Giao lưu trực tuyến 'Đồng hành cùng trò vùng cao'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Đồng hành cùng trò vùng cao' là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ 2 ngày 26/12/2022

Chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề : “Đồng hành cùng trò vùng cao”
Chương trình Giao lưu trực tuyến chủ đề : “Đồng hành cùng trò vùng cao”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Thầy Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên;

- Cô Trần Thị Thanh Huệ, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Những năm qua, bằng tấm lòng yêu thương, mong muốn được chia sẻ khó khăn, thiếu thốn với học sinh người dân tộc thiểu số, các trường nội trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những cách làm hay, thiết thực góp phần hỗ trợ, đồng hành, nâng bước đến trường cho nhiều thế hệ học sinh, ươm mầm xanh tài năng cho quê hương, đất nước.

Nhà báo Ngô Sỹ Nha, Phó trưởng Văn phòng đại diện khu vực Việt Bắc - Báo Giáo dục và Thời đại tặng hoa cảm ơn hai khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến.
Nhà báo Ngô Sỹ Nha, Phó trưởng Văn phòng đại diện khu vực Việt Bắc - Báo Giáo dục và Thời đại tặng hoa cảm ơn hai khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến.

Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ cùng chia sẻ những câu chuyện, quan điểm và đánh giá về công tác chăm sóc, giáo dục học sinh người dân tộc thiểu số, qua đó đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc

Bạn đọc

Bạn Thaolinh97@... :

Mặc dù là trường dân tộc nội trú với đầu vào học sinh không đồng đều, nhưng những năm gần đây Trường TP Vùng Cao Việt Bắc luôn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100%, trong đó nhiều em đỗ vào các trường thuộc top đầu của cả nước như Học viện Quân y, Học viện Hậu cần, Học viện An ninh Nhân dân, trường Đại học Dược Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân... Cô có thể cho biết thầy và trò của trường đã cùng nhau cố gắng và nỗ lực ra sao?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Với mong muốn các thế hệ học trò thân yêu sẽ trưởng thành với kết quả học tập tốt nhất, chính vì vậy nhà trường đã có kế hoạch phân luồng học sinh ngay từ khi các em mới bước vào năm lớp 10.

Trường PT Vùng Cao Việt Bắc fđặt mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Trường PT Vùng Cao Việt Bắc fđặt mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Đối với học sinh cuối cấp, nhà trường đã huy động tối đa giáo viên cốt cán, giáo viên có năng lực, phương pháp giảng dạy hay và hiệu quả cùng nhau dồn sức ưu tiên bồi dưỡng và ôn tập thật tốt cho học sinh lớp 12.

Các thầy cô giáo bộ môn đã xây dựng đề cương ôn tập, cung cấp tài liệu ôn thi cụ thể cho các em. Đối với từng môn học, chú trọng những kiến thức trọng tâm và dạy học theo lược đồ tư duy.

Với đặc thù là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, các em thường rất tự ti, mặc cảm và có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, để giúp các em có cơ hội và bắt kịp kiến thức với các thí sinh khác, nhà trường đã phân công một số thầy cô phụ đạo thêm vào những buổi trống, buổi tối.

Chỉ trong 10 tuần cuối của học kỳ, nhà trường rất quyết liệt và nỗ lực để làm sao giúp các em ôn tập thật tốt, cố gắng đạt kết quả cao nhất và mục tiêu của Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc là 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.

Bạn đọc

Bạn nguyenvuvan...@gmail.com:

Chuyển đổi số hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Đặc biệt, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên đi đầu về chuyển đổi số. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thái Nguyên, công tác chuyển đổi số đã được thực hiện ra sao nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thúc đẩy sự phát triển cho học sinh là đồng bào người dân tộc thiểu số, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Ngay sau khi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, thực hiện các chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, của ngành giáo dục, Nhà trường đã tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết, quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

Giao lưu trực tuyến 'Đồng hành cùng trò vùng cao' ảnh 9

Nhà trường ban hành kế hoạch cụ thể, thành lập Ban Chỉ đạo, quyết tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả theo lộ trình kế hoạch đề ra.

Kết quả nổi bật đã đạt được trong thời gian qua: Nhận thức của đội ngũ và học sinh đã thực sự thay đổi; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp đủ, chất lượng; Quản lý Nhà trường bằng phần mềm; dạy - học, kiểm tra, đánh giá, hội họp trực tuyến bằng các nền tảng, phần mềm bản quyền trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 rất hiệu quả;

Chia sẻ thông, tin, học liệu trên môi trường mạng hiệu quả, thiết thực; Đã sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay hồ sơ giấy; quản lý văn bản trên hệ thống liên thông hiệu quả; Mọi thanh toán đều chuyển khoản không dùng tiền mặt (chi trả chế độ, học bổng, khen thưởng, nộp tiền ăn...).

Bên cạnh đó, thầy và trò nhà trường đã cài đặt và sử dụng các tiện ích như: C-ThaiNguyen, Định danh cá nhân mức độ 2, Sổ tay đảng viên, Sổ sức khỏe điện tử...

Chuyển đổi số góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và tạo bước nhảy nói riêng phát triển học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn theo kịp học sinh miền xuôi.

Bạn đọc

Bạn Hoangtrang@123.... :

Với số học sinh đến từ 32 dân tộc khác nhau, mỗi em đều mang một bản sắc riêng của dân tộc mình. Vậy, nhà trường đã có những giải pháp và cách làm như thế nào để góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc trong học sinh và nâng cao nhận thức, năng lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Thời gian qua, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã có nhiều đổi mới về hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Chương trình Chào năm mới mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc được Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức thường niên.

Chương trình Chào năm mới mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc được Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tổ chức thường niên.

Thông qua việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, hoạt động ngoại khóa như chương trình sinh hoạt dưới cờ, chương trình chào năm mới mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc, hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn… đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm nhấn và những bước đột phá góp phần tích cực vào việc hình thành tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng.

Qua đó, giúp các em hình thành và xây dựng các kỹ năng cần thiết để tiếp thu, học hỏi, vận dụng tri thức ở hiện tại cũng như trong tương lai, làm phong phú thêm nội dung giáo dục đặc thù tại trường Phổ thông dân tộc nội trú, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người phong phú về tri thức và văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi.

Bạn đọc

Bạn hoacucanh...@gmail.com:

Thưa thầy, đối với học sinh người dân tộc thiểu số đang theo học tại nhà trường có gặp khó khăn hay không trong công tác hướng nghiệp? Nếu có thì khó khăn đó là gì? Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên tham gia Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Những khó khăn trong công tác giáo dục dân tộc kể trên cũng là những khó khăn trong công tác giáo dục hướng nghiệp ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Trong đó, có thể điều kiện kinh tế gia đình là khó khăn lớn nhất để các em đi đào tạo nghề hoặc lựa chọn nghề yêu thích và phù hợp nhất với bản thân sau khi các em học song chương trình giáo dục phổ thông.

Bạn đọc

Bạn damhaivan...@gmail.com:

Hiện nay, công tác hướng nghiệp đang được quan tâm, đặc biệt là đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Nhà trường đã và đang có những giải pháp nào để giúp các em có định hướng và lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn cho tương lai?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên tham gia ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên tham gia ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp.

Hằng năm, bên cạnh việc thực hiện tốt chương trình giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng tìm hiểu thông tin, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Nhà trường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và việc làm tỉnh Thái Nguyên, phối hợp với các trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các ngày hội: Ngày hội tư vấn tuyển sinh; ngày hội tư vấn hướng nghiệp và việc làm...

Ngày 08/11 vừa qua, Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và việc làm tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và việc làm có các doanh nghiệp, trường đại học, trung tâm tham gia tư vấn và trưng bày 13 gian hàng sản phẩm khoa học, công nghệ. 100% học sinh và cán bộ, viên chức nhà trường tham gia chương trình.

Bạn đọc

Bạn Hoangthaonguyen99@.... :

Trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại một số tập quán, hủ tục lạc hậu như: Mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám hiếu, còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, uống nhiều rượu trong đám cưới, đám tang, tục “kéo vợ” của người Mông đang bị biến tướng. Trước thực trạng đó, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên sinh viên tham gia xóa bỏ thủ tục lạc hậu như thế nào?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô giáo Trần Thị Thanh Huệ.

Cô giáo Trần Thị Thanh Huệ.

Hiểu được tầm quan trọng của việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp các em tiếp cận với lối sống văn minh, hiện đại. Thời gian qua, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, động viên.

Cụ thể, qua mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi sinh hoạt lớp, thầy cô thường lồng ghép tuyên truyền cho học sinh về các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đặc biệt các thầy cô luôn phân tích cho các em thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là xấu, việc nên làm và việc không nên làm bằng những hình ảnh cụ thể. Đồng thời, nhà trường cũng lồng ghép tuyên truyền các luật như Luật trẻ em, Luật Hôn nhân - Gia đình… vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, đời sống cho học sinh mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.

Bạn đọc

Bạn trinhnhatminh...@gmail.com:

Nhà trường đã có những cách làm cụ thể như thế nào nhằm góp phần giúp các em học sinh tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và rèn luyện, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên thường xuyên, liên tục tổ chức, quản lý hoạt động dạy và học chính khóa một cách đa dạng, phong phú các hoạt động tập thể cuốn hút tất cả học sinh tham gia, trong đó nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi dân vũ, thể thao, Rung chuông vàng, văn nghệ, thiết kế thời trang từ rác thải...

Thành lập và tổ chức hoạt động hàng chục câu lạc bộ văn hóa, thể thao và học thuật đã cuốn hút học sinh toàn trường tham gia.

Thông qua các hoạt động tập thể, các em học sinh gắn bó, gần gũi, chia sẻ, hiểu nhau và giúp đỡ nhau nhiều hơn, tinh thần đoàn kết cao hơn giữa các tập thể lớp và giữa học sinh với học sinh.

Bạn đọc

Bạn yenvan...@gmail.com:

Xin thầy cho biết, trong công tác giảng dạy cho sinh đồng bào DTTS sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Giáo dục học sinh ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú có những thuận lợi và nhiều khó khăn khác nhau. Trong thuận lợi có khó khăn và trong khó khăn có thuận lợi, tôi xin phép được chia sẻ những nội dung cơ bản nhất.

Trước tiên, về mặt thuận lợi: Hầu hết học sinh thật thà, hiền lành, mong muốn được học tập, rèn luyện tốt. Học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, các dân tộc khác nhau từ văn hóa, trang phục, phong tục, tập quán...

Học sinh học tập, rèn luyện, sinh sống tại trường. Các em xem trường là nhà, nhà là trường nên việc giáo dục học sinh có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trong giờ học cũng như ngoài giờ học.

Còn về khó khăn, sức khỏe thể chất của học sinh thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của học sinh phổ thông. Không ít học sinh nhẹ cân, học sinh mắc bệnh răng, miệng, dạ dày, thiếu kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bố mẹ bỏ nhau phải sống với ông bà, người thân, gia đình rất nghèo khó, đồng thời có một bộ phận học sinh thuộc gia đình khá giả nên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường tự ti, ngại hòa đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận học sinh bộc lộ cá tính cục bộ, vị kỷ do ảnh hưởng của nếp sống, hủ tục vẫn còn ở một số gia đình, địa phương vùng xa, vùng sâu khác nhau. Không ít học sinh có thói quen không vệ sinh sạch sẽ, thiếu nền nếp, gọn gàng, ngăn nắp...

Tóm lại, giáo dục dân tộc còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nhà quản lý và đội ngũ phải thật sự tâm huyết, luôn sát sao, gần gũi học sinh, có khả năng chịu đựng áp lực làm việc ngoài giờ hành chính, có khi nửa đêm đưa học sinh đi bệnh viện chăm sóc do ốm, đau đột xuất...

Bạn đọc

Bạn Hoa.88@..... :

Học sinh trường TP Vùng Cao Việt Bắc chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền núi, nhiều em chưa đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Vậy, làm thế nào để các em nhanh chóng nắm bắt kiến thức, sớm hòa nhập với môi trường học tập và cuộc sống mới?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số có nhiều đặc thù và gặp nhiều khó khăn song Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc luôn quyết tâm trong chỉ đạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đời sống sinh hoạt và nắm bắt tâm lý của học sinh.

Với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm tâm huyết, hiểu biết sâu về tâm lý, đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số.

Các thầy cô đã không quản ngại về thời gian, công sức xây dựng kế hoạch giảng dạy và giáo dục phù hợp như tăng cường phụ đạo, dạy kèm từng học sinh, nhóm học sinh, tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng…

Một buổi học nhóm của các học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Một buổi học nhóm của các học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Các em là dân tộc rất ít người, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn - đối tượng còn nhiều thiếu hụt về kiến thức, nhà trường đã thực hiện phương án chia thành các nhóm nhỏ, phụ đạo lấp đầy kiến thức. Thời gian phụ đạo học sinh yếu, kém mỗi tuần từ 2-3 buổi cho các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Nhiều em sống ở vùng sâu, vùng xa khi về trường học tập mang tâm lý mặc cảm, tự ti và khép mình, thấu hiểu tâm tư tình cảm của học trò, thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn thay cha mẹ chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, rèn luyện nề nếp sinh hoạt. Đó là lý do, học sinh trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc luôn coi trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.

Nhờ đó, tỷ lệ học sinh khối lớp 12 của nhà trường đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm là 100%, Nhiều em đoạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia, Quốc tế. Nhiều Huy chương Vàng, Bạc, giải thưởng lớn tại các cuộc thi tìm hiểu khoa học kỹ thuật...

Bạn đọc

Bạn Quangnguyen68@...:

Thưa thầy, hiện nay học sinh đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên sẽ được hưởng những chế độ và chính sách cụ thể ra sao?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Hiện nay, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên đang được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước nói chung và các chính sách riêng của tỉnh Thái Nguyên.

Cụ thể: Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, HS, SV người dân tộc thiểu số rất ít người; Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã KV III, KV II, KV I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025;

Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Phổ thông Dân tộc nội trú; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025;

Các thế hệ thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên.

Các thế hệ thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên.

Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN; Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 của UBND tỉnh quy định vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thuộc diện tuyển sinh vào các trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh;

Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GDĐT về việc hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các trường dự bị ĐH; Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh Thái Nguyên quy định mức hỗ trợ tiền ăn của học sinh các trường Phổ thông Dân tộc nội trú thuộc tỉnh quản lý; Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 21/8/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quy định về việc thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các trường Phổ thông Dân tộc nội trú thuộc tỉnh quản lý.

Chia thành 9 nhóm chế độ chính sách: Tuyển sinh đầu cấp; chế độ học bổng và miễn học phí; chế độ trang cấp hiện vật, học phẩm, báo, tạp chí, sách giáo khoa; chế độ chăm sóc sức khỏe; chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc nội trú đặc biệt ít người; chế độ hỗ trợ hoạt động tập thể; chính sách khen thưởng; chính sách hỗ trợ tiền ăn; chính sách tuyển sinh đại học.

Bạn đọc

Bạn Lananh98@.... :

Thưa thầy/ cô hiện nay, chính sách hỗ trợ đối với học sinh đang theo học tại Trường PT Vùng Cao Việt Bắc được quy định và triển khai cụ thể ra sao?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Về chính sách hỗ trợ đối với học sinh đang theo học, Nhà trường thực hiện theo Thông tư 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/05/2009. Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ về Quy định chính sách ưu tiên, tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Theo đó, học sinh đang học tại trường được hưởng các chế độ ưu đãi sau đây:

Về học phí: Học sinh thuộc đối tượng trên được miễn học phí.

Chế độ Học bổng: Học sinh học tại trường được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và được hưởng 12 tháng trong năm (Học sinh dân tộc rất ít người được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu).

Đối với Hệ Dự bị Đại học dân tộc, học bổng được cấp theo số tháng thực học của năm học đó theo quy định tại mục II, Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC, ngày 28/04/2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trang cấp hiện vật: Học sinh khi nhập trường được Nhà trường trang cấp bằng hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân như sau: Chăn bông, màn, áo chống rét, chiếu, quần, áo (đồng phục); Khối 12 trang cấp học sinh nam 1 bộ comple và học sinh nữ 1 bộ áo dài.

Tiền tàu xe: Học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết hoặc dịp nghỉ hè. Nhà trường tổ chức đưa học sinh về nghỉ hè, Tết ở tất cả các tuyến.

Hỗ trợ học phẩm: Hàng năm, học sinh được cấp bằng hiện vật học phẩm theo tiêu chuẩn từng bậc học.

Sách giáo khoa: Nhà trường xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 1 bộ sách/1 năm. Trường tổ chức tốt việc cho mượn và bảo quản sách giáo khoa để được sử dụng lâu dài, có hiệu quả; hàng năm trường được mua bổ sung số sách giáo khoa bằng 10% số đầu sách giáo khoa của tủ sách dùng chung.

Ngoài ra, với ngày Tết Nguyên đán, Tết dân tộc: Nhà trường tổ chức cho học sinh của trường liên hoan và nhận quà tặng trong dịp Tết Nguyên đán với mức chi 100.000 đồng/học sinh. Các dịp Lễ, Tết khác (Khai giảng; Bế giảng, Rằm tháng bảy, Quốc khánh; Tết Dương lịch; 30/4- 01/5; Tết 3/3 Âm lịch…) chi liên hoan 10.000 đồng/học sinh.

Đồng thời, học sinh được tổ chức khám sức khoẻ hàng năm và hưởng bảo hiểm Y tế, cấp phát thuốc thông thường cho học sinh đặt tại tủ thuốc của trường...

Bạn đọc

Bạn Luanbao62...@gmail.com:

Với đặc thù là học sinh là người dân tộc thiểu số, các em rời xa gia đình để về đây học tập và rèn luyện, vậy nhà trường đã làm thế nào để tạo động lực, khuyến khích các em sớm thích nghi với môi trường mới?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, vui nhộn, cuốn hút học sinh tham gia.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, vui nhộn, cuốn hút học sinh tham gia.

Nhà trường luôn chú trọng xây dựng môi trường giáo dục chất lượng đảm bảo ngay từ ngày tựu trường, học sinh và cha mẹ học sinh cảm nhận được môi trường vật chất: Xanh, sạch, đẹp, hiện đại; Môi trường văn hóa: An toàn, thân thiện, chia sẻ, đoàn kết, vui tươi. Tổ chức các hoạt động đầu năm học đa dạng, phong phú, vui nhộn, cuốn hút học sinh tham gia, nhất là học sinh đầu cấp.

Quản lý tốt chất lượng thực hiện các chế độ chính sách. Đội ngũ, thầy cô suy nghĩ và hành động thực sự như khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu"... khiến cho học sinh luôn cảm thấy "nghiêm túc nhưng không gò bó", "thân thiện nhưng không thiếu chuẩn mực", ở trường như ở nhà, ở trường thích hơn ở nhà đúng như khẩu hiệu: "Trường là nhà, bạn học là anh em, thầy cô như cha mẹ". Hằng năm, vẫn còn khoảng 5% học sinh lớp 10 khó thích nghi với môi trường mới nhưng chỉ trong tháng đầu tiên của năm học.

Bạn đọc

Bạn lequyen...@gmail.com:

Là trường Phổ thông Dân tộc nội trú với số lượng học sinh đông, nếp sống, sinh hoạt khác nhau, vậy nhà trường đã có cách thức quản lý học sinh như thế nào để bảo đảm sự an toàn và nâng cao chất lượng hoạt động tự học của học sinh nội trú, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Trường

Thầy Nguyễn Văn Trường

Giao lưu trực tuyến 'Đồng hành cùng trò vùng cao' ảnh 39

Để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng học tập của học sinh, nhiều năm qua, nhà trường đã giáo dục, tuyên truyền, vận động học sinh thường xuyên, liên tục bằng những hoạt động ngoài giờ, làm cho học sinh nhận thức về giá trị sống trước, rèn cho học sinh về kỹ năng sống sau;

Chú trọng rèn luyện học sinh kỹ năng tự giác, kỹ năng tự học trong môi trường tập thể; Quản lý sát sao, gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ, động viên học sinh mọi lúc, mọi nơi, đảm bảo vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, làm cho mỗi học sinh luôn thấy mình được quan tâm, thấu cảm, rèn giũa là giải pháp rất quan trọng để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện - là điều kiện không thể thiếu để nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục nói chung, hoạt động tự học nói riêng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Maihuonglan@...:

Với đặc thù đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, khả năng phát triển còn hạn chế, cô có thể cho biết, để trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết cho hiện tại cũng như tương lai nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng sống như thế nào?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Những năm gần đây, nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết cho hiện tại cũng như tương lai.

Bên cạnh đó, nhà trường đã gắn việc tăng cường kỹ năng sống này với hoạt động giáo dục trong cả năm học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Một trong những buổi ngoại khóa của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Một trong những buổi ngoại khóa của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Khi xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, nhà trường đã chú trọng đến cách làm và hiệu quả của các hoạt động. Vì vậy, ngoài phương pháp tích hợp giáo dục qua môn học như môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Địa lí, Lịch sử, Sinh học... giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn được tổ chức thường xuyên, liên tục thông qua các hoạt động ngoại khóa vào giờ chào cờ đầu tuần hoặc nhân các ngày lễ lớn trong năm học.

Đoàn thanh niên đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Cuộc thi nấu ăn, Ngày hội ẩm thực, Hội chợ tết vùng cao, Thi Olympic tiếng Anh… Tổ chức nhiều chương trình nhằm gắn kết các đoàn viên thanh niên như: Tuyên truyền qua phát thanh, tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ điểm theo từng tháng, từng tuần.

Chương trình sinh hoạt dưới cờ là một hoạt động rất đặc sắc, tiêu biểu của nhà trường, tại buổi sinh hoạt các em sẽ thực hiện tuyên truyền về những ngày lễ lớn, như: Ngày sinh của anh Lý Tự Trọng, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam… Đồng thời, lồng ghép chủ đề về văn hóa, bản sắc dân tộc như nét đặc sắc về trang phục, các tục lệ, giúp các em có thêm kiến thức, biết tôn trọng, tự hào về dân tộc mình.

Ngoài ra, để giúp đỡ và động viên tinh thần những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn trường đã có chương trình thắp sáng ước mơ tuổi trẻ trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã trao những suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ, dân tộc đặc biệt ít người, qua đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, sẵn sàng đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Maitrang@.... :

Trường PT Vùng cao Việt Bắc được biết đến là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc. Vậy từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo được tổng số bao nhiêu học sinh và chủ yếu là đồng bào những dân tộc nào, thưa cô?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được thành lập năm 1957, tiền thân là Trường Thiếu nhi Vùng cao và Trường Bổ túc công nông Khu Tự trị Việt Bắc. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 50.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có hơn 600 học sinh thiểu số dân tộc rất ít người như Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố y...

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc ngày càng khẳng định được thương hiệu là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc.

Các thế hệ thầy cô giáo nhà trường vẫn luôn nỗ lực, tận tụy hết lòng vì học sinh các dân tộc thân yêu, chắp cánh khát vọng chinh phục tri thức để các em theo đuổi đam mê, viết tiếp ước mơ của lớp lớp các thế hệ học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ