Giao lưu trực tuyến “Thầy, cô người dân tộc thiểu số truyền cảm hứng cho học trò”

Chương trình giao lưu trực tuyến “Thầy, cô người dân tộc thiểu số truyền cảm hứng cho học trò” diễn ra trên báo Giáo dục và Thời đại từ 10h00 đến 11h00 thứ Sáu ngày 10/12.

Giao lưu trực tuyến “Thầy, cô người dân tộc thiểu số truyền cảm hứng cho học trò”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Cô Vi Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa);

- Cô giáo Lò Thị Hải, Trường Mầm non Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên)

Để mang con chữ đến với học trò vùng cao, những thầy, cô giáo “cắm bản” phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Bằng niềm tin và trách nhiệm, các thầy, cô đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đưa “con đò tri thức” đến với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Hành trình gieo con chữ ở vùng cao, miền biên viễn của Tổ quốc đối với những thầy, cô giáo “cắm bản” đó là hành trình lấp lánh những giọt mồ hôi, với biết bao khó khăn, vất vả. Những giọt mồ hôi của biết bao thầy, cô đã thấm vào núi rừng để đổi lại là niềm hạnh phúc của các em học sinh được đến trường mỗi ngày. Để từ đó, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục miền núi và miền xuôi, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

Câu chuyện của những thầy, cô cắm bản sẽ được cô giáo Vi Thị Vinh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) và cô Lò Thị Hải (sinh năm 1989), ở Trường Mầm non Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) chia sẻ đến bạn đọc Báo Giáo dục và Thời đại.

Cô giáo Vi Thị Vinh đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” tại ngôi trường Mầm non Trung Thượng. Từ một trường nằm trong khu vực khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, trường Mầm non Trung Thượng đã vinh dự công nhận là trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 2 và trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Còn cô Lò Thị Hải dù bị tai nạn và để lại thương tật, nhưng cô vẫn miệt mài với học sinh nơi vùng cao. Cô đã “cắm” ở tất cả các điểm trường bản trên địa bàn xã Tìa Dình. Suốt gần 10 năm công tác trong ngành Giáo dục thì cũng từng ấy năm cô Hải giảng dạy ở các điểm bản và đến nay là điểm bản Tào La.

Để giao lưu cùng các khách mời, ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới khách mời tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa)

Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Trường Mầm non Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên)

Bạn đọc

Bạn Thunguyen...@gmail.com:

Được biết cô bị tại nạn trầm trọng trong một lần đến điểm trường dạy học. Cô có thể chia sẻ chút ký ức về câu chuyện này không?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Khó khăn nhất phải kể đến ở đây là giao thông. Ngoài 1 số đoạn rất ngắn được trải bê tông, thì còn lại đều là đường đất, đèo dốc hiểm trở. Mùa mưa đi lại vô vùng vất vả, việc ngã xe, bị thương xảy ra như cơm bữa.

Vết sẹo trên mặt tôi là do tai nạn trong lần đầu tiên đến nhận phụ trách tại điểm bản Na Xu, đây là bản xa và đường đi khó khăn nhất. Hôm tôi đi lại có một mình và đúng vào ngày mưa, đường rất trơn.

Tôi phải mất nhiều giờ, vừa đi vừa dắt, đến con dốc cách điểm bản chừng 2km thì xe bỗng dưng mất phanh lao thẳng xuống vực. Tôi bất tỉnh mất chừng 20 phút, lúc tỉnh dậy chỉ thấy máu chảy xuống từ mặt, xe hỏng hết. Cố gắng bò lên, rồi đi bộ về điểm bản, nhờ dân giúp.

Nói thật, cơ địa tôi tốt nên vết thương nhanh lành, nhưng vì trong bản không có điều kiện chăm sóc thẩm mỹ nên để lại vết sẹo lớn. Thời gian đầu tôi không dám soi gương. Đôi lúc trên lớp, thấy học sinh nhìn mình có vẻ e dè tôi cũng chột dạ.

Giờ đây, cô Hải không còn tự ti với vết sẹo từ vụ tai nạn trên đường đến trường mà cô luôn tự hào về hành trình trở thành giáo viên "cắm bản" của mình.

Giờ đây, cô Hải không còn tự ti với vết sẹo từ vụ tai nạn trên đường đến trường mà cô luôn tự hào về hành trình trở thành giáo viên "cắm bản" của mình.

Hàng ngày, tôi tìm cách “tạm quên” khiếm khuyết trên gương mặt, để thực hiện nhiệm vụ, cố gắng gần gũi, chăm sóc tận tình cho các con. Có lẽ cảm nhận được tình cảm, nên dần dần thay vì sợ sệt thì có em còn đưa tay vuốt ve vết sẹo.

Có nhiều người gọi tôi là cô Hải sẹo. Nhưng giờ điều đó không khiến tôi tự ti, mà ngược lại, nó nhắc tôi nhớ đến kỉ niệm đầy tự hào về hành trình trở thành cô giáo cắm bản của mình.

Bạn đọc

Bạn Trungpham…@gmail.com:

Là người con dân tộc Thái, lại thực hiện nhiệm vụ ở nơi đa phần con em đồng bào Mông, cô có gặp phải khó khăn gì? Làm như thế nào để cô vượt qua những khó khăn đó?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Khó khăn thì nhiều lắm, nhất là thời gian đầu khi tôi mới đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi dân tộc Thái, mà ở đất Tìa Dình này thì đa phần là dân tộc Mông. Vướng mắc đầu tiên tôi gặp phải là sự bất đồng ngôn ngữ.

Khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa là khó khăn lớn nhất khi cô Hải mới về giảng dạy ở Tìa Dình.

Khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa là khó khăn lớn nhất khi cô Hải mới về giảng dạy ở Tìa Dình.

Tôi còn nhớ, năm đầu một mình phụ trách tại điểm Na Xu - 100% là đồng bào Mông sinh sống. Khi đến vận động học sinh, nói phụ huynh không hiểu, cứ lắc đầu Chi Pâu (tức là không biết). Tôi phải dùng ngôn ngữ thứ 3 (tiếng phổ thông) và nhờ đến sự giúp đỡ của Trưởng bản, công an viên, người có uy tín…

Lâu dần, tôi học tiếng Mông. Bắt đầu bằng việc học các câu thông dụng nhất, như: Chào hỏi, mời ăn cơm, uống nước, đi học, về nhà… từ chính bọn trẻ. Sau 2 năm đầu thì tôi đã có thể giao tiếp với bà con bằng ngôn ngữ của họ.

Thêm nữa là sự khác biệt về văn hóa. Năm ấy, sau thời gian nghỉ Tết, quay trở lại trường mà chỉ có vài học sinh đến lớp. Đến ngày hôm sau vẫn thấy các em nghỉ, tôi lập tức đến nhà trưởng bản hỏi thì được biết các em vẫn chơi xuân cùng gia đình. Tôi phải mất cả ngày đến nói chuyện với các chức sắc trong bản và nhờ họ cùng đến từng nhà để vận động cho con em ra lớp.

Mới đầu họ còn phản ứng, bảo “cô giáo không phải đồng bào mình không hiểu phong tục của bà con rồi!”. Tôi mới nói với bà con là tôi rất tôn trọng phong tục, tập quán của bà con, đó là nét đẹp văn hóa. Người lớn công việc nông nhàn rồi thì vẫn có thể tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ. Nhưng việc đi học là quyền lợi thiết thực của trẻ em, là tốt cho bọn trẻ. Với lại đây cũng là quy định chung của nhà nước, nếu cứ cho các cháu đi chơi mà không tham gia học tập là vi phạm. Vậy là hôm sau họ cho con đi học đầy đủ.

Sau này có kinh nghiệm hơn rồi thì cứ đầu năm học mới hoặc ra tết tôi thường lên trường sớm hơn để đi vận động các gia đình. Có nhà chỉ cần thông báo, có nhà phải đi 3, 4 lần nhưng vẫn kiên trì.

Bạn đọc

Bạn nguyendung...@gmail.com:

Cô có thể chia sẻ công việc hằng ngày của mình và các học sinh ở đây thế nào không ạ?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Ở đây không như các vùng thuận lợi, vì đời sống còn khó khăn, bà con tập trung lo kinh tế nên không dành nhiều sự quan tâm đến con cái, về cả thời gian và sự chăm sóc.

Là giáo viên “cắm bản”, tôi phải làm mọi việc. Ngoài các nhiệm vụ chính của một cô giáo, chúng tôi còn làm mẹ, chăm lo cho các con từ bữa ăn, giấc ngủ. Buổi sáng, tôi tổ chức các hoạt động giảng dạy như bình thường. Đến cuối giờ thì tranh thủ học sinh tự chơi để nấu bữa trưa cho các con.

Cùng với việc giảng dạy, hàng ngày cô Hải phải thay cha mẹ chăm sóc học sinh.

Cùng với việc giảng dạy, hàng ngày cô Hải phải thay cha mẹ chăm sóc học sinh.

Vì giao thông cách trở, không điện lưới quốc gia nên chỉ có đầu tuần và cuối tuần là tôi cố gắng ra trung tâm để lấy thực phẩm tươi sống vào chế biến cho các con. Còn lại, trong tuần các con phải ăn đồ khô, như: Trứng, cá khô, thịt hộp… Rau xanh cũng vậy. May mắn là bây giờ bà con cũng ý thức với việc học của con hơn, quý cô giáo, nên thỉnh thoảng mang rau, bí trồng trên nương lên để cô giáo chế biến.

Nếu như ở các vùng thuận lợi, hết giờ hành chính là hết việc. Nhưng ở đây nhiều phụ huynh 6, 7 giờ tối vẫn ở trên nương nên giao cả cho cô giáo. Nhiều lần vì bận việc, họ cũng không đưa con đến trường, giáo viên lại phải trực tiếp đến nhà đón.

Đồ dùng, đồ chơi các con mặc dù có được cấp, nhưng chỉ đáp ứng một phần. Để các con có đa dạng đồ chơi, phát triển tư duy, nhận thức, giáo viên như chúng tôi nhiều lúc phải bỏ tiền túi mua nguyên vật liệu rồi tự tay làm. Nhưng mỗi lần nhìn các con hứng thú với đồ chơi mới, tôi lại thấy được động viên rất nhiều.

Bạn đọc

Bạn Giàng My – Lai Châu:

Gần 10 năm trong nghề, cô là một trong những giáo viên “cắm” ở tất cả các điểm trường bản trên địa bàn xã Tìa Dình… điều gì khiến cô tự tin bám bản như thế? Là một giáo viên “cắm bản”, cô phải đối mặt với những khó khăn gì?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Những kinh nghiệm của bản thân, cũng như sự chia sẻ giữa các đồng nghiệp giúp tôi tự tin “cắm” bản. Mặc dù vất vả hơn rất nhiều. Vì làm giáo viên “cắm bản” tôi không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mà phải làm mọi việc để tổ chức, duy trì lớp học của mình.

Những kinh nghiệm có được giúp cô Hải tự tin "cắm bản".

Những kinh nghiệm có được giúp cô Hải tự tin "cắm bản".

Ở đây đa phần các điểm bản đều khó khăn về giao thông, nước sạch, không điện lưới quốc gia, không mạng internet nên làm bất cứ việc gì cũng gặp vướng mắc. Đơn cử như giáo viên chúng tôi hàng ngày phải soạn giáo án, thực hiện nhiệm vụ báo cáo về trường trung tâm, nhưng vì không có điện và internet nên phải xoay đủ cách.

Rồi ban ngày thì có học sinh, nhưng tối đến rất cô đơn. Điểm nào cố 2, 3 cô giáo với nhau còn đỡ, chứ “cắm bản” một mình thực sự buồn. Trên vùng cao cũng lạnh nữa, thời điểm tháng 11 trở đi là bắt đầu rét buốt rồi. Vào giữa mùa còn có băng tuyết nữa. Thời gian đầu tôi chưa quen, tay chân cước đỏ hết. Mỗi lần nấu ăn cho các con phải động đến nước buốt lên tận óc.

Nhưng sống trong hoàn cảnh nào thì phải tìm cách để thích nghi theo hoàn cảnh đó. Giờ đường nào tôi cũng đi được, thời tiết khắc nghiệt cũng quen rồi. Bà con sống được, mình cũng sống được.

Bạn đọc

Bạn Ducanhtran@....:

Điều kiện vật chất thiếu thốn, cô đã có những sáng kiến gì để giúp các học sinh của mình hào hứng đến trường học hơn?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Vì không có điện, hàng đêm cô Hải phải thắp nến và đèn dầu để soạn bài và thiết kế đồ chơi mới, tạo hứng thú cho học sinh.

Vì không có điện, hàng đêm cô Hải phải thắp nến và đèn dầu để soạn bài và thiết kế đồ chơi mới, tạo hứng thú cho học sinh.

Nhìn những lứa học trò lấm lem, thiếu thốn tôi thương lắm. Các em thiệt thòi vì sinh ra ở địa bàn miền núi, con đường đến trường có nhiều “rào cản” đặc thù. Nhất là học sinh nữ còn có thêm nhiều thách thức. Vì thế, tôi luôn cố gắng để các con được đến trường, đến lớp đầy đủ.

Học sinh của tôi ở lứa tuổi mầm non, còn rất nhỏ, chưa thể hiểu những điều lớn lao nên tôi truyền cảm hứng bằng việc tạo hứng thú đến trường cho các con. Từ việc trang trí lớp học, sáng tạo nhiều đồ chơi mới, tổ chức đa dạng các hoạt động vui chơi; chăm sóc, hướng dẫn các con; đến ngay cả bữa ăn cũng cố gắng thường xuyên đổi món để các con ngon miệng.

Tôi cũng cố gắng đa dạng hóa các hoạt động trong mỗi giờ lên lớp. Vừa để làm mới, thu hút học sinh mà cũng giúp các con phát triển toàn diện.

Bạn đọc

Bạn Kỳ Bảo – Hòa Bình:

Trong suốt thời gian công tác, đã bao giờ cô có suy nghĩ bỏ nghề không?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Nói thật, ngay thời gian đầu mới đi làm, tôi nhiều lần nghĩ hay là bỏ việc về quê, vì mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn. Nhà lại ở xa, cả năm cũng không về thăm được bố mẹ. Nhất là mỗi lần nghỉ hết hè lại không muốn quay về trường.

Đến khi tôi lấy chồng, sinh em bé, mang con theo lên trường được 9 tháng thì lại phải gửi ở nhà cho bố trông, vì trên này thiếu thốn nhiều thứ. Lúc con còn bé, thương cháu, tôi cũng nhiều lần định bụng muốn xin về gần.

Mỗi lần nghĩ đến sự hào hứng của bọn trẻ khi đến lớp, cô Hải lại có thêm động lực gắn bó với nghề.

Mỗi lần nghĩ đến sự hào hứng của bọn trẻ khi đến lớp, cô Hải lại có thêm động lực gắn bó với nghề.

Nhưng rồi cứ mỗi ngày đến lớp, thấy bọn trẻ con lấm lem hào hứng, thích thú với những điều mới cô giáo mang đến, tôi lại nguôi ngoai ý định. Cứ thế, mỗi lần có suy nghĩ ấy, tôi lại nhớ đến những kỉ niệm với học sinh, niềm vui của bọn chúng, thế là có thêm động lực. Nhìn những đứa trẻ thiếu thốn mọi thứ mà vẫn cố gắng đến trường mỗi ngày, tôi lại thấy khó khăn của mình chẳng là gì.

Thật lòng mà nói, ai mà không mong được gần gia đình, con cái, nhưng không phải cứ muốn là được. Nếu ai cũng muốn được như ý, thì chắc chẳng có ai lên những vùng như này để công tác. Rồi việc học của bọn trẻ ở đây sẽ ra sao?!

Một điều nữa là khi sống, gắn bó với bà con, học sinh ở đây thì tôi thấy rất thương họ. Cuộc sống bao đời cứ quẩn quanh với nương ngô, nương sắn, nếu không đi học để thoát ly thì sẽ không bao giờ thay đổi được.

Bạn đọc

Bạn Maianh…@gmai.com:

Cô cảm nhận thế nào về sự thay đổi của giáo dục trong những năm gần đây? So với thời cô còn đi học có sự khác biệt nào?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Những năm gần đây giáo dục miền núi đã thay đổi nhiều, nhất là về cơ sở vật chất, hạ tầng.

Những năm gần đây giáo dục miền núi đã thay đổi nhiều, nhất là về cơ sở vật chất, hạ tầng.

Phải nói là những năm gần đây giáo dục miền núi, mà cụ thể nhất là ở Tìa Dình đã thay đổi rất nhiều. Không chỉ là sự đầu tư của nhà nước, mà các tổ chức, cá nhân cũng quan tâm. Đơn cử như ở trường tôi đang dạy, ngày tôi mới vào làm gì có cơ sở vật chất như bây giờ.

Trước kia các điểm bản đa phần là nhà tranh tre, nứa lá, tốt hơn thì nhà gỗ tạm bợ, không đảm bảo điều kiện học tập cho các con. Nhưng giờ được đầu tư xây dựng hết rồi.

Ở các điểm bản, trước kia giáo viên ngày nào cũng phải 2 lượt đi hứng và xách nước từ các mó về trường phục vụ sinh hoạt của cô và trò, vất vả lắm. Nhưng giờ các tổ chức từ thiện quan tâm thì hỗ trợ đường ống dẫn nước về tận nơi, tuy không thoải mái, nhưng cơ bản cũng đảm bảo đủ dùng.

Đặc biệt là chế độ ăn trưa cho các con. Nói thật, các con ăn ở trường đầy đủ và ngon hơn ở nhà rất nhiều. Với các hộ nghèo, có khi ở nhà có cơm ăn là tốt rồi, nhưng ở trường thì các bữa thịt, cá, trứng… thay đổi liên tục. Từ ngày tổ chức nấu ăn trưa các con đi học chuyên cần và phát triển về thể chất hơn hẳn.

Bạn đọc

Bạn Thào Linh – Điện Biên:

Cô mong muốn, kỳ vọng gì ở những lứa học trò của mình?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Với học sinh miền núi, cô Hải chỉ mong muốn các em được theo học cao hơn nữa...

Với học sinh miền núi, cô Hải chỉ mong muốn các em được theo học cao hơn nữa...

Với học sinh ở đây, tôi không mong mỏi gì nhiều ngoài việc các em được học tập cao hơn. Vì chỉ có con đường đó mới giúp các em thay đổi chính cuộc sống của mình, sau đó mới kỳ vọng thay đổi được quê hương.

Muốn làm được điều đó thì cần sự quan tâm hơn nữa từ gia đình và xã hội. Cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm của các em. Cũng giống như tôi, nếu ngày trước không có những điều đó, thì chắc chắn không được như bây giờ. Có lẽ cũng sẽ lấy chồng, sinh con sớm rồi ở nhà làm ruộng.

Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận học sinh nữ phải bỏ học, lấy chồng sớm, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy. Lý do một phần ở bản thân, gia đình các em, phần cũng bởi những “rào cản” mang tính đặc thù. 

Bạn đọc

Bạn (Phương Vy – Lai Châu):

Xin cô cho biết, địa bàn cô đang công tác là nơi như thế nào? Trước khi đến với các bản xa xôi, cô có hình dung cuộc sống của cô và các em học sinh ở đó thế nào không? Và thực tế có giống như cô tưởng tượng?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Tìa Dình là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông. Ở đây, đời sống bà con chủ yếu vẫn phụ thuộc vào làm nương. Trường tôi công tác hiện có 1 điểm trung tâm và 6 điểm bản. Ngoại trừ 1 điểm bản cách trung tâm 3km, còn lại các điểm khác đều không có điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, khó khăn về nước sạch. Vì thế công việc của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non cũng ảnh hưởng nhiều.

Giao thông ở xã Tìa Dình - nơi cô Hải đang công tác đa phần vẫn là đường đất, đèo dốc.

Giao thông ở xã Tìa Dình - nơi cô Hải đang công tác đa phần vẫn là đường đất, đèo dốc.

Năm học này, tôi cùng 3 giáo viên khác phụ trách tại điểm Tào La. Đây gần như là điểm cao nhất trong xã, nên nhiều người vẫn gọi là nơi “mặt trời không rọi tới”. Một ngày ở đây chỉ có khoảng 2 giờ là nhìn thấy mặt trời, còn lại thời tiết âm u, mù sương và vô cùng rét.

Thương nhất là trẻ con ở đây vì chúng thiếu thốn đủ thứ. Nhiều em đến lớp chỉ có manh áo mỏng, có em lại không đi dép… Đứa nào cũng nhem nhuốc, bụng to, chân tay chai sần rồi cước đỏ...

Trước mỗi lần đi điểm bản mới, các giáo viên trong trường đều chia sẻ với nhau về thực tế ở đó. Nhưng cũng chỉ hình dung thế thôi, chứ khi trực tiếp đến rồi mới cảm nhận được hết. Mỗi người sẽ có cái nhìn và cảm nhận khác nhau, song đúng là động đến cái gì cũng thiếu. Đó là ngày trước thôi, có thể quen rồi nên giờ tôi thấy mọi thứ đều bình thường, và mỗi chuyến đi bản tôi đều có sự chuẩn bị cho mình.

Bạn đọc

Bạn Phạm Hồng - Sơn La:

Cô có thể cho biết, cơ duyên nào đưa cô gắn bó với điểm bản Na Xu, một địa bàn có không điện, giao thông cách trở, không sóng điện thoại suốt gần 10 năm qua?
Cô giáo Lò Thị Hải

Cô giáo Lò Thị Hải

Sau khi tốt nghiệp, tôi phải mất 2 năm ở nhà vì không xin được việc. Gia đình nhiều lần cũng giục lấy chồng, rồi sinh con. Thời gian 2 năm ở nhà dài đằng đẵng. Ngày tôi vẫn phụ giúp gia đình việc đồng áng, nhưng đêm về cứ nằm suy nghĩ mãi cũng thương bố mẹ nuôi ăn học bao năm.

Nhưng tôi nghĩ, đã mất công học tập để có tấm bằng sư phạm, không lẽ lại bỏ phí? Đến năm 2012, may mắn có người quen ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) giới thiệu tôi mới biết trên đó đang tuyển giáo viên mầm non, nên nộp hồ sơ xin việc. Tôi được phân công về giảng dạy tại Trường Mầm non xã Tìa Dình.

Khi còn trẻ, vì muốn thử sức nên cô Hải đã xung phong "cắm bản" Na Xu.
Khi còn trẻ, vì muốn thử sức nên cô Hải đã xung phong "cắm bản" Na Xu.

Để đảm bảo công bằng với mỗi giáo viên, nhà trường hàng năm đều được phân công luân chuyển giữa các điểm bản. Thường thì giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt, mang bầu, hoặc con nhỏ sẽ được ưu tiên ở trung tâm hoặc bản thuận lợi. Ngày ấy tôi mới đi làm, còn trẻ, muốn thử sức nên đã xung phong vào bản Na Xu. Lý do nữa cũng là vì tôi công tác xa gia đình thì ở bản hay trung tâm đều như nhau cả, mình đi để tạo cơ hội cho các cô giáo khác có hoàn cảnh hơn.

Suốt gần 10 năm công tác ở đây, ngoại trừ 2 năm có bầu và sinh em bé được nhà trường ưu tiêm ở điểm gần trung tâm, tôi đã “cắm” hết các điểm khó khăn của trường. Khó khăn, vất vả nhiều, nhưng ở bản, cuộc sống gần gũi với bà con cũng có những thú vị riêng. Bà con ai cũng biết rõ cô giáo, có việc gì cần huy động bà con đều tham gia rất nhiệt tình.

Bạn đọc

Bạn ngochadinh....@gmail.com:

Ngoài truyền đạt kiến thức, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền cũng rất quan trọng? Các cô giáo Trường Mầm non Trung Thượng đã làm điều này thế nào?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Ngoài truyền đạt kiến thức thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền là việc cũng rất quan trọng không thể thiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày tại địa phương. Điều đó giúp các cháu có thể hiểu hơn về những bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, nơi mình sinh sống.

Cô Vi Thị Vinh hướng dẫn học sinh tập chơi đánh chiêng.

Cô Vi Thị Vinh hướng dẫn học sinh tập chơi đánh chiêng.

Trong quá trình công tác các cô giáo trường Mầm non Trung Thượng đã tuyên truyền, giáo dục trẻ hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc mình bằng nhiều hình thức: Tổ chức hoạt động trải nghiệm như hoạt động học, hoạt động chơi, trò chơi dân gian, phiên chợ quê, tổ chức các lễ hội phù hợp với các thời điểm… Phối hợp với phụ huynh làm đồ dùng đồ chơi, ẩm thực vùng quê các mùa, các sản phẩm mang giá trị bản sắc dân tộc,… 

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Cúc, Thanh Hóa:

Được biết, tháng 11 vừa qua, nhà trường vừa được công nhận lại cấp độ chuẩn quốc gia, Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên nhà trường đã nỗ lực thế nào, thưa cô?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Tập thể giáo viên Trường Mầm non Trung Thượng.

Tập thể giáo viên Trường Mầm non Trung Thượng.

Sự thành công của nhà trường trong thời gian qua là thành quả của sự nỗ lực cố gắng vượt khó của của tập thể sư phạm nhà trường.

Với lòng yêu nghề, mếm trẻ  mọi khó khăn đó được tập thể cán bộ giáo viên nhà trường nỗ lực vượt qua để mang lại những điều tốt đẹp nhất cả về thể chất và tinh thần cho các cháu học sinh trong trường. 

Trường Mầm non Trung Thượng là trường vùng khó khăn, để có được như ngày hôm nay là do có sự vào cuộc của cả xã hội, sự quan tâm của các cấp, các ngành, cá nhân tổ chức cùng chung tay góp sức  trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ , tạo một ngôi trường “xanh - an toàn - thân thiện”.

Bạn đọc

Bạn Phuongle...@gmail.com:

Cô có thể chia sẻ những dự định, kế hoạch của Trường Mầm non Trung Thượng trong thời gian tới không?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Những dự định, kế hoạch trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại các điểm lẻ.

Thực hiện Chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 và thực hiện đầy đủ 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm học; Tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên với chuyên đề “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; Đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Cuối cùng là duy trì trẻ ra lớp và tổ chức ăn bán trú theo kế hoạch đầu năm.

Bạn đọc

Bạn Quý Bình, Sơn La:

Sau tất cả, niềm vui, hạnh phúc nhất của những thầy, cô giáo đang giảng dạy, cống hiến ở vùng sâu, vùng xa là gì, thưa cô?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Trải qua những ngày công tác cùng các cô giáo nơi đây mới thấu hiểu trái tim yêu thương và tấm lòng nhiệt huyết của các nhà giáo đối với học sinh thân yêu.

Các bé Trường Mầm non Trung Thượng tham gia cuộc thi Bé khỏe, bé tài năng cấp huyện.

Các bé Trường Mầm non Trung Thượng tham gia cuộc thi Bé khỏe, bé tài năng cấp huyện.

Chúng tôi tin rằng, những trăn trở, nỗi niềm, những cống hiến của các cô giáo vùng cao sẽ giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây xua đi cái nghèo khó. Sự cống hiến của các cô giáo sẽ góp phần đưa nền giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển tốt hơn.                                                                                                                

Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của những thầy cô giáo đang giảng dạy, cống hiến ở vùng sâu, vùng xa đó là hàng ngày đến trường được thấy sự vui tươi, khỏe mạnh, phát triển từng ngày của các bé yêu. Các bé luôn được bình an, luôn nở nụ cười trên đôi môi là niềm hạnh phúc vô bờ của người giáo viên mầm non.

Bạn đọc

Bạn Nam Anh, Lào Cai:

Là cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền biên viễn của tỉnh Thanh, với cô điều khó khăn, thách thức nhất là gì?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Những khó khăn thách thức đối với cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa đó là: Địa hình phức tạp, dân cư không tập trung, điều kiện kinh tế - xã hội thấp, mặt bằng dân số nghèo và cận nghèo vẫn duy trì tỷ lệ nhất định; việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục cá nhân, tổ chức xã hội hóa để phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn...

Cô và trò Trường Mầm non Trung Thượng.

Cô và trò Trường Mầm non Trung Thượng.

Các phòng học điểm lẻ còn phòng lắp ghép, phòng cấp 4 xuống cấp trầm trọng; trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế (vì chưa phủ sóng hết)...

Sự vào cuộc của phụ huynh, các tầng lớp nhân dân đối với giáo dục mầm non chưa quan tâm đúng mức.

Bạn đọc

Bạn Quangnguyen68@...:

Cô có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ nhất ở ngôi trường của mình và học sinh của mình không?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Hơn 20 năm công tác tại ngôi Trường Mầm non Trung Thượng, tôi rất nhiều kỷ niệm để nhớ và đáng nhớ nhất là khi tôi bước vào nghề giáo viên mầm non. Khi ấy, tôi được phân công giảng dạy tại điểm lẻ quãng đường cách xa nhà và điểm chính 10km. Thời điểm đó tôi phải đi bộ, chưa có đường xá đi lại thuận lợi như bây giờ. Nhiều buổi chiều mùa Đông, tôi đi bộ về nhà dù mới được nửa quảng đường nhưng trời đã tối mịt.

Tôi nhớ thời điểm đó, tiền lương mỗi tháng là 20 kg thóc của bản, nhân dân hỗ trợ.

Kỷ niệm với học sinh đó là năm học 2017 -2018, nhà trường chúng tôi làm công tác bàn giao học sinh 5- 6 tuổi vào lớp. Đầu năm học mới khi các cháu được tuyển vào lớp 1, một hôm vào buổi sáng có 1 cháu cứ đòi mẹ cho con đến học ở trường mầm non suốt 1 tuần, nhất quyết không đi học tại trường tiểu học vì nhớ các cô giáo tại trường mầm non và đặc biệt cháu cũng gần gũi với tôi (cười).

Bạn đọc

Bạn thuyvinh...@gmail.com:

Theo cô, trường học hạnh phúc là như thế nào? Để xây dựng một trường học hạnh phúc, điều cần phải làm, phải thay đổi là gì?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Trường học hạnh phúc là trường học “Xanh – an toàn – thân thiện”, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập của trẻ; rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sống đúng hướng, trẻ có được nhân cách phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Để xây dựng trường học hạnh phúc, điều cần phải làm, phải thay đổi đó là: 

- Mong muốn có được một ngôi trường hạnh phúc thì vai trò của người hiệu trưởng hay được gọi là người “đầu tàu”, là “thuyền trưởng” vô cùng quan trọng. Hiệu trưởng phải luôn tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và là người điều hành trên góc độ chia sẻ, không áp đặt ý kiến của mình cho người khác.

- Xây dựng môi trường học tập “xanh - an toàn - thân thiện” là điều cần thiết để thực hiện trường học hạnh phúc. Muốn làm được điều đó cần sự kiên trì, nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và sự quyết tâm của toàn ngành GD, đặc biệt là sự chung tay góp sức của cả cộng đồng môi trường hạnh phúc hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ.

Bạn đọc

Bạn duyanhnguyen@...:

Việc truyền cảm hứng cho học trò không phải là điều dễ dàng trong giảng dạy. Nhiều thầy, cô giáo đã phải thay đổi phương pháp giảng dạy,… Vậy, đối với các thầy, cô Trường Mầm non Trung Thượng thì sao, thưa cô?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Để truyền cảm hứng cho trẻ, tập thể cán bộ, giáo viên trong trường luôn thay đổi phương pháp giảng dạy. Một là, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cô giáo được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cải tiến và tạo thành nề nếp việc áp dụng những thiết bị hiện đại vào việc giảng dạy.                

Để truyền cảm hứng cho trẻ, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Trung Thượng luôn thay đổi phương pháp giảng dạy.

Để truyền cảm hứng cho trẻ, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Trung Thượng luôn thay đổi phương pháp giảng dạy.

Hai là, cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy, cụ thể nhà trường tiến hành kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng tháng, tổ chức các hội thi: Hội giảng, thi quy chế, thi làm đồ dùng đồ chơi, thi công nghệ thông tin... 

Tăng cường dự giờ đột xuất, kiểm tra việc soạn giáo án của các giáo viên cũng như các loại hồ sơ chuyên môn khác để từ đó đánh giá chất lượng giáo viên. Hàng tuần, mỗi tổ chuyên môn thực hiện một giờ dạy dưới sự theo dõi, đánh giá nhận xét của cả tổ, nhóm và Ban giám hiệu. 

Giờ đây tập thể giáo viên  nhà trường thật sự phát triển vững mạnh, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao. Nhà trường đã thực sự “thay da đổi thịt” với một diện mạo mới luôn xứng đáng với danh hiệu mà nhà trường đã được công nhận là trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 2 và trường chuẩn quốc gia mức độ 1. 

Từ việc đổi mới phương pháp, trẻ đến trường ngoan, lễ phép, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn tạo cảnh quan môi trường trong và ngoài lớp học “xanh – an toàn – thân thiện” nhằm năng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và ngày càng thu hút trẻ đến trường nhiều hơn.  

Bạn đọc

Bạn Bichxinhgv...@gmail.com:

Điều gì đã giúp cô và nhiều giáo viên ở trường gắn bó với các học trò người dân tộc thiểu số? Khi giảng dạy các con, thầy cô có gặp thêm những áp lực, khó khăn nào không?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Với tinh thần yêu nghề mến trẻ, yêu quê hương, giữ gìn bản sắc vùng miền, tôi và các giáo viên trong trường đã gắn bó với nghề, với các cháu trẻ thơ người dân tộc thiểu số.

Trong quá trình nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ, tôi và các cô đã gặp không ít những khó khăn như: Khả năng giao tiếp vốn từ Tiếng Việt của trẻ còn nghèo nàn, ở gia đình trẻ chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, sự phát triển và nhận thức của trẻ cũng không đồng đều, đối với các điểm lẻ các điều kiện phục vụ cho công tác tăng cường tiếng Việt còn thiếu thốn; 

Ngoài giờ tổ chức các hoạt động chính giáo viên luôn phải tăng cường tổ chức các hoạt động khác để cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với tiếng Việt nhiều hơn. Điều đó dẫn đến những khó khăn trong công tác giảng dạy của giáo viên.

Bạn đọc

Bạn vanhai...@gmail.com:

Là Hiệu trưởng một trường học ở vùng biên giới, trách nhiệm và áp lực như thế nào, thưa cô? Cô đã làm gì để vượt qua điều đó?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Với cương vị của một Hiệu trưởng trường mầm non ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào. Đây cũng là trường có điều kiện kiện tế đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ cách xa điểm chính 8 – 10 km, đường đi lại phức tạp phải qua đồi núi, qua sông, qua suối. Tôi luôn trăn trở làm thế nào để đổi mới công tác nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ được tốt hơn.

Bản thân tôi luôn rèn luyện, học tập năm bắt trên các kênh thông tin để  tìm tòi sáng tạo ra các hoạt động dạy học mới, dựa trên cơ sở lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó giữ vững lòng tin yêu với trẻ, với phụ huynh và các cấp lãnh đạo.

Giờ sinh hoạt ngoài trời của các bé Trường Mầm non Trung Thượng.

Giờ sinh hoạt ngoài trời của các bé Trường Mầm non Trung Thượng.

Trong các hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ tôi đã hướng dẫn đội ngũ giáo viên chú trọng việc phát triển tư duy cho trẻ. Ở độ tuổi mầm non, thông qua hoạt động vui chơi trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ, tư duy sáng tạo, tìm tòi, trải nghiệm, khám phá để kích thích trí tưởng tượng phong phú. 

Tôi cũng luôn xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể nhà trường; chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện đầy đủ quy chế nhà trường, quy định của ngành, của Nhà nước có liên quan đến công tác chăm sóc, nuôi dạy giáo dục trẻ. Đồng thời thường xuyên động viên, giám sát công việc chuyên môn, đời sống tinh thần cán bộ cấp dưới để kịp thời phát hiện, bổ sung những mặt yếu kém, khó khăn. 

Việc dạy học sáng tạo cũng như “tăng cường Tiếng Việt và trang bị các kỹ năng sống cho trẻ được chú trọng quan tâm. Từ đó giúp cho trẻ mạnh dạn, chủ động tích cực tham gia vào các hoạt động vui chơi giáo dục hiệu quả nhiều hơn.

Chính vì vậy, với vai trò quản lý giáo dục của mình, trong những năm qua tôi đã luôn áp dụng những phương pháp trên đã được tập thể nhà trường và các cấp lãnh đạo ủng hộ. 

Bạn đọc

Bạn Nhật Khánh, Yên Bái:

Thưa cô, hiện nay, nhà trường có bao nhiêu học sinh, giáo viên? Có bao nhiêu điểm lẻ và đã tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ được chưa?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Năm học 2021 – 2022 nhà trường có tổng số 166 học sinh/14 nhóm, lớp và 25 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trường Mầm non Trung Thượng hiện nay có 3 điểm lẻ, nhà trường đã tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ tại các nhóm, lớp 150 trẻ/166 đạt 90,4%.

Bạn đọc

Bạn Leanhba...@gmail.com:

Là ngôi trường nuôi dạy, chăm sóc các cháu Mầm non chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái, điều gì khiến cô trăn trở nhiều nhất? Ban giám hiệu đã có những kế hoạch, hành động gì để phát triển giáo dục toàn diện cho các con?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Trường Mầm non Trung Thượng có 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Thái). Bản thân tôi là Hiệu trưởng quản lý chung về mọi hoạt động của nhà trường, những điều khiến bản thân tôi trăn trở nhiều nhất đó là sự quan tâm nhiều hơn nữa của phụ huynh học sinh, các cấp, các ngành, tổ chức Chính trị xã hội, nhà hảo tâm có thể hỗ trợkinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại các điểm lẻ.

Cùng với đó là đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, tập thể sư phạm luôn có tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo yêu nghề, mếm trẻ; 100% trẻ  đến trường được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đảm bảo an toàn về vật chất lẫn tinh thần và phát triển toàn diện.

Bạn đọc

Bạn Hienpham87@...:

Hiện Trường Mầm non Trung Thượng đã thay đổi thế nào so với thời điểm cô với được bổ nhiệm về, thưa cô?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Nếu 5 năm trước, nhà trường thiếu cơ sở vật chất, cụ thể là thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy và học, thiếu đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động vui chơi giáo dục trẻ; đội ngũ giáo viên, nhân viên không đảm bảo theo định biên số trẻ, số lớp;

Đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên gặp nhiều khoa khăn, mức thu nhập của giáo viên hợp đồng của địa phương có khoảng cách quá xa so với giáo viên được biên chế; nhận thức của một số phụ huynh, nhân dân cũng như sự vào cuộc của một số ban ngành khác chưa thật sự quan tâm đúng mức về giáo dục mầm non; tỷ lệ huy động trẻ đên trường, đến lớp và ăn bán trú chưa cao.

Cô trò Trường Mầm non Trung Thượng.

Cô trò Trường Mầm non Trung Thượng.

Thì trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự nhìn nhận đúng mức của mọi tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm, nay nhà trường đã có được ngôi trường mới khang trang hơn. Các điểm lẻ cơ bản đủ về phòng học, trang thiết bị dạy và học đủ theo yêu; đảm bảo đủ về  số lượng đội ngũ giáo viên, chế độ chính sách nhà giáo tương đối ổn định. 

Bên cạnh đó với tinh thần đoàn kết của tập thể sư phạm, ban lãnh đạo đã từng bước xây dựng ngôi trường ngày càng phát triển. Tháng 11/2021 vừa qua, nhà trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1, và đạt kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2.

Mặc dù, các điều kiện hiện tại của nhà trường so với 5 năm về trước có nhiều bước tiến mới. Song, chế độ đãi ngộ nhà giáo thực hiện Quyết định số 861 ngày 04/ 6/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các xã khu vực III, khu vực II và khu vực I thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miềm núi giai đoạn 2021 -2025, đối với trường mầm non Trung Thượng nói riêng và các trường thuộc huyện có điều kiện đặc biệt khó khăn nói chung, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên vì chưa phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền. 

Bạn đọc

Bạn Congtu...@gmail.com:

Được biết, cách đây 5 năm cô Vi Thị Vinh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng, cô có thể cho biết cảm nhận của cô với ngôi trường và các học sinh của mình khi ấy thế nào?
Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh

Cô Vi Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Cô Vi Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quan Sơn - nơi giàu truyền thống bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái. Bản thân tôi cũng là người con dân tộc, vì vậy tôi luôn cố gắng tiếp bước truyền thống tốt đẹp đó. 

Ngay từ ngày còn nhỏ, tôi luôn ý thức cho mình tính tự học, tự rèn luyện, phấn đấu. Đến khi trưởng thành, tôi càng nỗ lực hơn để theo đuổi mơ ước của mình là trở thành cô giáo mầm non và ước mơ đó đã trở thành sự thật.

Qua thời gian 6 năm làm giáo viên trực tiếp đứng lớp và 16 năm làm quản lý bản thân tôi luôn nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo các cấp. 

Với cương vị là hiệu trưởng - người đứng đầu trường mầm non có 3 điểm lẻ, địa hình phức tạp, các cháu đến trường phải qua sông, qua suối. Ngoài ra, có tới 86% đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và 100% các cháu học sinh (HS) là người đồng bào dân tộc thiểu cùng những khó khăn khác, tôi luôn trăn trở, lo lắng với công việc mới. 

Để đáp lại sự tin tưởng của phụ huynh học sinh, các cấp lãnh đạo, tôi cố gắng dồn hết tâm, hết sức với khả năng có thể của mình, để cùng tập thể  cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường xây dựng ngôi trường có thể gọi là gia đình thứ hai để các cháu phát triển tốt hơn. 

Tất cả những khó khăn ban đầu tưởng đâu không thể vượt qua được, giờ đây đã nhường chỗ cho mái trường khang trang, luôn có những tiếng cười, niềm vui, sự thân thiện của đồng nghiệp, các cháu học sinh.

Những ngày tháng làm việc dưới mái trường mầm non Trung Thượng thân yêu, tôi cảm nhận được tình cảm của đồng nghiệp, tình cảm đáng yêu của các cháu học sinh thật ấm áp. Điều này đã tạo động lực cho tôi vững tin hơn trên con đường sự nghiệp phát triển giáo dục, của mình.

Tất cả đều in dấu vào lòng tôi những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý, sự nỗ lực và cố gắng của bản thân. Các cháu nhỏ sẽ được các cô nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục thật tốt, luôn tràn ngập niềm hạnh phúc dưới mái trường mầm non thân yêu này. Để mỗi cháu học sinh, mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc, với  chủ đề “Trường mầm xanh – an toàn, thân thiện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ