổi, không thể mang một tư tưởng cũ mèm hoặc truyền thống ra để làm mãi được. Cùng với công nghệ, đổi mới giáo dục là một giải pháp cần, rất cần, giống như chúng ta đang thích nghi với công nghệ số để làm việc trong dịch bệnh Covid-19.

Bạn đọc

Bạn Trần Thị Mỹ - Hưng Yên:

Tôi là giáo viên cấp THPT ở Hưng Yên. Trong lớp tôi dạy hiện có một số học sinh chưa ngoan, không chăm chú học tập. Làm thế nào để cảm hóa được những học sinh này, để các em theo kịp các bạn?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện - GV Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội
Cô Nguyễn Lương Thiện - GV Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội

Với vai trò là một người giáo viên, bạn phải kiên trì giáo dục, tìm hiểu kỹ hơn  những học sinh này. Bạn nên hạ thấp mục tiêu, không vì thành tích, kiên trì và chậm lại để cùng các con tháo gỡ khó khăn.

Nên có một chế độ "ưu tiên” hơn với những học sinh khó khăn và tìm sự đồng cảm của nhiều học sinh trong lớp. Phải tìm được nguyên nhân mới có giải pháp, để rồi tìm ra một phương án, một phương pháp giáo dục phù hợp nhất với từng con.

Cảm hóa phải là một quá trình dài hơi, không thể mong một học sinh có thể thay đổi ngay trong chốc lát và hãy luôn nghĩ tuổi các con có lỗi là bình thường, nhận ra lỗi, sửa lỗi mới là quan trọng, đó mới là nhiệm vụ của các thầy cô giáo.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hà My - Hà Nội:

Xin cô cho biết về “mô hình giáo dục đặc biệt” của Trường Đinh Tiên Hoàng? Những giải pháp mà cô và các giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng áp dụng để giáo dục học sinh ngay từ lúc mới nhập học?
Cô Nguyễn Lương Thiện

Cô Nguyễn Lương Thiện

Trường Đinh Tiên Hoàng không có gì đặc biệt, là ngôi trường bình thường như các trường tư thục, dân lập khác. Học sinh ở Trường Đinh Tiên Hoàng được trang bị kiến thức văn hóa để hoàn thành bậc THPT và học lên đại học như tất cả các học sinh trường công lập.

Bạn đọc

Bạn Phạm Long - Quảng Ngãi:

Nắm được hoàn cảnh cá nhân của HS, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, khuyết ba hoặc khuyết mẹ, ngoài thông qua lý lịch thì còn có thể có những kênh nào khác để tìm hiểu, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Để tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, ngoài việc thông qua lý lịch thì còn có thể sử dụng các kênh như: Thông qua hồ sơ học bạ; Qua giáo viên chủ nhiệm cũ; Phụ huynh và học sinh cùng lớp, cùng trường; Chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú.

Bạn đọc

Bạn Dương Đức Bình - Bình Định:

Để đồng hành và cảm hóa được những học sinh chưa chăm ngoan, có những hành động lệch chuẩn, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, mềm mỏng và đặc biệt là khả năng kiềm chế cảm xúc. Làm sao để có thể đáp ứng những yêu cầu này nếu GV không được tập huấn kỹ năng tham vấn học đường, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Những hiện tượng HS có hành vi chưa phù hợp với môi trường học đường không phải là hiếm. Trong suốt thời gian giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, bản thân tôi và các đồng nghiệp của tôi đã gặp khá nhiều.

Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về những trường hợp HS của lớp mình và tôi học được những kinh nghiệm quý báu từ chính các đồng nghiệp của mình.

Mỗi HS lại là một câu chuyện, mỗi tình huống lại là một phép ứng xử mà các đồng nghiệp chúng tôi đã chia sẻ cho nhau và tự trau dồi để thành một kỹ năng, bình tĩnh và sáng suốt khi xử lý những tình huống đặc biệt, những học sinh đặc biệt.

Bên cạnh đó trong các buổi họp hội đồng sư phạm của trường, các tình huống sư phạm cũng thường được các thầy cô đưa ra để cùng nhau chia sẻ và rút kinh nghiệm. Có những HS, các em không kiểm soát được hành vi của mình, chưa thực sự phân biệt được đúng sai, tốt xấu. Bởi vậy nếu chỉ dựa vào các hành vi bên ngoài của các em mà chưa có sự tìm hiểu tâm tư của các em sẽ dễ dẫn đến ức chế rất khó khan cho cả cô và trò. Trong tình huống này, sự bình tĩnh, kinh nghiệm xử lý của GV là điều hết sức cần thiết.

Cô và trò trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh tư liệu
Cô và trò trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn phamhoa 0914...:

Nhiều GV chủ nhiệm vì đặt nặng thành tích thi đua đã khiến cho giờ sinh hoạt lớp rất nặng nề. Theo cô, làm sao để vẫn giữ được thi đua của lớp mà học sinh không cảm thấy quá gò bó, cứng nhắc?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Với tôi khi làm công tác chủ nhiệm lớp thì quá trình mỗi cá nhân tiến bộ, tập thể lớp đoàn kết gắn bó và cùng đi lên, đó là thành tích lớn nhất. Do là một quá trình nên không thể ngày một, ngày hai, không thể lúc nào cũng đạt thành tích cao, trong quá trình ấy thậm chí phải có những thất bại, trả giá. Tôi luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tập thể, gần gũi để hiểu được tâm tư của HS, kết nối các thành viên trong lớp để các em thực sự thông cảm với nhau. Ở lứa tuổi các em đầy năng lượng nhưng cũng rất dễ nản chí khi không có sự thông hiểu nhau trong các hoạt động của lớp, cái tôi và tự ái cũng khá lớn.

Hoạt động tập thể luôn có sức lôi cuốn rất lớn các em học sinh. Ảnh tư liệu
 Hoạt động tập thể luôn có sức lôi cuốn rất lớn các em học sinh. Ảnh tư liệu

Trong các hoạt động, các em được ghi nhận, động viên kịp thời cả khi thất bại cũng như khi thành công thì tự các em sẽ gắn bó và không đơn độc trong lớp của mình. GVCN xây dựng đội ngũ cán bộ lớp có ý thức, có trách nhiệm, có uy tín với các thành viên lớp và luôn biết lắng nghe từ phía các bạn để trao đổi lại với GVCN kịp thời tìm giải pháp.

Nhiều năm qua tôi thấy các đồng nghiệp xung quanh tôi đã làm rất tốt công tác này. Qua mỗi hoạt động tập thể mà nhà trường tổ chức như hội trại, văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm, các nội dung chủ đề trong các giờ sinh hoạt… đã có sức lôi cuốn rất lớn các em vào các hoạt động chung. Tinh thần vì tập thể, tự hào về “ lớp mình”, “trường mình” giúp các em có thêm động lực trong hoạt động của mình 

Bạn đọc

Bạn Đăng Nguyên - Quảng Nam:

Những học sinh học yếu thì có thể dần dần tiến bộ. Nhưng những em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc chưa ngoan thì rất đáng lo ngại nếu không được kịp thời động viên, uốn nắn. Làm thế nào để GV chủ nhiệm và phụ huynh có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hỗ trợ những học sinh này, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Để hỗ trợ tốt cho các em thì sự đồng lòng giữa phụ huynh và GV chủ nhiệm là điều không thể thiếu. Nhưng để đạt được điều đó, nhất là trong trường hợp hoàn cảnh gia đình HS đặc biệt thì GVCN cần hiểu rõ HS của mình. GV nên chủ động tìm hiểu hoàn cảnh của HS và chủ động trao đổi với phụ huynh những hoạt động của HS tại trường lớp như một học sinh bình thường của lớp, tránh có sự phân biệt hay chỉ trích phê bình HS, tạo điều kiện tốt nhất có thể để HS đó có thể tham gia các hoạt động của lớp, dần tạo mối quan tâm chung giữa gia đình và nhà trường với mục đích chung giáo dục các em.

Bất kỳ một gia đình dù có hoàn cảnh thế nào thì từ trong sâu thẳm suy nghĩ của các bậc làm cha mẹ đều mong sự tốt đẹp cho con mình. Tôn trọng và bao dung với HS, đồng cảm với phụ huynh, thì tôi tin rằng phụ huynh sẽ đồng hành tốt cùng nhà trường để giáo dục con em mình. 

Bạn đọc

Bạn Trần An, Đà Nẵng:

Có một thực tế là nhiều học sinh rất ngại chia sẻ những vướng mắc về tâm lý, học tập với cha mẹ, thầy cô giáo. Làm thế nào để nhận ra những học sinh gặp khó khăn để có thể hỗ trợ các em được tốt, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Có thể nói, giai đoạn cuối cấp THCS là giai đoạn khủng hoảng và khó khăn trong cuộc đời học sinh. Mọi học sinh đều rất cần đến sự giúp đỡ của người thân và thầy cô giáo. Chỉ khi các em không đủ niềm tin hoặc các em chưa cảm nhận được tình yêu thương từ GV chủ nhiệm thì các em mới khép mình, che giấu những khó khăn của bản thân.

Vậy nên, GVCN cần phải khơi dậy được ở học sinh niềm tin vào bản thân, gạt bỏ những rào cản tâm lý để các em có thể đối mặt với những vấn đề của mình. Mỗi sự thay đổi về sức khỏe, kết quả học tập, thái độ học tập của các em đều có thể là những dấu hiệu cho thấy các em đang “không ổn”. Khi đó, GVCN cần chủ động nói chuyện, khơi gợi cảm xúc từ học sinh.

Tuy nhiên, khi vấn đề không chỉ thuộc về cá nhân học sinh, thì GVCN cần tìm cách trợ giúp cho các em bằng nhiều cách, trong đó có việc tiếp xúc với các đối tượng có liên quan đến học sinh như gia đình, tập thể lớp, những người bạn thân của học sinh đó,... để tìm hiểu vấn đề, từ đó giúp học sinh vượt qua khó khăn.

Theo cô Nguyễn Thị Việt Hà, GVCN cần phải khơi dậy được ở học sinh niềm tin vào bản thân. Ảnh tư liệu
Theo cô Nguyễn Thị Việt Hà, GVCN cần phải khơi dậy được ở học sinh niềm tin vào bản thân. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn vananhha@...:

Học sinh thời nay có nhiều thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi so với trước đây và các em cũng thể hiện những điều đó ngay trong phạm vi lớp học. Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao hiểu đúng tâm lý để có thể đồng hành cùng HS của mình?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Đây là vấn đề mà nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng khi trao đổi tâm sự với GV. Cha mẹ nói rằng các bạn ấy trở thành những con người hoàn toàn khác và không biết làm thế nào với con mình. Đây là giai đoạn khủng hoảng tâm lý và cả sinh lý của trẻ. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc các em tiếp nhận thông tin trên mạng Internet là chuyện đương nhiên và khả năng các em tiếp xúc với các nguồn thông tin không chính thống là không thể tránh khỏi. Có những HS sau này chia sẻ lại chính bản thân em cũng không biết vì sao hồi đó em như thế. Có nghĩa bản thân các em cũng không hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình.

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, nhu cầu được những người xung quanh tôn trọng ý kiến cá nhân là rất lớn. Do đó GV và phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của các em để có thể hiểu suy nghĩ, hành vi của các em - từ đó dẫn dắt các em theo chiều hướng tích cực.

Bạn đọc

Bạn ngoanhtho@...:

Độ tuổi 15 thường diễn biến tâm lý khá phức tạp. Vậy làm thế nào để giáo viên chủ nhiệm có thể làm bạn với học sinh, để các em có thể tin cậy chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tuổi mới lớn?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Muốn trở thành một người bạn của học sinh, tôi nghĩ mỗi thầy cô giáo phải thật sự bắt đầu từ tâm thế của một người bạn.

Khi chân thành, thành thật, không cố gắng gần gũi các em với mục đích quản lý thông tin, thì chúng ta sẽ có cách riêng đối với mỗi đứa trẻ. Và khi đã trở thành một người bạn thật sự, chúng ta cũng sẽ có cách riêng để giúp mỗi đứa trẻ phát triển theo cách tốt nhất có thể 

Bạn đọc

Bạn minhtam99@...:

Xin cô chia sẻ kinh nghiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp cuối cấp, làm thế nào để theo sát tình hình, nề nếp của lớp, kỷ luật mà vẫn gần gũi học sinh?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà và HS Trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh tư liệu
Cô Nguyễn Thị Việt Hà và HS Trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh tư liệu

 

Học sinh cuối cấp là đàn anh, đàn chị trong trường và các em đã có 3 năm đồng hành cùng nhau ở cấp THCS nên các em đã có những trải nghiệm nhất định. Khi đồng hành cùng các em trong năm học cuối cấp tức là đã cùng các em trên một chiếc thuyền và đó là thông điệp tôi luôn truyền tải tới các em. Với cùng mục tiêu chung, GV và HS dễ hợp tác với nhau trong mọi việc.

Các hoạt động trong lớp chia theo đơn vị tổ và lớp trưởng, chi đội trưởng sẽ điều hành chung. Các cán sự lớp trao đổi và thống nhất với nhau về các hoạt động của lớp và có sự thông qua của GVCN, GV phân công các đôi bạn phù hợp giúp đỡ nhau cùng tiến. GVCN thường xuyên cập nhật thông tin từ các giáo viên bộ môn, từ cha mẹ HS.

Đây là năm học quan trọng và rất nhiều áp lực đối với các em từ nhiều phía, từ ngay chính bản thân các em, tận sâu trong tâm thức các em luôn mong muốn có được sự thông cảm và thấu hiểu. Nếu GVCN có thể là người các em đủ tin tưởng thì các em sẵn sàng chia sẻ. Cũng chính từ những chia sẻ này mà GVCN có những phương cách cụ thể để điều chỉnh các hoạt động giáo dục của lớp cho phù hợp.

Bạn đọc

Bạn Đông Anh - Hưng Yên:

Tôi có con trai đang học lớp 9, chỉ sau một tuần học, cô giáo chủ nhiệm có nhắn tin cho phụ huynh là cháu không tập trung trong các giờ học, có biểu hiện buồn ngủ, nhờ gia đình phối hợp để xem cháu có mê game không. Tôi rất bối rối và chưa biết phải làm thế nào, xin cô cho tôi một vài lời khuyên?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cháu không tập trung trong các giờ học, có biểu hiện buồn ngủ có thể đến từ nhiều nguyên nhân: Thiếu sự phân bổ thời gian hợp lý cho việc học tập và giải trí và có khuynh hướng sa đà vào các yếu tố gây xao nhãng; Không có động lực học, không hứng thú với việc học; Gặp sự cố về chuyện tình cảm trong gia đình hoặc với bạn bè...

Muốn tìm hiểu đúng nguyên nhân thì phụ huynh cần gần gũi, dành thời gian quan tâm đến cháu. Quan tâm chứ không phải theo dõi, giám sát - để tìm đúng nguyên nhân vì sao cháu có biểu hiện như vậy.

Nếu nguyên nhân do cháu sa đà vào các trò chơi điện tử thì việc cha mẹ dùng bạo lực là tuyệt đối không mang lại kết quả, thậm chí là ngược lại. Trong trường hợp này, cha mẹ tìm cách gần gũi và thực sự lắng nghe tâm tư của con.

Trong hành trình của con không hẳn lúc nào cha mẹ cũng can thiệp đúng, nhiều khi sự áp đặt của cha mẹ cũng là một yếu tố làm con có tâm lý bức bối, dẫn đến chệch hướng. Cha mẹ cũng nên nói chuyện nghiêm túc với con và tôn trọng suy nghĩ của con để có thể thấu hiểu và từng bước dẫn dắt con trở lại đúng đường.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được tiếp xúc với những người bạn, người thân mà con tôn trọng, yêu mến, những người có thể truyền cảm hứng tích cực đối với con hoặc tạo điều kiện để con được gặp gỡ các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia tâm lý sẽ khai thác được nguyên nhân vấn đề con đang gặp phải và đưa ra hướng giải quyết cho con của bạn.

Bạn đọc

Bạn phanvinhyen@...:

Thưa cô, làm chủ nhiệm lớp cuối bậc học THCS, giáo viên chắc có những áp lực nhất định song cũng nhiều niềm vui. Vậy, cô có thể cho biết những khó khăn, thuận lợi khi đồng hành cùng học sinh cuối cấp?
Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà

Cô Nguyễn Thị Việt Hà- GV Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
Cô Nguyễn Thị Việt Hà- GV Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) dù là ở lớp học nào, bậc học nào thì cũng vất vả vì đó là một công việc đặc biệt. GVCN phải dành nhiều thời gian, không chỉ thời gian trên lớp mà còn thời gian ngoài lớp học để quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi em trong lớp của mình.

GVCN cuối bậc học THCS lại càng vất vả hơn vì đây là giai đoạn có nhiều sự thay đổi tâm lý lứa tuổi ở học sinh.

Ngoài việc học tập, các em có nhiều ước mơ, nhiều mối quan tâm đến gia đình, bạn bè, xã hội nên có thể dẫn đến những sao nhãng trong học tập. Đây lại là năm học đặc biệt quan trọng để các em cần phải tự đánh giá năng lực bản thân, xác định cho mình hướng đi mới là tiếp tục học THPT hay học nghề.

Vì vậy, GVCN phải làm tốt vai trò của mình, vừa là người đồng hành, vừa là người định hướng giáo dục, vừa là bạn, vừa là chỗ dựa tin cậy của học sinh bằng cách tăng cường phối hợp với gia đình, các tổ chức trong nhà trường, giáo viên bộ môn để hiểu đúng, hiểu rõ và định hướng đúng cho học sinh của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ